Tản mạn bốn mùa nước Mỹ
Một góc công viên mùa hè
Với tôi, ấn tượng về nước Mỹ chính là vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ thú, sinh động. Từng nhiều lần đặt chân đến đất này và may mắn được trải nghiệm ở nhiều thời điểm khác nhau, tôi cũng mục sở thị được sự luân chuyển vòng quay của thời gian cùng sắc màu đa dạng của không gian, trời đất, con người để từ đó tận hưởng và cảm nhận được một phần hương sắc của bốn mùa nước Mỹ.
Mùa hè nóng bỏng, phóng khoáng và dễ chịu.
Không phải là mùa đầu tiên của năm nhưng mùa hè nước Mỹ được tôi xem như mối tình đầu. Lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này là mùa hè cách đây hơn mười năm. Từ nhà ga Newark thuộc tiểu bang New Jersey, chúng tôi lên tàu đến thành phố New York (NYC). Tàu dừng ở ga Grand Central. Đây là một phức hợp ga lớn, đông đúc thứ nhì của New York, có cửa lên Đại lộ 42, một trong những dãy phố sầm uất nhất của thành phố được đánh giá là trung tâm văn hóa, tài chính và truyền thông của nước Mỹ và thế giới. Tôi thực sự choáng với nghĩa đen ngay từ những phút đầu. Sự choáng không phải bởi tầm đồ sộ của thành phố New York mà chính bởi những tiếng ồn đến ngợp người của những đoàn tàu ra vào nhà ga, những bước chân người nện gót, tạo nên một tạp âm, ầm ầm như một công xưởng lớn. Chưa hết, bước lên khỏi bậc thang cuối để ngoi lên mặt đường lại xây xẩm mặt mày vì sức nóng hầm hập bị dồn nén bởi người như nêm cối, bởi những tòa nhà cao ngất, ngửa cổ không thấy trời. Hôm đó, chúng tôi đã phải chịu sức nóng 100 độ F, tức gần 38 độ C ở một nơi mật độ dân cao nhất Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chỉ ra khỏi vùng “trọng điểm” là thấy ngay một bầu không khí khác. Trong thành phố có nhiều vườn cây mát. Đấy là những công viên lớn nhỏ mà công viên nào cũng rất nhiều cây xanh, rợp bóng.
Ở Mỹ, các công viên được quy hoạch một cách hợp lý. Người ta tận dụng triệt để cảnh quan tự nhiên mà không hề phá vỡ, xâm hại nó. Di tích, sông suối, thác nước, hồ tự nhiên đều được giữ nguyên vẹn không chỉ trong khuôn khổ các công viên nổi tiếng như công viên quốc gia Central Park ở NYC, vườn quốc gia Yosemmite ở California mà còn có nhiều ở công viên của các vùng miền, tiểu bang khác. Hình thức công viên rừng, công viên hồ, công viên thác rất phổ biến ở Mỹ. Nếu bạn dừng chân ở công viên bên hồ Erie, một trong 13 hồ tự nhiên lớn của nước Mỹ, bao quanh nhiều tiểu bang, bạn sẽ được tận hưởng bạt ngàn gió, xoa dịu cái nắng đang thiêu đốt của mùa hè. Những ngày nóng, chúng tôi thường ra công viên hồ Erie thuộc địa phận thành phố Cleveland, tiểu bang Ohio để hóng mát. Mùa hè, trên những thảm cỏ xanh mướt bên hồ, dưới bóng cây rợp mát, từng nhóm người, chủ yếu là gia đình, bạn hữu tụ họp. Họ thường dành ngày cuối tuần ra hồ thưởng ngoạn, vui chơi và tránh nóng. Công viên rất sạch, xanh và lộng gió. Chỉ cần một ngày cũng đủ cho người ta làm mới bản thân, nạp năng lượng cho ngày hôm sau làm việc và học tập. Vậy nên cũng dễ hiểu vì sao vào mùa hè, bãi đậu xe ở các công viên đều khan hiếm chỗ.
