Lưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hành

05.01.2023
Bùi Công Minh

Lưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hành

Nhà thơ Lưu Quang Vũ

Tết Quý Mão 2023 này, nếu Lưu Quang Vũ còn sống, anh cũng đã vào tuổi bảy lăm (4/1948 - 4/2023).  Nhớ lại ngày ấy, xa xôi lắm, từ cuối những năm sáu mươi thế kỷ trước, chúng tôi trạc tuổi anh, sắp kết thúc năm cuối Đại học Sư phạm, chuẩn bị bước vào cuộc đời dạy học. Một buổi tối, qua chiếc đài bán dẫn tại một vùng quê nơi chúng tôi được lệnh phải đi sơ tán để phòng tránh máy bay Mỹ ném bom, người phát thanh viên đang nói về một tập thơ mới có nhan đề Hương cây - Bếp lửa của hai nhà thơ trẻ là Lưu Quang Vũ và Bằng Việt. Tôi biết đến cái tên Lưu Quang Vũ từ đấy. Năm ấy nhà thơ tròn 20 tuổi.

Hôm sau chúng tôi rủ nhau ra Hiệu sách Nhân dân - tên của các hiệu sách quốc doanh thời bao cấp - ngoài thị trấn tìm tập thơ nhưng không có. Sau phải nhờ người bạn còn ở lại Hà Nội mua giùm gửi đến. Phải nói rằng, tập thơ đã như một nguồn gió mát lành thổi vào tâm tư chúng tôi. Giữa bao nhiêu tiếng thơ mạnh mẽ, gân guốc, hào sảng - âm hưởng chung của thơ ca thời ấy, bỗng nhiên chúng tôi được đọc những dòng thơ như nước giếng quê trong vắt của Lưu Quang Vũ: Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao/ Đường ven suối quả vả vàng chín rụng/ Cọ xanh rờn lấp loáng nước sông Thao... Thôn Chu Hưng trong bài thơ là nơi nhà thơ có quê gốc Đà Nẵng cất tiếng khóc chào đời trong những năm kháng chiến chống Pháp cùng với khung cảnh thiên nhiên mang đậm bóng dáng của vùng trung du Phú Thọ, một trong những căn cứ  kháng chiến của ta. Cái thôn nhỏ ấy cũng như bao thôn xóm yên bình khác của vùng quê Bắc Bộ, nhưng trong chiến tranh, rất có thể nó vẫn nằm trong tọa độ của những Thần sấm, Con ma, B52 của không quân Mỹ sẵn sàng bất ngờ trút bom hủy diệt. Vậy mà những câu thơ cứ mượt mà êm nhẹ như không. Bình tĩnh, lạc quan hình như là phương châm sống của cả dân tộc trước thử thách khốc liệt giữa ranh giới sống - chết. Kỷ niệm trong bài thơ được mở rộng theo những chiều kích của không gian ấu thơ và tâm hồn con người giữa cuộc chiến sinh tử.  

Chỉ mấy chục bài thơ ít ỏi trong tập thơ in chung của 2 tác giả, nhưng càng đọc thơ Vũ chúng tôi càng thấy hồn thơ anh thật mới lạ. Có ai đó nói: Nhà thơ họ hơn gì chúng ta? Họ sống như chúng ta nhưng khi cần họ nói hộ những điều mà chúng ta không diễn đạt được bằng lời. Ngày ấy chúng tôi là thế hệ đồng hành, đồng trang lứa, nhưng bị hút hồn vì tài năng thơ Lưu Quang Vũ, đúng như lời nhận xét ấy. Những câu thơ của anh đã cho chúng tôi một chân trời mới của cảm xúc: không phải khi nói về chiến tranh là chỉ nói về đạn bom tàn phá, về những cảm xúc sử thi hoành tráng, mà bên cạnh đó còn có những nỗi niềm xúc động rất cụ thể, đời thường của con người. Chúng tôi đã quen với những câu thơ bừng bừng khí thế, bỗng gặp những câu thơ của Vũ nói về nỗi nhớ người ra trận: Chiều ấy các anh đi/ Nắng nhạt vàng hoe gốc rạ,/ Gió xạc xào qua luỹ tre/ Em đứng nhìn theo sau cửa,/ Đất nước đánh thù, đường trăm ngả/ Các anh đi về đâu?/ Em muốn nói trăm câu, ngàn câu/ Mà chỉ nghiêng đầu chào khe khẽ./ Bóng các anh ngả dài theo vườn dâu/ Mũ các anh rập rình trên bãi mía… Tả không khí những đoàn quân lên đường chiến đấu, thường là trống dong cờ mở, khẩu hiệu băng rôn đỏ chói vẫy gọi nức lòng, thì thơ Vũ: Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình/ Điều chưa nói thì bàn tay đã nói/ Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại/ Còn bồi hồi trong mỗi ngón tay ta…

