Mùa xuân đầu tiên của một người Việt Nam “đặc biệt”

21.01.2010

Mùa xuân đầu tiên của một người Việt Nam “đặc biệt”

Ký dự thi

Vào đầu tháng 12/2009 vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho ông Menras André Marcel, với cái tên Việt Nam Hồ Cương Quyết.

Andre Menras - Hồ Cương Quyết là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam. Ông là một trong hai người Pháp công khai phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và rải truyền đơn chống tội ác chiến tranh của Mỹ trước trụ sở quốc hội chính quyền Sài Gòn vào giữa trưa ngày 25.7.1970. Sau đó, ông  bị bắt, giam tại khám Chí Hòa, đến tháng 12-1972 mới được thả và bị trục xuất về nước.

Trong gần 40 năm qua, bằng tất cả trái tim mình, Andre Menras - Hồ Cương Quyết vẫn thường xuyên trở lại Việt Nam tham gia giúp đỡ trên mọi hoạt động xã hội, đặc biệt là chú trọng nhiều đến cuộc sống của người nghèo và trẻ em nhiễm chất độc da cam... Ông cho biết, ông từng trải qua nhiều cái Tết ý nghĩa tại Việt Nam, nhưng có hai cái Tết quan trọng nhất, đó là: Tết 1971, ông được đặt tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết, do gợi ý của Nguyễn Văn Quới (Ba Minh), giáo sư Anh văn - đại diện tù nhân chính trị xà lim OB1, và cái Tết Canh Dần 2010 năm nay, khẳng định ông đã chính thức là người Việt Nam.

Từ mấy năm gần đây, André Quyết đã sắp xếp sinh hoạt gia đình của mình theo quy trình 6 tháng ở Việt Nam và 6 tháng ở Pháp. Thành phố Hồ Chí Minh được ông chọn là địa bàn cư trú chính tại quê hương thứ hai. Song, Đà Nẵng lại là nơi có những kỷ niệm và ấn tượng khá đặc biệt với ông. Ngay trên các–vi-sít của ông, cũng in hình một cậu bé người Việt đội nón lá, vốn là ảnh ông chụp ở chợ cá ven biển Đà Nẵng năm 1969 khi vừa đặt chân tới Việt Nam, để làm nhiệm vụ dạy học. Ông nói: “Bức ảnh như  một sự thôi thúc tôi mỗi ngày, phải làm gì cụ thể để giúp trẻ em nghèo Việt Nam!". Tại đây, là nơi ông gặp gỡ nhiều bạn bè cùng bộ lạc “Tà ru”(*) thời chiến tranh, và đặc biệt cũng là nơi ông có một “người mẹ Việt Nam” là bà Phan thị Minh (cháu ngoại nhà yêu nước Phan Châu Trinh - nguyên thành viên Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời), người ông từng gặp tại Pháp thời điểm diễn ra Hội đàm Paris.

Nhắc đến Hồ Cương Quyết, bà Phan Thị Minh cho biết: “ Từ hồi gặp Menras, sau khi anh được thả tù trở về Pháp, bao giờ anh ta cũng xem tôi như một người mẹ. Đến nay, mỗi lần về Đà Nẵng, anh vẫn luôn ghé đến nhà tôi như đứa con đi xa về.

 Tôi chưa bao giờ gặp một người Pháp nào có “chất” Việt Nam nhiều như anh ta. Hồi còn trẻ, sau khi ở tù trở về, vào thời điểm chưa đầy một tháng trước khi Hiệp định Paris được ký kết, nhờ có anh, mà ta mới có được một danh sách tù chính trị trong các nhà tù của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam được thống kê đầy đủ tên tuổi, quê quán, đã được chuyển thẳng từ nhà lao Chí Hòa đến bàn đàm phán.

 Còn giờ đây, mỗi lần qua Việt Nam, Menras sẵn sàng lăn xả đến những vùng hẻo lánh khó khăn để tham gia mọi việc. Anh cũng tỏ ra bức xúc như bất cứ người nào có lương tâm khi nghe trong xã hội mình có lôi thôi việc này, việc kia...”

