Thơ và lời bình

21.01.2010

Thơ và lời bình

Đôi dép

Bài thơ đầu anh viết tặng em 

Là bài thơ anh kể về đôi dép 

Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết 

Những vật tầm thường cũng biến thành thơ 

 

Hai chiếc dép gặp nhau tự bao giờ 

Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước 

Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược 

Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau 

 

Cùng bước mòn, không kẻ thấp người cao 

Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp 

Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác 

Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia 

 

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi 

Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng 

Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ biết 

Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu 

 

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau 

Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía 

Dẫu bên cạnh đã có người thay thế 

Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh 

 

Đôi dép vô tri khắng khít song hành 

Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối 

Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội 

Lối đi nào cũng có mặt cả đôi 

 

Không thể thiếu nhau trên những bước đường đời 

Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái 

Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại 

Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung 

 

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song 

Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc 

Chỉ còn một là không còn gì hết 

Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia

Thơ  tình yêu nam nữ thường hay khai thác những hình ảnh có đôi có cặp, chẳng hạn như bài thơ Núi Đôi nổi tiếng của Vũ Cao: Bảy năm về trước em mười bảy/Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng/Xuân Dục Đoài Đông hai cánh lúa/Bữa thì em tới bữa anh sang/Lối ta đi giữa hai sườn núi/Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi/Em vẫn đùa anh sao khéo thế/Núi chồng núi vợ đứng song đôi… Bài thơ Đôi dép của Trung Kiên cũng đi theo cái mạch liên tưởng ấy: Hai chiếc dép gặp nhau tự bao giờ/Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước/Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược/Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau/Cùng bước mòn không kẻ thấp người cao/Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp/Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác/Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia/Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi/Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng/Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ biết/Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu…

Cái khác là và do vậy mà thành độc đáo của thơ Trung Kiên là sự hoá thân của chủ thể trữ tình vào hình tượng thơ - đôi nam nữ yêu nhau và nguyện suốt đời gắn bó với nhau trong bài thơ đã hoá thân thành đôi dép. Sở dĩ nói khác lạ độc đáo là bởi trong thơ Vũ Cao, đôi nam nữ yêu nhau và nguyện suốt đời gắn bó với nhau vẫn đứng bên ngoài hình ảnh hai ngọn núi đứng sóng đôi kia, ngay cả khi “anh mất em” - không còn có nhau nữa trên cõi nhân gian này thì “núi vẫn đôi” (thơ Vũ Cao: Núi vẫn đôi mà anh mất em).

Chủ  thể trữ tình trong thơ Trung Kiên rất tinh tế  khi phân biệt một đôi và hai chiếc. Đúng là không ai gọi hai chiếc dép cùng bên phải hoặc cùng bên trái là một đôi dép, và thậm chí cũng khó gọi là một đôi dép đối với hai chiếc dép khác bên nhưng được ghép vào nhau theo kiểu ngẫu nhiên bất kỳ. Trong tình yêu nam nữ cũng vậy, có khi cùng chung sống mà vẫn chỉ là hai chiếc dép và ngược lại có không ít trường hợp không cùng chung sống mà đích thị là một đôi dép, hay nói theo ngôn ngữ thơ Trung Kiên: Dẫu bên cạnh đã có người thay thế/Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh (…) Hai mảnh đời thầm lặng bước song song/Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc/Chỉ còn một là không còn gì hết/Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia…