LÀM THEO GƯƠNG BÁC
Quần chúng là trên hết
Suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn "xem quần chúng là trên hết". Tư tưởng đó đã được toàn quân và dân ta ra sức vận dụng suốt thời kì chiến tranh giành độc lập. Trong thời bình, tư tưởng vĩ đại ấy vẫn là ngọn đèn soi đường chỉ lối để đất nước phát triển. Bất cứ lĩnh vực nào, hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể tìm thấy những gương sáng trong quá trình thực hiện tư tưởng ấy của Bác. Mà có lẽ dễ tìm thấy nhất vẫn là những "bộ đội cụ Hồ" cả trong thời chiến lẫn thời bình.
Trong buổi tôn vinh những cựu chiến binh gương mẫu của thành phố Đà Nẵng cách đây không lâu, cái tên Lê Văn Tá (1932) ở Hòa Châu, Hòa Vang được xem là một hình mẫu thực hiện tư tưởng "quần chúng là trên hết". Anh được nhân dân xem là "bộ đội cụ Hồ" cả trong thời chiến và thời bình. Mười tám tuổi vào Đảng, dùng súng Trung Liên tiêu diệt hàng loạt tên địch trong trận đánh đầu tay ở Núi Lở, đó là điểm khởi đầu cho một cuộc đời sống, chiến đấu, xây dựng cuộc sống với tư tưởng "quần chúng là trên hết" của anh. Suốt thời kì chiến đấu, anh luôn mang trong mình tâm niệm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, được mệnh danh là "lính cụ Hồ" nên anh càng chiến đấu hăng hái hơn qua từng trận đánh. Ấn tượng nhất với anh là những ngày tấn công vào Tuy Hòa (Phú Yên) trong chiến dịch tết Mậu Thân 1968. Sang năm 1969, anh được điều về học ở trường Quân sự quân khu 5 (trước đây là trường Quân chính quân khu 5) và sau đó được giữ lại làm công tác giảng dạy tại trường cho đến 1990 thì anh về hưu.
Cứ ngỡ về hưu, anh sẽ sống an nhàn với tuổi già, nhưng suốt hai mươi năm qua, cuộc sống của anh là những tháng ngày cống hiến, là những trăn trở lo toan cho những cựu chiến binh và những mảnh đời bị nhiễm chất độc Da Cam do chiến tranh để lại. Hình ảnh ông già đi dép lê, mang túi vải, với khuôn mặt đăm chiêu, nước da sám nắng, suốt ngày với chiếc xe đạp cũ rích đi khắp thôn làng huyện Hòa Vang đã trở nên thân quen vô cùng trong con mắt người dân và đặc biệt là với những cựu chiến binh, những mảnh đời bất hạnh.
Phải công nhận một điều rằng chưa có một chủ tịch Hội cựu chiến binh nào ở Hòa Vang lại đi thăm quần chúng nhiều như anh. Một phần vì anh là cán bộ, nhưng quan trọng hơn vì anh là " lính cụ Hồ" nên tâm thức luôn đặt lợi ích chung lên trên hết vẫn tiếp tục chảy dồi dào trong con người anh, thôi thúc anh gạt mọi vấn đề cá nhân sang một bên, và toàn tâm toàn ý vào những hoàn cảnh, những trăn trở của anh em cựu chiến binh... Ở đâu có cựu chiến binh sinh sống là anh có mặt thường xuyên ở đó. Mặc cho đường sá còn lầy lội hay ổ gà, nắng hay mưa, trưa hay tối, đồng bằng hay vùng núi...anh bất chấp tất cả. Cứ sáng ra là anh dắt xe đi, giao lại việc nhà cho vợ cai quản để anh toàn tâm vào việc cải tạo đời sống cho anh em. Nhờ đi nhiều nên mọi hoàn cảnh của anh em cựu chiến binh, anh đều thấu hiểu. Những năm đầu hòa bình, đa số anh em còn khó khăn lắm, và khó khăn nhất vẫn là chưa tìm ra con đường làm giàu, nâng cao cuộc sống. Chứng kiến cuộc sống của anh em, anh lại nghĩ đến những tháng ngày chia nhau từng củ sắn, củ khoai, manh áo, tấm chiếu, tấm chăn... rồi những kí ức đó như bị dồn nén lâu ngày bỗng thổi lên ngọn lửa khát khao hành động trong lòng anh. Anh lại mang túi đi vận động hết mọi cơ quan, tổ chức, tạo điều kiện để những người lính năm xưa đã một thời vào sinh ra tử như anh vượt qua được khó khăn trước mắt, cụ thể là vốn để làm ăn, cách làm ra sao? Cuối cùng thì những cựu chiến binh cũng đều được vay vốn của những chính sách kịp thời và sáng suốt. Anh lại phải trực tiếp bàn bạc, theo dõi từng kiểu làm ăn... hôm nay với người này, mai với người kia, cứ thế năm này qua năm khác, trở thành thói quen của anh. Vì thế mà ngày nào không xách xe đi là trong lòng anh khó chịu lắm.
