Chuyện vui kể vào dịp Tết
Lời người viết: Trong những số báo Tết trước đây, tôi hay kể lại những cái Tết đầy gian khổ và ác liệt mà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng căn cứ khu V chịu đựng. Nay già rồi, hết muốn kể chuyện buồn nữa, tôi xin kể vài chuyện vui.
NHÀ VĂN CHU CẨM PHONG ĐÃI NGƯỜI YÊU
Vào khoảng năm 1969 - 1971, anh chị em văn nghệ sĩ ở Hội Văn nghệ Giải phóng Khu V sống rất khổ. Món ăn chủ lực là cây dớn, một loại dương xỉ. Anh em không chỉ thèm gạo mà còn thèm cả sắn, bắp.
Hồi ấy nhà văn Chu Cẩm Phong mới độ hai chín, ba mươi tuổi, là Bí thư Chi bộ cơ quan. Anh em rất quý mến anh. Chu Cẩm Phong yêu chị PL ở cơ quan y tế. Vào dịp Tết năm 1971, nghe tin chị sẽ sang chơi, anh em văn nghệ bàn nhau vào nóc tìm thức ăn để đãi khách. Khốn nỗi, cả cơ quan chẳng ai còn thứ gì đáng giá để đi đổi. Thấy vậy, Chu Cẩm Phong cười láu lỉnh:
- Đừng lo, tớ sẽ chịu trách nhiệm.
Đêm 30 Tết cả cơ quan đón cô dâu tương lai. Mọi người vui vẻ nói chuyện hát hò. Chị PL là người có giọng hát hay, đã hát những bài dân ca cho anh em nghe. Khi mọi người chuẩn bị đi nghỉ thì Chu Cẩm Phong đem ra một mớ sắn luộc gói trong lá chuối rừng và một gói muối nhỏ để đãi người yêu và các bạn. Mọi người ồ lên (sau này mới biết anh phải đi hàng tiếng đồng hồ đến Nhà in Khu xin sắn, vừa vặn đủ chia mỗi người một khúc, đó là chưa kể việc chủ nhân nhịn thèm bảo đã ăn rồi).
Anh em đang hồ hởi cầm sắn chấm muối thì “cô dâu” ngăn lại, mở gùi rút từ trong đó ra một gói được bọc kín trong giấy báo cũ:
- Biết các anh chẳng có gì nên em mang qua 1 kg đường để các anh ăn với dớn và một cân kẹo để liên hoan Tết.
Mọi người reo lên. Bên y tế bao giờ cũng giàu hơn bên văn nghệ.
NHÀ THƠ GIÀ CŨNG “ĐOÀN KẾT”
Nhà thơ Vương Linh tức Hải Lê lúc ấy đã gần 60 tuổi, làm Bí thư Đảng Đoàn Hội Văn nghệ Giải phóng Khu V. Ông trực tiếp phụ trách cơ quan Hội, nên anh em văn nghệ sĩ, báo chí ở chiến khu hay gọi ông bằng cái tên trìu mến là “Vương lão tổ”.
Có một đêm, thấy anh em trẻ kể chuyện tếu táo, nhà thơ già cầm lòng không đậu cũng tham gia: Vào dịp tổng tiến công mùa Xuân 1968, ông đi với một đơn vị trinh sát quân giải phóng từ căn cứ xuống đồng bằng. Trong đoàn có một anh lính trẻ rất vui tính, ông quên tên, cứ gọi tên là X đi. Một bữa, tới vùng ranh, đoàn gặp một toán các cô dân tộc rất trẻ cõng đạn đang ngồi nghỉ. Đoàn cũng nghỉ lại gần đó. X vui vẻ đến bên các cô nói:
- Chà, bộ đội dân công gặp nhau vui hỉ, cho bộ đội bắt tay các dân công để đoàn kết.
Các cô cười giòn và lần lượt đưa tay cho X bắt. Bắt tay xong, X lại nói:
- Đoàn kết cách này chưa chặt chẽ lắm. Bộ đội và dân công phải hôn nhau mới được.
