Đình làng Tùng Lâm và các đạo sắc phong
Ðình Tùng Lâm là một trong những ngôi đình làng được xây dựng sớm ở Hòa Vang, theo sắc phong ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3, thì lúc bấy giờ làng Tùng Lâm được gọi là xã Tùng Lâm và thuộc huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, hiện nay làng Tùng Lâm thuộc tổ 16 phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
Đình làng Tùng Lâm ban đầu được xây dựng bằng tranh tre đơn giản với diện tích nhỏ hẹp tại một khu đất rộng, ngày nay gọi là Vườn Đình. Đến năm Thành Thái thứ 8 (1896), đình được dời về tại khu đất Đồng Soi nằm giữa đồng trống, cách vườn đình cũ về phía Bắc khoảng hơn 650m. Lần này đình được xây dựng kiên cố hơn với kiến trúc "Tam gian, nhị hạ" sườn làm bằng gỗ có chạm trổ, bốn mái lợp ngói âm dương, tường xây bằng đá. Mặt đình xây về hướng
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Tùng Lâm là nơi sinh hoạt chi bộ Đảng và dân quân du kích Tùng Lâm, nơi tập trung hội họp bàn chủ trương kế hoạch hoạt động do ông Trần Viết Tần (trung đội trưởng chỉ huy), là địa điểm hoạt động thường xuyên của các tổ chức cách mạng, nên đã bị địch đánh phá nhiều lần và đình cũng đã được nhân dân làng Tùng Lâm góp tiền của, công sức xây dựng lại. Hiện nay, kiến trúc ngôi đình theo dạng nhà 3 gian, không có hậu tẩm: ở gian giữa thờ thần, phía trước có đặt bàn hương án, hai bên là hai bàn thờ, thờ hữu ban và tả ban; kiến trúc gỗ bên trong có kết cấu đơn giản; mái lợp ngói xi măng, tường xây bằng gạch.. .Hai bên mái hiên đình có hai lầu chuông, trên nóc đình đắp hình “lưỡng long chầu nguyệt”. Trước đình là một khoảng sân rộng được tráng xi măng, cây bàng được trồng trước đây, nay trở thành cây cổ thụ, đem lại bóng mát cho đình quanh năm, phía trước sân có bình phong và hai bên có hai trụ biểu, có chạm khắc hình các linh vật nay đã bị mòn mờ.
Trong thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về làng Tùng Lâm và ngôi đình của làng, chúng tôi đã được các cụ cao niên và đại diện Ban quản lý đình làng cho xem các đạo sắc phong mà nhân dân làng Tùng Lâm còn lưu giữ được, đang để tại đình; mặc dầu đã trải qua bao thăng trầm, biến thiên của khí hậu, thời tiết và chiến tranh, nhưng rất may các đạo sắc phong vẫn còn nguyên, chữ vẫn còn rõ ràng dễ đọc.
Ngày trước, việc vua ban sắc phong cho các làng (xã) để thờ các vị thần (như thần Thành Hoàng làng, Cao Các Quảng Độ, Thiên y - a-na diễn phi chúa Ngọc, Bạch Mã Tôn thần, Đại Càng Quốc gia Nam Hải…) thì đó là niềm vinh dự và tự hào chung của cả làng. Ngày nay, sắc phong là tài liệu, hiện vật quý báu mà rất ít các làng (xã) hiện ở Đà Nẵng còn lưu giữ được, đo đó, nó có giá trị rất lớn về lịch sử, văn hóa… Ngoài yếu tố thờ các vị thần, nội dung sắc phong còn cung cấp chúng ta biết thêm thông tin về thời gian xây dựng đình làng, tên làng, tên phủ, huyện, tổng, xã ngày xưa để so sánh, đối chiếu với tên làng (xã) ngày nay mà biết được sự đổi thay …, Hiện nay, tại đình làngTùng Lâm còn 06 sắc phong từ thời Thiệu Trị (1841-1847) đến Tự Đức (1848-1883) và Đồng Khánh (1885-1888).