Kiểu làm việc của anh cũng rất lạ. Anh có thói quen trao đổi với anh em cựu chiến binh bất cứ nơi đâu, bên bờ ruộng, ngoài nương ngô, bên lề đường... nói chung gặp ở đâu, với anh không quan trọng, cốt yếu là mọi vấn đề của cựu chiến binh được giải quyết một cách chính xác. Ước mong của anh rồi cũng trở thành hiện thực, khi đời sống của đa phần anh em được cải thiện từng ngày. Nhưng vẫn còn đó biết bao hoàn cảnh đang bị đói nghèo bủa vây. Anh lại đi vận động và lần này là vận động hết mọi cựu chiến binh cùng giúp nhau vượt qua khó khăn. Với cách làm ấy đã đem lại hiệu quả. Bây giờ, cựu chiến binh trên toàn huyện hầu như đều có cuộc sống ổn định, chất lượng. Nhưng vẫn còn đó những cựu chiến binh dân tộc Cơtu ở Tà Lang, Giàn Bí, Phú Túc đang cực kì khó khăn. Anh lại ngày đêm suy tính. Và lần này anh vẫn tiếp tục vận động nhưng là vận động anh em cải thiện cuộc sống bằng việc phát rẫy làm nương. Từ nhà anh lên Tà Lang, Phú Túc là con đường lầy lội dài chừng bốn chục cây số, vậy mà ngày nào anh cũng đi về, có ngày thì ở lại vài ba bữa mới về thăm nhà được lúc rồi lại đi. Tính anh đã phát động việc gì thì mình phải trực tiếp thực thi, vì thế mà suốt thời gian ở Giàn Bí, Phú Túc, anh cũng phát rẫy, tỉa bắp, cuốc xới suốt ngày và ăn cơm muối ớt, ngủ lán...cùng anh em cựu chiến binh dân tộc.
Ba năm trở lại đây, mặc dù anh chuyển sang công tác ở Hội nạn nhân chất độc Da Cam, nhưng cách thức làm việc thì vẫn vậy, nghĩa là suốt ngày đi vận động các cá nhân, tổ chức từ thiện...với mong muốn làm cho hơn chín trăm mảnh đời bất hạnh trong toàn huyện phần nào vơi đi nỗi đau. Trong những lần đi vận động, anh được nhiều người mời tiệc tùng lắm. Những lúc như thế, anh lại nghĩ đến những mảnh đời bất hạnh đang nằm ở nhà chờ mình, chờ những tấm lòng vàng, nên anh đành từ chối và nói rằng: Xin chuyển những món ăn ngon, chai rượn ngoại đó thành món quà giành cho những nạn nhân nhiễm chất độc đang nằm chờ tôi, có được không! Thực ra, chuyện từ chối đầy ý nghĩa như vậy đã trở thành thói quen của anh suốt hai mươi năm nay. Không phải anh không biết uống bia lon, rượu ngoại... mà vì anh không thể vui vẻ ăn uống những sơn hào hải vị, trong lúc đồng đội đồng chí mình, những nạn nhân nhiễm chất độc đang từng ngày ăn còn chưa đủ no... Cũng từ đó mà anh đã có thêm một kiểu vận động nữa, đó là vận động mọi người tiết kiệm bằng cách: Thuốc hút bớt đi một điếu, cà phê bớt đi một ly, bia bớt uống đi một lon...bỏ vào ống tiết kiệm giúp đỡ những nạn nhân đáng được cả xã hội chăm sóc.
Nhìn vào quyển sổ ghi danh những cá nhân, tổ chức nhân đạo mà băn khoăn nhường nào khi tất thảy toàn huyện có tới hơn chín trăm trường hợp bị nhiễm chất độc Da Cam, mà vỏn vẹn chỉ được bốn mươi ba trường hợp được trợ dưỡng mỗi tháng một trăm ngàn. Trách gì anh đăm chiêu suốt ngày như vậy và không biết đến lúc nào anh mới hết lo âu, hết ngược xuôi tìm những tấm lòng vàng?...