Tết cộng đồng - Tết tâm linh

21.01.2010

Tết cộng đồng - Tết tâm linh

1.                       

Trong một lần trò chuyện với học giả Nguyễn Tiến Văn tại căn nhà chứa toàn sách và sách của ông, tôi hỏi nghĩa từ nguyên của chữ Tết, ông giải thích: “…Tết là cách đọc trại của chữ Tiết, chữ Tết mang âm vị và đặc trưng thổ nhưỡng, tâm linh Việt, nó khác với chữ Tiết mang âm vị Tàu. Tết Nguyên Đán chỉ có trong ba ngày đầu năm, vì sao, vì ba ngày đó là Mạnh, Trọng, Quí của tuần đầu tiên trong năm. Nguyên là đầu tiên chinh, Đán còn là ánh sáng, Tết Nguyên Đán có nghĩa là tiết đón nhận ánh sáng khởi sự của năm… Và Tết có tính cộng đồng, tính tâm linh…”.

Câu chuyện dừng ở đó vì ông có khách, và tôi lại lan man hai chữ cộng đồng- tâm linh trong ba ngày tết. Theo như lời thiền sư Thích Huệ Hướng – Trụ xứ chùa Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng thì ý nghĩa đích thực của tết lại nằm trong hai chữ tâm linh chứ không nằm ở hai chữ cộng đồng. Vì lẽ, con người sinh ra dù muốn hay không cũng phải hội đủ ba yếu tố: tri đức, tâm linh và huyết thống dòng tộc. Tri đức chính là sở nguyện, sở học, sở tri kiến, là vệt nối dài văn hoá lưu truyền từ đời này sang đời khác và những biểu hiện trong đời sống cá thể có thể phản ánh bề dày, đặc thù của tri đức mà ông/ bà/ anh/ chị/ cô/ chú/ y/ thị… thủ đắc; tâm linh là một khái niệm mơ hồ nhưng không xa lạ với con người vì lẽ trong một ý nghĩa nào đó, ngoài những hiểu biết cụ thể, khoa học và duy lý, có đôi khi con người phải đối diện với cô đơn, với chính thế giới bên trong của mình, bắt gặp đời sống hữu hạn, ngắn ngủi, thậm chí phù du của mình, của cộng đồng mình trước cái vô cùng của vũ trụ, trước nỗi heo hút, bất định của ý nghĩ, dự cảm thuộc về số phận, định mệnh… Chính những lúc như vậy, dòng năng lượng cộng hưởng của vô thức, ý thức, tiềm thức và siêu thức kích hoạt, hiển lộ một thế giới khác ngay trong chính bản thân mỗi cá thể, và dòng năng lượng này kết nối với cộng đồng thông qua nhiều con đường, trong đó có con đường lễ hội, con đường hành hương, con đường thiền tập, con đường của… tạ từ tháng chạp quay nghiêng/ ầm vang sử lịch thu triền miên trôi… (Bùi Giáng).

Vì trong chính không gian, khoảnh khắc giao mùa này, con người tự dọn rửa tâm hồn mình để chào đón cái thanh tân, mới mẽ và gắn kết, hiệp thông với những ý niệm về tiền nhân, về thế giới khuất mặt… Nhờ vào yếu tố tâm linh mà con người ý thức cao hơn về huyết thống, dòng tộc, xã hội và thấy rõ ý nghĩa tồn tại, bổn phận của mình trước cộng đồng, rút ra cho mình một thái độ sống hợp lẽ với cộng đồng. Và không có dịp nào để mỗi cá thể biểu hiện, cộng hưởng tâm linh với vũ trụ, với dòng tộc, cộng đồng, tiền nhân một cách mạnh mẽ và cô đọng như ngày tết. Hay nói cách khác, chính sự hội tụ tâm linh đã dồn nén, phát tiết trong những ngày giao mùa, đầu năm đã tạo ra không khí, hoạt động, niềm vui chung của tết.

2.

Nói là ba ngày tết nhưng thực ra, bắt đầu từ 23 tháng chạp, không khí tết đã rộn ràng khắp nơi. Khởi sự là lễ cúng đưa ông táo về trời, mỗi nhà mua một con cá chép sống, rộng trong hủ hoặc thau, chậu, một bát đường đen, chè, xôi, một con gà trống luộc bắt chéo cánh, hương đăng hoa quả và vàng mã. Lễ cúng vào lúc mười một giờ đêm, bàn thờ đặt trước bếp, người cao niên đại diện gia đình đứng ra đốt nhang, khấn vái tạ ơn trời đất, tạ ơn phúc thần (táo quân) đã đồng hành cùng một năm, đã mang đến những niềm vui và tiêu trừ những buồn lo cho gia đình trong năm qua… Và chút lễ mọn nói thay lòng thành tiễn ông táo về trời, con cá chép là phương tiện để ông cưỡi đi. Bắt đầu từ lúc tiễn ông táo về trời (thả cá chép xuống sông, hồ) thì bếp luôn được giữ lửa cho đến lễ cúng nhổ neo (mồng 9 tháng giêng) – rước ông táo trở về lại với gia đình.

