Về chùm thơ hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh của Phan Khôi

05.01.2023
Phan Nam Sinh

Về chùm thơ hai bài thơ  Xuân Áng tức cảnh của Phan Khôi

Chân dung Phan Khôi

Trước kia và cho tới thời gian gần đây tôi không hề biết chùm thơ chữ Hán hai bài có tên là Xuân Áng tức cảnh của Phan Khôi. Đọc cả gần 10 nghìn trang sách của bộ Phan Khôi, tác phẩm đăng báo do nhà nghiên cứu - phê bình Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn cũng không thấy có. Nhưng hai hay ba năm gần đây, nhờ một lần vào trang mạng của Thi viện, tôi mới biết Phan Khôi có hai bài thơ này.

Theo Thi viện, hai bài thơ này được lấy từ cuốn Tuyển tập thơ Hán Việt của tác giả Đông Xuyên, Nhà xuất bản Cảo Thơm, Sài Gòn, năm 1975.

Phía dưới phẩn nguyên văn chữ Hán, phần phiên âm và phần dịch thơ của tác giả Đông Xuyên thấy có chú thích: “Xuân Áng tên làng ở miền Bắc, nơi Phan Khôi tản cư thời kháng chiến, song không rõ thuộc tỉnh nào”.

Hai bài thơ này không thấy Phan Khôi gửi về gia đình như ông vẫn thường làm. Năm 1965, khi làm thư mục cho số sách vở, bản thảo của ông để lại cũng không hề thấy bản thảo Xuân Áng tức cảnh. Vì vậy mà hai bài thơ này của Phan Khôi cho tới nay vẫn còn một số điểm chưa được làm rõ. Tôi viết bài này, ngoài mục đích giới thiệu với bạn đọc hai bài thơ chữ Hán hay của Phan Khôi còn muốn được góp thêm một tiếng nói, hy vọng nhờ đó một số vấn đề thuộc bài thơ sẽ được sáng tỏ hơn.

1. Vì sao Đông Xuyên biết Xuân Áng tức cảnh của Phan Khôi mà đưa vàoTuyển tập thơ Hán Việt?

Như trên đã nói, hai bài thơ này không hề được Phan Khôi gửi về gia đình và cũng chưa từng được đăng báo, vậy mà sao Đông Xuyên lại biết để đưa vào Tuyển tập thơ Hán Việt? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời.

Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đồ rằng sau khi viết xong bài Xuân Áng tức cảnh, rất có thể Phan Khôi đã gửi cho Vũ Hoàng Chương, vì trước đó, vào mùa thu năm 1946, khi còn ở Thái Nguyên, Phan Khôi đã gửi một bài thất ngôn bát cú Đường luật cho Vũ Hoàng Chương, lúc nhà thơ đang tản cư ở phủ lỵ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, thuộc miền duyên hải Liên khu Ba. Bài thơ như sau:

Ngừng tim lặng óc bặt dòng tình

Tai mắt như không phải của mình

Thấy dưới ánh trăng muôn khúc nhạc

Nghe trong tiếng ếch một màu xanh

Suối tiên đắm đuối bao cho chán

Khối mộng vờn mơn mãi chẳng thành

Thú ấy từ lâu không có nữa

Ngủ say thức tỉnh dậy buồn tênh

Và Vũ Hoàng Chương đã đáp lại bằng một bài họa như dưới đây:

Trời vô tâm quá, đất vô tình...

Biết gửi vào đâu cái “chính mình”?

Tiếng ếch đã trùm lên tiếng sóng

Màu đen lại ngả xuống màu xanh.

Uổng cho thơ dẫu bày trăm trận

Ngán nhẽ sầu khôn phá một thành

Tưởng tới nguồn đào thôi lại tiếc

Con thuyền đêm ấy nhẹ tênh tênh.

