Hình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhi

05.01.2023
Trịnh Bích Thùy

Hình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhi

Tranh Chú mèo đi học (Tranh minh họa của Họa sĩ Phạm Hoan)

1. Không phải ngẫu nhiên mà thơ thiếu nhi thường xuyên nhắc đến mèo. Hầu như tác giả thơ thiếu nhi nào cũng có một vài bài về loài vật này. Mèo trở thành một trong những con vật nổi bật nhất trong thế giới nhân vật phong phú, nhiều sắc màu của thơ thiếu nhi. Có điều này bởi lẽ mèo là loài vật đáng yêu, gần gũi với trẻ và có nhiều nét tính cách tương đồng với trẻ. Đây cũng là lí do tại sao khác với văn học dân gian và văn học người lớn thường chỉ nhắc đến con mèo chung chung, văn học thiếu nhi, đặc biệt là thơ, lại hướng đến hình ảnh/ nhân vật mèo con nhiều hơn. Phan Thị Vàng Anh với Mèo con đi học, Phùng Phương Quý với Mèo con, Phạm Tuấn Vũ với Mèo con tìm mẹ, Lê Mạnh Tiến với Niềm vui của mèo con, Phùng Ngọc Hùng với Bé Hương và mèo con…, nhiều tác giả đã nhìn thấy ở mèo con hình ảnh của trẻ con và ngược lại. Đây chính là ngọn nguồn làm nên vẻ đẹp của hình tượng con mèo trong thơ thiếu nhi.

2. Trước hết, hình ảnh con mèo được miêu tả trong thơ thiếu nhi có nhiều tương đồng với mèo trong văn chương người lớn. Đó là những đặc điểm nổi bật của loài mèo được thể hiện chân thực trong nhiều tác phẩm như ngoại hình xinh xắn, phong thái nhẹ nhàng, thao tác nhanh nhẹn và khéo léo, tập tính bắt chuột, thói quen ở sạch… Con mèo trong bài thơ cùng tên của Trần Trung Phương tiêu biểu cho những đặc điểm trên: Khắp mình nó trắng như bông/ Trên đầu có một ít lông đốm vàng/ Nó đi trông rất nhẹ nhàng/ Lim dim đôi mắt mơ màng đến yêu. Thế giới của trẻ thơ bao giờ cũng thân quen, dễ thương và đầy thơ mộng. Mèo là một trong những loài vật điển hình trong thế giới ấy. Loài vật này xuất hiện thường xuyên và trở thành những hình tượng đẹp, ấn tượng trong thơ thiếu nhi là do đặc điểm trên quy định.

3. Tất nhiên, trong thơ thiếu nhi, những tính xấu của loài mèo như lười biếng, ham ngủ, ham ăn, đỏng đảnh, sợ nước… vẫn thường xuyên được nhắc đến. Tuy vậy, khác với văn học dân gian/ người lớn thường dùng đó như một cách ẩn dụ để phê phán thói xấu của con người thì ở thơ thiếu nhi, bằng cái nhìn trẻ thơ, những tính xấu ấy lại hiện ra rất trẻ con và cũng rất… đáng yêu. Bởi đó cũng là những nét tính cách thường gặp ở trẻ.

Ham chơi là đặc tính của mèo. Mèo có thể chơi với nhiều thứ, thậm chí tự chơi với chính bản thân. Chú mèo con chơi đùa với cái đuôi của mình được Phùng Phương Quý miêu tả thật đáng yêu, ngộ nghĩnh: Mèo con rình bắt/ Cái đuôi của mình/ Vồ phải vồ trái/ Đuôi chạy vòng quanh/ Mèo con nhanh thế/ Đuôi còn nhanh hơn/ Mèo dừng lại nghỉ/ Đuôi vẫn chờn vờn/ Cả trưa tất bật/ Chẳng bắt được gì/ Mèo con mệt quá/ Ôm đuôi ngủ khì (Mèo con). Tuy nhiên, tính ham chơi cũng thường dẫn đến nhiều hậu quả. Trong thơ của Thái Hoàng Linh, anh em mèo con đi câu, mèo anh vì ham ngủ, mèo em vì mải chơi, hai anh em đều chủ quan và ỷ lại vào nhau nên kết quả chẳng được gì: Lúc ông mặt trời/ Xuống núi đi ngủ/ Đôi mèo hối hả/ Quay về lều gianh/ Giỏ em, giỏ anh/ Không con cá nhỏ/ Cả hai nhăn nhó/ Cùng khóc meo meo (Mèo đi câu cá). Còn chú mèo trong thơ Nguyễn Trọng Tạo thì ham chơi dọc đường đến trường, dẫn đến muộn học và lỡ cơ hội được học bài hát hay: Mèo ta mếu máo/ Chạy vội đến trường/ Buổi học vừa tan/ Bạn bè rảo bước/ Tất cả cùng thuộc/ Bài hát rất hay/ Chú mèo mải chơi/ Muốn hòa giọng hát/ Nhưng chú chỉ biết/ Meo mẻo/ Mèo meo… (Chú mèo đi học).  

