Lão Năm Dần

21.01.2010

Lão Năm Dần

1-

      Năm nay là năm tuổi của lão Năm Dần. Lão sinh năm Bính Dần 1926, tính theo lịch ta đã là 85, nhưng vẫn còn rất minh mẩn. Tuy tạng người thấp nhỏ, nhưng dáng đi của lão trông thơ thới, tự tin. Lão vẫn ở một mình trong ngôi nhà tuềnh toàng ở xóm Trung, bên cạnh ngôi nhà thờ cao ngất do gia đình ông anh ruột Hai Hớn mới xây theo kiểu chùa Tàu ở Hội An! Ở cạnh bên, nhưng lão không bước chân vào ngôi nhà thờ hoành tráng đó bao giờ mà tự lập bàn thờ cúng riêng, đơn giản, vì những lý do thầm kín mà nếu có ai hiểu chuyện mới thương và cảm cho lão. Trong ngôi nhà lợp tôn trống hoác đó, mỗi ngày lão chỉ ăn một bữa, mỗi tuần lão chỉ nấu một lần và hằng đêm lão vẫn nằm trên chiếc chõng tre cũ hát nghêu ngao những bài hát xưa trước khi chìm vào giấc ngủ không mộng mị. Rồi mửng sáng hôm sau cả xóm đã thấy lão dạo bước thảnh thơi trên con đường bê tông liên xóm, miệng luôn mỉm một nụ cười như chế nhạo. Vài tuần một lần, đứa con gái duy nhất lấy chồng ở xóm Hạ ghé về thăm cha với vài con cá, chút thịt hoặc dúi vào túi lão ít tiền tiêu vặt. Có lúc là chiếc áo ấm cho mùa đông sắp tới. Vì vậy lão chẳng hề màng đến chuyện ra chợ, mặc dù nhà chỉ cách chợ một khoảng ruộng nhỏ...như bàn tay, mà lão vẫn thường ví.

     Lão rất ít khi mở miệng, nhưng đôi khi lại nói một cách rành rọt với một vài người quen biết và thường tự hào rằng những người sinh năm Bính Dần như lão đều là người có hoa tay cả. Cũng chẳng biết lão lấy đâu ra rằng nhiều ông làm thơ viết văn ở xứ mình đều có hoa tay như lão, như ông thi sĩ Bùi Trung Niên gì đó của xứ Dùi Chiêng chẳng hạn! Còn hoa tay của lão ở đâu? Khi có ai mạnh miệng hỏi thì lão phán ngay: Mầy ở dưới đáy giếng thì biết gì! Tao còn có nhiều tài hơn mấy người kia gấp mấy lần; không có hoa tay sao lại  đốn tre, bửa củi như múa kiếm, giữ cả một bầy trâu mà còn hát xướng ngâm nga cả làng đều biết tiếng, có phải vậy không?

    “ Còn có hoa tay...điên nữa chớ!”. Khi có ai hỏi vậy, Năm Dần thường ngó lơ đi chỗ khác và lẳng lặng bỏ đi.  

2-

   Hồi nhỏ cha mẹ Năm Dần sinh được bốn người con, hai trai hai gái. Dần là con trai út. Mới 10 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hai người chị không may tảo dịch từ khi mới lọt lòng. Ông anh cả đã có vợ nuôi em được gần năm thì đưa cậu út đến nhà Trùm Thiên ở đợ giữ trâu. Trùm Thiên là phú nông ở xóm Thượng cùng làng Kim đã nhận thằng nhỏ 11 tuổi như bắt được vàng, bèn định giá và trả ngay tiền công liền trong 10 năm cho người anh cả Hai Hớn, tính gộp cả bằng lúa, tiền mặt và cho làm rẻ hai sào ruộng lúa gieo lâu nay bỏ không vì đất bạc màu. Đến 21 tuổi, tưởng hết hạn ở đợ sẽ quay về nhà, nào ngờ người anh cả lại âm thầm “tái ký hợp đồng” tiếp 10 năm nữa. Đã quá hạn, mà chưa nghe Trùm Thiên nói gì, khi Năm Dần đánh bạo hỏi mới biết rõ sự thật, thì đã muộn. Hăm mốt tuổi mà bữa đói bữa no, nên trông Năm Dần chỉ bằng những đứa mới mười lăm!

