Hai lần gặp chúa Sơn Lâm

21.01.2010

Hai lần gặp chúa Sơn Lâm

Cọp lợn tranh hùng
Cọp lợn tranh hùng là câu chuyện “gặp” cọp lần đầu tiên mà tôi muốn kể cho các bạn nghe lúc khề khà nâng chén chúc xuân nhân mùa Xuân Con Cọp đang về.

Những năm đầu sau giải phóng (1975), vùng núi rừng ở Sông Nam, Sông Bắc, Tài Lang, Cầu Sụp thuộc Quảng Nam Đà Nẵng cũ là nơi trồng lương thực dự trữ. Lực lượng thanh niên xung phong lên đây phát hoang núi đồi và trồng sắn. Không hiểu sao sau đấy người ta gần như bỏ ngỏ việc thu hoạch. Thời đó nhiều nơi còn thiếu ăn. Hàng trăm người từ Hội An, Quảng Nam, Đà Nẵng, có cả những người từ Huế vào đổ xô lên đấy khai thác sắn. Tôi nhớ mẹ tôi lên đó rất nhiều lần để kiếm cái ăn cho bầy con 7 đứa.

Sắn trồng mọc lẫn lộn với cây rừng. Người đi lấy sắn phải phát bỏ các bụi cây tìm sắn. Sắn trồng lâu ngày cây đã rụi, chỉ còn loe ngoe vài lá, lại bị cây rừng che phủ. Giống sắn canh nông trồng lâu ngày to củ. Mỗi ngày chỉ cần bới được vài ba bụi thì cũng đủ mệt rồi. Sắn bới được người ta lột vỏ rồi phơi khô tại chỗ. Đa số người ta xắc lát mỏng phơi cho nhanh khô trên các tảng đá ven rừng hoặc trên những tấm nilon mang theo. Những nhóm gia đình, người ta đóng cả lán trại như là một căn nhà và biến thành xưởng chế biến. Họ bào sắn ra thành từng sợi nhỏ và phơi khô giống như bún. Những người sức yếu không thể phát rừng bới sắn thì “xin” vỏ sắn của người khác lột bỏ lớp vỏ lụa bên ngoài thái nhỏ chúng ra để phơi. Vỏ sắn tươi còn được dùng để xào nấu hay muối dưa.

Ngày đó tôi còn là một cậu bé học trò cấp hai, nhân dịp hè rổi rải cùng với mấy thằng bạn lèo đẽo đi theo các anh chị thanh niên lên rừng tìm sắn. Từ Đà Nẵng, chúng tôi đi xe lam lên Nam Ô, rồi xuống bến đò đi dọc theo sông Cu Đê về phía thượng nguồn. Tôi không nhớ phải đi bao lâu, nhưng ngồi nghe chừng cũng ê ẩm lắm thì xuống cập bến vào một xóm nhỏ, rồi từ đó đi sâu vào trong rừng. Một chuyến đi như thế độ 3-4 ngày thì về, số sắn thu hoạch được vừa đủ gánh tòng teng hai đầu hai bao nhỏ. Trong một lần đi như thế tôi và mọi người đã chứng kiến cuộc giao tranh giữa lợn rừng và hổ.

Lần đó chúng tôi đi lên phía ít người khai thác. Việc thu hoạch cũng nhanh. Trong nhóm đi có người thạo đường nên dẫn đi đường tắt để về. Đang trên đường đi, kẻ trước người sau chờ nhau, chuyện trò râm ran cho quên mệt nhọc. Bỗng dưng nghe tiếng eng... éc..., eng... éc..., rồi tiếng à.... uôm..., à... uôm...  vang động cả núi rừng tĩnh lặng. Do tiếng vọng của vách đá nên tiếng kêu của hai con vật đang gầm ghè đánh nhau tưởng chừng như bên hông. Một người đi trong đoàn thoăn thoắt trèo lên cành cây trông quanh. Tuy rơi run, nhưng tôi cũng tò mò trèo lên một tảng đá cạnh đấy. Trông xa không đầy trăm mét thấy một vùng cây lá đang xao động, giống hệt như là khu vực trung tâm bão. Chúng tôi được “lệnh” của một người đi trong đoàn vừa đi, vừa chạy nhanh chóng thoát ra khỏi “vùng chiến sự” của lợn lòi và hổ dữ đang phân tranh. Có lẽ do “tìm đường thoát thân” nên chúng tôi quên cả sự mệt mỏi và gánh nặng trên vai. Lần ấy một phen cũng thật là hú vía. Tiếng gầm của cọp hoang trong tâm thức vẫn còn vọng mãi cho đến tận bây giờ.