Một ngày nắng, chúng tôi đi chơi ở công viên Hocking Hills State Park (Ohio), cách nhà một tiếng lái xe. Đây là một công viên mang dấu ấn của rừng đầm lầy mà hàng trăm triệu năm trước nằm trong vùng bao phủ của biển Atlantic. Trải qua bao biến thiên của trời đất, nơi này đã hình thành một vùng trầm tích quý hiếm với nhiều tầng lớp mang dấu ấn của thế giới tự nhiên sinh động. Không còn cái nóng cuối hè bởi hơi mát tỏa ra từ đất, từ gió. Mặt trời cũng bớt gay gắt bởi những tán lá rừng đan xen tạo thành mái che khổng lồ cho du khách. Cảm giác như đang được trải nghiệm một cuộc thám hiểm xuyên rừng bằng một con đường mòn. Các công viên dù lớn hay nhỏ đều có những con đường mòn như thế. Có công viên đi hết con đường là gặp hang động kỳ lạ. Cũng có những công viên đi hết con đường bỗng cảm thấy mát lạnh vì trước mặt là thác nước tung bọt trắng xóa. Lại có những công viên đi hết con đường là rào chắn báo hiệu không an toàn, cây cối chằng chịt, đường mòn mất dấu.
Lưu lại có thể tất cả những gì của tự nhiên là ý thức của các nhà quy hoạch. Những cây đổ mục nát, những khe lạch, những khối đá, thác nước, viên sỏi, hạt cát và đặc biệt là rừng nguyên sinh đều được giữ gìn nhằm góp phần bảo tồn không gian, hương sắc đầy cảm xúc của thiên nhiên huyền bí, phục vụ nhân sinh.
Trở lại New York, thành phố nổi tiếng bởi mật độ dân cư, bởi các hình khối bê tông nhưng không phải vì thế mà họ bó tay chịu đựng cái nóng. Các công viên lớn, các vườn trong phố vẫn được tỉa tót, chăm sóc làm nơi nghỉ ngơi, dừng bước cho khách bộ hành, cho cư dân thành phố. Ở những khu dân cư đông đúc như Brooklyn, người ta vẫn chọn những góc phố làm nơi ngồi tận hưởng gió mát và sự thoáng đãng của khí trời. Họ dành một khuôn viên nhỏ làm nơi vui chơi nước cho trẻ em. Dòng nước ngầm dưới đất phun thành những tia nước cao thấp mát mẻ. Bọn trẻ chạy nhảy, ném những trái bóng nhỏ, té nước nhau, reo hò thỏa thích trong nắng hè. Nguồn nước ở New York nổi tiếng là sạch, được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên nên rất đảm bảo. Những khu dân cư không có điều kiện làm công viên rộng, để giải quyết chỗ chơi râm mát cho trẻ em vào mùa hè, các trường học thường mở cửa vài giờ trong ngày để trẻ có thể vào chơi tự do, người già có thể ngồi nghỉ ngơi, hóng gió.
Nhiều nơi được thiên nhiên ưu đãi có bờ biển đã trở thành những mảnh đất vàng. Người dân ở đây rất yêu biển. Vào mùa hè, các bãi biển xa gần đều đông khách. Tắm biển, phơi mình dưới cái nắng chói chang để có một làn da rám nắng là sở thích của nhiều người. Chúng tôi từng dạo chơi trên bờ biển của thành phố Newport Beach thuộc Quận Cam, California, ngắm những con đường đồi quanh co sặc sỡ hoa giấy, những ngôi nhà thơ mộng nằm rải rác trên sườn đồi. Trước biển lộng gió, lắng nghe từng con sóng ào ạt vỗ bờ, càng cảm nhận được giá trị vàng của biển mùa hè. Một người bà con sau khi dẫn chúng tôi đi ngắm biển đã tư lự tâm sự rằng, mỗi lần ra đây bà lại nhớ biển Đà Nẵng, Nha Trang. Bà nói, biển Việt Nam mình đẹp hơn nhiều, nước trong xanh, cát trắng, cát vàng óng ánh. Rồi bà hỏi, mùa hè ở biển bên nhà có vui không, người ta có chăm sóc biển không và nhắn gửi phải chăm sóc những giá trị tự nhiên để nó phục vụ con người tốt hơn. Tôi nói rất mong có ngày bà trở về thăm quê nhà để thấy biển của ta mỗi ngày mỗi đẹp. Bà vốn là một thiếu nữ của Hà Nội xa xưa, hiện sinh sống ở vùng đất này đã gần nửa thế kỷ.
