Ngày xuân đọc lại thơ Tết của Phan Bội Châu
Nhà văn hóa Phan Bội Châu
1. Trong các danh nhân tuổi Mão, Phan Bội Châu (sinh năm Đinh Mão 1867 - mất năm Canh Thìn 1940) là người để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử, văn hóa dân tộc. Ông được xem là nhà cách mạng, nhà văn hóa lớn nhất của Việt Nam trong hơn hai thập niên đầu thế kỷ XX, đúng như nhận định: “Nếu như trong lịch sử dân tộc, bóng dáng Phan Bội Châu vươn lên cao lớn trên chân trời đầy giông bão đầu thế kỷ, thì trong nền văn học yêu nước, Phan là một trong những cây cổ thụ mà cành lá vẫn còn che mát cho nhiều thế hệ sau”1.
Sự nghiệp thơ văn của Phan Bội Châu vô cùng đồ sộ và giá trị trên nhiều phương diện. Trong đó, thơ Tết của ông là những sáng tác rất độc đáo. Bên cạnh Bài ca chúc tết thanh niên nổi tiếng, ông còn có Tết, Mừng tết, Mừng xuân Đinh Sửu, Năm mới 1936, Năm hết tết đến, chùm 10 bài thơ tết… Đây đều là những bài thơ mang đậm dấu ấn thời đại và cốt cách người chí sĩ Phan Bội Châu.
2. “Chọn con đường làm người hào kiệt cứu dân, cứu nước, Phan Bội Châu cũng đồng thời cũng chọn cho mình một quan niệm văn học”. Ông xem thơ “không chỉ để thể hiện cảm xúc, tâm sự mà còn là vũ khí đấu tranh vì lý tưởng cứu dân, cứu nước, là nhật ký hành trình tư tưởng của sự nghiệp cách mạng đầy gian khó”. Thơ Tết của ông được viết từ quan niệm nghệ thuật này.
Khác với thơ Tết thông thường, chủ yếu được viết với cảm hứng ngâm vịnh, thù tạc, ngợi ca, thơ Tết của Phan Bội Châu là cái nhìn trực diện vào hiện thực xã hội Việt Nam trong tình cảnh thuộc địa của những thập niên đầu thế kỷ XX. Đó là một xã hội đầy bế tắc giữa vòng kiềm tỏa thực dân nửa phong kiến: Cái tết năm nay, tết những gì?/ Pháo đời Tự Đức đốt đời ni/…/ Xe ngựa rập rình con “nước mẹ”/ Râu mày lố nhố vợ ông Tây/…/ :”Bông dủa”, “bông dua” mãi tháng ngày (Mừng xuân Đinh Sửu). Trong bối cảnh đó, tân xuân đến chẳng thay đổi được gì không khí thời đại và việc Tết đến, Tết đi cũng chỉ là một vòng trì trệ, lẩn quẩn: Năm cũ không ra sao/ Năm mới như thế nào?/ Trái đất quay hoài không biết mệt/ Con ma “khủng hoảng” không chịu chết/…/ Tết lại, tết đi, cứ dặn tết (Năm mới 1936).
Tết trong tình cảnh bi đát ấy chính là lúc nỗi khốn cùng, lầm than của thân phận nô lệ, nhất là những tầng lớp dưới đáy xã hội được phơi bày một cách trần trụi. Bằng cái nhìn hiện thực tỉnh táo cùng tấm lòng trắc ẩn, Phan Bội Châu trong thơ Tết không hề né tránh nỗi thống khổ của đồng bào mình. Trong chùm thơ Tết viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, ông nói về cái tết hẩm hiu, nghèo đói của phận cu li: Tết ai, nào phải tết mình đâu/ Kiếm cơm năm suốt mười hai tháng/ Bán sức ngày vừa ít chục xu/ Con đói vì khô hai vú sữa/ Thân còm than cực mấy phen xâu/ Tết hoài tết hủy vui gì há/ Pháo láng giềng kêu tởm điếc mù (Tết cu li). Ông nhìn thấy cảnh Tết nghèo túng, tẻ nhạt của kiếp thợ thuyền: Tết lấy gì đây? Sợ tết về/…/ Mua vui những tưởng ma trêu chọc/ Bán dại còn e nợ bốn bề/ Cặm cụi lo co xong mấy bữa/ Tết gì cực quá hỡi xanh tê (Tết thợ thuyền). Ông cũng không quên những cái Tết nợ nần, ế ẩm của kẻ tiểu thương: Bạc nợ nhà băng đòi riết tới/ Vốn nhà phố xá bán không đi/ Thôi lại tết cùng ba chén rượu/ Còn trời còn đất mặc chi chi (Tết công thương). Nhà thơ hiểu được cảnh ăn chẳng khá hơn là bao của lớp “nhà văn An Nam khổ như chó” (Nguyễn Vỹ): Tết mới qua đi, tết lại về/ Nghe người tết, tết khiến mình ghê/…/ Say gượng chén trà mua thú mướn/ Ngồi mềm đầu óc bán bài thuê (Tết nhà văn). Ông nhắc lại nỗi đau mất nước và khẳng định Tết trong hoàn cảnh nước nhà nô lệ có vui chăng thì cũng chỉ thêm ô nhục: Rằng vui vẻ, ừ vui vẻ thật/ Gánh cu li chưa vứt, tính sao đây?/ Tết sao tết lại tết đi/ Tết bầy nô lệ ấy thì tết ta (Mừng tết).