   Mỗi chiều, ngồi trên lưng trâu từ ngoài gò về nhà chủ, Năm Dần vẫn hát nghêu ngao những bài đồng dao mà mình đã đặt lời và bày cho mấy đứa cùng chăn trâu hát lên khi có những chú nghé đi lạc đàn. Nhưng giọng hát của Năm Dần không trong trẻo như lũ nhỏ. Giọng hắn luôn buồn và như nhão ra giữa bầu không khí cô đặc của những buổi chạng vạng ở miền quê:

            Huê con nghé nhỏ

            Lạc đàn theo chó

            Lạc ngõ theo trâu

            Nghe mẹ rống đâu

            Đâm đầu mà nhảy

            Huê con nghé nhỏ

            Ham chơi lạc mẹ

            Huê…huê…nghé huê

            Ham ăn thì lú

            Ham bú thì mê

            Không biết đường về

            Để tao đi kiếm

Cũng có hôm, Năm Dần ứng khẩu hát về chính cuộc đời tôi tớ của mình:

            Đời tôi đi ở giữ trâu

            Dầm mưa dãi nắng biết đâu cơ hàn

            Trên đầu đội nón mo nang

            Một manh áo vải nghèo nàn đắng cay

 

            …Trăng kia vừa xế ba sào

            Tôi mang bụng đói bước vào chuồng trâu

            nước đái nó lộn đầy đầu…

 

      Nhiều năm trời trôi qua trong tâm cảnh ấy, tưởng như Năm Dần đã chấp nhận số phận đi ở đợ mãn kiếp này rồi. Hai Hớn, anh nó và cả người chị dâu  đã nhận công đi ở của chú em, chỉ biết chúi mũi vào việc riêng, hầu như có lúc đã quên mất đứa em cùng núm ruột của mình. Còn lão phú nông có cả một đàn trâu do công sức của Năm Dần góp phần tạo ra thì coi chàng thanh niên còi cọc ngoài hai mươi tuổi ấy như một thành viên đương nhiên trong nhà mình, hay đúng hơn là một công cụ biết nói, biết ăn và luôn thực hiện mọi sai bảo của chủ. Là đứa ở trong thâm niên trong nhà, Năm Dần tưởng cũng đã quen với những lời mắng nhiếc như cơm bữa và cả những trận đòn không thương tiếc của lão Trùm mỗi khi vô ý bỏ trâu ăn lúa hoặc để một con nghé đi lạc.

    Như sau này, khi đã vào tuổi cổ lai hy, lão Năm Dần thường nói về vận hạn của mình: cái tuổi Bính Dần ni lạ lắm, cũng như con cọp luôn mạnh mẽ, không biết sợ ai, nhưng đời lại lắm gian truân. Lại là mạng hỏa nên không biết nén lòng thường hay hư sự, không biết nhường nhịn cũng dễ tổn thọ. Rồi lão chậm rãi: Nhưng tuổi này nhiều người rất thông minh, sáng bụng. Như tui đây, chỉ đứng lấp ló ngoài hiên lớp bình dân học vụ để nghe lóm mấy bữa cũng biết đọc biết viết như ai, lại còn làm được mấy phép toán cọng trừ nhân chia! Nhờ rứa mà lúc lang bạt đốn tre, bữa củi thuê kiếm ăn, không một tấm tranh che mưa nắng lại cũng lấy được vợ, rồi giờ lại gà trống nuôi con! Cũng là tại cái số nó như rứa!