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội phát triển trao đổi sư phạm Pháp - Việt (A.D.E.P.France Việt Nam), trong năm 2007, André Quyết đã vận động mời đoàn cựu tù chính trị Côn Đảo - được gọi    những  người  bạn    Ru (gồm 17 người) sang thăm nước Pháp. Tại các buổi tiếp xúc với công chúng Pháp, ông đã giới thiệu: “ Tất cả họ đều bị bắt cầm tù, bị tra tấn, thường xuyên bị hành hạ vì họ đã hoạt động chống lại sự xâm lược của Mỹ đối với Tổ quốc họ. Nhiều người trong số họ đã bị tù đày từ lúc còn rất trẻ, và họ đã trải qua những quãng đời đẹp nhất của họ trong tù.”. Những cuộc gặp gỡ như vậy luôn gây xúc động, khi các thành viên đoàn nêu thêm những dẫn chứng, những câu chuyện từ trong hầm tối nhà tù... khiến cử toạ , ngay cả André Quyết, cũng không cầm được nước mắt.

Ông Phạm Văn Ba (Đà Nẵng), có mặt trong chuyến đi, kể lại : “Tại 2 địa phương Vendres, Portiragnes, sau buổi giao lưu, trò chuyện, tìm hiểu về quá trình hoạt động của các thành viên trong Đoàn, Thị trưởng thành phố có tổ chức lễ công bố quyết định của thành phố phong tặng danh hiệu công dân danh dự của thành phố và trao huy hiệu cho 3 người trong Đoàn, đó là: André Menras- Chủ tịch ADEP; Phạm Văn Ba, người có tuổi cao nhất và có thời gian ở tù Côn Đảo lâu nhất của Đoàn; Trịnh Văn Tư (Tư Cần)- là người Bí thư đầu tiên của Côn Đảo sau ngày tù nhân nổi dậy cướp chính quyền giải phóng Côn Đảo, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long, Phó ban kiểm tra Trung ương Đảng đã nghỉ hưu”. Ông Ba cũng  nói thêm với những người bạn Pháp: “Chúng tôi không bao giờ quên những người bạn Pháp đã từng giúp đỡ chúng tôi trong đấu tranh vì độc lập trước kia và giờ đây, như ADEP là một dẫn chứng cụ thể, vẫn đang giúp chúng tôi chống lại nghèo nàn...”.

Hồi tháng 3 năm 2008, khi nghe chương trình "Nước ngọt cho Trường Sa"(CT)  do báo Thanh Niên khởi xướng, trong số rất nhiều sáng kiến, đề xuất, thể hiện tấm lòng đau đáu của người Việt Nam với những người lính Trường Sa, André Quyết là  người  đầu  tiên nêu một kế hoạch khả thi: có thể mua một máy khử nước mặn được sản xuất tại Nantes (Pháp). Sau khi bàn bạc thống nhất, André Quyết vội vã về Pháp, tới Nantes tiếp xúc ngay với công ty chuyên sản xuất máy lọc nước biển để trao đổi về việc mua chiếc Power - Survivor 160 (công suất 25 lít nước/giờ chạy bằng sức gió và pin mặt trời). Cùng với  hai người  bạn mình là Hồng Lê Thọ (Việt kiều Nhật) và Nguyễn Đức Phương (chủ bút báo Đoàn Kết - Pháp), cả  ba người đã tiên phong  hưởng ứng, đưa ra giải pháp cho CT.  Nhờ vậy, khá nhiều Việt kiều hiện đang sống, làm việc trong nước cũng như nhiều nước trên thế giới ủng hộ CT. Trị giá chiếc máy là 10.000 euro. Song thời điểm đó, số tiền quyên góp được đã đủ mua ba máy.  Ông Quyết hồ hởi nói:  "Vấn đề không phải là tiền mà là làm ấm lại một phong trào: Người nước ngoài, Việt kiều chung tay, ủng hộ một chương trình hữu ích cho, vì Việt Nam. Đặc biệt lần này là vì Trường Sa thân yêu !".

Tết Kỷ Sửu 2009, André Quyết có mặt ở Việt Nam. Ông cho biết, ông rất hạnh phúc khi vào giờ khắc giao thừa, ông đã được chọn để lên truyền hình chúc Tết mọi  người. Cũng dịp này, ra Hà Nội, ông hân hạnh được phép đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người ông ngưỡng một từ thời trai trẻ. André cũng nhờ nhà phê bình Ngô Thảo dẫn tới gặp Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam để chuyển những lời tâm huyết của một người bạn Pháp đặc biệt: Nhà báo Madeleine Riffaud. Ông cho biết: "Bà Madeleine Riffaud đã sống như một người Việt Nam tại Pháp. Nhà bà đã có chỗ trang trọng để đặt bàn thờ theo kiểu Việt Nam. Gốc rễ Madleine Riffaud đã thành người Việt Nam từ lâu lắm rồi".

