Một thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương lai

04.01.2023
Trần Trung Sáng

Một thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương lai

Tác giả và với mô hình Doraemon tại một buổi giới thiệu sách thiếu nhi

Doraemon là một series truyện tranh của Nhật Bản do Fujiko F. Fujio sáng tác từ tháng 12 năm 1969 đến tháng 4 năm 1996 đăng trên tạp chí CoroCoro Comic của nhà xuất bản Shogakukan. Manga đã được dịch và xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ, được trẻ em trên toàn thế giới đón nhận nồng nhiệt.

Tại Việt Nam, từ năm 1992, chú mèo Doraemon đã ghi dấu với thiếu nhi Việt Nam qua các ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng (giai đoạn ban đầu với tên Đôrêmon).  Suốt 30 năm qua, chú Mèo Ú dễ thương với chiếc túi thần kỳ và nhóm bạn Nobita, Shizuka, Jaian, Suneo... đã trở thành tuổi thơ của nhiều thế hệ độc giả. Cách đây không lâu, vào dịp kỷ niệm 50 năm Doraemon  ra đời, nhà xuất bản Kim Đồng đã gửi đến độc giả yêu quý chú mèo máy màu xanh da trời bộ đôi ấn bản vô cùng đặc biệt: “Doraemon Vol.0” và box set “Doraemon: Tuyển tập những người thân yêu”. Nhiều hoạt động khác kỷ niệm sinh nhật 50 năm tuổi của mèo máy cũng được tổ chức vui nhộn trên nhiều tỉnh thành nước ta như: chụp ảnh với mô hình Doraemon khổng lồ mang về từ Nhật Bản, đọc truyện miễn phí ở sự kiện, “săn” các phiên bản truyện cũ...

Chú mèo máy đến Việt Nam từ bao giờ?

Nhắc đến Doraemon, dĩ nhiên phải ghi nhận công lao của ông Nguyễn Thắng Vu, nguyên Giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng (1935-2010), người đầu tiên đưa Doraemon đến với thiếu nhi Việt Nam. Chính ông là người đã khéo léo thương lượng với tác giả bộ truyện chuyển phần tác quyền từ năm 1992 - 1996 vào Quỹ học bổng Doraemon hỗ trợ trẻ em nghèo Việt Nam. Người thứ hai, tuy lặng lẽ âm thầm nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của Doraemon ở Việt Nam, không thể không nhắc đến, đó là họa sĩ Đức Lâm, biên soạn chính của bộ truyện. Với những nét văn hóa, phong tục tập quán, văn phong hoàn toàn xa lạ với người Việt, bản dịch Doraemon thực sự là bài toán hóc búa về ngữ nghĩa và câu chữ. Bốn biên tập viên có tiếng của nhà xuất bản Kim Đồng đã phải “chào thua” sau một thời gian “vật lộn” với bản dịch. Đến khi họa sĩ Đức Lâm vào cuộc quyết định Việt hóa toàn bộ bản dịch, viết lại lời thoại theo văn phong phù hợp với phong cách từng vùng miền thì Doraemon mới thực sự được đón nhận nồng nhiệt.

Cái thuở ban đầu cùng Doraemon

Với riêng tôi, điều thú vị là từ lúc chưa được dịp tiếp cận chú mèo Doremon qua hình thức truyện tranh, một lần trong chuyến công tác cùng nhạc sĩ Trương Xuân Mẫn (nhạc sĩ chuyên viết nhạc thiếu nhi nổi tiếng cả nước, hiện sinh sống tại hải ngoại) tại Thành phố Hồ Chí Minh để lo việc ấn hành các tập sách thiếu nhi, khi ghé thăm nhà họa sĩ Đức Lâm - lúc này là người nổi tiếng giữ vai trò vẽ minh họa và chăm sóc mỹ thuật các loại sách báo thiếu nhi, nhi đồng, thì bất ngờ nhìn thấy một biểu tượng Doraemon khá lớn và vui nhộn trong phòng làm việc của anh.

Hình ảnh Doraemon ở mọi lúc mọi nơi.

