Dự cảm trước Mùa Xuân
Tất cả những hoạt động sôi nổi như vậy trong những ngày này không làm giảm đi sự quan tâm của người dân thành phố đối với một sự kiện văn hoá nghệ thuật tưng bừng tại Nhà hát Trưng Vương. Hội diễn sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc thu hút gần 700 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 11 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước với 13 vở diễn đã làm nức lòng những người vốn quan tâm, từng băn khoăn trăn trở về sự tồn tại của bộ môn nghệ thuật này ; không những thế, còn níu chân cả những người từng hững hờ với nó, bởi chất lượng nội dung và nghệ thuật được nâng lên đáng kể, cộng với nhiệt tình của đội ngũ đạo diễn, diễn viên, nhạc công qua hội diễn này. Trong khuôn khổ Hội diễn, một cuộc toạ đàm đầy xúc động với chủ đề “Giáo sư Hoàng Châu Ký và nghệ thuật tuồng Việt Nam” đã giúp cho mọi người nhìn nhận lại công lao đóng góp của một con người nhưng đồng thời qua đó cũng nhận ra sự phát triển, trưởng thành của cả sự nghiệp sân khấu tuồng trong thời kỳ hiện đại. Nhớ lại một sự kiện sôi động khác diễn ra hồi giữa năm, từng làm khởi sắc đời sống văn nghệ thành phố: Liên hoan âm nhạc khu vực miền Trung-Tây Nguyên và Đông Nam bộ lần thứ 3 tổ chức tại Đà Nẵng với sự góp mặt của gần 200 diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ của 20 đoàn nghệ thuật thuộc các tỉnh, thành phố. Một sinh hoạt học thuật đồng thời diễn ra, đó là hội thảo về Tính dân tộc và tính hiện đại trong đời sống âm nhạc Việt
*
Sẽ thiếu sót nếu điểm lại đời sống văn học nghệ thuật mà chỉ nói đến những hoạt động mang tính phong trào. Có ai đó nói, người ta không mong nhân loại có đến những 5 bộ tiểu thuyết Chiến tranh và Hoà bình của Liep Tônxtôi hoặc những 5 nhân vật Anna Karênina có số phận giống nhau. Văn nghệ là câu chuyện của cái cá thể, của sáng tạo cá nhân.
Một buổi chiều cuối năm Dương Lịch, tôi đang có mặt tại Hà Nội, được bạn bè mời dự cuộc triển lãm điêu khắc của một nghệ sĩ Đà Nẵng được tổ chức ngay tại phố Tràng Tiền. Khách mời khá đông, cả người ta lẫn người ngoại quốc. Người ta bên nhau vừa xem những tác phẩm điêu khắc vừa bàn luận. Cũng vui lây với người nghệ sĩ về một thành công ngay tại Thủ đô đang chuẩn bị cho Ngàn năm Thăng Long. Cũng vào một tối cuối năm ở Đà Nẵng, một hoạ sĩ khác đến nhà tôi thông báo một triển lãm cá nhân của anh sắp mở tại Huế, kết quả của những chuyến đi thực tế sáng tác dài ngày ở các nước. Đêm giao lưu nhân tổng kết Trại sáng tác Đà Lạt, trong cái giá lạnh của xứ sở sương mù, chúng tôi ngồi bên nhau đắm say trước giai điệu của bài hát do một nhạc sĩ trẻ của Đà Nẵng sáng tác, được hoà âm phối khí bởi một nhạc sĩ cũng là người Đà Nẵng. Nhờ sự cộng hưởng này mà bài hát được chọn vào danh sách tham gia dự giải Bài Hát Việt. Sau mỗi đợt thực tế, nhiều đĩa CD âm nhạc của cá nhân được hoàn thành. Nhân kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long, một đạo diễn quen thuộc của thành phố về thể loại phim tài liệu đã cùng với nhóm cộng sự của mình hoàn thành bộ phim về người chí sĩ quê hương xứ Quảng tuẫn tiết ở thành Hà Nội. Bộ phim này đã đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc vào đầu năm 2010. Một nhà văn trưởng thành trong chiến tranh, sau vài cuốn tiểu thuyết gần đây được dư luận đánh giá cao, lại vừa hoàn thành một bộ tiểu thuyết mới. Một cây bút lý luận lão thành đem đến cơ quan văn nghệ tập bản thảo những công trình nghiên cứu của mình, xin tài trợ để xuất bản. Những tập thơ cá nhân, những tập trường ca, những tập hồi ức, tuỳ bút, tản văn không ngừng được ra mắt. Những trang thơ cá nhân của các cây bút nhiều thế hệ đều đặn hàng tuần được giới thiệu trên trang văn nghệ cuối tuần của tờ báo đảng bộ thành phố v.v. và v.v…Tôi đã lẩn thẩn quá rồi chăng khi kể lể quá dài dòng những hoạt động cá nhân lẻ tẻ ! Thực ra, chỉ muốn nói một điều rất nghiêm túc rằng : Có một sự nghiệp thuộc lĩnh vực tinh thần đang âm thầm phát triển trong dòng chảy cuồn cuộn của nhịp sống thành phố. Có những người nghệ sĩ đang âm thầm lao động sáng tạo không ngừng không nghỉ để khẳng định tài năng của mình, đồng thời nâng tầm sáng tạo nghệ thuật ngang với nhịp độ phát triển của kinh tế xã hội. Không có lễ khởi công và lễ cắt băng khánh thành rầm rộ. Mỗi tác giả, mỗi nghệ sĩ sáng tạo, như một thứ “nghiệp chướng”, không ai giao chỉ tiêu nhưng tự mình luôn trăn trở ngày đêm để sinh thành tác phẩm. Mỗi người tự phát động một “lễ khởi công” và cũng lặng lẽ cắt “băng khánh thành” cho tác phẩm của mình. Công chúng sẽ là người thẩm định khách quan nhất cho chất lượng công trình. Có những ý kiến