Mùa chim ri làm tổ

04.01.2023
Vũ Ngọc Giao

Mùa chim ri làm tổ

Minh họa Lê Huy Hạnh

Hoài nhấc cánh cổng tre lách mình bước qua cái sân gạch lỏng chỏng đá, nhà trên cánh cửa khép hờ, bên hiên cái mũ của thằng cu Cải nằm chỏng chơ, chắc nó chạy đâu chơi về rồi vất đó. Sau hè bồ cào còn dựng bên chuồng gà, cái cuốc không thấy đâu, chắc Biên ra đồng từ sớm, Hoài ra cổng mông lung nhìn về phía đồng xa. Nắng lên quá đọt tre, trên sân mấy nong bắp đang phơi còn vun thành đống, Hoài lùa tay trải cho đều, chẳng mấy khi được nắng tranh thủ mà phơi. Con Phèn nằm giải thẻ trên cái sân gạch, thấy Hoài nó ve vẩy đuôi mừng chiếu lệ. Hoài đẩy cánh cửa, tiếng kèn kẹt vang lên trong căn nhà vắng. Trên phản thằng cu Cải vẫn ngủ say sưa, hai chân dạng ra, gác lên đống mền đã bốc mùi chua loét.

“Dậy đi! Qua cô ăn chén khoai đường, để cô còn ra chợ!”. Hoài lay chân cu Cải. Cải choàng tỉnh ngồi dậy, gương mặt ngái ngủ vẫn còn thừ ra nhìn những giọt nắng đã vào đến hiên. “Ra đây cô rửa cái mặt!” Hoài vỗ nhẹ vào lưng nó. Cải nhanh nhảu phóc xuống đất, chạy đến bên lu nước ngoan ngoãn ngồi xuống, ngước gương mặt lem luốc lên cho Hoài lau. Vừa lau mặt cho thằng nhỏ Hoài vừa thủ thỉ: “Con ăn chén khoai rồi về nhà chơi, coi chừng chớ đàn gà nhà bà Nhu qua mổ hết bắp, ba về la chết!”. Cải khẽ “dạ” rồi cúi xuống nhỏ nhẻ múc muỗng khoai đường ăn, thỉnh thoảng ngước đôi mắt trong veo lên nhìn Hoài.

Hoài đứng lên ôm mớ củi gộc ra hiên phơi cho kịp nắng rồi vô bếp lấy cái giỏ, ra tới hiên Hoài tần ngần quay lại. Cải đã ăn xong chén khoai, đứng lên định chui qua hàng rào về nhà, thấy Hoài sửa soạn ra chợ, nó đứng trông theo, đôi mắt trong nắng sớm buồn rượi. Mới lên năm thằng nhỏ đã mang gương mặt lo âu của người lớn. Mẹ nó, người đàn bà xinh đẹp nhất xóm Chùa đã bỏ đi, chị theo người đàn ông buôn chuyến trên thị trấn thỉnh thoảng xuống xóm Chùa tìm mua hàng. Bà con xóm Chùa ai cũng biết ông tìm mẹ Cải, chớ ở cái làng quê nghèo khó này có gì để ông buôn?

Hoài kéo Cải vào lòng, xoa lên đầu tóc rối bù của nó: “Giỏi nà, chơi trong hiên chớ nắng, cô ra chợ mua bí về làm mứt Tết Cải ăn nghen, để coi có ông Chín Đen bán tò he cô mua cho”. Thằng nhỏ “Dạ!” rồi lại ngước đôi mắt ươn ướt nhìn Hoài, đôi mắt trong veo không giấu được nỗi buồn đau đáu. Hoài vội vàng quay đi. Ra đến đường, tới cây cầu gỗ ngoái lại Hoài còn thấy Cải ra hàng bông bụt đứng ngó theo.  

Mẹ Cải bỏ đi vào một chiều mùa đông lạnh cắt da cắt thịt. Từ ngoài đồng trở về chiều đã sâm sẩm, Hoài nhìn thấy bên hiên cha con Cải đang ôm nhau, đầu Biên gục vào ngực con, câm lặng. Mẹ Cải đi, đến một bộ quần áo chị cũng chẳng buồn đem theo, vậy đủ hiểu cái nghèo trong nhà Cải chẳng có gì để mẹ nó có thể đem theo. Bà con xóm Chùa không mấy ngạc nhiên khi mẹ Cải bỏ cha con Cải mà đi, họ chép miệng: “Vợ đẹp là vợ người ta” buông một câu là xong, còn lại nỗi xót xa chỉ người trong cuộc mới thấu. Cách một cái hàng rào mà Hoài còn xót đến thấu tim, mỗi khi nhìn qua thấy Cải mới hai tuổi đã thắc thỏm đợi ba về.