Năm 17 tuổi, vừa học xong phổ thông, Lưu Quang Vũ xung phong gia nhập quân đội. Chính trong thời gian quân ngũ, những nhận thức, những cảm xúc về đất nước trong gian lao mà anh dũng, về những con người chiến đấu hy sinh đã thấm đẫm trong tâm hồn thơ Lưu Quang Vũ. Những câu thơ của anh là sự thao thức với những giá trị cao cả của đất nước, quê hương: Đất nhận lấy tâm hồn người lính trẻ/ Đêm sâu này thức trắng với quê hương. Anh tự hào là người thanh niên được đứng trong đội ngũ những người lính nơi tuyến đầu. Anh tâm sự với người bà gần gũi và yêu quý của mình: Cháu đã đi những tháng năm lửa cháy/ Với trùng điệp bạn bè cùng tuổi/ Áo quân trang xanh cây lá vườn bà/ Đất chiến hào vẫn đồng đất quê ta/ Máu đồng đội đã thấm vào đất ấy/ Những đêm thức nghẹn ngào nghe đất gọi/ Vây quanh mình bao gương mặt thân quen… Hình ảnh người lính trẻ trong thơ anh chính là hiện thân cho sức sống tuổi thanh xuân, cho sức mạnh của tình yêu giữa đạn bom khói lửa chiến tranh. Đó cũng là đặc điểm chung của thơ ca kháng chiến chống Mỹ thời kỳ này. Cuộc chiến đấu sinh tử đã làm cho mỗi người tự phát hiện ra chính mình trong mối liên hệ rất tự nhiên giữa tình yêu riêng tư với tình yêu Tổ quốc. Lưu Quang Vũ có những liên tưởng bất ngờ thú vị: Ngày ấy ta chưa thấy hết tầm đất nước/ Ngày ấy ta chưa hiểu rõ lòng ta/ Anh chưa biết yêu em như bây giờ. Ngay khi nghĩ về tầm vóc vĩ đại của đất nước, người lính trẻ có thể bất ngờ chuyển sang cung bậc của tình “yêu em”. Bởi vì, trong tâm hồn người lính luôn có sự hòa quyện giữa những xúc động riêng tư với tình yêu lớn. Thơ Lưu Quang Vũ cũng như thơ chống Mỹ nói chung có thể diễn đạt trực diện tình yêu riêng tư, nhưng tình yêu ấy luôn được hòa quyện trong tình yêu đất nước, là động lực cho tình yêu đất nước: Trong thành phố có một vườn cây mát/ Trong triệu người có em của ta/ …/ Đến bây giờ đánh giặc anh đi xa/ Nhìn lại mảnh vườn xưa thấy hẹp/ Biết bao điều anh còn chưa nói được/ Rối rít trong lòng một nỗi em em.

Một cái gì mới mẻ, khác lạ, nhưng không kém phần rạo rực, cháy bỏng trong tâm tư người đọc thời chiến qua những dòng thơ nội tâm độc đáo của Lưu Quang Vũ. Tình yêu nước không phải lúc nào cũng cần hô to gọi giật, mà cũng có khi thủ thỉ tâm tình. Có thể Lưu Quang Vũ không làm mới thơ mình về mặt cấu trúc, câu chữ, nhưng anh lại mang đến một thứ cảm xúc ngọt ngào, thật dạt dào sôi nổi, thật nhiều rung cảm mạnh mẽ, chạm tận đáy sâu tâm tư của những người cùng thế hệ, cùng cảnh ngộ lúc ấy. Độc giả của những ngày ấy đều có cảm giác như có mình trong trường thơ của anh, cảm xúc của nhà thơ cũng chính là xúc cảm của chính mình; và họ đã đi vào cuộc chiến đấu gian nan bằng những vần thơ thiết tha cảm xúc đó.