Mùa hè ở Mỹ ngày rất dài. Mặt trời lên sớm và hoàng hôn xuống rất trễ. Thường thường, cứ sau 9 giờ tối, mặt trời mới lặn nhường chỗ cho bầu trời màu tím thẫm. Nam thanh nữ tú, sinh viên, sau những giờ vùi đầu học trong thư viện hay bận rộn làm thêm kiếm sống, đến giờ này mới rời nhà đi chơi và trở về khi kim đồng hồ đã chuyển sang thời khắc của ngày mới.
Những ngày cuối hè cũng là thời gian bọn trẻ chộn rộn chuẩn bị trở lại trường học. Khi trên đường phố bắt đầu xuất hiện những chiếc xe School bus, loại xe buýt chuyên dùng đưa đón học sinh các cấp học phổ thông với màu vàng đặc trưng, cũng có nghĩa là mùa hè đang dần qua, trời đất cũng sắp chuyển mùa râm mát.
Mùa thu quyến rũ, rực rỡ sắc màu
Đã từng nhiều lần ở đây nhưng đây là lần đầu tiên, tôi chứng kiến một mùa thu trọn vẹn. Dường như biết chúng tôi nóng lòng chờ đợi, mùa thu không vồ vập cũng chẳng vội vàng. Như một cô gái đẹp ý thức được vẻ đẹp của mình nên nàng không hề tùy tiện phô diễn hết thảy. Tất cả đều phải tuần tự, khoan thai cho đến khi rực rỡ, tỏa sáng. Mùa thu là vậy.
Tác giả bài viết với mùa thu nước Mỹ
Thoạt đầu, thời tiết dịu mát và có phần se lạnh. Những chiếc áo khoác và khăn mỏng đã được mang ra dùng. Tôi thường hay đứng ở sân sau nhà để ngắm những hàng cây cao sum suê lá. Chừng nào cây lá vẫn còn xanh nghĩa là mùa thu chưa hẳn tới. Cho đến một ngày, trên ngọn cây cao nhất xuất hiện một màu lá đỏ tía và những ngày tiếp sau, mỗi ngày một chút thay đổi, cây xanh đã hoàn toàn thành màu lá đỏ. Lập thu ở đây thường vào ngày 22 tháng 9. Ở thời điểm này, không phải chờ đợi kiếm tìm nữa bởi toàn nước Mỹ đẹp như bức tranh phong cảnh, rực rỡ sắc màu. Có lẽ chỉ còn cây thông và những thảm cỏ là xanh mướt. Tất cả cây cối lúc này đã được nhuộm thành các màu đỏ thắm, đỏ tía, vàng rực hay cam nồng cháy. Trong màu nắng mật ong sóng sánh, mùa thu càng thêm quyến rũ, gợi cảm. Sắc màu phủ trong vườn nhà, trên đường phố, trải dài theo những cung đường, miên man tít tắp. Mê đắm, nồng nàn. Không phải chỉ người ở xa mới háo hức chờ mùa lá đổi màu mà người dân ở đây cũng có nhiều cách để tận hưởng vẻ đẹp đặc trưng của mùa thu xứ sở. Người ta dành thời gian để cả gia đình cùng thưởng thức bằng những cuộc du ngoạn xa gần với rừng thu, hồ thu, thác nước mùa thu, ngoại ô mùa thu, trang trại mùa thu và cả chợ nông sản mùa thu nữa. Mỗi nơi một khác nhưng đều mang hương sắc khó quên của mùa thu Bắc Mỹ.