thẩm định được đo bằng thời gian hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ. Có khi hôm nay chưa thấy rõ giá trị, nhưng nhiều năm sau, thế hệ kế tiếp sẽ coi đó là quà tặng vô giá của thế hệ nghệ sĩ đi trước. Chiều qua, khi ngồi duyệt lại kho ảnh lưu trữ của cá nhân, một người bạn tôi đưa ra những bức ảnh nhà chồ, ảnh chuyến phà, ảnh cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước thời điểm mới bắt đầu xây dựng, các cần cẩu đang đưa các thiết bị ngổn ngang lên cao. Có ảnh màu và cũng nhiều bức đen trắng. Những hình ảnh được ghi lại ấy dường như không còn hiện hữu, chỉ còn trong ký ức mọi người sau mỗi lần cắt băng khánh thành một công trình hạ tầng mới. Khi mà thói quen con người thường quan tâm đến cái đang tồn tại, cái đã hoàn thành, thì có những nghệ sĩ lại chỉ mê say với những cái đang còn dở dang, những cái mà theo dự lường của anh ta là sẽ biến mất trên mặt đất. Đó cũng là một trong những thông điệp cho thế hệ sau. Người ta biết đến thành phố này qua con đường nào? Lẽ dĩ nhiên, có “kênh” truyền miệng. “Tai nghe không bằng mắt thấy”. Có “kênh” chính thức qua những báo cáo tháng, báo cáo quý, báo cáo năm. Có những tư liệu do người làm sử ghi lại. Nhưng không thể thiếu vai trò “người thư ký trung thành của thời đại”, đó là những người làm công tác văn học nghệ thuật. Sẽ có một ngày, con cháu chúng ta đặt những câu hỏi mà ở thế hệ chúng không dễ trả lời. Có thể ngày ấy, những cây cầu, những con đường, những khu phố mới vẫn sừng sững giữa thời gian. Nhưng con người của thế hệ hôm nay suy nghĩ những gì, yêu thương và căm giận ra sao; những ước muốn đơn sơ và những khát khao hoài bão lớn về tương lai được diễn đạt thế nào…Tất cả những điều ấy làm sao có câu trả lời nếu không tìm đến những tác phẩm văn học nghệ thuật. Tất cả phải chuẩn bị từ hôm nay, bắt đầu từ hôm nay.
*
Những mùa Xuân gần đây, khi con đường Bạch Đằng được cải tạo, nâng cấp khang trang, rộng rãi, nơi đây đã trở thành điểm gặp gỡ của đông đảo người Đà Nẵng, những người quen biết và không quen biết nhau, trong đêm Giao Thừa chào đón năm mới. Trong dòng người náo nức đón thời khắc thiêng liêng chắc hẳn có mặt không ít văn nghệ sĩ với lòng đầy dự cảm. Dự cảm về Tương Lai, dự cảm về những thành quả sáng tạo của năm mới.
Tạm biệt Kỷ Sửu 2009, chào đón Canh Dần 2010, bên cạnh niềm vui, mỗi người làm công tác văn nghệ dường như cảm thấy trách nhiệm nặng nề thêm trước một năm mới với biết bao sự kiện trọng đại đang chờ. Đây là năm chẵn của những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của thành phố quê hương, năm đảng bộ các cấp tiến hành Đại hội cấp mình tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XX, và cũng là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010. Những dự kiến công việc của từng Hội thành viên đã được hoạch định và đã được thông qua, trong đó nhiều nội dung đã được hỗ trợ kinh phí để triển khai trong thời gian trước mắt. Vấn đề là hãy bắt tay vào công việc. Mỗi người đều sáng tác theo nhịp đập của trái tim, nhưng trái tim chúng ta đang hoà nhịp đập với thành phố đang phát triển. Nhớ lại những ý kiến trước, trong và sau Đại hội lần thứ 7 của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật năm qua, rất nhiều băn khoăn trăn trở, có lúc bức xúc về sự phát triển văn học nghệ thuật thành phố, về những con người đang sống và hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ. Đó là những bức xúc xuất phát từ một sự mong mỏi làm sao cho văn nghệ xứng tầm với sự nghiệp xây dựng thành phố văn minh hiện đại. Đây là một sự nghiệp vẻ vang nhưng hết sức nặng nề mà không một cá nhân nào có thể hoàn thành nếu không có sự hiệp đồng của cả đội ngũ. Từ trái tim và nhiệt huyết của mỗi người sẽ lan tỏa thành những trái tim và bầu nhiệt huyết của cả đội ngũ, tạo thành niềm tin của xã hội, của cộng đồng với những người hoạt động trên lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, sáng tác những tác phẩm đẩy lùi cái ác, cái xấu, vươn tới những điều nhân ái, tốt tươi mang sức sống của Mùa Xuân.
Trước thềm Xuân mới với bao dự cảm lớn lao, với phương châm Đoàn kết-Tâm huyết - Sáng tạo được mở ra từ Đại hội văn học nghệ thuật thành phố lần thứ VII; được tiếp thêm sức từ những chỉ hướng của Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, hưởng ứng Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trước thực tiễn sinh động đầy chất thơ, chất nhạc, chất tiểu thuyết của thành phố hôm nay, những người làm công tác văn học nghệ thuật Đà Nẵng chắc chắn sẽ có được những thành quả xứng đáng, đáp ứng lòng mong đợi của đảng bộ và nhân dân thành phố.
BÙI CÔNG MINH