Cụ Hương Cả là vị cao niên nhất làng tôi, năm nay đã chín mươi lăm tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, hoạt bác, mỗi tết về vẫn áo dài, khăn đóng đứng lễ cúng xóm, cúng thành hoàng bổn xứ thì lại cho rằng “… tết là cuộc ôn cố tri tân. Sở dĩ gọi tết như vậy vì không có dịp nào con người ngồi lại với nhau để điểm lại quĩ thời gian trôi qua vừa giáp một vòng, để hướng tới năm mới ngoài tết. Và cũng trong ý niệm ôn cố, con người lại nghĩ xa hơn một bước, nghĩ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đáp ơn người đã khuất bằng lòng hướng thượng, lòng kính ngưỡng, thờ phụng, lễ bái, báo hiếu bậc sinh thành đang sống với mình bằng những thức ăn ngon, lạ, áo quần mới mẽ, sạch sẽ cùng những lời chúc tụng thể hiện yêu thương, kính trọng trong ngày mừng tuổi mới… Và tính tri tân được biểu hiện thông qua những lời lẽ hoà nhã, ân cần dành cho em út, con cái, sự chăm chuốt áo quần, lược là của người đi trước dành cho người đến sau, qua những dự định, kế hoạch, quyết tâm cho năm tới… Nhưng chỉ tiếc một điều là gần đây, dường như tết không còn không khí ôn cố tri tân này nữa mà thay vào đó là những cơn nhiễu sóng của đời sống quá ư bận rộn, quá ư cập rập, vồ vập. Con người gần như mất khả năng tư lự, mất khả năng suy tư và hướng nội, cái tết trở thành dịp để người ta khoe mẽ, trình diễn những thứ mình có được bằng sức mạnh vật chất, bằng năng lực tiền bạc. Chính điều này làm cho con người cảm thấy cô đơn hơn, người nghèo sinh mặc cảm, kẻ có tiền sinh chủ quan, kẻ tri thức đâm ra hụt hẫng. Và những giá trị truyền thống bị hao mòn, tết mất đi vẻ đẹp nguyên sơ, vẻ ý nhị của nó. Không còn bao nhiêu người đi lễ phật đầu năm bởi ý nghĩ dọn rửa tâm linh, cầu điều lành. Đâu đó tính cầu may, cầu lộc, cầu tài đè nặng trên bước chân lễ chùa đầu năm, đâu đó sự trăn trở áo cơm, sự “đầu cơ” nhét chật bao phong bì lì xì, cái hồn nhiên của đứa trẻ cầm chiếc phong bao lì xì mặt mày hớn hở và cất thật kĩ, xong ba ngày tết mới mở ra mà không cần biết số tiền nhiều hay ít, vui là chính bị mất dần theo thời gian. Và cái tết trở thành dịp người ta buôn bán rượu bia, xả tiền vào rượu thịt ê hề và những cuộc say bí tỉ, phì nộn vật chất…”.

3.

Sáng mồng một, tôi còn nhớ những ngày tết xa xưa thuở tôi thơ ấu, mọi người trong gia đình quây quần bên ông, bà, ngắt mấy cành hoa vạn thọ đến mừng tuổi ông, bà, chúc ông, bà sống vạn thọ. Và mọi người dâng phong bao lì xì lên ông, bà, sau đó ông bà lần lượt mừng tuổi, chúc tết, lì xì cho mọi người, không khí vừa cởi mở vừa có chút gì đó linh thiêng khó tả. Và sau buổi chúc, ông sẽ vận áo dài khăn đóng chuẩn bị cúng cơm tổ tiên trong ba ngày tết. Hương trầm quyện với hương hoa mai thơm nồng nồng, dịu dịu, cảm giác thanh thanh, hư thực… Lòng người lâng lâng khó tả! Ba, mẹ chuẩn bị phong bao lì xì, áo quần tươm tất cùng dắt tôi đi thắp nhang mộ tổ tiên, dòng tộc và đi chùa lễ phật, xin lộc đầu năm (thường là một nhành cây nhỏ chừng năm sáu lá trước sân chùa mang về nhà với ý niệm mang sức sống, mang đức hạnh từ bi về nhà để cầu chúc cả nhà một năm khoẻ mạnh, thân thiện) và đi chúc tết nhà bà con. Những cái bắt tay thân mật, những câu chào hỏi dễ thương nhất được mọi người cất dành trong một năm dài đều mang ra tặng nhau lúc này, đúng là vui như ba ngày tết!

Anh Hồ Công Khanh, một nhà thư pháp – ông đồ thường vận áo dài nhiễu xanh, khăn đóng ngồi “cho chữ” trước sân chùa, sân đình mỗi dịp tết về thì lại có nhận xét khác hơn, anh nói rằng: “…trong suốt gần năm mươi năm, kể từ lúc anh hiểu được thế nào là niềm vui của ngày đầu năm, anh thấy cuộc sống thay đổi quá nhiều, nhưng như vậy không có nghĩa là mất đi hoàn toàn, vẫn còn đó những lễ hội, sân bài chòi, cây đa, giếng nước, sân đình, chỉ có cái nhìn con người làm thay đổi. Nhưng không phải ai cũng có cái nhìn theo kiểu thị trường đâu, không phải hễ cứ thị trường sôi động là con ngươi quay cuồng đâu. Như anh thấy, suốt hơn mười năm ngồi "cho chữ", năm nào anh cũng gặp những cặp nam thanh nữ tú dắt nhau đi lễ chùa, ăn mặc lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ, kính trọng người cao tuổi và khi "xin chữ" xong, cách gửi tiền cho tác giả cũng tế nhị lịch lãm ra phếch, không chộn rộn, hợm hĩnh như phần đông những cô cậu phóng xe, say xỉn ngoài đường. Vẫn có những nụ cười dễ thương người ta tặng nhau đầu năm, vẫn bắt gặp đâu đó trên đường phố vài cụ già, vài chàng thanh niên ngồi đánh cờ, ngồi đánh đàn cùng hát với nhau, lãng mạn trữ tình và ấm áp lắm!”

4.

Gần đây, một số nơi như phố cổ Hội An, cố đô Huế, Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ dấy lên phong trào phục dựng tết cổ, khôi phục nét văn hoá xưa, những lễ hội đường phố, lễ hội trái cây, lễ cúng như Cầu Ngư, Cầu Mùa, Cúng Thành Hoàng Bổn xứ, Cúng Thổ Thần, Thuỷ thần… được tái dựng bằng trình tự nghi lễ và tâm thế hết sức trang nghiêm, trân trọng. Những trò chơi như cờ người, bài chòi, hát đối, hát hò khoan, hò bã trạo… cũng được tái lập bởi thế hệ trẻ.

Trong chương trình lễ hội đón mừng xuân Canh Dần năm nay ở Hội An ngoài những hoạt động có tính truyền thống trong nhiều năm qua, thành phố cổ này còn tổ chức thêm những lễ hội giao lưu văn hoá Việt – Nhật, lễ hội thanh niên đường phố, lễ hội cầu ngư của người dân đảo Cù Lao Chàm được sân khấu hoá… Mục đích của những lễ hội này là ngoài ý nghĩa nhắc nhớ truyền thống, nguồn cội, còn tạo ra gạch nối giữa đương đại và truyền thống, làm cho lớp trẻ nhìn thấy nét xưa trong sinh quyển đương đại của mình và làm cho yếu tố cổ truyền được hoá thân, hiện hữu trong nét hiện đại mà không bị lạc lõng, không bị “đề mốt”.

5.

Tôi vẫn còn nhớ, mỗi độ xuân về, khoảng chừng 20 đến 23 tháng chạp, ông tôi gọi tất cả con cháu về cùng đi dọn cỏ (dẫy mả - tảo mộ) với ông. Ông dắt con cháu đến từng ngôi mộ và chỉ ra đây là mộ cụ tiền hiền, cụ tổ, cụ cố… Các cụ đến từ vùng đất nào, lập nghiệp ở xứ sở này ra sao… Năm nào cũng vậy nhưng chưa chắc có người nhớ rõ. Còn bà thì gọi các cháu gái lại dạy cách phơi lá gói bánh chưng, bánh tét, làm thịt heo muối, cách làm một thẩu dưa củ kiệu… Ba ngày tết trôi qua trong không khí vui vẻ, cởi mở bởi sự thăm viếng, lời chúc tốt đẹp đầu năm và tiếng cười nói, vừa trang nghiêm, linh thiêng bởi những phút giây ông dâng hương cúng cơm ông bà, ông đốt trầm và khấn nguyện… Ba ngày tết cũng là cuộc đại đoàn tụ của gia đình, cuộc tri ngộ của dòng tộc, xóm làng, quê hương, cộng đồng. Dù ở bất cứ nơi nào, phương trời nào, người ta cũng nhớ rằng tết này mình sẽ gặp mặt những người thân, sẽ đoàn tụ, có lẽ không có nỗi buồn nào trắc ẩn hơn nếu như không về thăm nhà được trong dịp tết!

Ông bây giờ đã thành người thiên cổ, chắc ông đang rong chơi đâu đó trong vũ trụ bao la này, và chắc mỗi khi xuân về, tết đến, linh hồn ông lại quay về cố hương cùng bà, cùng con cháu đón mừng, chứng giám một cuộc “đại đoàn tụ gia đình”. Chắc ông cũng sẽ rất vui khi nhìn con cháu rủ nhau đi tảo mộ, con cháu cầu chúc bà thượng thọ, bày mâm lễ đón giao thừa, cúng đầu năm… Và trong một khoảnh khắc nào đó… Những cái tết lại quay về trong mùi hương khói, trong mây trời, trên đỉnh thời gian, trong trí nhớ của cộng đồng thân thuộc và của tâm linh áo huyền!

 
LIÊU THÁI