Tiếng thơ Nguyễn Nho Nhượn
Nhà thơ Nguyễn Nho Nhượn
Thập kỷ 60 thế kỷ XX, văn chương miền Nam bỗng nổi lên một hiện tượng mang đến sự ngạc nhiên cho các tầng lớp độc giả cả nước. Trên hầu hết các báo, tạp chí, nguyệt san có tiếng tăm tại Sài Gòn như: Văn, Bách khoa, Văn học, Thời nay, Phổ thông bán nguyệt san, Nghệ thuật, Giữ thơm quê mẹ… liên tục xuất hiện một lớp nhà thơ trẻ xứ Quảng. Họ mang đến những luồng tư duy khác biệt, với phong cách đa dạng, bắt đầu tham gia thi đàn. Hàng loạt cái tên được nhắc đến như: Nguyễn Nho Sa Mạc, Hoàng Lộc, Tần Hoài Dạ Vũ, Đynh Trầm Ca, Thành Tôn, Lê Nghiêm Vũ, Lê Phạm Đình Phú, Thái Tú Hạp, Hoàng Bích Ni, Đynh Hoàng Sa, Hoàng Quy, Uyên Hà, Hạ Đình Thao, Vũ Đức Sao Biển… Đương nhiên, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến thi sĩ Nguyễn Nho Nhượn - một tài năng yểu mệnh. Đặc biệt, thời đó họ đều là những học sinh trung học đang theo học tại trường Trần Quý Cáp, Hội An. Nhà thơ Hoàng Lộc nhớ lại: “Có lần, thầy Phan Khôi dạy Pháp văn của chúng tôi xách nguyệt san Bách khoa vào lớp khoe với học trò của thầy (là chính chúng tôi) rằng báo chí Sài Gòn sẽ phải đóng cửa nếu học trò Trần Quý Cáp không cộng tác”. Tất nhiên, tuy đây là một câu nói đùa chứa đầy hàm ý, nhưng mang theo không ít sự thật.
Tên chính thức của thi sĩ là Nguyễn Nho Nhượng, sinh ngày 12/03/1946 tại thôn Bồng Lai, La Qua, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông theo học trung học đệ nhất cấp tại trường Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn. Sau đó, ông theo học trung học đệ nhị cấp tại trường Trần Quý Cáp, Hội An. Ngay từ tuổi 16 ông đã có thơ đăng trên các tạp chí, bán nguyệt san, đang thịnh hành thời bấy giờ. Chưa đến tuổi 20, ông đã được người chủ trương xuất bản tập nguyệt san Sóng là Hoàng Đình Duy Quan mời tham gia Ban biên tập nguyệt san cùng với Lâm Sơn Đài, Tần Hoài Dạ Vũ, Hoàng Lộc, Phương Tấn.
Sáng tác thơ ngay từ thuở còn ngồi trên ghế trường trung học, thoạt tiên thơ của Nguyễn Nho Nhượn là tiếng thơ của những lãng mạn yêu đương tuổi học trò: “Anh nhẹ nhàng đọc lời thơ lục bát/ Ngó khắp trời tìm kiếm những đam mê… Anh chỉ biết thả hồn theo mây gió/ Ngó quanh mình chúng bạn cũng ngu ngơ” (Tâm Sự Buổi Sáng). Nhưng nếu chỉ có vậy thì thơ của ông khó có thể lọt vào mắt xanh của những nhà biên tập kỳ cựu ở các tạp chí đương thời. Chính sự linh cảm được nỗi bất an, những tiếng nói đọa đày của số phận vang lên từ đâu đó trong tiềm thức, được Nguyễn Nho Nhượn thốt lên thành lời, viết lên thành thơ, không phải cho riêng ông mà cho cả một thế hệ trẻ bơ vơ trong cuộc chiến: “Ơi tuổi trẻ mến thương mùa sách vở/ Thế hệ đang chờ, thời đại lo âu” (Mùa Sách Vở), đã giúp ông đặt chân vào thi đàn.
Qua lời kể của các thân hữu, Nguyễn Nho Nhượn qua đời khi còn quá trẻ, dường như ông chưa hề có một bóng hồng để thương yêu, hay một nàng thơ để ngợi ca tình yêu bất diệt. Tuy vậy, trong thơ của Nguyễn Nho Nhượn vẫn có một “Em”, một nàng thơ đâu đó từ cõi mộng mơ miên viễn, xuất hiện bàng bạc trong các bài Một Lần Đó, Thu Vàng, Bé Bỏng và rõ nét nhất trong Điệu Tình Thứ Nhất: “Đành mang trọn tình yêu làm vốn liếng/ Tặng cho em với ý nghĩa của đời/ Chút hạnh phúc theo niềm thương xuất hiện/ Anh trở về tìm lại ánh sao rơi”. Nàng thơ của Nguyễn Nho Nhượn là ai, chẳng ai hay, không ai biết, kể cả những người bạn thân nhất của ông. Phải chăng câu trả lời đã đi theo ông, kể từ lúc ông bước chân rời xa cõi tạm.