Là người làm công tác nghệ thuật thiếu nhi, Đức Lâm đặc biệt quý mến và thân thiết nhạc sĩ Trương Xuân Mẫn. Qua câu chuyện thăm hỏi, chúng tôi được biết thời điểm đó (đầu thập niên 1990), Nhật Bản tổ chức một số hoạt động giao lưu văn hóa với Việt Nam. Trong đó, phổ biến là nghệ thuật kể chuyện Kamishibai (loại hình kể chuyện lưu động cổ xưa ở Nhật, đậm triết lý nhân sinh, kể chuyện bằng tranh vẽ trên giấy. Người kể đặt từng bức tranh ở phía sau một khung hình trống và thay đổi chúng dựa theo diễn biến của câu chuyện đang kể).Tại Hà Nội vợ chồng Đức Lâm - Thiên Nga được mời tham dự đợt tập huấn Kamishibai này. Rồi cũng từ đó, đã tạo cơ duyên cho Đức Lâm tham gia một dự án rộng lớn hơn, cụ thể là dự án về truyện tranh Doraemon. Họa sĩ Đức Lâm cho biết: “Một buổi tối tháng 8 năm 1992, khoảng 7 giờ, anh Nguyễn Thắng Vu, Giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng vừa từ Hà Nội vào đến nhà tôi. Sau lời thăm hỏi, anh Vu đưa cho xem một chồng dày, gồm nhiều tệp giấy A4 photo những trang truyện tranh đen trắng. Anh cho biết đây là bộ truyện Doraemon rất nổi tiếng của Nhật, nhiều năm qua các nhà xuất bản bên Thái đã in nhiều lần và bán rất chạy, anh xem qua thấy nó khá lành mạnh nên muốn xuất bản tại Việt Nam. Vướng mắc ở đây là bản thảo có nhiều vấn đề không ổn. Các biên tập viên đã làm hết sức mình trong suốt gần 2 năm. Bản thảo dịch xong, cả nhà xuất bản cùng đọc và cùng không cảm, không hiểu được mạch truyện (thì làm sao trẻ con cảm và hiểu được?). Đến lúc đó, nhiều biên tập viên đã nản, muốn bỏ cuộc, nhưng anh Vu thì không nên quyết tâm tìm người xử lý bộ truyện cho kỳ được,… và đã nghĩ đến tôi!”.

Theo nhà báo Phạm Công Luận: “Lý do ông Thắng Vu chọn Đức Lâm vì biết khả năng của anh từ lớp tập huấn Kamishibai tại Hà Nội. Còn biết anh giỏi vẽ truyện tranh, viết tốt kịch bản, quan điểm giáo dục lại vững do từng làm việc ở nhà xuất bản. Sau đó, Đức Lâm đã được nhà xuất bản Kim Đồng tạo điều kiện rất tốt để tiến hành bộ sách qua nhiều năm tháng, gây dấu ấn rất lớn trong đời sống xã hội và thế giới tinh thần của trẻ em Việt”.

Trong lời tựa Đôrêmon thăm công viên khủng long, tập 1 (tái bản năm 2005), Ban biên tập nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ: “Chúng tôi tự hào đã góp thêm cho trẻ em Việt Nam một hình tượng mới trong kho tàng tuổi thơ các em: Hình tượng Đôrêmon, chú mèo máy thông minh, tinh nghịch, dễ thương. Những trang sách đẹp tuổi thơ bao giờ cũng biết nuôi giữ những ước mơ đẹp và thổi lên ngọn lửa sáng tạo trong mỗi con người chúng ta. Xét về mặt sáng tạo văn học, mèo máy Đôrêmon cũng đã là một gợi ý bổ ích và thiết thực đối với những người viết truyện vẽ tranh cho thiếu nhi. Từ “con mèo trèo lên cây cau” trong ca dao Việt Nam đến chú mèo máy thông minh quê ở nước Nhật thời nay, tâm hồn trẻ thơ nước ta đã được nối nhịp cầu từ dân tộc ra thế giới, từ xa xưa đến mai sau. Đấy có lẽ kỳ diệu hơn cả mọi điều kỳ diệu đã được lập trình cho Đôrêmon”.