Chiều nào vừa về tới sân, dựng cái cuốc sau hè Biên lại nhào vô vào bếp nhen lửa nấu cơm, chiều chạng vạng bóng hai cha con lọ mọ trong căn nhà tối mù, đến con Phèn ngồi bên hiên nhìn vô còn rầu huống chi Hoài, đứa bạn gái từ thuở còn tắm mưa với Biên. Hai đứa từ nhỏ thân nhau, lớn học cùng trường, ra đồng hay lên rẫy cũng rủ nhau. Hoài nhỏ hơn Biên một tuổi nhưng cứ “mi tau” cho đến một mùa mưa, đứng bên ni hàng rào nhìn qua, Biên kêu cách gì Hoài cũng không ra tắm mưa. Từ mùa mưa đó, đi đâu Hoài cũng đi một mình, lỡ có bất chợt gặp Biên trên bờ ruộng, hai má Hoài lại ửng lên như trái bồ quân chín.

Bốn năm qua mau. Bà con xóm Chùa kể, họ thấy mẹ Cải ở một nơi xa lắm, cũng đã con bồng con bế với người ta. Nơi đây, trong căn nhà cuối xóm ngày cũng như đêm cứ âm u buồn, không biết vết thương của Biên đã liền sẹo chưa, hay còn nhức nhối? Có đôi khi Hoài dắt Cải về tắm rửa, đút cơm, nhìn qua hàng rào bất chợt chạm ánh mắt Biên đau đáu, Hoài vội quay đi chẳng dám nhìn lâu. Từ bao giờ Hoài quên mất mình còn phải có một gia đình như những đứa bạn ở xóm Chùa, đứa nào giờ cũng tay bồng tay bế, gặp Hoài ở chợ lần nào cũng kéo lại la bai bải: “Đẹp gái nhất xóm mà chịu ở không, lấy chồng đi, cực chút mà vui!”. Tụi nó lại lê la kể chuyện chồng con, chuyện mới mua được cái nền, sang năm hốt hụi, vay mượn rồi làm cái nhà. Hoài nghe tụi nó tám chuyện rồi yên lặng quay đi trên con đường chợ trưa bụi mù.

Có đêm, trong giấc ngủ Hoài lơ mơ thấy mình có một gia đình: Hoài lui cui bên bếp lửa, ngoài hiên chồng Hoài đang đóng lại cái hàng rào, đứa con nhỏ chạy loi choi trong sân. Cơm canh vừa chín, Hoài ra hiên kêu cha con vô ăn, hai gương mặt ngẩng lên. Lạ kỳ! Là gương mặt của Biên và thằng cu Cải. Hoài giật mình choàng tỉnh. Ngoài kia vẫn là đêm. Đêm sâu hun hút như đôi mắt Biên mỗi chiều hoàng hôn khi nhìn qua hàng rào thấy Hoài dỗ thằng Cải ăn cho hết chén cơm.

Chợ Tết tấp nập người, tiếng gà vịt cục cục cạp cạp trong mấy chiếc lồng chất bên đường, bên cạnh mấy xe bò cát trắng. Mùi hành hương, dưa kiệu muối nồng lên giữa nắng trưa. Hoài mua ký gừng tươi, ký khoai tây, trái bí. Tuần sau giờ này đã là 30 Tết, bận bịu chi cũng làm thẩu mứt đem qua cho cha con Cải có mùi vị xuân. Năm nào Hoài cũng làm mấy loại mứt này, gừng để đãi khách uống trà, mứt bí, mứt khoai cho Cải nhâm nhi.

Hoài rẽ qua mua thêm miếng thịt về kho trứng cút, món cu Cải thích, sực nhớ còn chưa mua tò he, Hoài quanh vô. Tết người ta bán thịt thà bánh mứt, mấy ai còn lòng dạ mà ngồi bán tò he, nghĩ vậy nhưng Hoài vẫn đi từ đầu chợ tới cuối chợ tìm ông Chín Đen. Ngày thường ông Chín Đen ngồi bên gốc cây bàng đầu chợ, chỗ đó giờ tấp nập hàng trái cây. Hoài quay về, dọc đường chợt thấy từ xa ai như ông Chín Đen, lưng còng sát đất đang chầm chậm đi. Hoài chạy lại, trên cái thùng xốp ông đang bưng trước mặt còn đúng ba tò he: Thạch Sanh, Lý Thông và công chúa.

“Ông ơi, bán hết tò he trên thùng cho con!”. Ông Chín Đen ngước đôi mắt mờ đục lên nhìn Hoài: “Để tui gói!” ông run run đưa Hoài bọc ni lông đã được cột cẩn thận: “Của cô hai mốt nghìn”. Hoài móc trong túi áo còn ba mươi nghìn: “Con gởi ông, còn tiền thừa con biếu ông luôn!”. Hoài quày quả xách giỏ về. Nắng trưa in bóng Hoài xuống con đường đất bụi mù.

Về tới đầu ngõ đã thấy sân nhà ngổn ngang đất cát, bên đống gạch cũ vừa dỡ lên, Biên cặm cụi gõ những viên gạch mới lát lên sân. Thằng Cải lăng xăng phụ ba vác gạch, trộn xi măng, sau lưng thằng nhỏ, con Phèn cũng quắn quíu chạy qua chạy lại. Thấy Hoài về Cải lao ra: “Ba nói lát lại cái sân cho bà đi khỏi ngã, để cô Hoài còn phơi củ kiệu, đu đủ, với lại còn chưng chậu hoa Tết cho đẹp!” nói rồi thằng nhỏ lại lao đi xúc đất vào cái xe cút kít, không hay biết gói tò he đang nằm trong túi áo Hoài. Hoài đứng như trời trồng giữa nắng trưa, nhìn lưng áo bạc màu đẫm mồ hôi của Biên, cô nghe lòng xốn xang. Lúc vô sân cởi cái nón, ngang qua chỗ Biên, Hoài thủng thẳng: “Nắng mà dang cái đầu trần, cảm ra đó thì khổ!”. Chụp cái nón đội đầu cho Biên rồi mà chân Hoài líu ríu, mấy lần suýt vấp vô mấy viên gạch bể đang vun thành đống bên thềm.

* * *

Hoài quơ mớ củi khô cho vô bếp, khói ngún lên thành cột màu xám trắng. Mẻ mứt gừng vừa xong Hoài trải ra cái nia, vớt mớ bí đang ngâm trong chậu thau cho lên bếp rim. Ngoài ngõ tiếng con Phèn ăng ẳng như reo, Hoài nhoài người nhìn ra, trên lối đi vào Biên ì ạch bưng hai chậu cúc vạn thọ rực rỡ, theo sau là thằng cu Cải, mặt mũi hớn hở, cả con Phèn cũng rộn ràng chạy quanh.

“Bà ơi ra coi hoa đi!” Cải hét to. Mẹ từ trong nhà nhúc nhắc đi ra, móm mém cười, nhìn hai chậu hoa được đặt trang trọng trước sân. Ngoài kia nắng đã rút lên quá nửa bậc thềm, cái nắng trong tiết xuân ấm áp trong veo, đẫm cả mùi mứt gừng cay nồng ngọt ngào. “Cải giỏi ra lau lá chuối cho bà!” tiếng mẹ Hoài vọng vào lẫn trong tiếng đàn chim ri đang ríu rít trên mái nhà. “Bà coi kìa! Chim ri về làm tổ đó!” Cải chỉ lên mái hiên. “Ờ, mùa ni là mùa của tụi hắn, chim ri cứ tới mùa xuân là kéo về làm tổ, đẻ con” bà lẩm bẩm. “Năm ni chim làm tổ trên mái hiên nhà mình !” Cải hớn hở: “Để con về lấy mè rải ra sân cho tụi hắn xuống ăn” nói rồi Cải chạy biến về nhà, lúc sau đã chạy qua tay vốc đầy hai nắm mè rải ra sân, miệng liếng thoắng “Tiếng con chim ri, gọi dì, gọi cậu. Tiếng con sáo sậu, gọi cậu, gọi cô…”.

Hoài quay vô bớt lửa than dưới cái nồi đang liu riu. Con Phèn chạy một lúc chừng thấm mệt, lững thững vào hiên nằm vật xuống thiu thiu ngủ. Ngoài giếng nước tiếng cu Cải tíu tít bên bà, tay nó thoăn thoắt lau lá chuối bằng chiếc khăn cũ xì bà vừa đưa cho.

