Đừng nói lời yêu chiều ba mươi Tết
Minh họa Lê Huy Hạnh
Hoa nở ra từ vết thương nụ biếc.
Tôi nghĩ khi ngắm những nụ mai chúm chím he hé sắc vàng mà tôi vừa mua ở chợ hoa Tết về. Một chậu mai nhỏ nhắn vừa vặn điểm tô cho cái shop áo quần không một bóng người ngày cuối năm này, đồng thời cũng vừa vặn cho tâm trạng của tôi. Tôi không cần một chậu mai bệ vệ, cũng không cần đèn nháy hay đồ trang trí, tôi chỉ cần vài nụ mai chúm chím cho người ta thấy là tôi cũng đang đón Tết. Mà giả sử không một ai trên cái cõi người rộng thênh này quan tâm đến việc tôi có đón Tết hay là không thì tự tôi cũng thấy mình cần có nó, đơn giản là để biết năm nào mùa xuân cũng đến dù mình buồn hay vui, thêm nữa là năm nào tôi cũng được thêm một tuổi dù muốn hay không. Năm nay là tuổi thứ ba mươi ba, một con số hoàn toàn mang ý nghĩa sinh học. Tôi thấy mình chẳng được thêm cái tuổi nào kể từ năm thứ hai mươi bảy khi tôi rời quê dạt đến thành phố này. Hồn ma thì tuổi không tăng thêm nên đôi khi tôi cảm giác như mình chỉ là một bóng ma lởn vởn dưới vòm trời của thành phố quanh năm có nắng này. Sáu năm rồi, mau hay lâu, lạ hay quen? Tôi không biết, nhưng tôi đã thuộc hết tên đường trong khu này mà chưa quên được một chi tiết nào dù là nhỏ nhặt trong những buổi chiều Ba mươi Tết ấy. Thật, không một chi tiết nào.
Năm tôi hai mươi bảy, tôi sắp lấy chồng. Chồng chưa cưới của tôi hơn tôi một tuổi nhưng chúng tôi học cùng khóa, cùng quê. Nhà chồng chưa cưới cách nhà tôi năm mươi cây số. Thời học cấp ba, chúng tôi chưa từng thấy nhau. Giữa chúng tôi là thành phố nhỏ mà tôi gọi là Phố Yêu. Chuyện là thế này, từ nhà tôi lên thành phố là ba mươi cây số, từ nhà chồng chưa cưới là hai mươi cây số, nhà ga nằm ngay giữa lòng thành phố. Tình yêu chúng tôi bắt đầu từ đó.
Tết của năm thứ hai đại học, tôi không mua được vé tàu tử tế để về quê mà chỉ vớt được cái vé phụ tức là ghế phụ trên tàu. Ghế phụ ấy là một cái ghế nhựa màu đỏ loại các quán vỉa hè thường dùng. Ban đầu tôi nghĩ miễn là được về nhà ăn Tết, ghế gì cũng đi. Ráng một chút là về tới quê chứ mấy nhưng cái “ráng chút” ấy nó dài như đường tới Thiên đàng vậy đó. Tôi dặt dẹo, lay lắt, nghe nhạc rồi thiền định đủ các kiểu mà chỉ mới hơn sáu tiếng. Trên tàu, mỗi người được chia một ô nhỏ không gian, chỉ vẫy vùng trong chừng đó, không hơn không kém. Nhưng cái ô nhỏ của mấy người có vé hẳn hoi nó không méo mó túng quẫy như của tôi, của tôi nó nằm gần nhà vệ sinh nên mỗi lúc có người đi là nó méo sang một bên còn tôi thì co ro lại muốn nín thở cho xong. Mặc dù đã khuya, tối mịt tối mù nhưng tôi vẫn cố vớt một mảnh trời hay một thứ gì đó bên ngoài qua ô cửa chắn để tưởng tượng những việc tôi sẽ làm khi về tới nhà. Tắm rửa, ăn một bụng tất niên, sửa soạn gói bánh chưng, chụp một tấm ảnh, và nhất định là đặt xe hay thậm chí máy bay để đi chứ không đời nào ngồi tàu hỏa nữa.