Từ tựa đề Đôrêmon đến Doraemon

Thật vậy, sau những năm đầu Đôrêmon nhảy múa tưng bừng trên khắp các tỉnh thành nước ta, từ những ấn bản Việt hóa như Nobita, Chaien, Xeko, Xuka, bộ truyện tranh đã được tái bản với cấu trúc trang sách và tên nhân vật (Shizuka, Suneo, Jaian etc) như nguyên bản tại Nhật. Trong tuần phát hành đầu tiên, truyện tranh Doraemon đã tiêu thụ được 40.000 bản. Với lượt tái bản cao kỷ lục cùng các tập phim trên truyền hình, Youtube và cả những tác phẩm điện ảnh, Doraemon ngày càng trở thành nhân vật được trẻ em yêu thích và có sức ảnh hưởng lớn.

Thông tin thú vị đầu tiên, mà tôi nghe về họa sĩ Đức Lâm, đó là ngôi nhà nhỏ hẹp mà tôi cùng nhạc sĩ Trương Xuân Mẫn ghé thăm anh ngày nào đã thay đổi. Giờ đây, ngôi nhà gia đình anh đang ở được anh em thân hữu đùa vui là “xây nên từ tiền nhuận bút biên soạn Doraemon, nên gọi là ngôi nhà Doraemon”. Phần tôi, cũng bất ngờ có một kỷ niệm đáng nhớ, đó là: một lần bỗng dưng được nhà thơ Trần Khắc Tám (1954-2002), lúc này là Trưởng chi nhánh nhà xuất bản Kim Đồng tại Đà Nẵng tìm gặp và nói: “Tôi đi tìm ông để chuyển một món quà từ nhà xuất bản Kim Đồng”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Lâu nay tôi có liên hệ gì với Kim Đồng đâu?”. Anh Tám cười vui trả lời: “Đây là phần thưởng của nhà xuất bản Kim Đồng gởi tặng ông, vì đã có nhiều bài báo hay quảng bá truyện tranh Đôrêmon”. Ôi thật bất ngờ, khi món quà là một khoản tiền nhỏ cùng một bộ sách Đôrêmon rất đẹp! Lần đó, ngoài câu chuyện Đôrêmon, tôi và anh Tám còn bàn nhau việc hợp tác những dự án văn học thiếu nhi khác, nhưng rất tiếc chẳng bao lâu anh Tám bất ngờ bị tai nạn ra đi.

Doraemon khi còn ở thế kỷ XXII

Theo tập phim 2112: Doraemon ra đời, Doraemon sinh ngày 3 tháng 9 năm 2112 tại Xưởng sản xuất Robot ở Tokyo, nhưng trong quá trình chế tạo cậu tình cờ bị trúng phải một tia lửa điện mạnh do bọn cướp bắn ra, khiến cậu bị mất một con ốc vít ở đầu, rơi ra khỏi dây chuyền sản xuất, bị va đập và suýt chút nữa rơi vào lò hỏa thiêu. May mắn Doraemon đã được một cô bạn mèo cứu thoát. Nhưng cũng chính vì bị mất một con ốc nên cậu hay lú lẫn, lấy nhầm bảo bối khiến cho thầy hiệu trưởng trường đào tạo robot nhắc nhở. Cậu theo học một lớp học chuyên đào tạo những robot có ích và kết bạn với một nhóm mèo máy có cùng hình dạng (xem Đội quân Doraemon). Vào ngày lễ tốt nghiệp, cậu được gia đình Sewashi nhận về nuôi để trông coi Sewashi. Trước đây, Doraemon có nước da màu vàng và hai tai. Nhưng vào buổi trưa ngày 30 tháng 8 năm 2122, cậu ngủ quên và bị chuột gặm mất đôi tai. Các bác sĩ đã cố gắng sửa chữa tai của Doraemon tại bệnh viện, nhưng do gia đình Sewashi quá nghèo, không đủ tiền để thực hiện việc này nên Doraemon đành phải chấp nhận bỏ đôi tai của mình (còn tập phim nói là do xảy ra sự cố hy hữu trong điều trị), cậu còn bị Noramyako chê cười. Doraemon rất buồn mặc cho Sewashi hết lời an ủi, nước da cậu biến thành màu xanh lam như chúng ta thấy ngày nay. Kể từ hôm đó Doraemon rất sợ và căm ghét bọn chuột tới mức lôi những bảo bối hạng nặng ra tiêu diệt chúng như “súng Jumbo” hoặc “súng tên lửa” trong chương “Chuột và bom”, cậu ít tự tin về tình yêu của mình. Doraemon không hiểu tại sao nhà Sewashi lại không thể chữa trị đôi tai cho mình, cậu dùng các bảo bối thời gian quay về quá khứ và gặp Nobita, cụ tổ của Sewashi, và cũng là nguyên nhân gây khó khăn về kinh tế cho con cháu đời sau vì bản chất yếu ớt, hậu đậu. Doraemon quyết định đến giúp Nobita trong cuộc sống, từ đó họ trở thành đôi bạn thân thiết và cùng trải qua bao hiểm nguy, vui có, buồn có. Doraemon bị mất một con vít trong lúc chế tạo do bị bọn cướp bắn trúng, vì vậy mà sau này cậu thường bị hỏng hóc và phải bảo trì thường xuyên. Nhiều lúc trong những tình huống nguy cấp, Doraemon cuống cả lên và lấy ra toàn những thứ linh tinh, chẳng giúp ích được gì.