                                                           ***

Ngồi tại  quán cà phê Givral  - cách không xa, khu vực tượng đài Tình mẫu tử trước Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, là nơi ngày 25/7/1970, André và Pierre Debris đã tạo nên sự kiện chấn động chính quyền Sài Gòn thời đó,  André Quyết  hồi  tưởng lại thời tuổi trẻ và nói:

- Lúc mới bị bắt, ban đầu cơ quan ngoại giao Pháp bảo tôi là một người bị "tâm thần". Chính quyền Thiệu cũng muốn "quy" như vậy để vô hiệu hóa ý nghĩa của sự kiện treo cờ. Họ đưa chúng tôi lên nhà thương điên Biên Hòa, nhưng may thay, vị bác sĩ khám bệnh ở đây là người chính trực. Ông ấy đã không làm theo ý của họ, mà cho kết quả tôi và Debris là người hoàn toàn bình thường. Lúc đó , qua đường dây trong tù, tôi đã gửi một bức thư về Pháp tố cáo chế độ lao tù của Sài Gòn, bức thư đã được đăng trên báo Nhân Đạo. Từ đó, một phong trào được dấy lên mạnh mẽ ở Pháp chống chiến tranh xâm lược của Mỹ, đòi trả tự do cho chúng tôi . Cơ quan ngoại giao Pháp cũng gây áp lực để bảo vệ công dân của họ. Nhờ  vậy    chúng tôi được "nới lỏng" đôi chút, như : được đi phơi nắng mỗi ngày 15 phút, được nhận thư...

Nhắc về kỷ  niệm  với  người  bạn “tà -ru” Phạm  Văn Ba, André  kể: "Trong quá  trình  như  vậy, tôi quen một thường phạm, tên là Jean Pierre Giunkini, người Pháp. Anh ta có một chiếc radio 3 band do vợ anh ta thăm nuôi gửi cho. Tôi đã  xin chiếc radio đó giao cho ông Phạm Văn Ba. Về  sau, ông Ba bị đày đi Côn Đảo, mang chiếc radio đó đi theo, mang luôn vào phòng giam. Sau này tôi biết người chịu trách nhiệm nghe chiếc radio đó ở Côn Đảo là ông Bùi Văn Toản (hiện nay ở Sài Gòn). Tôi tự hỏi, không biết các anh ấy đã làm thế nào mà giữ được chiếc radio đó dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bọn chúng. Nhưng tôi biết các chiến sĩ trong tù, cũng như ở bên ngoài, rất mưu trí, cái gì cũng làm được".

Ngày 31.12.1972,  Menras Quyết    Debris (còn có tên là Hồ Tất Thắng, cũng do Ba Quới  đặt) bị  trục xuất về Pháp. Ông  nhớ lại: "Trước khi bị trục xuất 3 ngày, tôi được anh em ở OB1 giao một tài liệu gói kỹ, bảo sang đến Pháp thì giao ngay cho phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt NamParis. Anh em chỉ dặn việc đó rất quan trọng, cố gắng làm cho được, ngoài ra không nói gì khác. Tôi và Pierre Debris tính với nhau bằng mọi giá phải mang tài liệu này đi cho được, nếu bị chúng giở trò lục soát thì sẽ đánh trả để tạo dư luận. Tôi cuốn kỹ tài liệu đó lại, nhét vào trong xi-lip. Chúng tôi được cảnh sát áp giải ra sân bay. Lên máy bay có các nhân viên phòng nhì Pháp, tôi biết chắc ít nhất có 3 người, họ đưa thẳng chúng tôi về Paris. Tôi không bị lục soát gì cả. Đến Paris, tôi lấy chiếc xe của người bạn và đi thẳng tới nhà bác sĩ Henry Carpentier. Ở đây tôi gặp hai người trong phái đoàn,  là bà Nguyễn Ngọc Dung và bà Phan Thị Minh. Tôi giao tài liệu cho họ, và  đến nay tôi vẫn không biết đó là tài liệu gì...".

                                                        ***

Năm 1973 André Menras và  Jean - Pierre Debris viết chung tập sách Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo, xuất bản tại Pháp (được NXB Trẻ tái bản vào năm 2004), nội  dung của  những  trang viết  là một bằng chứng về chính nghĩa cao cả của cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ nhưng vinh quang mà nhân dân Việt Nam đã trải qua.