“Ấy ơi, sang đây ngồi. Tớ đổi cho một lúc”.
Tôi thoáng giật mình vì có ai đó kéo nhẹ áo mình và có giọng nói con trai trầm trầm như thì thầm vào tai. Tôi quay sang, đúng là con trai thật, và ánh mắt thân thiện nhìn tôi. Theo phản xạ, tôi thoáng từ chối nhưng khi vừa mở miệng nói: “Em ngồi đây cũng…” thì sực tỉnh, Chúa ơi, cứu tinh của tôi đây rồi.
Chưa bao giờ tôi thấy việc dựa cái lưng vào thành ghế nó đã đời đến thế. Tôi ngủ ngon lành cho đến quá nửa đêm, tàu lắc mạnh và ú ớ mở mắt ra. Cứu tinh của tôi đang ngồi khoanh tay, có lẽ là thiền, cái tai nghe đã gỡ ra và không thấy cầm điện thoại. Tôi cảm ơn và đề nghị trả lại chỗ, bấy nhiêu với tôi là ân huệ quá lớn rồi. Người ta không đứng dậy mà cứ cười cười bảo tôi ngủ tiếp đi, còn nói trông tôi ngủ ngon chắc là mệt lắm rồi… Nói này nói nọ cuối cùng tôi vẫn ngồi trên ghế rộng rãi và có chỗ dựa. Tôi cũng thèm cái ghế này lắm, và cũng thèm ngủ nữa vì hôm trước khi lên tàu tôi đã thức gần tới sáng nhưng không nỡ thấy người ta vì mình mà chịu cực, tôi nhất quyết không ngủ. Nói chuyện một lúc thì người ta kéo ghế nhựa sát vào, từ giờ có thể tựa đầu vào thành ghế tôi đang ngồi. Lần đầu tôi ngồi gần một người con trai mà thấy ấm áp, vừa ngại vừa thích đến thế. Tôi còn nghe được cả mùi mồ hôi quyện trong mùi nước xả vải từ người ta nữa, tôi đoán thế. Tôi không biết mình thích hay không thích cái mùi ấy nhưng nó làm tôi không ngủ được. Vậy là từ một người không ngủ thành hai người không ngủ, chúng tôi nói chuyện cho tới hừng đông, tàu tạm nghỉ ở một ga lớn và ai nấy túa ra tận hưởng chút khí trời se lạnh đượm đà Tết miền Trung.
Lúc chia tay ở sân ga, tôi bần thần muốn hỏi số điện thoại, email hay cái gì đấy để giữ liên lạc mà cứ lấn ca lấn cấn không nói được thì người ta bảo “kết bạn facebook rồi đấy, đồng ý nhé”. Vậy là Tết năm ấy xong tôi đi tàu hoả và mấy Tết sau, Tết nào tôi cũng mua vé tàu sớm, không quên gọi người ta để nhắc. Nhưng chúng tôi chỉ là bạn thôi, cho đến cái Tết mà tôi ra trường. Bức quá, chiều Ba mươi Tết tôi một mình lên thành phố, nói là đi mua hoa. Thực ra thì Ba mươi Tết nào tôi cũng lượn lên thành phố nhưng thường là đi tụm năm tụm ba, khi là với tụi bạn khi là với mấy đứa em họ. Ba mươi Tết năm tôi hai mươi ba ấy, người người đổ về thành phố vào các chợ hoa còn tôi thì đổ về người con trai có mùi mồ hôi quyện với nước xả vải làm tôi không ngủ được ấy.
“Lỡ yêu rồi, giờ sao?”.
Tôi nói ngay và chỉ nói đúng một câu khi người ta vừa xuất hiện, lúc ấy, tôi đang đứng giữa một rừng hoa mai gần cổng vào chợ hoa. Tôi chẳng nghĩ gì về câu trả lời mà tôi sẽ nhận được, tôi chỉ là đang trút hết giận dỗi của mình lên một người mấy năm rồi sắm vai là bạn thân. Tôi vẫn chưa hả giận nhưng có lẽ đến lúc phải quay lưng và chuồn thôi vì người ta chẳng nói gì. Tôi dứt khoát bỏ đi. Thật ra thì có ai níu kéo gì đâu, chỉ là tôi tự nhủ lòng phải dứt khoát lên.