Lớn lên trong một khúc quanh khốc liệt của lịch sử đương thời, chiến tranh tàn phá khắp đất nước, tự trong tâm hồn Nguyễn Nho Nhượn cảm nhận được nỗi đau, cảm nhận được thân phận bi thương của những người dân phải sống trong cuộc chiến. Từ đó, những cảm xúc nội tâm bùng cháy được ông viết thành diễn ngôn: “Đám tang qua thành phố/ Lạnh lùng như gió mây/ Nhà hai bên đổ nát/ Còn trơ dáng xương gầy/ Cây gục đầu cuối lạy/ Bụi mờ là khói hương/ Mưa phùn làm nước mắt/ Khóc cho người tha phương”. (Đám Tang Qua Thành Phố). Một không gian hoang liêu, một nỗi đau đớn đến tột cùng, một sự cô đơn, cô đơn tới cùng tận. Chỉ có trái tim đa cảm của một thi sĩ đa tài mới có thể thoát ra những dòng thơ mang đầy những hình tượng biểu cảm xót xa, làm rúng động tâm can độc giả đến như vậy.
Sống ở phố, nhưng Nguyễn Nho Nhượn vẫn là một “người quê” chân chất. Từ trong tâm khảm ông luôn trăn trở, suy tư về sự hoang tàn, đổ nát của những làng quê bởi bom đạn chiến tranh: “Khi trở lại thấy tường xiêu ngói đổ/ Nền trơ vơ đón đợi bước chân về/ Dáng ai đứng ngập ngừng bên khung cửa/ Nhặt từng hòn gạch vụn tái tê”. Khắc khoải, hy vọng rồi trông chờ một cuộc sống bình yên, mong một ngày quê hương tàn cơn binh lửa, để được về quê, được nhìn thấy: “Mẹ gượng vui đón mừng sau mái rạ/ Đàn em cười- còn may mắn anh ơi/ Bom đạn nổ nhưng căn nhà vẫn đứng”. Khát vọng là vậy, căn nhà vẫn còn đứng vững, mẹ gượng cười và đàn em cười là vẫn còn xây dựng lại được cuộc sống mới tươi sáng hơn. Nhưng rồi, nỗi âu lo lại đè nặng trái tim người thi sĩ khi chứng kiến quê hương vẫn còn trong cơn binh biến: “Buổi chiều xuống đầy vọng âm tiếng súng/ Thấy hắt hiu cánh đồng trống bao la/ Căn hầm nhỏ nhốt bao niềm hy vọng/ Mong mặt trời xoa dịu nỗi xót xa”. (Khi Trở Về Vĩnh Điện).
Qua hồi ức của thi sĩ Hoàng Lộc, Nguyễn Nho Nhượn là một người hiền lành, ít nói và vô cùng khiêm tốn. Thời đó, khi Hoàng Lộc đã đi dạy tại trường Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn thì Nguyễn Nho Nhượn nhỏ tuổi hơn vẫn còn đang đi học tại Hội An. Những chiều cuối tuần họ thường ngồi hàn huyên với nhau tại quán café Đạo, một quán café nhỏ tại Hội An, nơi những sinh viên, học sinh và giới văn nghệ thường hay gặp gỡ. Có một chuyện thú vị, lúc đầu khi thấy ông định lấy bút danh Nguyễn Nho Nhượng, tình cờ trùng với tên của một thi sĩ đã thành danh, nhưng hai ông lại bất phục tài năng của người này. Hoàng Lộc nửa đùa nửa thật, gợi ý ông nên bỏ bớt chữ G trong tên mình để độc giả khỏi tưởng nhầm là người kia. Nguyễn Nho Nhượng thấy cũng hay nên làm theo. Từ đó, bút danh Nguyễn Nho Nhượn ra đời.
Lê Nghiêm Vũ một người bạn thân vừa là bạn thơ, sống gần gũi với ông nhất cho biết: “Nguyễn Nho Nhượn là người rất tốt, anh nghèo nhưng hào phóng vô cùng, bạn bè về nhà anh chơi, thế nào anh cũng thết cho một bữa. Anh có tính hay giận, không thích đùa giỡn, thích suy tư, về những vấn đề văn chương, thời cuộc. Dường như ngày nào anh cũng sáng tác, do đó số lượng thơ của Nguyễn Nho Nhượn rất nhiều, nhất là thời gian gần về cuối đời”. Được biết, có ít nhất năm tập thơ đã được Nguyễn Nho Nhượn hoàn thành tuy chưa được in lúc ông còn sống gồm: Những lời sương khói, Lời buồn trong tim, Hơi thở miền nhiệt đới, Nỗi buồn mọc cánh và Tiếng nói giữa hư vô. Rất tiếc, phần lớn đã thất lạc trong thời gian ông nằm viện. Đồng thời, các nhạc sĩ Trần Quang Lộc và Nguyễn Trọng Quý cũng đã phổ nhạc hai bài thơ Một lần đó và Vai Tuồng của ông.
Thời cuộc rối ren, thân mang trọng bệnh, và nhiều những rắc rối trong xã hội đương thời khiến lúc sinh thời chưa một tác phẩm nào của Nguyễn Nho Nhượn được xuất bản. Mãi đến 3 năm sau, khi ông qua đời ở tuổi 23, thương tiếc tài năng của bạn, hai người bạn thân của ông là thi sĩ Lê Nghiêm Vũ và nhạc sĩ Đynh Trầm Ca xuất bản tập thơ thứ nhất của Nguyễn Nho Nhượn là Tiếng nói giữa hư vô, vào năm 1972. Gần đây, nhờ sự giúp đỡ của nhiều thân hữu, gia đình ông đã sưu tầm và xuất bản tập Thơ Nguyễn Nho Nhượn. Tập thơ gồm ba phần “Tiếng Động Mùa Xuân”, “Điệu Tình Thứ Nhất”, “Vết Buồn Thời Đại”, và nhiều bài viết đầy xúc động của thân hữu, nhắc nhớ về Nguyễn Nho Nhượn, một thi sĩ tài năng của Quảng Nam một thời.
T.N.N