    Đó là một mối tình duyên lạ kỳ của một kẻ nghèo rớt mồng tơi như Năm Dần. Mẹ cô con gái của lão là con của một gia đình khá giả, thấy anh thanh niên nghèo đến đốn tre cho nhà mình tuy ít nói nhưng có tài ca hát, những lúc nghỉ trưa lại kể nhiều chuyện cổ tích hấp dẫn, bày cách đánh vần, làm toán cho mấy người bạn thợ, nên đem lòng quý mến. Một đêm cô gái ôm chầm lấy Năm Dần ngoài góc vườn, đòi cưới mình làm vợ, nếu không chấp nhận cô sẽ nhảy sông! Thằng tứ cố vô thân đâu dám đèo bồng, lại là chuyện quá bất ngờ, nên Năm Dần từ chối. Cô ta nhảy sông thiệt, nhưng được cứu sống. Gia đình cô gái thương con đi tìm ép anh ta phải về ở rễ, nhưng không ưng bụng và thường có nhiều lời ong tiếng ve. Hai người sau đó chỉ có với nhau một đứa con gái. Nhưng thà ở chuồng heo còn hơn theo quê vợ, Năm Dần vẫn đau đáu một mưu tính bỏ đi. Trận lụt năm Giáp Thìn, người vợ bị nước cuốn trôi, vì tay trắng nuôi con dại nên phải mất hơn chục năm sau, khi chiến tranh kết thúc, Năm Dần mới quyết định dắt con về lại xóm Trung...

    3-

     Năm Dần có thể ngồi kể những mánh khóe để mà người có thể hạ một bụi tre năm bảy chục cây trong một buổi, hay những mẹo để bửa những gốc cây thuộc lại gỗ xoắn ra thành củi nhanh chóng mà không mất sức. Lão còn bày cho lũ trẻ trong làng những phép tính nhẩm hai ba con số thời lão học lóm trong mấy lớp bình dân học vụ hay hàng chục bài đồng dao, bài hát đối đáp, hát ru em cách đây hơn nửa thế kỷ. Kể chuyện tiếu lâm, nói lái cũng được. Nhưng đừng ai gọi lão là Năm Điên hay hỏi chuyện điên ngày xưa của lão, mặc dù cả mấy xóm Trung, xóm Hạ, xóm Thượng và cái chòm Mồ Côi của cái làng Kim bây giờ nhiều người vẫn nhớ như in chuyện ấy.

      Nhưng nhớ thì nhớ, người ta vẫn cứ thích nghe từ chính miệng lão nói ra mới sướng. Mà lão thì cảm thấy đó là một điều cấm kỵ nhất trong đời.

      Hồi đó, nhiều người lớn tuổi bây giờ còn nhớ, Năm Dần cấm khẩu suốt ba ngày. Một đêm nọ tự dưng hắn la khóc như bò rống, rồi xé hết áo quần chạy quanh xóm. Từ bụi chuối sau nhà Trùm Thiên, Năm dần rúc qua hàng rào tre gai, chạy băng ra trước đình làng, bọc ra phía cửa rừng, leo lên nhà bia của cái mã xây lớn nhất nghĩa địa, múa hát đủ thứ lộn tùng phèo. Bị vây bắt về, hắn lại vào chuồng trâu lấy phân bôi lên mặt, ngữa cổ lên bầu trời đang sáng trăng cười man dại, rồi leo lên cháng ba của cây mít ngoài đầu ngõ Trùm Thiên hát nói như có ma nhập. Sau khi hát chán lại ngủ ngồi đến tận đứng bóng ngày hôm sau, chẳng hề ăn uống. Những đêm kế tiếp hắn chặt một khúc tre ngọn làm đèn gió, vừa chạy vừa hươ khắp nghĩa địa. Nửa khuya không ai thấy ánh sáng đèn gió nữa thì lại nghe giọng chó tru trên cây chim chim, rồi tiếng quạ kêu chỗ cây đa ngoài bến sông. Cả xóm đi tìm Năm Dần, có người đồ rằng do bị ma ám nên Năm Dần nói được tiếng mọi loài cầm thú. Theo những âm thanh đó, cả xóm lại kéo nhau tìm bắt Năm Dần, nhưng hễ gần đến nơi thì không nghe thấy gì nữa. Rồi lại nghe tiếng gà gáy bên kia khu bàu hoang vắng, tiếng rái cá kêu trong bụi tre một bên kia suối. Mọi người mỏi mệt kéo về xóm...