“Cứ tưởng em cứng lòng phải chờ thêm mấy mùa mai nở nữa mới chịu nói chứ”.
Tôi hoàn toàn không biết có người đi theo mình cho đến khi có cánh tay vạm vỡ của đàn ông quàng qua vai tôi kéo tôi sát vào người. Hôm ấy, tôi chỉ nghe mùi hương nước xả vải. Ôi Chúa ơi, tôi thề là tôi chẳng còn thấy hoa hoè gì nữa cả, tôi chỉ thấy một bầu trời lung linh pháo hoa trong mắt người ta thôi. Thật may vì cuối cùng tôi cũng nhớ ra là tôi nói tôi đi mua hoa về chưng Tết. Một chậu mai vàng nụ chúm chím xinh xinh. Hoàn toàn không phải ý của tôi, tôi còn chẳng biết chuyện ngày mồng Một Tết mà thấy nụ mai vàng đầu tiên bung cánh thì sẽ mang lại may mắn bình an cả năm. Đó là lần đầu tiên tôi dẫn một người con trai về nhà vào ngày Ba mươi Tết. Chúng tôi còn ghé lựa cho cây mai một cái chậu mới, loại chậu dáng cao sang chảnh. Nhưng tôi vẫn chẳng biết gì hết, chẳng thấy gì hết ngoài việc tôi đang yêu.
Ngày Ba mươi Tết năm sau, tôi cũng một mình lên thành phố và cũng nói là đi chợ hoa. Kỷ niệm một năm yêu nhau, chúng tôi vừa gặp đã lao vào nhau. Chính xác là chúng tôi ngấu nghiến nhau, từng cen-ti-mét vuông trên cơ thể. Tôi chưa từng thấy có điều gì lạ lùng, mơn man, diệu kỳ đến thế. Tôi thậm chí còn nghĩ tại sao chúng tôi không làm chuyện này sớm hơn chứ, nhưng làm sao mà sớm hơn được khi mà mỗi đứa một nơi, tôi ra trường xin vào làm cho một công ty ở quê còn chồng chưa cưới của tôi thì ở lại trong ấy. Chúng tôi bắt đầu gọi nhau là vợ - chồng từ đó, chính xác là từ khi tôi biết gần bao nhiêu cũng không đủ, thậm chí có hòa nhập làm một như người ta nói cũng vẫn không thể khiến tình yêu đầy được. Tình yêu ấy, nó cứ như cái hố không đáy giữa hai người, chẳng bao giờ đầy, càng gần nhau càng ngấu nghiến nhau thì nó càng khát khao, càng sâu hun hút nên chúng tôi phải gọi nhau là vợ - chồng để giảm bớt cảm giác chông chênh như hụt chân vào cái hố ấy. Năm ấy tôi chẳng biết nụ mai bung cánh ra vào ngày nào, mồng Một hay mồng Hai? Tôi chẳng biết, chẳng thấy chẳng nhớ gì hết ngoài việc chúng tôi yêu nhau. Còn bây giờ thì tôi đã biết mọi chuyện, ngoại trừ tình yêu.
2.
Cái chậu sứt của tôi.
Bây giờ thì tôi đã biết mọi chuyện, ví dụ như nụ mai này mấy ngày thì nở đến độ đẹp nhất và mấy ngày sau thì cánh đầu tiên sẽ rụng nếu thời tiết duy trì như hôm nay, không đột ngột nắng bỏng hay lạnh ran. Đã sáu mùa mai nở tôi tự mình đi chợ hoa, tự mình chọn cho mình chậu mai chúm chím, tự mình ngấu nghiến những mùa xuân của mình. Tôi chưng hoa ở góc đẹp nhất. Thành phố này mùa Tết nào cũng vắng đến lạnh người. Nhiều khi tôi nhìn ra ngoài thấy đường phố tịnh không bóng người, tiếng xe cộ vọng xa xa như từ ký ức dội ra, lòng chợt hỏi liệu mình có còn ở chốn nhân gian đầy huyên náo? Thỉnh thoảng tôi cũng về quê nhưng không về vào dịp Tết. Bây giờ tôi đã biết mọi chuyện, tôi sợ cảnh tàu Tết người chật như nêm và…
“Mấy năm rồi mà không thay nổi cái chậu luôn hả?”.