Được biết trước và sau Hiệp định Gienève năm 1954, Vũ Hoàng Chương và Đông Xuyên, kẻ trước người sau đã vào Sài Gòn định cư cho tới cuối đời, đều hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và rất nổi tiếng nên chắc chắn là họ có quen biết nhau. Và vì vậy, rất có thể trong một lúc cao hứng hay trong một lúc nào đó trò chuyện về Phan Khôi, Vũ Hoàng Chương đã đọc hoặc chép bài Xuân Áng tức cảnh cho Đông Xuyên. Nhờ thế mà Đông Xuyên mới biết tới bài Xuân Áng tức cảnh của Phan Khôi để sau đó đưa vào Tuyển tập thơ Hán Việt.

Vẫn biết những gì đã nói ở trên chỉ mới là phỏng đoán, chưa có gì là chắc chắn, muốn chắc chắn còn phải chờ ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, với số tư liệu còn rất ít ỏi, người viết đành phải tạm bằng lòng với cách lý giải trên vì chưa tìm được cách lý giải nào thuyết phục hơn.

2. Chữ “lê” ở câu thứ sáu bài thứ nhất Xuân Áng tức cảnhlà chữ “lê” nào?

Câu thứ sáu bài thứ nhất của Xuân Áng tức cảnh thấy Thi Viện in là 飯 裹 驅 黎 趁 曉 烟, đọc theo âm Hán Việt là “phạn khỏa khu lê sấn hiểu yên”, được cụ Đông Xuyên dịch thơ là “Khói sớm, đùm cơm, trâu đuổi tới” và Giáo sư Nguyễn Huệ Chi dịch nghĩa là “Cơm nắm lùa trâu, đuổi theo làn khói sớm”. 

Như vậy, chữ “lê” đó có nghĩa là “con trâu”. Nhưng nếu là “con trâu” thì sao lại in là 黎 mà không in là 犂? Đó là điều tôi băn khoăn và đã đặt vấn đề để tự tìm hiểu từ bấy lâu nay.

Tra Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, rồi Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, thấy chữ “lê” (黎) ấy có 3 nghĩa nhưng không có nghĩa nào là “con trâu”. Tra tới Hán Việt từ điển của Trần Văn Chánh, thấy chữ “lê” (黎) có đến 8 nghĩa nhưng vẫn không có nghĩa nào là “con trâu”. Tra sang Cổ đại Hán ngữ từ điển (古 代 汉 语 词 典) của Nhà Xuất bản Thương vụ ấn thư quán (商 务 印 书 馆) thấy chữ “lê” (黎) đó có 5 nghĩa nhưng vẫn chẳng có nghĩa nào là “con trâu” cả!

Với chữ “lê” (犂), ngoài bốn cuốn từ điển trên, tôi còn tra thêm Hán Việt từ điển của Nguyễn Quốc Hùng và được kết quả như sau:

Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh có 3 nghĩa, không có nghĩa nào là “con trâu”; Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 6 nghĩa, trong đó nghĩa thứ 4 được chú là “con trâu lang lổ”; Hán Việt từ điển của Trần Văn Chánh có 3 nghĩa nhưng không có nghĩa nào là “con trâu”; Hán Việt từ điển của Nguyễn Quốc Hùng có 3 nghĩa, trong đó nghĩa thứ 3 được chú là “có đốm đen, khoang đen”, tiếp còn đưa thí dụ “lê ngưu” (犁 牛), được giải nghĩa là “con bò khoang, loang lổ vàng đen”. Trong khi đó, chữ 犂 trong Cổ đại Hán ngữ từ điển (古 代 汉 语 词 典) của Nhà Xuất bản Thương vụ ấn thư quán (商 务 印 书 馆) có tới 6 nghĩa; nghĩa thứ 3 được chú là “tạp sắc” (杂 色) và lấy thí dụ 7 chữ trong thiên Ung dã (雍 也) sách Luận ngữ (論 語) là “lê ngưu chi tử tuynh thả giác” ( 牛 之 子 騂 且 角), được dịch giả cuốn Luận ngữ là Đoàn Trung Còn dịch sang tiếng Việt là “con bò tơ, con của con bò lang, sắc lông nó đỏ và sừng nó đều đặn, tốt đẹp”.

