Lãng du một khúc đồng dao

21.01.2010

Lãng du một khúc đồng dao

Bút ký dự thi

àn trẻ nhỏ chia phe đánh giặc giả, tung tấy cát vào nhau đã đời rồi lại vỗ tay reo hò khúc đồng dao vang lừng trên cồn cát ven sông: “Ông giẳng ông giăng.Ông giẳng búi tóc. Ông khóc ông cười. Mười ông một cỗ. Đánh nhau vỡ đầu. Đi cầu hàng huyện. Đi kiện hàng phủ. Một lũ ông già”...

Thú thật là rất lâu rồi tôi mới lại được nghe trẻ con hát đồng dao đẹp đến thế. Đẹp là vì bọn trẻ hát hồn nhiên thật lòng, hát say sưa quên trời quên đất, quên luôn cả trận lũ lụt dữ dằn đi qua còn để lại đầy vết tích lở lói cả một quãng sông dài. Dường như trẻ con bây giờ hiếm hoi những bài đồng dao như thế, cả trên bờ môi của bao bà mẹ trẻ cũng chừng như vắng bóng những khúc hát ru, một chất bổ dưỡng nuôi nấng tâm hồn cho trẻ thơ. Chưa nói đến các vùng đô thị, ngay cả ở các làng quê cũng đã thưa thớt lắm rồi, người ta có thể thuộc lòng, kể vanh vách cho nhau những nhân vật trong phim Hàn Quốc, Đài Loan, có thế mùi mẫn ca cẩm những bài nhạc rẻ rúng lời tỏ tình nhạt như nước ốc, thậm chí còn biết cả pop, rock, nhưng một câu ca dao hoặc một khúc dân ca thì lại đâm ra ú ớ.

Đang một ngày điền dã theo các dòng sông quê ở ngoại thành Đà Nẵng, là tôi ăn theo cái chuyến khảo sát của một người bạn có dự định muốn mở những tour du lịch bằng thuyền nhỏ chạy theo các tuyến sông con. Để minh họa cho cái dự án lãng mạn của mình, bạn tôi chìa cái tờ quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Văn Minh, ký vào hồi tháng 6 năm 2009 quy định về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và phát triển tàu du lịch trên sông Hàn và các tuyến sông khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Cho dẫu không rành cho lắm về chuyện kinh doanh du lịch, nhưng quả thật được ngồi trên những chiếc thuyền máy nhỏ chạy lượn lờ trên từng nhánh sông con, thưởng ngoạn cảnh quan những vùng đồi núi chập chùng và bao làng quê làng nghề, ai bảo đấy không phải là một hấp lực réo gọi cảm xúc con người trước cái đẹp thanh bình của mỗi miền quê. Đâu phải chuyến du lịch nào cũng là những cuộc rong chơi hào nhoáng, phung phí theo cái kiểu của con nhà trọc phú, mà chính là để được tắm táp lên mình cái đẹp của thiên nhiên và văn hóa, lịch sử của từng vùng đất. Người trong nước hay người nước ngoài nào cũng đủ các thành phần, đối tượng. Nhưng hầu như nơi nào cái đẹp của văn hóa bản địa, tức là cái bản sắc riêng của mỗi vùng miền mới là linh hồn của đất biết làm bịn rịn bước chân con người. Nói là vậy, nhưng mới chỉ là cái giấc mơ của bạn tôi nên nào có thuyền lớn, thuyền bé gì để được một ngày lênh đênh với sông nước. Và vì thế gọi là điền dã để khảo sát là gọi cho nó kiểu sức, nó oai, chứ thực ra cứ ngồi trên xe máy theo đường bộ mà vi vu một cách đầy ngẫu hứng. Có lẽ cũng nhờ cái sự ngẫu hứng, tùy hứng ấy mà một buổi chiều đẹp bên dòng sông Lỗ Đông, đã neo đậu vào cái trí nhớ vốn thường khói sương của tôi những "ông giẳng ông giăng" bát ngát một trời tuổi thơ rười rượi hoan ca cùng gió hòa bình!

Dòng sông Lỗ Đông là vùng thượng lưu của sông Túy Loan, bắt nguồn từ Trường Sơn chảy về. Tôi đã từng ngụp lặn trên dòng sông này thời con đường 604 mở theo bờ Nam ven sông còn san nền bạt ta-luy từng mét đất. Thời ấy, các anh chị công nhân công trường Thắng Lợi (nay là Công ty Công trình giao thông Đà Nẵng) vừa từ chiến khu mới "hạ sơn" xuống đồng bằng. Không hiểu từ khi con đường được mở ra cho đến ngày hoàn thành, con sông này đã làm nhân chứng cho bao tình yêu được khai sinh từ đây, có điều cùng với thanh âm xôn xao bài hát đồng dao của đàn em nhỏ, tôi lại nghe ra âm vang một thời của những người mở đường 604 ngày xưa ấy. Bây giờ nằm kế cận với con đường này, đoạn qua làng Phú Túc xã Hòa Phú là khu du lịch sinh thái Suối Hoa vừa mới mở ra từ vài năm nay, tưng bừng bao sắc màu văn hóa. Nào lễ hội của người Cơ Tu, nào quyến rũ những nhà gươl, rượu cần, rượu tà vạt, dặt dìu theo tiếng đàn H"roa mà thấm đẫm men say núi rừng. Đấy là tôi nói theo cách diễn đạt của người làm du lịch mời gọi. Còn tôi, núi đẹp, núi mời gọi là bởi chính sự hoang sơ muôn thuở.Tiếng nói của đại ngàn là tiếng nói mênh mông, thâm nghiêm của non cao rừng thẳm chứ không phải là một sân khấu thời thượng mang tên về nguồn. Khơi gợi mọi cảm xúc, gieo vào lòng người nguồn mĩ cảm tức là biết làm bừng tĩnh cái chân thức trong mỗi con người, để ngộ ra sự mong manh bé nhỏ của mình trước vô tận mà biết cách ứng xử với thiên nhiên, hòa điệu với thiên nhiên. Người muôn phương sẽ nhìn vào bề sâu, bề dày văn hóa của mỗi vùng đất để hiểu ra chủ nhân của đất đai xứ sở ấy là ai.

Một nhà điêu khắc người Mĩ mà tôi quen biết, tên anh là Jimson. Từ năm năm nay, năm nào anh cũng qua Việt Nam làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm độ vài ba tháng. Cứ mỗi lần như thế, Jimson đều phải tìm cách ra Đà Nẵng ở lại mươi ngày nửa tháng để... đi chơi! Chẳng phải giàu có gì, anh thường phải nghỉ trọ ở một khách sạn rẻ tiền trong một con hẻm trên đường xuống biển Mỹ Khê. Một cách du lịch không lấy gì làm thong dong cho lắm nếu như không muốn nói là cam khổ. Vậy mà Jimson không thể không có mặt ở Đà Nẵng. Anh bảo với tôi: "- Đà Nẵng cho tôi cái cảm giác bình yên như được ở quê mình vậy". Qua nhiều lần trò chuyện, tôi hiểu đấy là tiếng nói từ trực cảm của Jim chứ không hề là xã giao kiểu sức sáo mòn. Có lần Jim cần tìm đất sét để đắp tượng, tôi vẽ đường và giới thiệu cho anh tự đi một mình đến nhà máy gạch Tunnel Hòa Khương – nơi tôi quen biết, để anh tìm đất sét. Sau lần ấy, Jim trở thành bạn luôn với giám đốc nhà máy, và Hòa Khương trở thành cái địa chỉ thân thiết của Jim, anh tới anh về như được đi lại giữa lòng quê hương của mình. Cái cảm giác bình yên và tin cậy của chàng nghệ sĩ điêu khắc Jimson có được đối với đất và người Đà Nẵng cũng là tình yêu của Jennifer Thomas - cô ca sĩ người Úc. Khác với Jim thường thích "giang hồ vặt", lúc nào cũng lè kè cuốn từ điển tiếng Việt để tìm hiểu cho đến từng...cây cỏ, Jennifer thì chuyên sưu tầm những bài hát dân ca. Ai đã từng nghe Jennifer hát dân ca đất Quảng một cách say sưa như...tín đồ hát thánh ca, sẽ hiểu ra trái tim người ca sĩ ấy đầy ắp nhường bao thiện cảm với xứ sở "đất chưa mưa đà thấm", rộng ra hơn là còn cả Bắc - Trung - Nam ba miền. Trân trọng những tình cảm đó đã có lần tôi viết bài về Jennifer đăng trên báo Nhân Dân cuối tuần, góp một chút hương sắc quê nhà làm quà cho khách phương xa.