Tham ăn cũng là một tính xấu khác của mèo. Trong thơ thiếu nhi, hình ảnh chú mèo vì ham ăn mà phải những kết cục trớ trêu, hài hước được thể hiện một cách dí dỏm, thông minh, khiến bạn đọc nhớ mãi. Đó là chú mèo con cùng bé Mây lên kế hoạch “đánh bẫy bầy chuột nhắt” bằng “mồi thơm: cá nướng ngon” và cái kết sáng hôm thật bất ngờ trong bài Sa bẫy của Nguyễn Hoàng Sơn: Sáng mai vùng xuống bếp/ Bẫy sập tự bao giờ/ Chuột không, mồi cũng hết/ Giữa lồng mèo nằm mơ. Tương tự, trong thơ Cao Xuân Sơn là chú mèo Nhép vì tham ăn mà tự chui vào bẫy dẫn đến tình huống thật oái ăm, lạ đời “mèo khóc chuột cười”: Bật đèn, bạn có tin không?/ Chiếc lồng bẫy chuột, bên trong mèo ngồi/ Thấy tôi, Nhép cố giấu đuôi/ Nhắm nghiền hai mắt, chao ơi, tội tình/ Chuột cười rúc rích chung quanh… (Mèo khóc chuột cười). Thơ thiếu nhi không tránh né, cũng không cường điệu những tính xấu của loài mèo. Tất cả đều được nhìn nhận và giải quyết theo cách nghĩ của trẻ thơ. Giá trị giáo dục qua những câu chuyện về tính xấu của mèo vì thế trở nên nhẹ nhàng, dí dỏm, đáng yêu nhưng không kém phần sâu sắc.

4. Bên cạnh thể hiện đặc điểm ngoại hình, tính cách của mèo, thơ thiếu nhi còn tập trung vào phương diện tình cảm, tâm hồn của loài vật này. Được nhìn bằng lăng kính trẻ thơ, phóng chiếu qua hình ảnh trẻ nhỏ, mèo trong thơ thiếu nhi cũng mang những tình cảm của trẻ con. Trong đó, nổi bật hơn cả là tình cảm gia đình và tình bạn, hai trong số những tình cảm thân thương, quan trọng nhất đối với trẻ em.

Cũng như trẻ con, mèo trong thơ thiếu nhi luôn giành cho gia đình những tình cảm tốt đẹp nhất. Điều này càng được khắc họa đậm nét qua hình tượng con mèo trong hình thức nhân vật đồng thoại được nhân cách hóa trong các tác phẩm. Chẳng hạn, chú mèo với niềm vui sắm quà tết cho ông bà, cha mẹ đến quên cả phần mình trong thơ Lê Mạnh Tiến là một hình ảnh đáng yêu về mèo con dễ thương, hiếu thảo, giàu lòng vị tha: Mèo mua tặng mẹ vải màu/ Mèo mua một rổ trầu cau tặng bà/ Lá dong gạo nếp tặng cha/ Tặng câu đối đổ ắt là ông vui/ Có quà cho đủ mọi người/ Phần mình sực nhớ hết rồi tiền tiêu/ Vậy mà mèo vẫn vui nhiều/ Nghêu ngao hát múa đường chiều sang xuân (Niềm vui của mèo con). Còn chú mèo đi tìm mẹ giữa phố đêm vắng lặng trong cô đơn phải khóc òa trong thơ Phạm Tuấn Vũ là một hình ảnh cảm động về tình mẹ con thiêng liêng: Mèo con lạc mẹ/ Lang thang đi tìm/ Qua từng con ngõ/ Phố khuya im lìm/…/ Phố phường rộng quá/ Nước mắt trong veo/ Mèo con nhớ mẹ/ Khóc òa meo meo (Mèo con tìm mẹ).