 
Cặp cọp ông ở Bãi Chuối

Trong những năm núi rừng chưa bị cấm khai thác, từ làng tôi có thể đi lấy củi ở ba bãi là Bãi Chỗ, Bãi Tranh và Bãi Chuối. Bãi Chỗ thuộc về Hòn chỗ, là một ngọn núi nằm chơ vơ giữa biển nên gần như không có các loài thú. Bãi Tranh dính với đất liền của “phố” nhô ra  ngoài biển khơi thuộc khu vực bán đảo Sơn Trà. Bán đảo Sơn Trà thời đó còn có nhiều heo rừng và khỉ. Những con khỉ trên cổ có mảng lông trắng toát mà người ta gọi là con “giá quàng” (hay “vá” quàng - khăn quàng trông như miếng vải vá?).

Riêng Bãi Chuối dính liền với dãy Trường Sơn hay nói đúng hơn là một nhánh của dãi Trường Sơn nhô ra biển nên có nhiều thú, kể cả thúc dữ. Từ Bãi Chuối nếu băng xuyên núi hướng về đường quốc lộ số 1 chạy ngang đèo Hải Vân cao vợi sẽ tương ứng với vị trí hầm số 3. Không biết chuyện thực hư như thế nào nhưng tôi nghe người lớn kể thời chiến tranh có một con cọp “cà thọt” (di chuyển chủ yếu bằng 3 chân, vì chân kia bị thương) sống khu vực núi cạnh hầm số 3, thỉnh thoảng chạy đuổi theo tàu hoả, sau đó đã bị lính đồn trú trên đường hầm bắn hạ. Có người đi củi ở bãi này không may bị thương nặng, người ta “cắt” đường núi đưa nạn nhân lên hầm số 3 để “đón” tàu hoả đưa đi cứu chữa.

Làng tôi là một làng ven biển, nên đến các bãi đó bằng tàu đánh cá. Chuyện gặp cọp lần thứ hai khi đi củi là chuyện xảy ra ở Bãi Chuối. Tất nhiên một thằng bé 15 tuổi như tôi thời đó mà “đối mặt” với cọp thì nó đã cõng chạy đến nay chưa về. Chuyện “gặp” cọp là chuyện tôi chứng kiến cảnh tượng gặp cọp của nhiều người. Chừng đó đủ cho tôi thấy lạnh tim và tóc gáy dựng ngược để nhớ mãi cho đến tận bây giờ.    

Lần ấy, tôi đi củi ở Bãi Chuối với mẹ tôi và một thằng bạn hàng xóm trạc tuổi với tôi. Tất nhiên trong đoàn đi có nhiều người khác ở cùng làng. Tàu đổ chúng tôi xuống bãi vào một chiều hè đang dịu nắng. Nhiều người thuộc nhóm đi trước từ trên chỗ dựng lều chạy xuống bãi biển đón chúng tôi. Trong số họ có những người nhận thêm lương thực tiếp tế từ gia đình. Tôi nghe có tiếng xì xào gặp “ổng”, gặp “ổng”. Tôi thường đọc chuyện cổ tích và nghe bà nội kể chuyện nên hiểu ra ngay gặp “ổng” là gặp ai rồi. Tôi thấy hơi chột dạ. Thằng bạn tôi hỏi tôi: - Gặp “ổng” là gặp ai rứa mi?

Khi lên đến nơi dựng lều, một cảnh tượng khiến tôi bàng hoàng, ngơ ngác. Lều trại nghiêng ngửa. Chung quanh là những đám củi cháy nham nhở, có nơi còn ngún khói. Soong, nồi, xô, chậu, thau hầu hết đều vỡ toạc hoặc móp méo. Cảnh tượng như có một cuộc “chiến đấu” vừa xảy ra. Sau vài phút chôn chân, sững sờ quan sát, tôi đi lại phía đám đông đứng chỉ chỏ bên cạnh dòng suối, ngay sát bên khu đất dựng lều. Bên kia bờ suối có một tảng đã lớn. Màu tảng đá dần thẫm theo màu chiều và trở nên đen ngòm khi hoàng hôn buông dày. Trên tảng đá là nơi mà một con cọp to như con bò mộng ngồi “uống ánh trăng tan” suốt từ khuya hôm qua cho đến sáng. Người đầu tiên thức giấc đi ra suối lấy nước vo gạo đã phát hiện “ổng” bèn vất cả nồi gạo, hổn hển chạy vào lều báo động với mọi người dàn trận tự vệ.

Hôm sau, tôi lội qua suối, thấy nước chỉ ngang đầu gối. Tôi rùng mình thoáng nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu “ông ba mươi” bỏ việc ngắm trăng, từng bước lội qua dòng suối tiến về phía đám người đang reo hò chỉ với vài chiếc rựa, soong, nồi, xô, chậu, thau là vũ khí chiến đấu.

Vì cuộc sống, tuy không có ai bỏ cuộc ra về, nhưng những ngày tiếp theo người ta chỉ lên núi khi trời đã sáng trắng và tập kết về bãi cũng sớm hơn là khi chưa có sự thăm viếng của Chúa sơm lâm.

                                                                                                                                                                       

MAI HỮU PHƯỚC

Xuân Canh Dần – 2010