Ở Mỹ, chợ nông sản có ở nhiều thành phố và thường được tổ chức phiên vào dịp hè thu. Chợ họp gần những trang trại trồng rau củ quả hoặc chăn nuôi gia súc. Cũng có chợ họp tại một điểm gần khu vực đông dân cư để thuận tiện cho những người không có điều kiện đi xa như người già, người bận rộn. Chợ thường bán những sản phẩm từ trang trại, ruộng vườn nên tươi ngon, mùa nào thức nấy đúng chuẩn ogarnic. Theo đó, bạn có thể thưởng thức ngay tại chợ một ly nước quả tươi ép ấm nóng trong tiết thu se lạnh. Bạn cũng có thể ghé vào hàng bánh táo nướng để sau một hồi xếp hàng, hớn hở cầm trên tay túi bánh nóng hổi, thơm ngọt. Nhích sang một chút là gian bán bỏng ngô với cái nồi rang to bự cùng các cô gái bán hàng khỏe đẹp như những thôn nữ trong phim ảnh. Tại phiên chợ nông sản, người ta không chỉ giao dịch mua bán mà còn được thưởng thức các giai điệu đồng quê, đường phố, được tham gia các trò chơi nhỏ rất thú vị. Khi chợ tan, những địa điểm họp chợ đều được dọn dẹp sạch sẽ, không một cọng rác.
Người dân đi chợ nông sản không hoàn toàn vì giá cả bởi có những món hàng giá còn cao hơn khi mua ở siêu thị hay cửa hàng. Họ về nông thôn hay trang trại đi chợ phiên để mua sự tinh khiết của nông sản, sự trong lành của khí trời; để được giao lưu, ứng xử trong tình cảm mộc mạc, thân thiện của những người chủ ruộng đồng, từ đó trân quý hơn giá trị của đất đai và sức lao động. Chợ nông sản phiên mùa thu đã trở thành sở thích của nhiều người, nhiều gia đình. Trải qua thời gian, chợ nông sản đã trở thành một nét đẹp truyền thống trong đời sống văn hóa và sinh hoạt của người dân Mỹ.
Mùa thu cũng là mùa của lễ hội. Lễ hội Halloween thường diễn ra vào ngày cuối cùng của tháng 10 hằng năm. Năm nay lễ hội được diễn ra khá nhộn nhịp và sinh động. Bình thường, trên đường phố hay trong các khu dân cư rất vắng người tản bộ nhưng đúng ngày lễ, đường phố tấp nập bởi nhiều nhóm người đi lại nhộn nhịp, chủ yếu là các nhóm gia đình. Bọn trẻ xúng xính trong các bộ trang phục hóa thân thành các nhân vật hoạt hình hoặc tiểu thuyết nổi tiếng, ríu rít xách giỏ đi xin kẹo với thông điệp “Trick or Treat” đặc trưng của lễ Halloween. Để có được không khí này, người ta đã phải chuẩn bị cả tháng để trang trí nhà cửa, mua sắm trang phục, bánh kẹo và đặc biệt không thể thiếu lồng đèn bí ngô. Các nhà hầu như đều mở cửa đón các vị khách nhỏ tuổi. Có nhà còn thịnh trình bày cả một bàn lớn trước cửa với bánh kẹo, nước táo nóng, bếp lửa đỏ, chờ khách. Nhẹ nhõm, dễ chịu, không quá ồn ào và lịch sự là cảm nhận chung về một lễ hội truyền thống thường niên được diễn ra tại một khu phố nhỏ mà tôi được trải nghiệm.
Đêm Halloween trời trở gió và se lạnh. Cuối thu, không khí ẩm ướt. Lá trút phủ đầy lối đi. Nhiều cây chỉ còn cành trơ trụi. Dân gian nói, sau ngày lễ, nghĩa là sau ngày 31 tháng 10, trời đất sẽ chuyển mùa. Luyến tiếc một mùa thu rực rỡ đầy quyến rũ đang dần phai và chờ đợi một mùa mới đang dần đến.