Chúng tôi xin giới thiệu nội dung một số đạo sắc của làng Tùng Lâm như sau (1):
1- Đạo sắc ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3:
Dịch âm: “Sắc Hồng Mô – Vĩ Lược – Đôn Hậu – Cao Các Quảng độ Thượng đẳng thần. Hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp tặng sắc, chuẩn hứa phụng sự. Minh Mạng nhị thập nhất niên, trị ngã Thánh Tổ Nhân Hoàng đế, ngũ tuần Đại khánh. Tiết khâm phụng bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Tứ kiêm phỉ thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Hồng Mô – Vĩ Lược – Đôn Hậu – Phu Hựu – Thượng Đẳng Thần. Nhưng chuẩn hứa Diên Phước huyện, Tùng Lâm xã, y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai !
Thiệu Trị tam niên, tứ nguyệt, thập nhị nhật”
Dịch nghĩa: “Sắc tặng ngài Cao Các Quảng Độ đã mang thần hiệu Hồng Mô – Vĩ Lược – Đôn Hậu ở bậc thần Thượng đẳng. Ngài đã có công phò nước giúp dân linh ứng rất sáng rõ, đã được ban cấp tặng sắc nhiều lần, chuẩn cho các nơi được phụng thờ. Năm thứ 21 niên hiệu Minh Mệnh là năm mừng thọ 50 tuổi của đức Thánh Tổ Nhân Hoàng đế ta. Vâng lệnh tiên hoàng đã ban “bửu chiếu” để tỏ lòng nhớ ơn các vị thần linh. Đặt lễ trọng nâng bậc, nay ta lên nối nghiệp sáng, lại nghĩ đến đức tốt của các vị thần, nên gia tặng ngài thần hiệu Hồng Mô – Vĩ Lược – Đôn Hậu – Phu Hựu ở bậc thần Thượng Đẳng. Nhưng chuẩn cho xã Tùng Lâm, huyện Diên Phước được phụng thờ như cũ. Ngài sẽ phù hộ cho đám dân đen của ta. Hãy kính cẩn vâng mệnh !
Ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3”
2- Đạo sắc ngày 25 tháng 9 năm Tự Đức thứ 3:
Dịch âm: “Sắc Tùng Lâm Thành Hoàng nguyên tặng Bảo An Chánh Trực Hựu Thiên Chi Thần. Hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp tặng sắc, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kiêm phỉ ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Bảo An Chánh Trực Hựu Thiên Đôn Ngưng Chi Thần. Nhưng chuẩn hứa Diên Phước huyện, Tùng Lâm xã, y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai !
Tự Đức tam niên, cửu nguyệt, nhị thập, ngũ nhật”
Dịch nghĩa: “ Sắc tặng vị Thành Hoàng xã Tùng Lâm, nguyên trước ngài đã được tặng thần hiệu Bảo An – Chánh Trực–Hựu Thiện. Ngài đã có công phò nước giúp dân, linh ứng rất sáng rõ và đã được tặng sắc nhiều lần, chuẩn cho xã dân phụng thờ. Nay ta lên nối nghiệp sáng, lại nghĩ đến đức tốt của các bậc thần linh nên gia tặng ngài thần hiệu Bảo An – Chánh Trực – Hựu Thiện – Đôn Ngưng. Nhưng chuẩn cho xã Tùng Lâm, huyện Diên Phước được phụng thờ như cũ. Ngài sẽ vừa giúp cho đám dân đen của ta. Hãy kính cẩn vâng mệnh !
Ngày 25 tháng 9 năm Tự Đức thứ 3”
Chính giá trị lịch sử, văn hóa của các đạo sắc phong thời trước để lại và nhân dân làng Tùng Lâm gìn giữ, thờ phụng tại đình làng hơn 150 năm qua, nên đình làng Tùng Lâm đã được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố tại Quyết định số 4424/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2007 và là một trong 06 di tích cấp thành phố của quận Cẩm Lệ.
Ths. HỒ TẤN TUẤN