Vừa nói, X vừa ôm đầu một cô trẻ măng, má đỏ hây hây hôn hơi lâu, rồi cô nữa, cô nữa, cô nữa… Nhà thơ họ Vương đang mỉm cười sau đôi kính lão thì thấy một cô vừa vẫy tay vừa nói:
- Chú cũng phải đến đây “đoàn kết” chứ.
Và Vương lão tổ kết luận câu chuyện rằng:
- Tất nhiên, mình cũng tranh thủ “đoàn kết” được mấy cái.
NHÀ THƠ DƯƠNG HƯƠNG LY ĂN THỊT HEO
Dù đói khổ thế nào, cứ Tết đến, các cơ quan ở Khu V cũng kiếm cho anh em một con heo để liên hoan vào chiều 30 Tết. Thường khi ấy, cơ quan này lại mời đại diện cơ quan khác đến liên hoan cho vui. Mỗi lần như vậy, Hội Văn nghệ Giải phóng Khu V lại cử nhà thơ Dương Hương Ly đi dự cho “đáng là đại biểu”, vì nhà thơ Dương ăn thịt mỡ rất giỏi. Anh có thể lùa hết bát này đến bát nọ. Tết năm ấy, nhà thơ lại được cử đi dự liên hoan cả hai cơ quan: Điện ảnh và Nhà in của Khu. Nhà thơ Dương Hương Ly đã trở về cơ quan vui vẻ hơn sau hai bữa “ăn thịt mỡ” ấy. Nửa khuya, anh bỗng đập tôi dậy mượn đèn pin. “Hắn ta bị Tào Tháo đuổi rồi sao”. Tôi nghĩ. Nhưng Dương hỏi:
- Này, chiều nay cơ quan mình liên hoan đã ăn hết thịt heo chưa?
- Chưa - con Tam (tên cô bé cấp dưỡng) còn để phần cho anh đấy.
Dương Hương Ly cười hích hích rồi cầm đèn pin vừa đi về phía bếp vừa nói:
- Mình phải ăn thêm vài bát nữa, dự hai bữa liên hoan, ăn chả biết bao nhiêu thịt mà vẫn chưa đã thèm.
NHỜ CÓ NGƯỜI YÊU
Có lẽ chẳng mấy ai lại không biết bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ. Bài thơ ấy nổi tiếng ngay sau khi đăng báo Văn Nghệ, được đưa vào tập “Sức mới” (tuyển thơ bạn trẻ), Tuyển thơ chống Mỹ, vào sách giáo khoa với biết bao lời bình, lời khen tặng. Nhưng có lẽ ít người biết đến một bài thơ suýt soát một mười một chín với bài thơ trên cùng tác giả: Bài thơ “Hơi ấm đường rừng”. Bài thơ này Nguyễn Mỹ viết tặng người anh yêu, cùng vào chiến trường một đợt với anh. Khốn nỗi, chị ấy lại có người yêu đã vào Nam trước. Trong chiến tranh, việc người con trai đi yêu một cô gái đã có người yêu không được nhiều người tán thành, nhất là lãnh đạo. Vì vậy, khi bài thơ này được tác giả gửi đến Văn nghệ Giải phóng Khu V, nhà thơ Dương Hương Ly đã xếp số nhưng không được duyệt in…
Sau khi Nguyễn Mỹ hy sinh, nhân làm một tập thơ, mọi người sực nhớ đến bài thơ, muốn đưa vào tập nhưng không thể tìm ra bản thảo. Qua những lần di chuyển, Ban biên tập đã đốt hết các bản lai cảo.
Một buổi trưa, khi đi làm rẫy về, Dương Hương Ly và tôi thấy trên bàn viết nhà mình có ai đó đặt một tờ giấy có chèn một hòn cuội nhỏ. Trời ơi, đó là bài “Hơi ấm đường rừng” do chính tay Nguyễn Mỹ viết, chữ của anh, anh em đều biết. Nhà thơ hiện hồn về đưa bài ư?
Một lúc sau, mọi người mới nghĩ ra rằng, đó chính là bản nhà thơ chép tặng cho người yêu. Chị ấy bây giờ là vợ của một đồng chí quen mà chẳng ai nhớ ra để hỏi.
Thì ra nhờ có chị mà Nguyễn Mỹ viết được bài thơ này và cũng nhờ có chị mà bài thơ này còn lại.
T.Q