*

Khi tôi trở thành chiến sĩ thuộc sư đoàn ra-đa của Quân chủng Phòng không - Không quân thì Lưu Quang Vũ - cũng là lính Phòng không - Không quân - đã rời quân ngũ. Ngày mới nhập ngũ, Vũ được vào học lớp dự khóa bay, sau do sức khỏe, anh chuyển sang học thợ máy. Học xong anh được bố trí về một đại đội thuộc trung đoàn Không quân Sao Đỏ. Người chính trị viên đại đội của anh đã kể nhiều về anh, và cũng chia sẻ về cái khó khăn trong sự kết hợp giữa tính bay bổng lãng mạn của một tâm hồn thi sĩ với tính kỷ luật quân đội, cộng với việc phải làm quen với máy móc khí tài quân sự… cho nên sau một thời gian phục vụ trong quân đội, Vũ được giải ngũ. Tiếp đó là những ngày mà Lưu Quang Vũ rất lao đao vất vả, ngay khi đang tuổi thanh niên. Những người bạn cùng sống cùng viết với Vũ nhớ lại, sau khi ra khỏi quân đội, xin mãi không được việc làm, gặp việc gì làm việc đó, bấp bênh, hạnh phúc gia đình tan vỡ, cuộc sống bao cấp thời chiến tranh rất hạn chế về điều kiện sinh hoạt trong khi con còn nhỏ… Nhưng đó cũng là những ngày tháng mà Lưu Quang Vũ đã hiểu sâu thêm về đất nước, về con người, đã chứng kiến biết bao cảnh đời cực nhọc, những mất mát do chiến tranh gây ra, phải chịu đựng bao nhiêu vất vả gian nan cho ngày chiến thắng kẻ thù xâm lược. Nhiều người còn nhắc lại lời nhận xét của nhà phê bình Hoài Thanh khi ông đọc những vần thơ của Lưu Quang Vũ thời kỳ này: Một tâm hồn rất tha thiết với đất nước mà nhiều băn khoăn day dứt. Nhưng trên tất cả, tiếng thơ Lưu Quang Vũ vẫn được cất lên từ một tâm hồn yêu cuộc sống một cách chân thành, ngay cả trong những giây phút bề bộn khó khăn trong đời thường của những người chung quanh mà anh hàng ngày chứng kiến. Bài thơ “Chưa bao giờ” là sự thể nghiệm mạnh dạn của Lưu Quang Vũ trong việc đưa những “cái hàng ngày” vào thơ chống Mỹ. Vũ đã nhìn nhịp sống một buổi chiều của Việt Nam, của thủ đô Hà Nội, nơi đang là mục tiêu hủy diệt của kẻ thù muốn đưa chúng ta về “thời kỳ đồ đá” trong những câu thơ dung dị: Buổi chiều nào như buổi chiều nay/ Biết nói gì cho đủ với nhau đây?/ Nắng rung rinh khắp ngả đường Hà Nội/ Còi báo yên vừa nổi/ Chuông tàu đã leng keng/ Mắt ai soi vào cũng sâu thẳm niềm tin./ Đây chị công an viên/ Mang ngôi sao chính quyền trên mũ/ Đứng canh ngã tư suốt giờ súng nổ.../ Đây quầy hợp tác bán rau non/ Những ngày mưa nắng đạn bom/ Chưa lúc nào rau lên giá/ Riêng điều ấy đơn sơ trên phố nhỏ/ Cũng đáng cho ta cầm súng em à…

*

Nếu như Lưu Quang Vũ chỉ làm thơ, thì cho dù giá trị của nó rất lớn, cho dù nhiều câu thơ, bài thơ đã “làm tổ” trong lòng người đọc, thì sức hiện diện, sự đồng hành của Vũ cũng vô cùng mạnh mẽ với việc anh đã xuất hiện với một vai trò khác, một thế mạnh khác, đó là kịch. Đồng hành với anh trong không gian sân khấu của thời kỳ Đổi Mới, vẫn là những người cùng thế hệ với anh, nhưng lần này thì còn nhiều lớp tuổi khác nữa, già hơn anh và trẻ hơn anh, lại tiếp tục chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ cùng anh. Hơn 50 kịch bản đã được anh sáng tác chỉ trong vòng 10 năm cuối đời, trong số đó, nhiều kịch bản đã được nhiều đoàn nghệ thuật ở nhiều địa phương dàn dựng cùng một lúc, không chỉ tôn vinh giá trị tài năng tác giả mà còn làm nên tên tuổi của nhiều đoàn nghệ thuật trong cả nước. Những vở diễn đặc sắc như Hồn Trương Ba - da Hàng thịt, Trái tim trong trắng - tức 2.000 ngày oan trái, Điều không thể mất, Tôi và chúng ta… của Lưu Quang Vũ cùng với một số vở diễn của các tác giả khác trong thời kỳ Đổi Mới đã làm nên “một thời kỳ huy hoàng của sân khấu Việt Nam thời hiện đại” như các nhà phê bình sân khấu đã nhận định. Có những vở kịch với chủ đề thời sự nóng hổi, những tình huống mang kịch tính cao độ, những đoạn thoại sắc sảo đã làm cho mọi người thực sự được chia sẻ, và không ít người ngỡ ngàng, sao anh lại có thể sâu sắc đến thế, mạnh mẽ đến thế, nếu không có sự tiếp sức của đổi mới tư duy, dám nhìn thẳng sự thật, sẽ không dễ dàng gì đến được với độc giả, khán thính giả.

*

Đến năm 2023 này, những người cùng thế hệ với Vũ đã là những ông lão, bà lão - nói theo ngôn ngữ bây giờ là U80. Nếu còn sống, Vũ sẽ thế nào. Đôi khi tôi lẩn thẩn nghĩ về điều ấy. Có thể anh gác bút nghỉ ngơi, hưởng thụ những công trình nghệ thuật do mình tạo dựng và được những nghệ sĩ kế tiếp dàn dựng lại theo tư duy của thế hệ mới. Nhưng cũng có thể - và điều này dễ chấp nhận hơn - trái tim nhân hậu của anh sẽ nổi cơn thịnh nộ trước những ngang trái, bất công, những xuống cấp của đạo đức xã hội, để rồi lại cất tiếng nói bằng những tác phẩm nghệ thuật mới, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng một xã hội công bằng, văn minh với những con người ngày càng tử tế.

B.C.M

Bài viết khác cùng số

Những đám mây thổ cẩmChuyện vui kể vào dịp TếtNăm cũNhững ngày cuối nămCôn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tàiMùa xuân trên tầng ký ứcTập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Những vấn đề đang đặt raCó một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trướcMùa xuân khơi dậy khát vọng phát triểnMỹ nhân ám ảnhMột thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương laiMùa chim ri làm tổĐừng nói lời yêu chiều ba mươi TếtVàng Mai rực rỡThanh Mai Tầm XuânTản mạn bốn mùa nước MỹTôi yêu Đà NẵngEm về tắm biển Tiên SaChạm xuânĐó là cách mùa xuân chạm vào chúng taPhía xuân xaPhía xuân quê nhàKhúc tiễn ngày xuânTết quêTháng GiêngCuối TếtTếtMưa trên tượng người Việt cổDắt em về miền biểnCà phê chiềuTruyền thuyết hoa Dã QuỳNgày rất dàiPhiên chợ tình toàn đá núiGiả sửĐợi xuânĐi để trở vềGiao mùaThơ Nguyễn Nho Thùy DươngBến gióVô thườngVó ngựa trót hoang emNghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gianChiều sông HànHồi ức Mã ChâuChào nhé mùa ĐôngNgày nắng vỡNgày giỗ nộiXuân muộnĐoản khúc cho một ngàyThầm thì bên suốiVaTự sựThèm một vòng tayMùi TếtĐã chínDự cảm GiêngTết nướcChuyển mùaNgẫu khúc cầu vàngLy cà phê quán nhỏChùm Haiku mùaTiếng thơ Nguyễn Nho NhượnHọa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụaĐà Nẵng - Thành phố niềm tinVề chùm thơ hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh của Phan KhôiBiến thể - Khúc bi ca nhân thếLưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hànhVũ Hạnh một nhân cách văn học khó quênCon mèo trong văn hóa dân gian Việt NamNgày xuân đọc lại thơ Tết của Phan Bội ChâuLàng, Đình làng và Hội làng ngày xuânHình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhiNhớ “Mùa xuân đầu tiên”Ngày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn XuânChiều Đà NẵngCon mèoTuổi mười lămBốn mùa nhớ Bác