THẦN HỔ - truyện kinh dị đặc sắc của Tchya Đái Đức Tuấn

21.01.2010

THẦN HỔ - truyện kinh dị đặc sắc của Tchya Đái Đức Tuấn

Tchya Đái Đức Tuấn là một trong số ít tác giả Việt Nam chuyên viết truyện kinh dị - truyền kỳ thời trước 1945.  Tác phẩm của ông thường mang không khí rờn rợn và liêu trai của những xứ đường rừng heo hút.  Bằng  lối cấu tứ lớp lang, mang tính nghệ thuật cao và bí hiểm, ông luôn đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Các tác phẩm phổ biến quen thuộc của ông như: Ai hát giữa rừng khuya, Linh hồn và xác thịt, Kho vàng Sầm Sơn, Thần hổ... 

Trong đó, điển hình và độc đáo nhất  chính là truyện Thần hổ, được bạn  đọc  nhiều  thế hệ đánh giá là "Liêu Trai" của Việt Nam.

Thần hổ là tập truyện dài gồm 3 chương, song được cấu  trúc  như 3 truyện ngắn biệt lập : Biệt cố hương, Ma trành, Báo phục. Truyện đăng lần đầu trên Phổ thông bán nguyệt san, số 10, ra ngày 1 tháng 9 năm 1937. Nội dung cốt truyện gần gũi với những  truyện  truyền kỳ trong sách cũ và nhiều mẩu chuyện ly kỳ được lưu truyền trong dân gian các huyện miền núi Thanh Hoá vào mấy thập kỷ đầu thế kỷ XX, mang không ít tình tiết thần bí hoang đường.

Mở đầu câu chuyện, ở chương Biệt cố hương (về sau đặt là Thần hổ), tác giả đã khẳng định vị trí oai linh của thần hổ trong tâm khảm người dân địa phương: “không nhà nào không đặt hương án thờ con hổ đó : người Mường nào cũng tin rằng hễ thờ nó, nó sẽ không làm hại đến và sẽ phù hộ cho làm ăn, cày cấy, được phát đạt dễ dàng. Mỗi năm bốn kỳ, họ mua trâu, dê, bò, lợn đem vào rừng cúng tế, rồi trói những con vật sống, bỏ nơi sườn núi vắng cho con hổ kia đến tha về tổ ăn dần. Tín ngưỡng của dân Mường, tuy vô lý, nhưng dựa vào kinh nghiệm : họ xét rằng, năm nào, vì sao nhãng, dân làng không cúng vái hoặc mua lễ vật biếu Thần hổ, năm ấy tự nhiên mất mùa và hay có thiên tai. Bởi lẽ đó, họ thờ phụng con hổ sống kia như thờ một vị Thành hoàng, tuyệt nhiên không ai dám cả gan ngạo mạn hay láo xược với nó”.

Thế nhưng, đến một ngày kia, do lỡ ra tay xúc phạm, tàn hại Thần hổ mà mấy đời gia tộc nhà Đèo Lâm Khẳng - một gia tộc lớn nhất vùng rừng Thạch Thành (Thanh Hóa) đều có người phải làm mồi cho hổ. Cách trả thù của hổ ứng với cách của người đã làm với hổ. Nghĩa là người nào của nhà họ Đèo đã bị hổ bắt thì cũng bị móc mất đôi mắt và bị cắn mất hai hòn ngọc hành để phải tuyệt đường sinh dục, truyền giống. Theo nhà văn Mai Ngọc Thanh (trong lời tựa Thần hổ, Nxb Thanh Hoá tái bản năm 2007): “Điều này khiến ta nghĩ đến thuyết quả báo. Hổ là một lực lượng của tự nhiên. Con người đã xúc phạm, đã tàn hại tự nhiên thì sớm muộn chi tự nhiên cũng sẽ trả thù con người”.

Chung quanh những sự kiện kỳ bí của Thần hổ như : “tai nó thường hay vểnh lên lắng nghe thiên hạ bàn tán về nó”,  “lúc là hổ nguyên hình, lúc lại biến thành người”, “ hổ đã báo thù thì trốn đi cùng trời cuối đất vẫn không thoát”... được tác giả lý giải, đó là vì chung quanh Thần hổ, luôn có một đám yêu ma, tức  “ma trành” vây quanh để điềm chỉ và mách bảo.