Sau giải phóng, 1976, ông Jeans Pierre Hồ Tất Thắng quay lại Việt Nam, làm đại diện thương mại cho một công ty Pháp, lấy vợ người Việt, sau đó đưa vợ con về Pháp sinh sống.

Tháng 8.1977,  André Quyết, trở lại thăm VN theo lời mời của Chính phủ Việt Nam.  Năm 2001, khi đã về hưu, André leo lên nóc tháp chuông nhà thờ cao 60 mét ở Sauvian, dầm mình giữa thời tiết giá lạnh 6 ngày trời để đòi Chính phủ Pháp phải tính thâm niên công tác cho cả quãng thời gian ông đi tù và những ngày tháng rong ruổi tại nhiều quốc gia vạch trần tội ác của chế độ nhà tù Sài Gòn. André lại thành công một lần nữa. Năm  2002, ông quay lại Việt Nam lần thứ ba, rồi  sáng  lập  Hiệp hội ADEP làm cầu nối giúp các trường học  của hai nước trao đổi giáo viên thực tập. Hiện, tại trường Hoàng Văn Thụ (Đà Nẵng) đang có 7 giáo viên Pháp tới thực tập, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với các đồng nghiệp Việt Nam. Từ năm 2004, ông chú  tâm đến  việc  tặng học bổng cho trẻ em nghèo. Đến  tháng 9.2006, ông nhận  làm  đại diện thương mại cho 800 hộ gia đình trồng nho, làm rượu vang vùng Languedoc Loussillon - Nam nước Pháp tại Việt Nam để có thêm thu nhập cho quỹ học bổng. Ông cũng là người  làm hướng dẫn viên tình nguyện và... miễn phí cho đoàn làm phim của ĐD Nguyễn Hồ về 3 vị vua triều Nguyễn yêu nước.

                                                            ***

Mặc dù, cái tên Hồ Cương Quyết đã gắn liền với Adré Menras, từ cách đây mấy chục năm, khi ông còn ở trong lao tù chế độ Sài Gòn, nhưng mãi đến cuối năm 2007, ông mới nộp đơn xin quốc tịch Việt Nam. Ông  dí dỏm: "Chưa có người Pháp nào xin quốc tịch Việt Nam. Này, nếu tôi mà là cầu thủ, đơn của tôi có khi được duyệt nhanh đấy nhỉ? Nhưng tiếc quá, tôi đã 63 rồi, già rồi... ".

Trên thực tế, André kể: vị lãnh đạo đầu tiên mà tôi có dịp bày tỏ ý muốn ấy cách đây gần ba năm là ông Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, khi ngẫu nhiên tôi được gặp ông. Trước mặt bạn bè, ông phó chủ tịch nói, ông coi tôi là “người nhà”, tôi bèn nói đùa : “Thế thì tại sao không cấp cho tôi quốc tịch Việt Nam ?”. Ông trả lời không một chút do dự : « Anh làm đơn đi, tôi sẽ ủng hộ”. “Nhịp cầu đầu tư” của bạn tôi, đạo diễn Đặng Nhật Minh, là tạp chí đầu tiên đề cập chuyện này. Tôi đã viết thư tay cách đây hai năm gửi đại sứ Việt Nam tại Pháp. Sau đó, từ Việt Nam và từ Pháp, tôi đã hai lần gửi thư bảo đảm tới chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nhưng cả hai lần thư không tới tay ông. Năm ngoái, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có nhã ý mời tôi về Việt Nam ăn tết. Trong một bữa ăn thân mật có mặt phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài và đại diện Sở ngoại vụ, tôi lại nêu vấn đề này lên, và các vị đã giúp tôi thúc đẩy thủ tục. Rồi mới đây, qua sự liên hệ của những người bạn chiến đấu thân cận, chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã dành cho tôi vinh dự được ông tiếp ở Hà Nội và báo cho tôi tin mừng. Như vậy là kể từ ngày 11 tháng 11 năm 2009, tôi chính thức là người Việt Nam.

 Và giờ đây, Adré Quyết nói, nếu tình cờ đi ngoài đường phố hay trên đồng ruộng, có gặp một người Việt Nam hơi kỳ một chút, mũi lõ, mắt xanh, cánh tay lông lá, nói tiếng Việt với cái giọng lơ lớ, chữ tác đánh chữ tộ, thì hỡi đồng bào thân mến, các bạn đừng tưởng nhầm : trong thâm tâm, hắn ta là một người Việt Nam thực thụ đấy!

 
TRẦN TRUNG SÁNG