Tôi không nói gì, cũng không quay lại. Tôi biết đó là Tấn, tôi còn biết anh sang trả mấy thứ cho tôi trước khi về quê. Năm nào Tấn cũng đặt vé về chiều Ba mươi Tết sau khi bán mót xong lô trái cây cuối cùng. Anh thuê nhà trong kiệt sát bên shop áo quần của tôi. Tôi biết quê anh, biết giờ tàu chạy, biết chuyện anh giả vờ lấy cớ mượn thứ này, thứ kia để ghé vào đây với tôi và biết luôn anh yêu tôi. Tấn là đàn ông và trưởng thành, chẳng có lý do gì phải giấu tình cảm của mình cả. Anh đã nói với tôi hai lần, không phải một lời thổ lộ tình cảm lãng mạn này nọ, tôi là phụ nữ, có lẽ anh biết tôi đủ nhạy cảm để nhận ra người đàn ông đối diện nghĩ gì về mình. Lần đầu tiên anh nói với tôi về chuyện này là khi anh sửa giúp tôi cái bóng điện bị cháy, Tấn vừa sửa vừa bảo “lấy chồng đi, tìm người nào tử tế với em mà lấy, như cái thằng đang sửa bóng điện giúp em chẳng hạn”. Tôi biết Tấn nghiêm túc, tôi cũng không phải là người thích ỡm ờ để lợi dụng tình cảm người khác, mà giả sử là có đi nữa thì Tấn cũng không phải là kiểu người dễ bị lợi dụng, tôi nói với Tấn để chúng tôi rạch ròi, yêu ra yêu, bạn ra bạn. Một năm sau, Tấn nhắc lại chuyện này bảo là chưa từ bỏ ý định và muốn tôi nghĩ về chuyện cùng nhau sinh con đẻ cái. Tôi chẳng bao giờ nghĩ về chuyện lấy chồng ngoại trừ những lần Tấn đề cập, tôi quá bận rộn với việc kiếm tiền, và với vài chuyện lặt vặt cứ lặp đi lặp lại trong đầu như kiểu năm nào mùa xuân cũng đến. Tấn chắc chắn biết là tôi chẳng có mối quan hệ yêu đương nào trong thành phố này và nếu tôi muốn kết hôn thì có lẽ không ai ngoài Tấn. Tôi đã rất cô đơn, nhiều ngày tôi thấy mình cô đơn kinh khủng, những khi ấy chỉ có sự xuất hiện của Tấn mới khiến tôi thấy mình chưa đến nỗi hụt chân giữa thế giới này. Tôi không muốn mất Tấn, tôi cần Tấn, như một người bạn hoặc là gì đó tương tự thế. Chúng tôi đã thân đến mức tôi có thể kể hết mọi chuyện của mình, chính xác là tôi đã kể vào cái lần mà tôi buồn quá rủ Tấn nhậu nhưng chẳng có tí men nào vào miệng. Tấn bảo tôi không cần phải làm cái trò mèo như kiểu mấy đứa trong phim Hàn Quốc hay làm. Chúng tôi nói chuyện tỉnh táo và rạch ròi. Tôi muốn có Tấn là bạn, muốn có người quan tâm như từ trước đến nay, tôi nghĩ đây có thể là mối quan hệ đẹp nhất của chúng tôi. Tấn cười lớn, nhìn vào mắt tôi rất lâu. Một sự nghiêm túc đến lạnh lùng.