4-

      Không ai biết rằng có những hôm đói quá, Năm Dần đã moi trộm cả những chạt khoai, rễ sắn còn non ngoài đồng nhai ngấu nghiến rồi xóa hết mọi dấu vết. Một đêm thức giấc ở một ngôi mộ hoang, Năm Dần bất ngờ phát hiện cảnh hai con quạ cắp từng cái trứng gà ở đâu đó ra lấp xuống chỗ đất mềm gần nơi mình nằm. Hắn nằm bất động theo dõi, suy đoán. Mỗi con quạ kẹp từng cái trứng giữa hai chân mang về và bới đất chôn vào cùng một chỗ, như để dự trữ thức ăn. Chôn xong lại cùng nhau đi lấy tiếp. Đến cái thứ mười, khi hai con quạ vừa rời đi, Năm Dần ngồi dậy và “tịch thu” cả chục trứng đó mang đi chỗ khác, hút trứng sống để có chút tươi trong người. Học được loài quạ, những hôm khác Năm Dần lại lẻn vào một nhà nào đó ăn trộm và hút sống cả một ổ trứng gà mà không để lại một dấu vết. Người làng hồi đó thường nghĩ đến nạn quạ lấy cắp trứng chớ chẳng ai nghĩ tới thằng điên Năm Dần. Ăn no lại tìm chỗ ngủ ở mấy khu mộ hoang...Những hôm thanh vắng, hắn lại tiếp tục trèo lên mấy ngọn cây cao làm tiếng chó tru, bò rống vang vọng suốt đêm...

   Vài người trong làng còn nhớ có lúc Năm Dần áo quần rách bươm, mặt  mày chân tay đầy bùn tìm về xóm, vừa hát những câu vô nghĩa vừa bạ gì ăn nấy. Bọn trẻ chạy theo trêu chọc “Năm Dần điên” rồi gọn lại là “Năm Điên”. Lũ trẻ càng bàn tán và thêu dệt thêm nhiều chuyện điên độc đáo khác và gán cho Năm Dần để câu chuyện thêm ly kỳ.

    Nhà lão Trùm Thiên coi như mất toi thằng ở vì Năm Dần chưa ở hết kỳ hạn. Lão tìm đến nhà Hai Hớn mắng la, đòi trả lại tiền công của Năm Dần  mười mấy năm qua.Vợ chồng Hai Hớn van xin, kêu trời than đất. Thấy chuyện trái đạo trời, nhiều người có tuổi và vai vế trong làng phải phân giải, Trùm Thiên mới nguôi và tha cho.

     Từ sau chuyện đó, Năm Dần điên âm thầm bỏ làng Kim ra đi vào một đêm mưa như trút, không để lại dấu vết gì cả. Thời gian trôi đi và chẳng ai, kể cả vợ chồng Hai Hớn, bận tâm đến sự biến mất của một người điên đã gây ra bao nhiêu phiền phức...!

 Lúc đó, Năm Dần chưa đầy hăm lăm tuổi, nhưng có thâm niên ở đợ đến mười bốn năm và gần một năm điên loạn, sống cuộc sống chẳng ra người.