Tuy chữ “lê” (犂) có người dịch là “con trâu lang”, có người dịch là “con bò lang” nhưng chung quy đều là con vật dùng để kéo cày. Còn chữ “lê” (黎) là “họ Lê” như Lê Thái Tổ (黎 太 祖), Lê Đại Hành (黎 大 行); là “số đông” như hai chữ “lê dân” (黎 民); là “màu đen” như “lê ngưu” (黎 牛) là “con trâu đen”; chưa bao giờ thấy chữ “lê” (黎) có nghĩa là “con trâu” cả!

Từ những gì tra cứu được, tôi ngờ rằng chữ “lê” trong câu “Phạn khỏa khu lê sấn hiểu yên” mà cụ Đông Xuyên dịch thơ là “Khói sớm, đùm cơm, trâu đuổi tới” và Giáo sư Nguyễn Huệ Chi dịch nghĩa là “Cơm nắm lùa trâu, đuổi theo làn khói sớm” trong bài Xuân Áng tức cảnh (春 盎 即 景) của Phan Khôi phải là  chữ “lê” (犂), mà không thể là chữ “lê” (黎) được!

Nếu điều tôi nói trên là đúng thì ai nhầm? Trong tay tôi hiện không có cuốn Tuyển tập thơ Hán Việt của Đông Xuyên. Năm 1965, khi làm thư mục cho những gì của Phan Khôi để lại cũng không thấy có dấu tích gì của bài Xuân Áng tức cảnh như đã nói nên không thể biết ai nhầm. Cụ Phan Khôi nhầm, cụ Đông Xuyên nhầm, hay Thi Viện nhầm? Theo tôi, cụ Phan Khôi, cụ Đông Xuyên đều là các bậc túc nho nên rất ít có khả năng các cụ nhầm. Vậy rất có thể, khi số hóa đưa lên mạng, Thi Viện nhầm cũng nên?

3. Nơi và thời gian ra đời của Xuân Áng tức cảnh.

Xuân Áng xưa là tên xã, diện tích chỉ 24,72 km2, dân số cũng chỉ có 4069 người. Theo Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, ngày 1 tháng 1 năm 2020, Xuân Áng chính thức được sáp nhập với hai xã Chuế Lưu và xã Lâm Lợi để thành xã Xuân Áng mới thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ với diện tích và dân số là 45,21 km2 và 9451 người, theo thống kê dân số năm 2018.

Nơi đây, vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan Trung ương, trong đó có Hội Văn nghệ Việt Nam. Chính từ đây, Phan Khôi đã dịch xong năm thiên tiểu thuyết của Lỗ Tấn, trong đó bốn thiên “Khổng Ất Kỷ”, “Chuyện cái đầu tóc”, “A Q chính truyện”, “Chúc phước” về sau được in vào Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn (Tập 1), được xuất bản bởi Nhà xuất bản Văn nghệ, Hà Nội, năm 1955.

Đi tìm thời gian Phan Khôi viết Xuân Áng tức cảnh, tôi đã phải dựa vào bản Tự kiểm thảo Phan Khôi viết tại Việt Bắc vào quãng giữa hoặc cuối đợt chỉnh huấn, tức vào giữa hay cuối tháng 9 năm 1953. Xin lược trích một đoạn trong đó Phan Khôi viết như sau:

 “Đêm 19-12-1946, tiếng súng kháng chiến bùng nổ... Đêm ấy tôi ở một nhà gần Dốc Láng, nghe súng pháo đài Láng nổ, trèo qua cửa sổ ngồi ở vỉa hè, đếm được hơn sáu chục tiếng rồi không đếm nữa, phơi phới cả người... Trước Tết Nguyên đán một ngày, tôi theo một gia đình chạy vào Yên Hạ vì mặt trận Láng vỡ... Ở đó chừng mươi ngày, tôi lại đi theo gia đình ấy đi lên Bố Hạ... Mấy tuần lễ sau có người đến bảo tôi gia nhập đoàn Văn hóa kháng chiến đi Phú Thọ... Đến Phú Thọ, trước ở Vĩnh Châu, sau dời lên Xuân Áng... Trong thời gian ấy đoàn chúng tôi viết, vẽ và diễn kịch. Riêng tôi dịch được năm thiên tiểu thuyết của Lỗ Tấn”.