“Cuộc đời này không phải một bộ phim. Nó là của em, nó cũng là của tôi. Tôi không muốn mình đóng phim tình cảm với em, tôi muốn chúng ta sống. Muốn lấy em làm vợ. Tôi cần một gia đình, nếu em chỉ cần tôi như bạn thì em sẽ không có đâu. Hạnh phúc là phải nắm bắt và phải sống, em hiểu không?”
Tôi thấy mình như bị tạt một gáo nước lạnh. Dĩ nhiên, sau đó Tấn vẫn quan tâm tôi, vẫn ghé vào đây với tôi nhưng tôi biết thời gian anh dành cho tôi sắp hết rồi. Tôi thật viễn vông, tôi đã chẳng trưởng thành thêm, chẳng sống thêm được tí nào từ năm hai bảy tuổi.
***
Chiều Ba mươi Tết năm ấy, tôi và chồng sắp cưới cùng nhau đi chợ hoa mua một chậu mai về chưng. Chậu mai này sẽ để ở nhà tôi, anh muốn thế. Anh chọn một chậu rất to, có lẽ vì chúng tôi sắp làm đám cưới. Tết này xong chúng tôi sẽ chính thức là vợ - chồng trước pháp luật và họ hàng. Tôi chẳng quan tâm đến chậu mai nhiều lắm, tôi chỉ muốn nhanh xong việc để chúng tôi được làm những gì mình thích. Chồng sắp cưới của tôi mới từ nước ngoài về hôm 28 Tết, chúng tôi bận bịu hết việc này đến việc kia mãi vẫn chưa có được cho nhau một giờ riêng tư nào.
“Off điện thoại thôi nào”.
Anh nói khi cuối cùng việc nhà, việc xóm đã xong. Tết này sẽ là tuần trăng mật sớm của chúng tôi. Tôi lôi điện thoại ra, từ sáng đến giờ cứ phải chạy đi chạy lại đến nỗi chẳng biết chuyện gì đang xảy ra với thế giới sau màn hình cảm ứng. Có một loạt thông báo và một tin nhắn từ người lạ. Tôi không định xem nhưng lỡ trượt tay nhúng vào đó mất rồi. Những tin nhắn và ảnh tự sướng từ một người xa lạ. Không, của hai người xa lạ mà lúc tuyệt vọng nhất tôi đã ước chi mình đừng đọc nó hoặc là đừng ai phải gửi nó.
Tôi rời quê ngay sau đó. Tôi đã có một người chồng chưa cưới và mãi mãi không bao giờ là “đã cưới”, nghĩa là không bao giờ là chồng. Người nhắn tin cho tôi và chồng chưa cưới của tôi mới là vợ chồng. Họ đã sống chung, bao năm tôi không biết nhưng cô ta đang mang thai. Dĩ nhiên là có vài lời giải thích, vài lý do được đưa ra. Thật cay đắng, giá mà đừng nói lời nào nữa thì có lẽ đã bớt đau hơn.
Tôi không oán, không trách, không giữ một liên hệ nào với những con người ấy. Tôi chỉ là thôi triết lý về tình yêu, thôi hy vọng, thôi tin tưởng, vào tôi hay bất kỳ ai khác. Và tôi không hiểu nổi, tình yêu rút cuộc là có hay không? Có tồn tại cái gì đó trên đời này như tôi đã nghĩ hay không? Mỗi ngày tôi thấy mình mất nhịp với cuộc đời này thêm một chút. Cái hố sâu hun hút tôi đã nghĩ trước đây không còn nữa mà thay vào đó là cái hố ngăn cách tôi với cuộc đời.
“Em không thấy cái chậu này sứt rồi sao?”.
Tấn ngồi xuống, bất ngờ sờ tay vào vết sứt trên cái chậu cũ của tôi. Tôi đã mua nó mấy mùa mai trước. Hôm ấy, tôi ra chỗ bán chậu, người ta hỏi tôi lấy loại nào, tôi trả lời ngay là tôi muốn một cái chậu dáng cao, cỡ nhỏ. Tết xong, tôi không giữ lại cây mai vì chẳng có thời gian chăm sóc, thêm nữa, tôi cần quay lại với nhịp sống thường nhật. Nhưng tôi giữ lại cái chậu. Năm này qua năm khác. Tôi thành kẻ nghiện nỗi đau lúc nào không hay.