Mùa đông tuyết lạnh, ấm áp đoàn viên
Thông thường khoảng từ giữa tháng 12, trời lạnh giá, tuyết rơi dày. Năm nay, mùa đông có vẻ đến sớm hơn. Cuối tháng 11, thỉnh thoảng có ngày lác đác tuyết rơi. Những bông tuyết nhỏ xíu, mong manh bay lơ lửng trên không trung, đậu trắng trên mái nhà, nóc xe ô tô, sân vườn, lối đi. Nhiệt độ thấp nhất những ngày chớm đông có khi xuống đến âm 7 độ C về đêm và sáng sớm. Cái lạnh ban đầu tuy vậy vẫn còn đôi chút dễ chịu.
Ngày tuyết rơi
Nếu như sắc màu của mùa thu là rực rỡ, tỏa sáng thì mùa đông ở đây chỉ một màu trắng của tuyết và sắc vẻ ảm đạm của bầu trời. Có sáng ngủ dậy, từ trên tầng lầu nhìn xuống chỉ thấy tuyết. Cả một bãi đỗ xe bạt ngàn ô tô cũng ngồn ngộn tuyết trắng. Cây cối cũng trắng xóa, khẳng khiu. Người mới gặp tuyết thì mừng vui, hồ hởi đón tuyết. Chỉ có người sống cùng tuyết mới thấm thía nỗi vất vả. Ngày tuyết rơi, khổ nhất là những người phải đi làm, phải dịch chuyển từ sáng sớm bằng phương tiện giao thông công cộng. Lạnh cóng, thập thõm và có khi sũng ướt. Khi tuyết rơi nặng hạt, phủ dầy, những người đàn ông trong gia đình phải sẵn sàng bước ra khỏi nhà để cào tuyết, vun thành đống ở sân vườn và lối đi. Một công việc không mấy dễ dàng. Mùa đông nói chung và ngày tuyết rơi nói riêng còn là nỗi khốn khổ của những người vô gia cư và người kiếm sống trên đường phố. Họ thường trú ngụ ở những nơi công cộng có sẵn mái che hoặc tự tạo để che chắn. Bởi vậy, các ga tàu điện ngầm thường là nơi trú ngụ ổn nhất cho những ngày đông giá. Những “nghệ sĩ đường phố” cũng thường kiếm sống bằng vốn nghệ thuật sẵn có của mình ở những ga tàu điện ngầm như vậy. Tôi đã gặp họ một ngày gió lạnh tại một ga tàu điện ngầm ở New York để rồi thốt lên: “…Bất chợt…mùa đông/ giữa ồn ào náo nhiệt/trong nhấp nhô dòng người/ một âm thanh sáng mượt trong trẻo/ giọng hát của người nghệ sĩ hát rong/ trong ga tàu điện ngầm thành phố /như thấy cả nồng nàn nắng hạ/ như thấy cả bảng lảng trời thu/ như thấy cả lai láng sức xuân/ và mùa đông… ôi mùa đông/ đẫm lạnh trong hơi thở/ trong nhấn nhá/ trong khát khao đến khẩn khoản/ giai điệu/ ca từ…”.
Mùa đông xứ lạnh thường gieo vào lòng người nỗi nhớ khắc khoải đến thắt lòng. Nhớ cái nắng hanh hao, nhớ bếp lửa rực hồng, nhớ quê hương kỷ niệm… Nếu không có một không khí đầm ấm của gia đình, của bạn hữu, của mùa đoàn viên, hội ngộ thì mùa đông ở đây lạnh đến tê tái. Nhớ những ngày đông năm nào, bên ngoài gió và tuyết lạnh cóng, trong nhà bên ấm trà mạn nóng hổi, những người bạn chúng tôi cùng ôn lại những tháng năm tuổi trẻ và thời bao cấp trong nước. Thiếu thốn như thế, nuôi con vất vả như thế, đi làm, đi diễn bận bịu như thế mà sao vẫn vui, vẫn ấm áp. Chuyện mãi, chuyện hoài, không dứt. Cười đấy mà lòng rưng rưng bởi khi chia xa, lấy ai để giãi bày, chia sẻ. Là bạn bè, dù hoàn cảnh sống hai phương trời khác nhau nhưng chúng tôi cùng thế hệ, cùng lớn lên và trưởng thành trong một giai đoạn lịch sử đáng nhớ của đất nước, của mỗi gia đình nên rất thấu cảm.
Mùa đông còn được xem là mùa của lễ hội, mùa của đoàn viên, hội ngộ. Sau Lễ Tạ ơn, khắp nước Mỹ ngập tràn không khí mừng đón Giáng Sinh. Trên đường phố, các trung tâm thương mại sầm uất, các nơi công cộng, các khu dân cư đã lung linh ánh sáng. Trong các gia đình, cây thông cũng được dựng lên, đèn hoa chăng quanh nhà đủ màu sắc lấp lánh. Những giai điệu quen thuộc về Christmas khi réo rắt khi sôi động, lan tỏa mọi nơi khiến những ngày cuối năm càng thêm vui tươi, rộn rã. Những năm trước, do ảnh hưởng dịch Covid và thực hiện giãn cách xã hội nên ngay cả những lễ hội lớn như đón Giáng Sinh, người người, nhà nhà cũng không thể tề tựu gặp nhau được. Tuy vậy, người ta vẫn có nhiều cách để kết nối như điện thoại, facetime hay lái xe qua nhà nhau chỉ để vẫy tay chào hỏi, trao nhau ánh mắt nụ cười, vừa gặp được nhau mà vẫn đảm bảo an toàn cho tất cả. Thế mới biết, cuộc sống dẫu có khó mấy cũng không thể ngăn người ta hội ngộ chia sẻ, nhất là trong những dịp lễ cổ truyền quan trọng như thế này. Bởi vậy, lạnh đấy nhưng ấm áp vô cùng.
Năm nay, dịch Covid-19 vẫn còn nguy cơ nhưng người dân Mỹ đã có ý thức phòng chống như đeo khẩu trang nơi công cộng, tham gia tiêm các mũi bổ sung nên dù chưa phải là đồng bộ, phổ biến nhưng tình hình cũng có vẻ khả quan hơn. Mọi người đều hy vọng sẽ có một mùa Giáng Sinh an lành, ấm áp.
Mùa xuân xanh mướt, tràn đầy sức sống
Mùa xuân ở Mỹ thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5 của năm. Không như mùa xuân ở nước ta, ấm áp và sáng sủa ngay từ những ngày đầu năm mới, tháng 3 ở đây vẫn có vùng tuyết rơi và mưa lạnh. Có những ngày, tuyết phủ dầy, ngồi trên xe, nhìn những ngôi nhà hai bên đường trắng xóa như được mô phỏng trong các phim hoạt hình cổ tích hay trên các tấm thiệp lấp lánh kim tuyến của tuổi thơ. Một số sân bay, người ta vẫn phải vun tuyết thành từng đống để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay lên xuống.
Mùa xuân trong công viên quốc gia Central Park, New York
Cũng như mùa thu, mùa xuân không vội vàng hấp tấp xuất hiện nhưng sức xuân đã và đang chảy tràn trong mạch nguồn, trong hơi thở của đất trời. Cho đến một ngày, mảnh vườn quanh nhà bỗng bật lên những mầm xanh nhỏ xíu rồi mạnh mẽ vươn thẳng thành những cây non xanh mơn mởn, nhú những nụ hoa. Có vẻ như những cây hoa này đã ngủ vùi trong tuyết suốt mấy tháng mùa đông. Thậm chí, người ta còn không nghĩ đến sự hiện hữu của nó trước đó. Chỉ khi những tia nắng xuân mảnh mai, ấm áp xuất hiện, nhẹ nhàng rẽ những bông tuyết chưa kịp tan, những lớp đất chưa kịp tơi xốp, thì thầm đánh thức thì chúng mới bừng nở, kiêu sa, rực rỡ đến bất ngờ.