5-

Vợ chồng Hai Hớn từ chỗ gán em đi ở đợ, làm ruộng rẻ cũng không đủ ăn. Sau ngày Năm Dần mất dạng và được Thủ Thiên mặc nhiên xóa nợ, đã làm đủ thứ nghề, kể cả vay nóng vay nguội đi mua bán vặt ngoài đầu chợ, bến sông để nuôi miệng. Không ngờ lại khá giả dần. Những năm chiến tranh, sau khi bỏ lại ngôi nhà cháy cùng thửa vườn ông bà để lại, Hai Hớn ra phố xin đi làm phụ xe ben chở đá xây dựng sân bay cho một nhà thầu. Tích góp được chút vốn, lại hùn vào buôn bán rác thải trong căn cứ Mỹ. Tiền đẻ ra tiền.Thằng con trai lớn lại theo cha làm phụ xe và không bao lâu trở thành lái xe, chủ xe. Hòa bình, đổi mới, hắn tiếp sức với cha, ở luôn ngoài phố lập vựa bán trái cây, đại lý cát sạn. Lại mua đất làm nhà cho công nhân mướn khi có khu nhà máy xây dựng ở ngoại ô. Nhà đẻ ra nhà. Lại mua đất xây khách sạn...Người làng Kim kháo nhau họ là...đại gia!

   Ở đời phú quý sinh lễ nghĩa. Cha con Hai Hớn tìm thầy coi quẻ. Quẻ ứng phải chăm lo đến gia sự, mồ mả ông bà thì tiền của và bổn mạng mới bền. Lại về làng xây lăng mộ, dựng nhà thờ thổ tiên theo mô phỏng một chùa Tàu nổi tiếng dưới phố cổ, dự án nghe đâu đến cả bạc tỉ.

    Cha con họ ở ngoài phố đâu ngờ đúng vào lúc cần phải kê khai nhà đất sau chiến tranh, Năm Dần đã xuất hiện kịp thời. Kẻ đã bị mọi người quên lãng lại quay về làng với đứa con gái đèo sau chiếc xe đạp cũ sau gần nửa thế kỷ không tin tức. Năm Dần vốc hết những gì có được dựng ngay một căn nhà tôn trong góc vườn cũ, lập bàn thờ cúng tổ tiên, hàng ngày cuốc đất trồng rau màu làm thú vui. Cha con Hai Hớn chẳng nói một lời, đùng đùng đổ vật liệu xuống, phá nát mấy thửa rau của đứa em trên phần vườn còn lại, xây lên một công trình sặc sỡ và cao nhất  làng Kim.Tuyệt nhiên người ta không thấy hai anh em họ chuyện trò gì với nhau, dù chỉ nửa lời từ bấy đến nay. Ngày Tết, đám chạp, Hai Hớn đi ô tô về làng, mổ heo cúng giỗ ở nhà thờ. Năm Dần lặng lẽ chặt cây tre nhỏ dựng nêu trước sân, tưởng nhớ cha ông bằng vài cây nhang và mấy ly rượu nhạt trong căn nhà nhỏ của cha con mình.

 Khi đứa con gái duy nhất theo chồng, Năm Dần mới bắt đầu thấy căn nhà trống trải. Lão thường đi lại một mình quanh xóm với nụ cười mỉm thường trực trên cái miệng đã bắt đầu móm lại của một người già. Lão bắt đầu thói quen nấu nướng mỗi tuần một lần và ăn mỗi ngày một bữa. Dạo chơi khắp xóm, lão có thể kể lại những ngày đi ở cơ cực với nhà Trùm Thiên, những tháng năm lang bạt và có vợ có con...Cũng có lúc vui miệng, lão đọc lại vanh vách những bài hát, những câu hò khoan đối đáp thời trẻ. Nhưng dù có ai cạy miệng lão vẫn không hé môi về những tháng ngày điên dại cũ. Chỉ một lần duy nhất lão đã lỡ nói ra với đứa con gái trong ngày giỗ vợ: Nếu tao không điên làm sao thoát được kiếp làm trâu ngựa nhà Thủ Thiên! Tao không điên mà bỏ đi thì ông bác mày phải bán vợ đợ con để trả nợ suốt đời hay sao? Tao không điên thì làm sao gặp được mẹ mày? Khổ nhục lắm, nhưng mà quên đi con ạ! 

Tháng 11.2009

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG