Nơi xuân đến sớm
Khi Đà Nẵng trở thành đô thị loại một, là một điểm năng động hàng đầu của đất nước, Sơn Trà cũng trở mình đổi thay. Các bãi biển tuyệt đẹp quanh bán đảo như Bãi Bụt, Bãi Xếp, Bãi Rạng được xây dựng thành khu du lịch cao cấp. Sơn Trà vẫn mây phủ nhưng mang âm hưởng mới “...núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi…”. Một phố ca vui mà đằm thắm của Đà Nẵng. Một anh bạn thơ đã lên trạm Rada nói non nước hữu tình nhưng anh em ở đấy vẫn nhiều khó khăn, một “Trường Sa cạn”.
Kỷ niệm ngày thành lập Quân Đội đúng vào đợt gió mùa. Mưa gió rả rích nhưng chúng tôi quyết lên trạm Rada 29.
Mới lên đầu cầu Thuận Phước đã thấy biển trắng sóng, gầm gào, Sơn Trà phía trước mờ mịt trong mây mưa. Với 43km2 cao 693m so với mặt biển nhưng gần trọn diện tích được bao bọc bằng biển nên Sơn Trà có vẻ... chênh vênh ngay từ chân núi. Đường lên hẹp lại đang sửa chữa. Cần cẩu đang múc đất phải dừng, nép vào mé núi nhường đường cho chúng tôi. Đá sỏi và những mảng nhựa đường bị bới lên cứ cà rột rột gầm xe. Một anh e ngại, không dưới hai lần bảo “không được thì lui” nhưng anh Nguyễn Điện Biên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty ô tô Á Châu bảo đã đi là phải đến, phải lên đỉnh. Từ trạm tiếp sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình thành phố lên đường vẫn hẹp nhưng êm hơn. Những quảng vãng sương, biển trời hiện ra bao la, cây lá đẫm nước, xanh thẫm.
Chỉ một chiều lên, càng cao càng mờ mịt. Cần gạt mưa không đủ sức gạt mây giăng, cứ sáng lên rồi mờ đi. Tôi mong gặp ai đó để biết phía trước đường vẫn “thông”. Mãi rồi cũng có. Một người đi xe máy xuống, áo mũ kín mít. Thế rồi thôi. Sương dày, có lúc tầm nhìn chỉ còn chục mét. Anh Biên bảo xe thể thao không có đèn vàng dùng khi có sương mù, bù lại, sẽ cẩn thận hơn. Xe đi chậm, như leo lên cổng trời. Hai bên đường có một loài cây, hoa vàng ươm, trông như những chùm pháo hoa, sáng bừng trong sương mờ.
Và rồi “cổng trời” hiện ra, đúng nghĩa của nó. Sau chiếc cổng lừng lững là bầu trời dày sương! Trước một quãng trống đủ cho xe lên đến…đầu non để ngoặt phải đi vào đơn vị lại là vực! Sóng vỗ ầm ào!
Bên phải lối vào là quả cầu khổng lồ với những miếng ghép như quả bóng mà khi không mây thì nơi nào trên thành phố cũng thấy. Thật bất ngờ, trong sân có chừng chục chiếc xe hơi. Trước sảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật. Tôi chưa thấy ở đâu lá cờ thắm và tung bay như thế, phần phật, phần phật. Đúng thôi, lá cờ đẫm nước trước gió núi và gió biển.
Tiếng hát qua âm-li “núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi…” của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thậm vang động đỉnh núi. Anh em ùa ra: mừng khách thượng sơn! Đại úy, chính trị viên đơn vị Nguyễn Hải Hà và đại úy, trưởng trạm Lê Quang Hiện giới thiệu khách thăm: Ủy ban Quận Sơn Trà, Ủy ban phường Thọ Quang, Hội phụ nữ Thành phố, trường Lương thực - Thực phẩm, cựu binh và vợ con anh em đơn vị lên chia vui. Hoa và quà rất nhiều. Lẵng hoa Công ty thủy điện Sông Tranh còn treo kèm hai quả bóng!
Phòng Hồ Chí Minh, hình ảnh về đất nước con người: ruộng bậc thang Tây Bắc, Văn Miếu quốc tử giám, vịnh Hạ Long, đền thờ Hai Bà Trưng… Ảnh lưu niệm của Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Chủ tịch quốc hội, tướng lĩnh…của nhiều thời kỳ được trưng bày trang trọng. Ở phòng thông tin, lịch nội vụ ghi rõ giờ phút ăn ngủ, kiểm tra sáng, học tập, công tác, lau chùi vũ khí thiết bị, tăng gia sản xuất, đọc báo,... Sương tràn vào nhà, ẩm ướt, rít rịt. Đại úy Nguyễn Hải Hà nói: nhà rất kiên cố, tường cũng được đúc bằng bê tông, có thể chịu được bão cấp 17 nhưng trước khi bão vào là chằng buộc lại từ tấm bảng hiệu cho đến bảng tin rồi giằng dây cáp từ nhà sang đài rađa. Chỉ hai mươi mét nhưng phải bám dây cáp mà đi không thì bay xuống vực. Cơn bão Xangsane cuối tháng 9 năm 2006 đã thổi bay một quả cầu, thiệt hại gần 11 tỷ. Gió và độ ẩm lớn nên cờ nhanh rách, cứ mười ngày lại phải thay. Anh lính trực nói với tôi: chiều chiều mây phủ Sơn Trà là cảnh của tình xa cách chứ thực ra buổi sáng nhiều hơn. Còn mùa mưa thì cả ngày, trong nhà cũng ẩm ướt như ngoài trời, có lúc phải phơi áo quần trong tủ! Mấy cậu lính trẻ đang đứng với mấy cô gái ngoài hành lang cười: súng không lau súng mau han rỉ. Khí biển tẩm sương gió mà không “lau chùi vũ khí thiết bị đến học tập đến… lau chùi thiết bị vũ khí” thì càng mau han rỉ!
Đại úy Hải Hà giới thiệu thượng úy quân y Hồ Tuấn: người phá kỷ lục của đơn vị. Hồ Tuấn nói vì bước vào năm thứ mười lăm tại trạm rađa, lịch sử trạm trước đây là mười hai thôi. Hồ Tuấn quê Hòa Bắc, Hòa Vang, không chỉ phá kỷ lục về thời gian mà còn cả cường độ. Đơn vị độc lập nên anh luôn bám trụ đơn vị, phòng anh em ốm đau bất thường. Chừng như bệnh nghề nghiệp, phòng hơn chữa, Hồ Tuấn nhìn ngó mấy món nấu nướng rồi nói với tôi: đơn vị có bể nước có chứa được 300m3 nhưng gần bảy chục người nên vẫn thiếu. Từ tháng 5 đã phải đi cõng nước suối với hơn 200m đường dốc, năm khô hạn nhất lấy ở suối cách 3 cây số cho nên phải tiết kiệm, chắt bóp cả nước thải. Tắm giặt có xà phòng phía bên kia, cho xuống hố ga còn nước rửa rau, vo gạo đều vào đây để tưới rau. Anh chỉ hệ thống nước thải được xây mương dẫn ra đến hồ chứa rồi chỉ cho tôi những luống rau cải, cả triền rau má non mởn: rau siêu sạch. Rau lang ở đây ngon lắm, đang bị “chính vụ” sương nên quăn ngọn nhưng ăn vẫn ngọt lắm!
Đại úy Hải Hà chỉ quả cầu xa nhất bảo của Trung tâm quản lý bay Miền Trung còn đơn vị có hai quả, mở theo phiên. Mỗi quả có 101 miếng ghép, mỗi miếng là 80 triệu! Đắt vì chất liệu đặc biệt, bảo vệ thiết bị khỏi mưa gió nhưng không ngăn sóng điện từ.
Trước đài rađa là sân bóng chuyền. Đại úy Hải Hà nói điện từ ảnh hưởng sức khỏe nên các anh thường xuyên rèn luyện thể thao: bóng chuyền, bóng bàn, hát karaoke… Đơn vị còn chăn nuôi bò, heo, gà, chó. Có lúc hơn 50 con chó. Nhờ đấy mà bữa ăn của anh em đơn vị chất lượng hơn. Khỏe để chiến đấu! Binh nhất Phạm Văn Thưởng nói. Thưởng ở Phú Thịnh, Ngọc Lạc, Thanh Hoá, đã đậu khoa Luật, đại học Đà Lạt nhưng em xin bảo lưu kết quả để nhập ngũ. Thưởng bảo đóng góp nghĩa vụ với Tổ quốc trước.
Trong đài rada, bảng tọa độ bằng kính to như chiếc gương lớn vẽ bản đồ Việt Nam có những vòng tròn và các điểm: Đồng Hới, Hà Tĩnh, Plei-Ku, Quy Nhơn, Biển Đông…Trạm trưởng Lê Quang Hiện nói H29 của E290 thuộc sư đoàn Không quân 375. Bán kính quét của rađa 300km. Nhiệm vụ đơn vị là phát hiện mục tiêu chiến đấu trên các hướng, không để Tổ Quốc bị bất ngờ vì các tình huống, phát hiện các phương tiện bay báo về Sở chỉ huy Trung đoàn, các đơn vị hoả lực trong sư đoàn và các đơn vị hiệp đồng. Hiện nay Sơn Trà đang góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế của thành phố, các bãi biển đẹp quanh bán đảo thành khu du lịch cao cấp. Ở vị trí quân sự và kinh tế càng phải đẩy mạnh tính bảo vệ và chiến đấu. Đơn vị đã hỗ trợ Hạt Kiểm lâm, điều quân đi dập cháy rừng. Mỗi tháng hai lần xuống núi giao ban địa bàn ở Ủy ban Nhân dân phường Thọ Quang, đơn vị Hải quân D351, Hạt Kiểm lâm, Đài Truyền hình, những “hàng xóm” cách ba núi, bảy đèo thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, tổ chức Trung thu, 1- 6 cho các cháu trong đơn vị. Không chỉ chăm lo sức khoẻ, đơn vị còn giao lưu với câu lạc bộ thơ Hàn Giang, chi đoàn phường, chi đoàn sở Ngoại vụ, sở Tư pháp… nâng cao đời sống tinh thần cho anh em… Chị thấy hoa dọc đường lên đây chứ? Loại hoa bất chấp cả sương gió! Chính trị viên Hải Hà cười: hoàng lạc thảo đấy! Phó chính ủy sư đoàn 4, đại tá Nguyễn Thế Minh tìm ra đấy! Hiện đã nhân trồng ở các nơi sư đoàn đóng quân: Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng đến PleiKu.
Tôi nhìn những vòng tròn với các chấm điểm: Hà Tĩnh, Đồng Hới, Quy Nhơn, Plei-Ku, Biển Đông... Đà Nẵng là trung độ của cả nước, là nơi mà cả Pháp với Mỹ đều chọn làm nơi đổ quân xâm lược. Với hơn 40 km2, cao gần 700m và ngay cửa sông Hàn, Sơn Trà không chỉ là tiền tiêu quân sự, là bức bình phong chắn đỡ bão dông cho Đà Nẵng mà còn có thảm động thực vật phong phú với nhiều loài quý hiếm, là khu bảo tồn thiên nhiên của Quốc gia. Trong lần đi tìm tư liệu về hát tuồng, tình cờ tôi được biết Sơn Trà có cây hoa sói làm dùi trống vừa chắc vừa dẻo và không bị xơ đầu. Trần Kỳ, nghệ sỹ đánh trống hàng đầu của Đà Nẵng nói như đóng đinh vào cột: chỉ riêng Sơn Trà, không nơi nào có. Điều này đã được viết trong sách rồi!
Nhìn những vòng tròn tôi hiểu mình đang ở tâm điểm, nơi những người lính trẻ đang ngày đêm, âm thầm canh giữ biên cương bầu trời Tổ quốc.
Đại úy Hải Hà mời chúng tôi ly rượu gạo với nụ cười rất dễ thương: liên hoan, tết lễ gì đơn vị đều uống rượu cho ấm nồng. Chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” được mở đầu bằng bài “Cùng hành quân giữa mùa xuân” của đại úy, phó trạm Nguyễn Anh Quang. Anh lính trẻ ngồi đối diện với tôi nhấp nhứ theo điệu nhạc và bảo chúng em ở nơi đầu sóng ngọn gió nhưng được đón mùa xuân sớm hơn dưới phố, xuân sớm đúng nghĩa đấy! Tôi bật cười: chiều chiều bao người vẫn nhìn về nơi đây. Một cậu nháy mắt với cô gái bên cạnh rồi quay sang tôi, giọng Quảng Bình vừa nặng vừa vang: em thích lên chớ không thích nhìn. Cô gái nào lên đây cũng đều là tiên nữ giáng trần! Ngay lập tức một cô bước lên hát “có anh Ba Hưng…”
Chính trị viên Hải Hà nói xuống núi có xe ôm của người tiếp phẩm cho đơn vị, mỗi lần đi về chừng trăm ngàn. Đã yêu thì mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội! Có điều giờ em tan ca cũng là giờ anh phải leo núi rồi. Bởi vậy nhiều cậu chỉ hai lần xuống núi về phép là ra quân.
Tôi bất ngờ bởi nhiều giọng hát rất ngọt. Trạm trưởng Hiện nghe tôi khen thì cười rất tươi: ti vi ở đây ảnh hưởng điện từ nên rất nhiễu. Mây mù nhiều, độ ẩm cao làm đầu máy, âm-li chất lượng thấp. Phải bù lại bằng giọng hát! Máy không “vàng” thì giọng ca phải “vàng”!
Sương tràn cả vào phòng ăn, như yến tiệc của Ngọc Hoàng. Anh lính tiếp thức ăn cho tôi, bảo: heo hấp giấy bạc ngọt lắm. Đơn vị em được ví là Trường Sa cạn và cũng là nơi đất lành, ai lên đây đều là thượng khách.
Sơn Trà đất lành! Tôi ra vọng gác với binh nhất Phạm Văn Thưởng. Sương dày được gió núi chuyển vần quấn lượn dưới chân, đọng tóc tôi, rủ xuống mát lạnh. Thưởng nói ẩm ướt chút thôi chứ hết mây là thấy núi rừng xanh thẫm, biển xanh dưới chân điểm những con thuyền, phố xá bao quanh, đúng lời hát “núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển…”. Những đêm trăng tỏ, đứng ở vọng gác này, trên đầu nhấp nháy đèn hiệu của một chiếc máy bay, dưới chân biển rì rào, ngoài khơi đèn thuyền đánh cá. Sương ngưng đọng cành lá, lấp lánh ánh bạc, biển lấp lánh muôn triệu mảnh trăng, chốc chốc một làn mây mỏng lướt qua… Tôi cười: như xiêm áo tiên nữ!
- Chúng em ngày nào cũng đứng đây đợi tiên nữ giáng trần - Giọng nói vang lên sau lưng tôi. Một cậu lính trẻ mang đến bó rau lang cười: sương giá không được mướt nhưng vẫn ngọt đó chị.
Xe xuống dốc nhanh. Hoàng lạc thảo như những chùm pháo hoa sáng bừng trong sương mờ. Trời phía trước trong hơn, phố xá hiện dần. Tôi bỗng có mong muốn như lúc lên, gặp ai đó đi ngược chiều. Thế nhưng đến khi xuống chân núi vẫn không gặp. Tôi nhìn đỉnh núi chìm trong mây, nơi ấy lá cờ đỏ thắm đang tung bay phần phật như nhịp đập trái tim trẻ.