Doraemon là một chú mèo máy được Nobi Sewashi (Nobi Nobito), cháu năm đời của Nobi Nobita, gửi từ thế kỷ 22 về quá khứ của ông mình để giúp đỡ Nobita trở nên tiến bộ và giàu có, tức là cũng sẽ cải thiện hoàn cảnh của con cháu Nobita sau này. Còn ở hiện tại, Nobita là một cậu bé luôn thất bại ở trường học, và sau đó công ty phá sản, thất bại trong công việc, đẩy gia đình và con cháu sau này vào cảnh nợ nần.

 

 

Câu chuyện không hồi kết từ Đôrêmon đến Doraemon

Các câu chuyện trong Doraemon thường có một chủ đề chung, đó là xoay quanh những rắc rối hay xảy ra với cậu bé Nobita học lớp năm, nhân vật chính thứ hai của bộ truyện. Doraemon có một chiếc túi thần kỳ trước bụng với đủ loại bảo bối của tương lai. Cốt truyện thường gặp nhất sẽ là Nobita trở về nhà khóc lóc với những rắc rối mà cậu gặp phải ở trường học hoặc với bạn bè. Sau khi bị cậu bé van nài hoặc thúc giục, Doraemon sẽ đưa ra một bảo bối giúp Nobita giải quyết những rắc rối của mình, hoặc là để trả đũa hay khoe khoang với bạn bè của cậu. Nobita sẽ lại thường đi quá xa so với dự định ban đầu của Doraemon, thậm chí với những bảo bối mới cậu còn gặp rắc rối lớn hơn trước đó. Đôi khi những người bạn của Nobita, thường là Honekawa Suneo hoặc Goda Takeshi (Jaian), lại lấy trộm những bảo bối và sử dụng chúng không đúng mục đích. Tuy nhiên thường thì ở cuối mỗi câu chuyện, những ai sử dụng sai mục đích bảo bối sẽ phải chịu hậu quả do mình gây ra, và người đọc sẽ rút ra được bài học từ đó.

Trong phiên bản truyện tại Việt Nam, tên các nhân vật được Việt hóa một phần, và được gắn các biệt danh Mèo ú Đôrêmon, Nôbita hậu đậu, Chaien lồi rốn hay Xêkô mỏ nhọn. Một chuyên mục nhỏ ở cuối truyện mang tên “Văn phòng Đôrêmon” xuất hiện từ tập 16, thông qua “Thông tấn xã Nôbita” tương tác với độc giả. Bộ truyện cũ được cho là đã bỏ qua một số chi tiết, hoặc một số chỗ dịch chưa chuẩn xác. Theo công ước Bern, nhà xuất bản Kim Đồng đã ngưng việc xuất bản đầu sách có tựa đề Đôrêmon và thay thế bằng phiên bản mới mang tên Doraemon phát hành lần đầu vào ngày 29/05/2010, trong đó tên các nhân vật được phiên âm rōmaji, đọc từ phải sang trái như phiên bản tại Nhật, nội dung truyện cũng được dịch sát hơn.Tập Nobita Tây du ký chỉ được ra mắt dưới dạng hai tập truyện tranh màu.