Như vậy, Phan Khôi phải đến Xuân Áng sau Tết  Đinh Hợi (1947) và từ đó có thể khẳng định Phan Khôi viết Xuân Áng tức cảnh sau Tết năm ấy không lâu, có thể chỉ trong tháng Giêng năm ấy là cùng vì người làm thơ nào khi cảm xúc đến cũng sợ để lâu, không còn đủ cảm xúc để mà viết nữa.

Nhận thấy Xuân Áng tức cảnh là một trong những chùm thơ chữ Hán hay của Phan Khôi mà có thể còn nhiều người chưa biết nên tôi mạn phép mượn phần nguyên văn chữ Hán, sau khi đã sửa chữ “lê” (黎) thành chữ “lê”
(犂) vì lý do như đã nói trên kia, phần phiên âm, dịch thơ của Đông Xuyên và phần dịch nghĩa của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đưa vào đây để bạn đọc thưởng lãm.

Nguyên văn chữ Hán:

春 盎 即 景

(其 一)

青 山 三 面 斷 還 連,

中 有 山 村 雜 水 田。

樸 野 民 風 存 古 誼,

盈 餘 穀 食 屢 豐 年。

竹 筒 負 水 攀 層 磴,

飯 裹 驅 犂  趁 曉 烟。

獨 對 翠 微 傲 猿 鳥,

偶 因 避 地 得 林 泉。

春 盎 即 景

(其 二)

蒼 碧 盈 盈 望 不 窮,

禾 麻 成 隴 樹 成 叢。

礦 泉 青 障 流 間 白,

林 火 黃 昏 分 外 紅。

耕 罷 村 翁 鋤 荷 月,

浴 歸 少 婦 髮 梳 風。

羣 山 俯 揖 如 邀 客,

便 欲 攜 家 老 此 中。

Phiên âm Hán Việt:

Xuân Áng tức cảnh

(Kỳ 1)

Thanh sơn tam diện đoạn hoàn liên,

Trung hữu sơn thôn tạp thủy điền.

Phác dã dân phong tồn cổ nghị,

Doanh dư cốc thực lũ phong niên.

Trúc đồng phụ thủy phan tằng đặng,

Phạn khỏa khu lê sấn hiểu yên.

Độc đối thúy vi ngạo viên điểu,

Ngẫu nhân tỵ địa đắc lâm tuyền.

(Kỳ 2)

Thương bích doanh doanh vọng bất cùng,

Hòa ma thành lũng thụ thành tùng.

Khoáng tuyền thanh chướng lưu gian bạch,

Lâm hỏa hoàng hôn phận ngoại hồng

Canh bãi thôn ông sừ hạ nguyệt,

Dục quy thiếu phụ phát sơ phong.

Quần sơn phủ ấp như yêu khách,

Tiện dục huề gia lão thử trung.

 

Dịch nghĩa:

Bài 1

Ba mặt núi xanh chập chùng, đứt rồi lại nối,

Xóm núi nằm ở giữa, chen lẫn với ruộng nước.

Phong tục dân chúng thuần phác, còn giữ những tình cảm cổ xưa,

Lúa má dư thừa, năm này năm khác luôn được mùa.

Ống tre quẩy nước, vin từng bậc đá leo lên,

Cơm nắm lùa trâu, đuổi theo làn khói sớm.

Một mình ta đối diện khoảng xanh bát ngát, ngạo với lũ chim vượn,

Ngẫu nhiên đi lánh nạn lại được cái thú lâm tuyền.

Bài 2

Xanh biếc đầy tràn nhìn ngút mắt,

Lúa đay mọc thành gò lũng, cây cối mọc thành lùm bụi.

Bên này là đá khoáng, bên kia bờ xanh um, làn nước trắng xóa chảy ở giữa,

Lửa rừng cháy lúc hoàng hôn, màn trời hồng lên ngoài khoảng ấy.

