Thói quen viết tiểu thuyết của các nhà văn lớn

21.01.2010

Thói quen viết tiểu thuyết của các nhà văn lớn

Mỗi nhà văn thường có những thói quen, những kinh nghiệm sáng tác riêng, không ai giống ai. Dưới đây là những kinh nghiệm viết văn được một số tiểu thuyết gia được chia sẻ trên Wall Street Journal.

 

Orhan Pamuk: Viết bất cứ lúc nào, bất cứ đâu miễn là có... cảm hứng

Tiểu thuyết gia Thổ Nhĩ Kỳ đoạt giải văn học năm 2006 thường sửa đi sửa lại câu đầu tiên của tác phẩm từ 50 đến 100 lần. "Điều khó nhất luôn là câu đầu tiên - viết được nó thật nhọc nhằn", Pamuk nói.

Pamuk thường viết tay, trên các cuốn sổ có giấy kẻ ô li. Ông viết đầy chữ trên một trang, trang bên kia để trống - tiện cho việc sửa chữa. Nhà văn chuyển những trang đã viết được cho thư ký. Người này nhanh chóng trả lại cho ông bản thảo đã đánh máy. Ông sửa tiếp và chuyển cho thư ký đánh máy lại. Chu trình này lặp đi lặp lại 3 - 4 lần.

Tác giả Tên tôi là Đỏ chia sẻ, ông viết bất cứ lúc nào, bất cứ đâu, miễn là có cảm hứng: trên máy bay, trong khách sạn, trên ghế đá công viên.

 

Hilary Mantel: Thức dậy là viết

Viết là điều đầu tiên nhà văn Anh Hilary Mantel muốn làm khi thức dậy vào mỗi sáng, trước cả việc thốt lên một từ nào đó hoặc nhấm nháp một ngụm cà phê. Bà thường viết ra các ý tưởng hoặc ghi lại giấc mơ của mình. "Nếu không làm được như thế, tôi sẽ thấy rất khó chịu", bà nói.

Mantel là người mê ghi chép. Đi đâu bà cũng mang theo một cuốn sổ tay. Một vài từ ngữ kỳ quặc, một đoạn hội thoại hoặc vài câu tả cảnh... đều được bà ghi lại và lưu giữ một góc trong nhà bếp. Và chúng sẽ không bị vứt đi chừng nào chúng chưa được nhà văn nhét vào một tác phẩm nào đó của bà.

Bà từng dành ra 5 năm để nghiên cứu và viết Wolf Hall - cuốn tiểu thuyết vừa đoạt giải Booker 2009. Đây là một tiểu thuyết lịch sử. Vậy nên một trong những thử thách lớn nhất là tạo sự trùng khớp hợp lý giữa những sự kiện hư cấu với các vấn đề lịch sử. Nhằm tránh mâu thuẫn, nhà văn tạo ra các danh thiếp mang tên nhân vật. Mỗi tấm ghi chú thích về mối liên hệ giữa nhân vật và các sự kiện lịch sử.

 

Kazuo Ishiguro: 2 năm thu thập tài liệu, 1 năm viết

Tác giả của 6 cuốn tiểu thuyết, trong đó có giải Booker giành cho Remains of the Day thường dành ra 2 năm để sưu tầm tư liệu và một năm để viết mỗi tác phẩm. Vì sáng tác của ông thường được kể từ ngôi thứ nhất, nên giọng kể đóng vai trò quan trọng đối với thành công của cuốn sách. Vì vậy, nhà văn thường "thử giọng" bằng cách viết một vài chương từ điểm nhìn của các nhân vật khác "tôi".

Trước khi bắt đầu một bản thảo, Ishiguro thường soạn sẵn các thư mục ghi chú, không chỉ cho cốt truyện mà còn cho các vấn đề liên quan đến giọng trần thuật, cảm xúc hay hồi ức của nhân vật.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng "giúp tôi có cơ hội "ém" cho giọng kể nhiều nét nghĩa để khi nhân vật có thể nói điều này, nhưng độc giả sẽ thu nhận được nhiều điều khác", nhà văn chia sẻ.

Nhà văn xếp các ghi chú thành từng tập rồi bắt đầu viết bằng tay. Ông sửa chữa bản thảo bằng bút chì. Sau đó, Ishiguro đánh máy, đọc và gọt dũa lại lần nữa. Có khi, ông cắt bỏ cả một trường đoạn dài tới 100 trang.

 

Michael Ondaatje: Bí đoạn nào, bỏ đó, viết sang đoạn khác

Khổ giấy viết yêu thích của tiểu thuyết gia đoạt giải Booker Michael Ondaatje là 8,5 x 11 inch (21 x 27 cm) của hãng Muji. Ông viết tay, thường dùng kéo, cắt dán các đoạn bản thảo vào với nhau. Có khi một trang cuốn sổ viết của ông dày đến 4 - 5 tầng vì vậy.

Từ ngữ không phải là vấn đề thử thách đối với Ondaatje. Điều khó khăn là sắp xếp và viết chúng thành công. "Tôi không thể hiểu nổi khái niệm "sự bế tắc của nhà văn". Nếu tôi thấy bí ở đoạn nào, tôi bỏ đó, viết sang đoạn khác", ông chia sẻ.

Với Ondaatje, cốt truyện thường đến với ông bắt đầu từ một "tình huống nhỏ". Còn với tiến trình viết, nhà văn cho biết: "Một số nhà văn đã biết câu kết tác phẩm ngay từ khi mới bắt đầu. Tôi thậm chí còn chưa biết câu thứ hai thế nào khi đang viết câu thứ nhất".

 

Margaret Atwood: Ý tưởng đến ghi chép lại ngay

"Đặt tay trái lên bàn. Để tay phải tự do trong không khí. Ngồi như thế đủ lâu, bạn sẽ có một cốt truyện", Margaret Atwood trả lời cho câu hỏi, làm sao để có ý tưởng viết văn. Nhưng khi được hỏi cuốn tiểu thuyết nào của bà được viết ra từ cách đó, nhà văn trả lời "Không, tôi không phải dùng đến cách đó".

Atwood, tác giả của 13 tiểu thuyết cùng nhiều tập thơ, truyện ngắn, tiểu luận, rất hiếm khi bế tắc. Khi ý tưởng đến, bà nhanh chóng chép lại nó, vào bất cứ đâu: thực đơn nhà hàng, rìa báo… Rồi từ đó, bà bắt đầu nghĩ về hướng triển khai tác phẩm "nhưng thường là chả đúng tẹo nào khi so sánh với tác phẩm đã hoàn thành"

Nhà văn từng hai lần hủy bỏ toàn bộ bản thảo sau khi đã viết được 200 - 300 trang. Một lần vào những năm 1960 và lần kia vào đầu 1980.

 
THANH HUYỀN