Ở chương Ma trành,  TchyA nêu rõ, đó là loại hóa thân của những cái chết bất đắc kỳ tử mà xưa dân gian gọi là dớp, dớp nhà, phải tìm mọi cách để tránh lặp lại với người sau. Peng Slao chính là con ma trành, về sau thoát được cảnh tôi tớ, hầu hạ cho Thần Hổ do đã tìm được người thay thế, người rơi vào cái dớp của kẻ trước. Slao có tiền duyên với Đèo Lâm Khẳng, Nàng đã quyến rũ được họ Đèo vào ngôi nhà sàn của mình để được ân ái. Cuộc ân ái cuồng si giữa một kẻ là người và một kẻ là ma. Thế là Peng Slao được giải thoát. Cái tình của ma mà lại đắm say thắm thiết hơn cả tình người.

Ma trành là một chương mang tính huyễn hoặc, liêu trai nhất trong tác phẩm Thần hổ, nhưng có lẽ nó cũng là phần mang tính tư tưởng sâu sắc nhất của truyện. Bởi lẽ, nơi đây, bạn đọc gặp gỡ xã hội ma và xã hội người chỉ là một. Ma, thần muốn diệt người nên người muốn diệt ma, diệt thần. Có lúc ma lại giao tiếp với người, như là ma đã bất lực trước sức sống của con người, nên chấp nhận chung sống, hòa hoãn. Cô nàng ma trành  Peng Slao chính là lực lượng hoà giải ấy.

Ở chương Báo phục, người đọc cảm giác như Đèo Lâm Khẳng nhờ sự giúp đỡ bởi phép thế thân của  ma trành  Peng Slao mà thoát khỏi nanh vút định mệnh Thần hổ. Y có nhiều vợ và đã có được nhiều con trai để nối dõi tông đường. Thế nhưng, Lâm Khẳng vẫn chưa yên lòng. Y tìm đến bên nấm mộ Peng Slao bày tỏ: “...nó cũng sẽ chết vì tay anh, ngõ hầu mối oan nghiệt đến đấy là đoạn tuyệt, không dây vướng mãi đời sau. Mối tử thù của anh sẽ được báo phục. Thần hổ cũng sẽ được hoá kiếp. Như thế, sẽ tránh khỏi oan oan tương báo; sẽ tránh khỏi vòng nghiệp chướng lưu truyền”. Cuối cùng, sau khi lùng sục qua bao vùng rừng núi, Đèo Lâm Khẳng cũng tìm gặp  Thần hổ, lúc này đã tu luyện sắp  biến thành tinh . Song tiếc thay, Lâm Khẳng không hạ thủ được con ác thú ấy, nên y hiểu rằng, chẳng còn bao lâu nữa, mệnh y đến ngày đoạn tuyệt...

Tchya, tên thật Đái Đức Tuấn, bút danh khác là Mai Nguyệt. Ông sinh năm 1908, quê ở làng Ngọc Giáp, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá. Xuất thân trong một gia đình quan lại, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần, ông làm tham tá ở Nha học chánh Đông Dương từ năm 1930. Bắt đầu viết báo, viết văn từ 1935 cho các tờ Đông Tây, Nhật Tân, Tiểu thuyết thứ bảy. Năm 1950 ông dạy học ở trường Quốc học Huế. Ông mất ngày 8 tháng 8 năm 1969 tại Sài Gòn.

Người chị đầu của Đái Đức Tuấn - bà Ngọc Chất là thân mẫu Lê Đỗ Thị Ninh, người vợ trẻ bé nhỏ và bạc mệnh của thi sĩ Nguyễn Hữu Loan trong bài thơ bất hủ Màu Tím Hoa Sim. Sinh thời, do tính giao thiệp ăn chơi rộng rãi, một thời gian dài TchyA sa ngã, trở thành tình nhân trung thành của Ả Phù Dung nơi chốn Bình Khang. Ngoài các tác phẩm văn xuôi, ông còn là tác giả Thi tập Đầy Vơi, bao gồm thơ Quốc ngữ, và rất nhiều bài viết bằng Hán văn với Diễn Nôm, diễn Nôm nhiều bài Đường thi, truờng thiên. Vào những năm 1956, ông cộng tác với các tờ báo ở Sài Gòn, viết những tiểu luận với đề mục Nói hay Đừng.