3.
Đừng nói yêu ai chiều Ba mươi Tết.
Tấn đã rời đi, chỉ còn tôi với cây mai mới và cái chậu cũ sứt mẻ một góc. Tôi chỉnh lại vị trí đặt chậu, quanh chỗ sứt vào góc tối. Sẽ không ai nhìn thấy nó, không ai biết nó, trừ tôi. Tôi lại ngắm những nụ mai chúm chím, nước đọng vài hạt như sương. Lộc non trồi ra mơn mởn. Cái gì cũng đầy sức sống, chẳng giống tôi. Có vài chuyện lặt vặt cứ lặp đi lặp lại trong đầu không dứt ra được. Tôi ngồi như tượng, lẩn tan trong suy nghĩ hồi lâu rồi lại nghĩ về cái chậu. Nó vẫn rất ổn khi tôi kê ở góc đó, không ai thấy chỗ sứt nhưng tôi thì biết nó bị sứt. Tấn nói không ai chưng một cái chậu sứt vào ngày đầu năm bao giờ, đến lúc tôi phải “tống cựu nghinh tân”. Tôi nghĩ mãi về điều này. Cây mai mới của tôi, liệu nó có bớt đẹp khi bị tôi đặt vào cái chậu sứt này? Và có bất hạnh chăng? Tôi không biết nữa nhưng tôi biết cái chậu bị sứt. Mà cuộc đời chỉ toàn méo mó sứt mẻ vậy thôi.
Giả sử, bây giờ tôi có một cái chậu khác tốt hơn, lành lặn hơn thì tôi có nên một lần nữa bứng nó khỏi cái chậu cũ này để trồng nó vào cái chậu mới? Cây mai thì nhổ lên trồng xuống còn dễ, chứ còn tôi, liệu có cái chậu mới nào cho tôi? Hay tôi có thể sống một cuộc đời mới không khi mà những mùa Tết cũ năm nào cũng đến? Đáng ra tôi phải tìm câu trả lời nhưng trước tiên tôi nghĩ mình cần một cái chậu mới.
Tôi đứng lên lấy chìa khóa xe, lấy ví tiền, tìm điện thoại. Hy vọng giờ này vẫn còn người bán. Tôi liếc xem đồng hồ. Một giờ ba mươi lăm phút. Chỉ mình tôi và vài chiếc xe nữa đi trái chiều. Sao cõi người lại trống vắng thế này? Hai giờ rưỡi tàu của Tấn sẽ rời ga, rồi Tấn có rời tôi luôn không? Tôi gọi Tấn, chuông đổ vào thinh không như từ thăm thẳm gọi nhau.
Hoảng loạn. Tôi quay đầu xe lao về hướng trung tâm thành phố. Ga tàu nằm ở đó. Gửi xe, lấy số, nhắm hướng phòng đợi tàu để chạy. Loa phóng thanh đang đọc thông tin chuyến tàu mà Tấn sẽ đi. Hai mươi phút nữa tàu khởi hành. Hành khách la liệt trên ghế chờ, cả dưới sàn nữa. Tôi đi giữa các hàng ghế, lách qua hết cả chục, cả trăm người mà không thấy Tấn đâu. Tôi nhớ tiếng xe của Tấn mỗi khi về đến hẻm. Tấn thường bóp còi hai nhịp trước khi cua vào, tôi biết Tấn không chỉ bóp còi báo hiệu cho an toàn thôi đâu, anh muốn tôi nghe thấy và tôi sẽ nhìn ra, đôi khi chỉ kịp thoáng thấy một giây tấm lưng vạm vỡ của anh. Sao bây giờ tôi nhớ!