Xót xa trước nỗi tủi nhục của bao cảnh đời cùng khổ, thơ Tết Phan Bội Châu hướng ngòi bút phê phán đến những kẻ quay lưng ngoảnh mặt với nỗi đau giống nòi. Mượn lời bọn nhà giàu hưởng thụ Tết chỉ biết chăm chuốt bản thân mà làm ngơ trước số phận giống nòi, nhà thơ chế giễu thói ích kỷ, dửng dưng của họ: Than trách thây ai trẻ với già/ Ta vui cái thú sống riêng ta/ Xe hơi chen chúc dừng đầy ngõ/ Áo gấm vào ra rộn cả nhà/ Tiếng chúc tiếng mừng xen tiếng pháo/ Câu cười câu tán lẫn câu ca/ Tết như thế mãi vui đâu hết/ Sông biển mây rừng chán ngó xa (Tết nhà giàu). Tương tự, tác giả nhập vai thầy tu ngày Tết để tự phơi bày bộ mặt trơ trẽn của những kẻ tu hành biến chất núp bóng cà sa sống hưởng thụ, tự mãn: Rằng tết thời vui chẳng mấy ai/ Duy mình vui nhất tết trên đời/ Hương hoa vô số người mê cúng/ Chè oản tha hồ phật sống xơi (Tết thầy tu). Ông cũng chỉ trích những người bằng lòng với thân phận nô lệ mà bày trò chơi Tết lố lăng: Duy có người đời khéo nhố nhăng/…/ Cái tết mặt trời/ Đi lại mừng tuổi ầm xe hơi/ Rồi đây tết mặt trăng/ Danh thiếp chúc năm gửi lăng xăng (Năm mới 1936). Phơi bày trực diện, lên án quyết liệt, thơ Tết được Phan Bội Châu xem như hồi chuông thức tỉnh quốc dân đồng bào. Tính chiến đấu trong thơ Tết của ông rất mạnh mẽ, là một phương diện trong tinh thần yêu nước làm nên phong cách đặc trưng, thống nhất của thơ văn Phan Bội Châu.
3. Xem văn chương là vũ khí đấu tranh phục vụ sự nghiệp cách mạng, Phan Bội Châu làm thơ Tết để gửi đến đồng bào trong nước, “nhân năm mới đánh thức cho họ dậy khỏi cơn mê của thường tình xã hội, mê ăn mê chơi, và thúc giục họ hãy lập chí, hãy rèn luyện để bước lên con đường mới mẻ là con đường lý tưởng hy sinh phấn đấu cứu nước cứu nòi”. Ông trông chờ, hi vọng và tin tưởng vào bước đi của thời đại và sự đổi thay của vận mệnh nước nhà: Mừng tân cơ đông hết lại xuân về (Năm hết tết đến). Niềm hi vọng ấy ông gửi vào thanh niên học sinh, thế hệ trẻ sẽ thay lớp tiền bối tiếp tục sự nghiệp đấu tranh hào hùng của dân tộc. Nhà thơ kêu gọi, thúc giục những lớp người trẻ đón lấy vận hội mới mà xốc vác lại giang sơn: Thưa các cô, các chị lại các anh/ Đời đã mới, người càng nên đổi mới/ Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội/ Xúm vai vào xốc vác cựu giang san/ Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho an/ Dây đoàn thể quyết ghe phen liên hiệp lại (Bài ca chúc tết thanh niên). Ông ước mong chính tuổi trẻ sẽ là mùa xuân đưa đất nước đổi mới, tiến lên: Để trẻ xôn xao ăn tết chơi/…/ Tiếng pháo rước xuân nổ vang trời/ Chén rượu mừng xuân say thả cửa/ Cõi đời tấn tới mau hơn lên(Tết). Mong ước, kỳ vọng ấy được ông gửi lại cho “bạn đầu xanh” một cách đầy trân trọng: Xuân xanh với bạn đầu xanh/ Mới thời mới mãi cho mình mới theo/ Ước ao người muốn trời chiều(Năm hết tết đến). Như ta biết, phần lớn thơ Tết của Phan Bội Châu được sáng tác trong những năm cuối đời khi nhà thơ lúc này đã làm một ông già bến Ngự bị quản thúc tại Huế. Tuy nhiên, thơ Tết của ông không hề có sắc thái thâm trầm hay bi lụy. Trái lại, thơ Tết của ông bao giờ cũng tươi mới, sôi nổi, nhiệt thành, luôn trăn trở với vận mệnh dân tộc, bởi “cho đến những năm cuối đời, nhà chí sĩ Phan Bội Châu vẫn chan chứa biết bao nỗi niềm ưu ái, hy vọng tin tưởng vào đồng bào, đồng chí”. Đây chính là cốt cách Phan Bội Châu, cũng là giá trị làm nên phẩm tính của thơ văn ông.
4. Năm 1925, trên báo Le Paria số 36-37, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc có tác phẩm “Những trò lố hay là Varenne và Phan Bội Châu” ca ngợi cụ Phan là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”. Phan Bội Châu là chí sĩ lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất, cây đại thụ của thơ văn yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ngày xuân, đọc lại thơ Tết của Phan Bội Châu, hiểu thêm về nhân cách, tấm lòng của người anh hùng dân tộc suốt đời hi sinh vì nước vì dân, chúng ta càng thêm ý thức về trách nhiệm của bản thân đối với sự phát triển, vững bền của đất nước, xứng đáng với lời chúc, cũng là niềm tin tưởng, kỳ vọng mà cụ Phan gửi lại cho những thế hệ tiếp nối: Chúc phường hậu tử tiến mau!
P.T.T