Cùng thời với TchyA, ở thể loại  truyện  kinh dị, có Thế Lữ với Vàng và máu và Trại Bồ Tùng Linh; Thanh Tịnh với Ngậm ngải tìm trầm; Nhất Linh với Bóng người trong sương mù và Lan rừng; Nguyễn Tuân viết Chùa Đàn, Cô Dó và Trên đỉnh non Tản; Tô Hoài viết Một đêm gác rừng... Tuy nhiên, khi viết về TchyA, Vũ Ngọc Phan đã đưa ra một vài nhận xét, chẳng hạn: “văn, thơ ông đượm rất nhiều phong vị cổ. Ở văn, gọt giũa quá, nhiều khi tai hại...”. Sau này, nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc cũng  có những đánh gía rập  khuôn tương tự về văn  của  TchyA: “quá nặng màu sắc thần bí và định mệnh, văn chương lại xen nghị luận, giảng thuyết nên tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm không có gì đáng kể. May mà, cốt chuyện hấp dẫn, cách kết cấu các chương khéo, phần đuôi của câu chuyện trước lại khởi đầu cho một câu chuyện ly kỳ khác ở chương sau”... Thế nhưng, đọc kỹ lại toàn bộ tác phẩm TchyA, nhiều  người  e rằng, phải chăng những lời như vậy có phần thiếu công bằng, gây bất lợi cho ông, khiến hàng  loạt  tác phẩm độc  đáo  của ông ít được nhắc đến suốt nhiều thập niên qua.

Gần đây, khi Công ty văn hóa truyền thông Võ Thị ra mắt tập truyện của Tchya Đái Đức Tuấn, nhà văn Võ Thị Hảo nhận định , tác phẩm của Tchya Đái Đức Tuấn viết từ mấy chục năm trước nhưng bị lãng quên, vì thế chúng khá hút khách khi xuất hiện trở lại.

Tác giả Hoài Anh cũng  không đồng tình về ý kiến của nhà văn Vũ Ngọc Phan khi dẫn chứng:”TchyA muốn cho người ta tin rằng có những việc quái đản trong thế giới loài người bằng lời nghị luận, ông muốn đánh vào lý trí người ta, nên ông không thành công. Trái lại, Bồ Tùng Linh hay Hoffmann đều chỉ nhằm vào cảm giác, vào chỗ xúc động, vào những tính di truyền của người cổ sơ ở người thời nay, để vẽ vời cảnh vật bằng những nét mập mờ, nên đọc họ, người ta thấy đầy thơ mộng mà vẫn rùng mình sởn óc”. Theo Hoài Anh: “Ở đây, Vũ Ngọc Phan nêu hai mẫu mực của tiểu thuyết truyền kỳ là truyện của Bồ Tùng Linh và truyện của Hoffmann. Nhưng thực ra quan niệm về truyền kỳ của phương Đông và phương Tây có khác nhau”.

Trong khi đó, một bạn đọc nêu rõ: “Tác phẩm của Tchya Đái Đức Tuấn cũng đã có mặt từ lâu nhưng bây giờ mới được đọc, và thực chất cũng khá cuốn hút. Nếu như trước đây chỉ quen đọc truyện kinh dị của nước ngoài thì tập truyện này đem lại chút gì đó vừa mới mẻ vừa thân quen do toàn bộ nội dung mang đặc chất Việt Nam, không phải là loại hồ ly biến hình như trong Liêu Trai Chí Dị, cũng không phải là ma cà rồng hút máu người như trong truyện phương Tây”.

Về bút danh Tchya của Đái Đức Tuấn, lâu nay thường được diễn giải là viết tắt từ các cụm từ:  Tôi chẳng yêu ai, Tôi chửa yêu ai, Tôi chả yêu ai, hoặc Tôi chưa hề yêu ai... Thế nhưng, có người cho rằng chữ A trong bút danh phải được viết hoa mới đúng theo ý của Đái Đức Tuấn. Trước  kia, Tạ Tỵ khi vẽ chân dung ông Tuấn đều ghi rõ bút danh của Đái Đức Tuấn là TchyA.

Thế nhưng, trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan (NXB Sống mới, Sài Gòn, 1959, tr.985) và các bộ sách từ điển văn học được xuất bản gần đây, như Từ điển Văn học (bộ mới), Từ điển tác gia Văn hóa Việt Nam (NXB VH-TT, Hà Nội, 1999) lại  đều ghi là Tchya. Nếu như thế thì phải viết Tchya, chứ không phải TchyA, với chữ A cuối cùng viết hoa.

 Một  người  cháu  của Đái Đức Tuấn khẳng định:  lúc là trai tơ hào hoa phong nhã, ông say mê một mỹ nhân của Hà Thành, tên Bích Ngọc, có nét đẹp Tây phương, bấy giờ được tặng tên là Angèle. Tình yêu đầu tiên với người đẹp, đã khiến chàng phong lưu công tử chọn bút hiệu của mình một cách độc đáo Tuấn (hay Tôi) chỉ yêu Angèle, tức TchyA.Trên Báo Phổ thông, ông Nguyễn Vỹ có giải thích: Angèle là một cô Đầm lai.
 

PHƯƠNG MAI