Cùng với đó, con mèo còn được thể hiện trong thơ thiếu nhi qua mối quan hệ của tình bạn. Đó có thể là tình bạn giữa mèo với những sự vật thân thiết trong thế giới của loài vật này như mèo và tro bếp trong bài thơ cùng tên của Phạm Hổ: Tro bếp làm đệm/ Mèo ta khoanh tròn/ Cả hai cùng ấm/ Cùng ngủ thật ngon. Nhưng nổi bật hơn cả là tình bạn giữa mèo và con người. Thơ thiếu nhi có không ít bài hay về mèo và bé để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về tình bạn giữa con người với loài vật gần gũi, lanh lợi, dễ thương này. Chẳng hạn: Cả nhà vắng hết/ Chỉ còn bé Giang/ Bé đánh tam cúc/ Với con mèo khoang (Đánh tam cúc, Trần Đăng Khoa); Bé Hương ngồi nấu cơm/ Lọ lem vương lên mặt/ Mèo con nhìn trố mắt/ Tưởng bạn nào đến chơi (Bé Hương và mèo con, Phùng Ngọc Hùng); Mèo ơi là mèo/ Dậy mà uống thuốc/ Thuốc đắng dã tật/ Cố lên mèo ơi (Khuyên bạn mèo ốm, Nguyễn Lãm Thắng); Mèo ơi rửa mặt/ Sao chỉ dùng tay?/ Khăn vắt trên dây/ Sao mèo không lấy (Bé và mèo, Nguyễn Bá Đan Đan); Mỗi lần em bận đi đâu/ Nó nằm ủ rũ, âu sầu đến hay/ Em về nó lại vui ngay/ Vội vàng nhảy tót lên tay, lên lòng/ Em trông mắt nó sáng trong/ Khác nào như đọc những dòng thơ vui (Con mèo, Trần Trung Phương)… Có thể nói, chú ý đến phương diện tâm hồn, tình cảm của mèo, thơ thiếu nhi đã thể hiện hình tượng con mèo một cách trọn vẹn, sâu sắc và cảm động hơn, một điều ít gặp trong văn học dân gian cũng như văn học người lớn.  

Tóm lại, không chỉ là con vật quen thuộc, mèo trong thơ thiếu nhi còn được thể hiện một cách sinh động, trở thành hình ảnh mang bóng dáng trẻ em rõ nét nhất. Với thơ thiếu nhi, văn học Việt Nam có thêm những hình tượng con mèo dễ thương, ngộ nghĩnh, trẻ con. Hẳn bạn đọc thơ thiếu nhi không thể nào quên chú mèo con hồn nhiên, ngoan ngoãn trong Mèo con đi học của Phan Thị Vàng Anh: Hôm nay trời nắng chang chang/ Mèo con đi học chẳng mang thứ gì/ Chỉ mang một cái bút chì/ Với mang một mẩu bánh mì con con. Đây cũng chính là hình ảnh tiêu biểu của mèo trong thơ thiếu nhi nói riêng, văn học thiếu nhi nói chung.

T.B.T

Bài viết khác cùng số

Những ngày cuối nămNhững đám mây thổ cẩmCôn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tàiNăm cũMùa xuân trên tầng ký ứcTập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Những vấn đề đang đặt raCó một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trướcMùa xuân khơi dậy khát vọng phát triểnMột thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương laiMỹ nhân ám ảnhMùa chim ri làm tổĐừng nói lời yêu chiều ba mươi TếtVàng Mai rực rỡThanh Mai Tầm XuânTản mạn bốn mùa nước MỹChuyện vui kể vào dịp TếtTôi yêu Đà NẵngEm về tắm biển Tiên SaChạm xuânĐó là cách mùa xuân chạm vào chúng taPhía xuân xaPhía xuân quê nhàMùi TếtĐã chínDự cảm GiêngTết nướcChuyển mùaNgẫu khúc cầu vàngLy cà phê quán nhỏChùm Haiku mùaCà phê chiềuDắt em về miền biểnMưa trên tượng người Việt cổThèm một vòng tayVô thườngKhúc tiễn ngày xuânTết quêTháng GiêngCuối TếtTếtNgày rất dàiPhiên chợ tình toàn đá núiGiả sửĐợi xuânĐi để trở vềGiao mùaThơ Nguyễn Nho Thùy DươngBến gióVó ngựa trót hoang emNghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gianChiều sông HànHồi ức Mã ChâuChào nhé mùa ĐôngNgày nắng vỡTruyền thuyết hoa Dã QuỳNgày giỗ nộiXuân muộnĐoản khúc cho một ngàyThầm thì bên suốiVaTự sựCon mèo trong văn hóa dân gian Việt NamNgày xuân đọc lại thơ Tết của Phan Bội ChâuLàng, Đình làng và Hội làng ngày xuânHình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhiNhớ “Mùa xuân đầu tiên”Ngày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn XuânLưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hànhVũ Hạnh một nhân cách văn học khó quênBiến thể - Khúc bi ca nhân thếVề chùm thơ hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh của Phan KhôiTiếng thơ Nguyễn Nho NhượnĐà Nẵng - Thành phố niềm tinHọa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụaChiều Đà NẵngCon mèoBốn mùa nhớ BácTuổi mười lăm