Mùa xuân còn là mùa của màu xanh. Những thảm cỏ xanh non tơ, được cắt tỉa kỹ lưỡng định kỳ, bao phủ khắp nơi trên đường phố, trong công viên, trước sân nhà, nơi các chú sóc nhảy nhót kiếm ăn, dạn dĩ đến quen thuộc. Những tấm thảm mịn màng, mướt mát ấy không chỉ tôn thêm vẻ đẹp của cảnh vật mà còn nhiều hữu dụng khác. Có thể bất chợt trên đường đi, bạn sẽ gặp một tấm biển nhỏ nổi bật trên nền xanh của cỏ với một thông báo dễ thương rằng, chiều tối nay sẽ có buổi hòa nhạc tại công viên khu vực. Rất hiếm các hình thức quảng cáo bằng băng rôn, khẩu hiệu trên đường phố. Rất nhiều quảng cáo hoặc thông báo quy mô nhỏ thường được nhẹ nhàng đặt trên cỏ. Những thảm cỏ trước sân mỗi nhà cũng mang tình cảm, tinh thần thậm chí cả quan điểm về thời cuộc của gia chủ. Nghe có vẻ lạ nhưng đúng là vậy. Bạn sẽ gặp những tủ sách xinh xinh như những chuồng chim bồ câu đặt trên thảm cỏ trước cửa nhiều ngôi nhà cùng thông điệp hãy chọn một cuốn sách và chia sẻ nó. Vào dịp bầu cử tổng thống, nhiều người đã bày tỏ quan điểm của mình bằng những tấm bảng cũng được đặt trên thảm cỏ trước nhà. Đi dạo một vòng trên một con phố sẽ biết ai ủng hộ cho ai bởi những tấm biển đều in chân dung cùng những thông điệp tranh cử của một ai đó.
Một ngày cuối xuân nắng ấm, chúng tôi đến công viên quốc gia Central Park, một trong những thiết chế văn hóa đẹp ở NYC. Những cây hoa anh đào cuối mùa vẫn rực rỡ khoe sắc trắng hồng. Những con thuyền của du khách lững lờ trên hồ nước trong vắt, lăn tăn gợn sóng. Tiếng hát của những nghệ sĩ đường phố cao vút, trầm bổng theo âm thanh rộn ràng của cây đàn phong cầm, thu hút người xem và cảnh vật. Chúng tôi thả bộ trên đoạn đường cây xanh rợp bóng mang tên Con đường Văn học trong công viên. Ở đó người ta đặt những bức tượng của những danh nhân, những tác gia, nhạc sĩ nổi tiếng trong nước và thế giới. Trang trọng, đầy cảm xúc. Bức tượng bán thân của nhạc sĩ thiên tài người Đức, Ludwig Van Beethoven trầm tư được đặt trong một khuôn viên riêng biệt. Có vẻ như ông đang thả mình theo dòng cảm xúc để từ đó hiến dâng cho đời những kiệt tác âm thanh bất hủ. Mùa xuân dường như ngưng đọng ở khu vườn này, khoảng trời này, xứ sở này để cất nên mật ngọt nuôi sống hồn cây, hồn đất, hồn người. Mà cũng không chỉ nơi đây, trên khắp trái đất, mầm xuân đang đâm chồi, nảy lộc, tràn trề nhựa sống.
Vĩ thanh
Vẫn biết thế giới tự nhiên đã ban tặng cho nhân gian những giá trị đẹp nhưng vẻ đẹp của tự nhiên có tồn tại vĩnh cửu hay không lại tùy thuộc thái độ và cách ứng xử của con người để từ đó tạo nên nét đẹp hài hòa của cuộc sống. Theo đó, sự bình yên của hành tinh này, không gì khác, cũng chính do con người quyết định và chi phối.
Đôi lần, bỗng bắt gặp thấp thoáng những tà áo dài truyền thống của quê hương trên đường phố. Cảm thấy vui và ấm áp lạ thường. Có một vẻ đẹp tâm hồn Việt, sức sống tinh thần Việt cũng đang tồn tại và lan tỏa không chỉ trên đất nước bốn mùa hương sắc mà còn ở khắp nơi trên trái đất.
Thế giới đang chuyển động trước thềm năm mới 2023 dù vẫn phải đối diện với bao thách thức và bất ổn. Bởi vậy, niềm mong ước về một năm mới an lành và phát triển chính là cảm xúc chủ đạo của toàn nhân loại trên khắp hành tinh này.
N.L.H