Tôi mua vé tiễn để lên tàu tìm anh. Tấn là người không trễ hẹn bao giờ nên chắc anh đã an vị trên ghế rồi. Tôi đi như chạy dọc theo các hàng ghế, giữa tiếng í ới xì xào râm ran, người ta rồng rắn lên tàu như đi tị nạn. Đúng là cảnh mà tôi đã từng qua nhưng tôi không thấy một chút cảm giác nào gọi là gợi nhớ hay hoài niệm. Tôi chỉ thấy mình đi mãi, đi mãi giữa biển người xa lạ mà chưa tìm được chút hình dung nào của Tấn. Tôi vẫn không biết tình yêu là cái thứ chi chi, liệu nó có tồn tại hay chỉ là một hoang tưởng đẹp đẽ của những người như tôi. Tôi không biết, thực sự không biết gì cả, Tấn cũng chưa bao giờ nói về tình yêu với tôi nhưng giờ đây, ngay trong lúc này tôi biết mình đang nhớ Tấn. Là yêu hay là cái gì đi nữa, tôi mặc kệ. Tôi cần Tấn, tôi phải gặp ngay bây giờ, tôi không muốn sống thiếu anh. Tôi chắc chắn là tôi không thể thiếu anh dù cuộc đời có sức mẻ hay méo mó. Kết hôn. Sinh con đẻ cái hay gì gì nữa thì mặc kệ gì gì. Quan trọng là tôi muốn ở bên một người. Tôi ước gì tôi nhận ra anh sớm hơn.
Chỉ còn năm phút nữa tàu chạy. Tôi lao lên phòng điều hành, tôi làm gì tôi cũng không biết nữa nhưng cuối cùng thì được toại nguyện, họ gọi tên anh, nhắn với anh là tôi đang cần gặp nhưng không ai xuất hiện giống như không có ai tên Tấn trên đời này.
Chuyến tàu rời đi, còn lại mình tôi, một con người vừa chợt sống trên sân ga cuộc đời. Buồn tênh, lạc lõng và vô định. “Hạnh phúc là phải nắm bắt và phải sống…”. Tôi đã không biết nắm bắt, tôi đã quên sống. Cơ hội giờ đã qua đi, thời gian giờ đã hết, không ai tiêu tốn cuộc đời mình cho một kẻ không có hiện tại, không có tương lai mà chỉ có duy nhất quá khứ như tôi. Quá khứ là thứ đã chết khi một người không sống tiếp.
***
Tôi bước xuống xe, trả tiền cho tài xế. Trời đã bắt đầu nhập nhoạng. Biết mình không thể lái xe trong tình trạng tệ thế này, tôi mặc kệ con xe trong bãi vẫy taxi về.
“Ủa, xe em đâu mà đi taxi?”.
Có tiếng nói từ đằng sau đang hướng về tôi, xuyên thẳng tim tôi. Tôi không biết mình có nên tin vào tai mình không, nhưng tôi thấy run quá không dám quay lại.
“Chiều Ba mươi rồi, em đi đâu muộn thế? Hư xe hả?”.
“Không, xe còn ở trong ga”, tôi nói mà nghe giọng mình run như hai hàm răng muốn đánh vào nhau.
“Em ra ga làm gì thế? Đừng nói là em đi tìm tôi”.
Không hiểu sao hai mắt tôi nặng trĩu, có thứ gì đó rớt xuống loang ra trên nền gạch khô. Thứ gì đó rớt xuống như mưa. Bao lâu rồi tôi mới thấy mình là mưa trút xuống. Tấn ra hiệu để tôi lấy chìa khoá nhà đưa cho anh. Anh đang cần vào trong.
“Em có biết anh chờ em lâu tới cỡ nào không hả?”.
Tấn nói khi anh đặt cái chậu mới xuống sàn. Một cái chậu dáng tròn đơn sơ.
“Anh nghĩ là em cần một cái chậu mới. Thực ra anh nghĩ là em cũng cần anh nữa. Đây là cơ hội cuối cùng của em, xem ra em sẽ không để mất nó đâu nhỉ?”.
Tôi còn rấm rứt nhưng miệng đã có thể phát ra điều gì đó nhưng tôi không nói. Đừng nói yêu ai chiều Ba mươi Tết. Tình yêu không cần hùng biện. Tình yêu cần hành động và cần sống hơn.
L.H