“Hoài ơi!” ngoài sân tiếng Biên ngập ngừng. Hoài ló đầu ra, trống ngực đập thình thịch khi nhìn thấy Biên trong bộ đồ mới toanh: “Đi! Tui chở Hoài lên thị trấn mua thêm mấy thứ. Tết ni phải tươm tất hơn chút chớ!”. Biên cười trong khi Hoài còn sượng sùng nhìn ra giếng, lí nhí: “Em còn đãi nếp, ngâm đậu để mẹ gói bánh”. “Việc đó của tui! Đi đi còn về chớ tối!” tiếng mẹ từ ngoài giếng vọng vô.

Hoài ngồi sau xe, hai tay thun thút giấu trong áo. Biên chầm chậm lái, đến đoạn đường vắng Biên quàng tay ra sau kéo Hoài lại gần: “Em ngồi xích vô chớ ngã!”. Hoài ngồi nhích lại gần Biên thêm chút nữa, trời chiều mà nghe hai má nóng ran.

Những thanh củi gộc cháy rực lên, nồng đượm. Bên hiên đã sực lên mùi lá chuối chín, mùi nếp, mùi mứt rim trên chảo đường đang keo lại. Nồi bánh sôi bùng bục bên bếp lửa, Hoài ngồi nép vào Biên, nghe hơi thở Biên thật gần, quyện vào hương đêm. Hương năm cũ. Hoài nhắm mắt hít một hơi, nghe mùi cây cỏ, mùi đồng bãi, mùi nhang khói trên bàn thờ cuối năm. Chỉ còn vài tiếng nữa là giao thừa. Lòng Hoài bình yên đến lạ.

Biên cúi xuống cho thêm thanh củi gộc vào bếp rồi châm nước vào nồi bánh. Hoài cời lửa than, đặt lên đó ấm nước sôi để pha trà. Ngoài vườn hương xuân đã chạm ngõ, lác đác vài giọt mưa khẽ rơi trên những tán lá non. Hoài nghe được cả tiếng lá thì thầm, tiếng lũ chim ri mới nở ríu rít đòi ăn.

Bên song, tiếng lá lao xao, rì rầm kể về một mùa xuân…

V.N.G

Bài viết khác cùng số

Những ngày cuối nămNhững đám mây thổ cẩmCôn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tàiNăm cũMùa xuân trên tầng ký ứcTập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Những vấn đề đang đặt raCó một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trướcMùa xuân khơi dậy khát vọng phát triểnMột thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương laiMỹ nhân ám ảnhMùa chim ri làm tổĐừng nói lời yêu chiều ba mươi TếtVàng Mai rực rỡThanh Mai Tầm XuânTản mạn bốn mùa nước MỹChuyện vui kể vào dịp TếtTôi yêu Đà NẵngEm về tắm biển Tiên SaChạm xuânĐó là cách mùa xuân chạm vào chúng taPhía xuân xaPhía xuân quê nhàMùi TếtĐã chínDự cảm GiêngTết nướcChuyển mùaNgẫu khúc cầu vàngLy cà phê quán nhỏChùm Haiku mùaCà phê chiềuDắt em về miền biểnMưa trên tượng người Việt cổThèm một vòng tayVô thườngKhúc tiễn ngày xuânTết quêTháng GiêngCuối TếtTếtNgày rất dàiPhiên chợ tình toàn đá núiGiả sửĐợi xuânĐi để trở vềGiao mùaThơ Nguyễn Nho Thùy DươngBến gióVó ngựa trót hoang emNghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gianChiều sông HànHồi ức Mã ChâuChào nhé mùa ĐôngNgày nắng vỡTruyền thuyết hoa Dã QuỳNgày giỗ nộiXuân muộnĐoản khúc cho một ngàyThầm thì bên suốiVaTự sựCon mèo trong văn hóa dân gian Việt NamNgày xuân đọc lại thơ Tết của Phan Bội ChâuLàng, Đình làng và Hội làng ngày xuânHình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhiNhớ “Mùa xuân đầu tiên”Ngày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn XuânLưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hànhVũ Hạnh một nhân cách văn học khó quênBiến thể - Khúc bi ca nhân thếVề chùm thơ hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh của Phan KhôiTiếng thơ Nguyễn Nho NhượnĐà Nẵng - Thành phố niềm tinHọa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụaChiều Đà NẵngCon mèoBốn mùa nhớ BácTuổi mười lăm