Chỉ một buổi chiều bên dòng Lỗ Đông làm tôi nhớ cả ngàn chuyện. Cái đẹp thanh bình yên ả của một miền quê bán sơn địa nơi đây tựa như cái thế giới trong câu ca mẹ hát ru ngày xưa: "Thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ". Cảnh thái bình trong câu hát ru của mẹ không chỉ là cảnh thái bình bước ra khỏi những cuộc chiến tranh, mà còn là nơi không có chỗ cho tham vọng và mưu toan ẩn trú, không có chỗ cho kẻ trộm đêm kẻ cướp ngày lộng hành, tất cả mọi cửa nhà đều mở thông thốc chẳng cần then cài cổng kín cho niềm bình yên tưới tắm thấm đẫm đến mọi ngõ ngách tâm hồn. Bỗng dưng tôi nhìn ra, nhận ra cả một phía tây Đà Nẵng, những làng mạc trải dài dưới chân đồi núi chập chùng ẩn trong sương chiều vừa hiện thực vùa huyền ảo lạ lùng. Nếu như phía đông Đà Nẵng, gần như đan kín suốt cung đường ven biển là tấp nập bao nhiêu dự án Resort, khách sạn, nhà hàng - một thế giới luôn âm ỉ, không ngừng những chuyển động, thì phía tây Đà Nẵng là một thế giới tĩnh, nơi ta có thể an trú vào thiên nhiên hoang sơ và đại ngàn tươi xanh hùng vĩ. Nơi những làng quê cổ kính Trước Bàu, Trung Lai, như từ cổ tích rao giảng cho con người cái triết lý thường hằng sông cạn đá mòn. Tôi đã nhiều lần đi thuyền vòng quanh cái hồ chứa Trước Đông ở Hòa Nhơn. So với những cái hồ khác ví như Phú Ninh hay Vĩnh Trinh, thì cái hồ Trước Đông chỉ nhỏ như một cái "ao làng". Người Đà Nẵng hẳn còn lạ lẫm với cái hồ chứa khuất lấp giữa bốn bề đồi núi này. Vâng, nó nhỏ nhoi lặng thầm nguồn mạch nước như thế, nhưng nói theo ngôn từ của một nhà thơ: “Ôi Sông Hồng, sông Hồng vạm vỡ. Có khi người thiếu đi một tiếng thương thầm”. Ở cái "ao làng" Trước Đông này hẳn sẽ khó mà vạm vỡ như Phú Ninh hay Vĩnh Trinh, nhưng từ trong sâu lắng của nó thì tiếng thương thầm luôn âm ỉ mãi những huyền thoại trong lòng người. Đã bao đời người, đời cây trên suốt cả một vùng đất đồi gò bao la này nhuộm xanh những giấc mơ từ khi cái hồ chứa Trước Đông được tạo dựng. Huyền thoại về một người chủ nhiệm trẻ, thời hợp tác xã còn bao cấp đã gan góc chứng minh sức vóc của mình qua cuộc phiêu lưu tìm kiếm nguồn nước tưới cho những cánh đồng quanh năm khô hạn, cứ tươi tốt như cây xanh mỗi ngày phủ kín quanh vùng lòng hồ. Đấy cũng là sức sống của văn hóa, tất cả đều từ tình yêu của quần chúng mà ra cả. Nó cùng với ca dao, tục ngữ, kể cả những chuyện vui tiếu lâm làm nên một thứ bản sắc độc đáo thấm đầy tình đất tình người.

Không am tường về địa chí cho lắm, nhưng khi bắt gặp hai ngôi miếu cổ dưới bóng râm cây đa già ở phía bắc hồ Trước Đông, tôi đoán chừng hai ngôi miếu cổ đã xây dựng có hơn hàng thế kỷ rồi. Bộ rễ cây đa phủ từ mái ngói xuống tường đá bao bọc chung quanh cùng với mái ngói âm dương dày rêu xanh cho tôi đoán định ra tuổi tác ấy. Nghĩa là qua bao cuộc binh lửa chiến tranh tàn khốc, kì lạ thay một vùng quê bom đạn cày xới đến từng cây cỏ còn không có đất sống, vậy mà hai ngôi miếu cổ vẫn tồn tại một cách kì diệu. Những dấu vết đạn bom lỗ chỗ trên mái ngói, trên tường đá như muốn chứng minh cho một sức chiến đấu siêu hình, để hai ngôi miếu cổ trường tồn cùng lịch sử mở đất lập nên làng xã của tiền nhân một thời xa xưa nào đó. Đáng tiếc là những câu liễn chữ Nho được khảm khắc bằng sứ gắn hai bên trụ trước cửa miếu, đã bị mưa bão tháng năm làm bong ra rơi rụng không còn nguyên vẹn để ta có thể vịn vào đó mà lần ra thời gian. Cho dù không hiểu rõ thuật phong thủy, nhưng từ hai ngôi miếu cổ trên bờ hồ nước trong xanh biêng biếc, tôi cũng có thể hiểu ra con đường sinh mạch nối chuyện ngàn xưa vào bây giờ như một xác lập bao giá trị làm nên sự sống, một sự sống đầy nhân văn trong ý niệm “Cây đời mãi mãi xanh tươi" của Goethe. Dường như mọi lý lẽ về siêu việt đều khó lòng giải thích. Khi nói đến một vùng địa linh nào đó, người ta chỉ có thể minh họa sự xuất hiện của những nhân kiệt. Đấy là một bí ẩn luôn gợi mở và kích thích mọi nỗi ham hố khám phá. Nhìn hai ngôi cổ miếu, tôi lại nghĩ đến những bức tường hoang xiêu đổ còn sót lại trong lau lách rừng rậm của những ngôi biệt thự do người Pháp xây dựng trên đỉnh Bà Nà ngày mới khai phá lại. Có thể hiểu đấy như là kẻ chỉ đường, để hơn nửa thế kỷ về sau nơi đây lại mở ra một địa chỉ du lịch nức tiếng của Đà Nẵng. Nếu là vậy, biết đâu chừng từ rong rêu cổ miếu này, và cả cái hồ chứa Trước Đông kia, trong tương lai lại là một cái khuyên son - thêm một địa chỉ đẹp trên bản đồ du lịch Đà Nẵng.

Trong lúc cái trí nhớ hoang vu và lắm sương khói của tôi đang tích cực làm cái công việc như một hướng dẫn viên, thì anh bạn đồng hành dường như đến hồi cao trào của sự lãng mạn. Tuyến đường sông Lỗ Đông tiếp nối Túy Loan trong cái dự án phát triển du lịch của anh trở thành chật chội, vậy là anh miên man nói với tôi về những dòng sông khác: sông Yến Nê, sông Yên, sông Cẩm Lệ, cho đến cả con sông Cu Đê ở dưới chân núi Hải Vân. Anh bảo, cũng chẳng hiểu tính khả thi của nó sẽ như thế nào, có điều sức thuyết phục của các dòng sông đang mê hoặc là điều có thật. Nếu thực hiện được, đấy cũng là cơ hội để mỗi miền quê, mỗi làng nghề truyền thống biết quảng bá về sự độc đáo của mình. Tôi đem câu chuyện của một nữ doanh nhân làm du lịch kể lại cho anh nghe như một sự khích lệ. Chị là giám đốc một công ty chế biến và xuất khẩu đồ gỗ, đồng thời là chủ nhân của một chiếc tàu du lịch trên sông Hàn. Vừa rồi chị thông tin với tôi về một dự án mới, đó là việc tái hiện lại con đò ngang trên bến sông Hàn. Con đò ngang, tức là chiếc phà ngày xưa đưa người qua lại hai bên bờ sông Hàn. Một hành trình ngắn ngủi như thế nhưng nó lại có khả năng chở con người lãng du giữa thăm thẳm thời gian và hồi ức, đấy là con đường hành hương biết khơi gợi mọi trí tưởng trên lối về vô tận. Ở đó những bến, những bờ, những tiếng rao hàng rong hoặc câu hát xẩm. Ở đó cũng có thể là tình yêu của một lứa đôi, một cung đàn gởi vào xa vắng..., tất cả sẽ được tái hiện thành một quê nhà thăm thẳm. Và lối về vô tận kia chính là bề dày, là tầng vỉa văn hóa. Cố nhiên là một nhà doanh nghiệp chị phải tính tới lợi nhuận là mục đích cuối cùng. Nhưng, là tôi ví von theo cách hiểu của mình, cũng như người gieo hạt giống biết đi tìm và chọn lựa những vùng đất tươi tốt màu mỡ phù sa. Mà bao giờ cũng vậy, đất đai ấy tươi tốt chừng nào sẽ cho con người ta thu về những mùa hoa trái bội thu chừng ấy.

Nghe tôi mô tả cái dự án đò ngang sông Hàn của một doanh nhân, anh bạn tôi xuýt xoa trầm trồ khen lấy khen để, rồi lại đem so sánh với cái dự án khai thác du lịch trên các tuyến đường sông của mình. Bây giờ thì có lẽ để đối xứng với cái con "đò ngang” kia, anh đặt tên cho dự án của mình là "đò dọc". Một ngẫu nhiên của những ý tưởng lãng mạn, mới mẻ thôi mà đã dậy trong lòng tôi vang hưởng tiếng gọi đò xa xăm một thuở nào. Cái quê nhà xa lắc xa lơ trong mù khơi trí nhớ của tôi lại xuất hiện, vừa mơ hồ vừa hiện hữu trước mắt. Gió bấc cuối năm phơn phớt lạnh ùa vào tận tim phổi. Con sông Lỗ Đông ửng lên cái màu ráng chiều hồng hào một dòng trôi như hồi quang của quá khứ soi về. Cái phút giây bổi hổi bồi hồi ấy không biết bạn tôi đang mơ màng những gì, còn tôi - tôi chẳng có ưu tư nào hết. Lúc này đây, tôi là thằng bé đang chạy theo lũ trẻ con trên cồn cát, hò reo vang lừng cùng với sông trôi gió thổi như réo gọi ngày xưa quay về !

 
Đà Nẵng những ngày cuối năm 2009
            NGUYỄN NHÃ TIÊN