Cày xong, thôn ông mang bừa đội trăng về nhà.

Đi tắm trở về, thiếu phụ chải mái tóc trong làn gió.

Cả đám núi phủ phục vái chào như mời khách,

Khiến cho lão cũng muốn dẫn cả gia đình lên sống già ở đây.

 

Dịch thơ:

Xuân Áng tức cảnh

Bài 1

Ba mặt non xanh đứt lại liền,

Giữa là xóm núi, ruộng đồng chen.

Thật thà quen thói, dân theo cổ,

Thừa thãi hằng năm, lúa được rền.

Khói sớm, đùm cơm, trâu đuổi tới…

Đá tầng, ống trúc, nước đeo lên…

Rừng xanh lánh nạn, đùa chim vượn,

Cái thú lâm tuyền được ngẫu nhiên!

Bài 2

Biếc biếc, xanh xanh, vun vút xa…

Lùm cây, nương lá ngó bao la!

Chiều vàng, lửa đỏ ven rừng đốt,

Đập biếc, làn trong suối mỏ pha

Tóc gió tắm về, hong mụ trẻ,

Bừa trăng cày đoạn, vác ông già.

Lom khom dãy núi như mời khách,

Muốn dọn nhà lên… sống tuổi già.

4. Vài dòng kết luận:

Nhân những ngày đầu Xuân Quý Mão này, với việc giới thiệu chùm thơ hai bài Xuân Áng tức cảnh của Phan Khôi, hy vọng bạn đọc sẽ có điều kiện để hiểu thêm về tâm tư, tình cảm của Phan Khôi và rất có thể cũng là của nhiều văn nhân, thi sĩ trong những ngày đầu đi với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy cam go, thử thách nhưng cũng đầy vinh quang của dân tộc.

P.N.S

Bài viết khác cùng số

Những đám mây thổ cẩmChuyện vui kể vào dịp TếtNăm cũNhững ngày cuối nămCôn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tàiMùa xuân trên tầng ký ứcTập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Những vấn đề đang đặt raCó một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trướcMùa xuân khơi dậy khát vọng phát triểnMỹ nhân ám ảnhMột thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương laiMùa chim ri làm tổĐừng nói lời yêu chiều ba mươi TếtVàng Mai rực rỡThanh Mai Tầm XuânTản mạn bốn mùa nước MỹTôi yêu Đà NẵngEm về tắm biển Tiên SaChạm xuânĐó là cách mùa xuân chạm vào chúng taPhía xuân xaPhía xuân quê nhàKhúc tiễn ngày xuânTết quêTháng GiêngCuối TếtTếtMưa trên tượng người Việt cổDắt em về miền biểnCà phê chiềuTruyền thuyết hoa Dã QuỳNgày rất dàiPhiên chợ tình toàn đá núiGiả sửĐợi xuânĐi để trở vềGiao mùaThơ Nguyễn Nho Thùy DươngBến gióVô thườngVó ngựa trót hoang emNghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gianChiều sông HànHồi ức Mã ChâuChào nhé mùa ĐôngNgày nắng vỡNgày giỗ nộiXuân muộnĐoản khúc cho một ngàyThầm thì bên suốiVaTự sựThèm một vòng tayMùi TếtĐã chínDự cảm GiêngTết nướcChuyển mùaNgẫu khúc cầu vàngLy cà phê quán nhỏChùm Haiku mùaTiếng thơ Nguyễn Nho NhượnHọa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụaĐà Nẵng - Thành phố niềm tinVề chùm thơ hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh của Phan KhôiBiến thể - Khúc bi ca nhân thếLưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hànhVũ Hạnh một nhân cách văn học khó quênCon mèo trong văn hóa dân gian Việt NamNgày xuân đọc lại thơ Tết của Phan Bội ChâuLàng, Đình làng và Hội làng ngày xuânHình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhiNhớ “Mùa xuân đầu tiên”Ngày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn XuânChiều Đà NẵngCon mèoTuổi mười lămBốn mùa nhớ Bác