Bộ truyện đã ngừng xuất bản sau khi Fujiko F Fujio qua đời vào năm 1996, nên bộ truyện không có cái kết. Điều này đã khơi dậy nhiều truyền thuyết đô thị trong suốt những năm qua. Một trong những “kết thúc” nổi tiếng nhất của manga là của một họa sĩ truyện tranh nghiệp dư dưới bút danh “Yasue T. Tajima”, lần đầu tiên xuất hiện trên Internet vào năm 1998 và được tạo thành một manga vào năm 2005. Câu chuyện diễn ra khi pin của Doraemon đã cạn kiệt, Nobita sau đó lớn lên trở thành một kỹ sư robot, có khả năng hồi sinh Doraemon và sống một cuộc sống hạnh phúc. Tajima đã đưa ra lời xin lỗi vào năm 2007, và lợi nhuận đã được chia sẻ với Shogakukan và chủ sở hữu bản quyền, Fujiko F. Fujio.

Ryūichi Yagi và Takashi Yamazaki, đạo diễn của Stand by Me Doraemon, xác nhận rằng nó chỉ có một phần mở đầu, trong khi phần kết được viết lại nhiều lần. Vì điều này, Shogakukan đã phải làm rõ rằng: chỉ khi cuộc hôn nhân của Nobita và Shizuka được hoàn thành thì nhiệm vụ mới được hoàn thành, và sau đó Doraemon sẽ trở lại tương lai.

T.T.S

Bài viết khác cùng số

Những đám mây thổ cẩmChuyện vui kể vào dịp TếtNăm cũNhững ngày cuối nămCôn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tàiMùa xuân trên tầng ký ứcTập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Những vấn đề đang đặt raCó một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trướcMùa xuân khơi dậy khát vọng phát triểnMỹ nhân ám ảnhMột thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương laiMùa chim ri làm tổĐừng nói lời yêu chiều ba mươi TếtVàng Mai rực rỡThanh Mai Tầm XuânTản mạn bốn mùa nước MỹTôi yêu Đà NẵngEm về tắm biển Tiên SaChạm xuânĐó là cách mùa xuân chạm vào chúng taPhía xuân xaPhía xuân quê nhàKhúc tiễn ngày xuânTết quêTháng GiêngCuối TếtTếtMưa trên tượng người Việt cổDắt em về miền biểnCà phê chiềuTruyền thuyết hoa Dã QuỳNgày rất dàiPhiên chợ tình toàn đá núiGiả sửĐợi xuânĐi để trở vềGiao mùaThơ Nguyễn Nho Thùy DươngBến gióVô thườngVó ngựa trót hoang emNghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gianChiều sông HànHồi ức Mã ChâuChào nhé mùa ĐôngNgày nắng vỡNgày giỗ nộiXuân muộnĐoản khúc cho một ngàyThầm thì bên suốiVaTự sựThèm một vòng tayMùi TếtĐã chínDự cảm GiêngTết nướcChuyển mùaNgẫu khúc cầu vàngLy cà phê quán nhỏChùm Haiku mùaTiếng thơ Nguyễn Nho NhượnHọa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụaĐà Nẵng - Thành phố niềm tinVề chùm thơ hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh của Phan KhôiBiến thể - Khúc bi ca nhân thếLưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hànhVũ Hạnh một nhân cách văn học khó quênCon mèo trong văn hóa dân gian Việt NamNgày xuân đọc lại thơ Tết của Phan Bội ChâuLàng, Đình làng và Hội làng ngày xuânHình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhiNhớ “Mùa xuân đầu tiên”Ngày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn XuânChiều Đà NẵngCon mèoTuổi mười lămBốn mùa nhớ Bác