Có một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trước

03.01.2023
Vân Trình

Có một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trước

Binh lính Mỹ nhảy khỏi xe jeep và ẩn nấp sau khi trúng rocket gần căn cứ không quân ở Đà Nẵng Tết Mậu Thân. Ảnh tư liệu.

55 xuân trước, cùng với Sài Gòn, Huế; thành phố Đà Nẵng được xác định là một trọng điểm chiến lược trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Đây là một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn nên tinh thần chỉ đạo của Đặc Khu ủy Quảng Đà là: “Đánh vào Đà Nẵng nhằm làm tê liệt và thiệt hại nặng các cơ sở hậu cần, trận địa pháo, sân bay; chiếm lĩnh một số điểm khống chế thành phố; cắt đứt các đường giao thông vào thành phố. Sử dụng một bộ phận bộ binh phối hợp với biệt động thành đánh chiếm một số mục tiêu chủ chốt trong thành phố và trụ lại để hỗ trợ quần chúng bên ngoài vào và bên trong nổi dậy chiếm lĩnh các mục tiêu quân sự, chính trị, cướp chính quyền của địch”.

Đà Nẵng đêm trước mùa xuân”

Trước khi nổ ra chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, phóng viên báo Cờ Giải phóng Trung Trung Bộ Nguyễn Đình An có một bút ký dài “Đà Nẵng đêm trước mùa xuân” phản ánh khá sinh động khí thế hừng hực và khát vọng cháy bỏng của người dân thành phố đang bị địch tạm chiếm bằng những lời văn “có lửa”, đủ sức lay động lòng người: “Đà Nẵng giờ đây như một thùng thuốc súng nén chặt. Đà Nẵng giờ đây là một cánh đồng cỏ khô của tinh thần quật khởi cách mạng. Ôi mùa xuân đang tới. Mùa xuân sẽ đem đến cho Đà Nẵng một làn gió, một tia lửa, một sự bùng nổ dữ dội, một sự bốc cháy rừng rực. Đà Nẵng đang sống những đêm trước mùa xuân... Trong bước chân nhẹ nhàng của những tổ tự vệ nội thành, Đà Nẵng như nghe thấy tiếng nổ vang động, vang động hơn cả tiếng bom Lê Độ mùa xuân nào... Từ trong tiếng lật giấy sột soạt khe khẽ, Đà Nẵng như nghe thấy tiếng vỗ cánh của những con chim báo bão đang bay về...”.  

Còn đồng chí Hoàng Tư Nghĩa, nguyên Quyền Bí thư Đảng ủy khu phố Hải Châu lúc bấy giờ nhớ lại: “Suốt thời gian chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy lịch sử này, mọi người cứ thấy nao nao; vui thật là vui nhưng lo lắng cứ gợn mãi trong lòng, với bao nhiêu câu hỏi xoay vần: lúc nào thì bắt đầu, lúc nào được lệnh vào trong thành, dọc đường vào việc gì sẽ xảy ra, bên trong thành phố khi chiến dịch mở màn thì tình hình sẽ ra sao?... Khi ấy, lực lượng ta thì ít, lực lượng địch thì nhiều, nhân dân thành phố phần đông chưa một lần thấy quân giải phóng, chưa hiểu anh giải phóng quân là người như thế nào... Chính trong lúc phân vân ấy, tôi nhận được lệnh vào Đà Nẵng. Lòng tôi như mở hội, mừng vui khôn xiết. Tất cả sẵn sàng vào chiều 30 Tết Mậu Thân (1968). Đúng 14 giờ trên chiếc xe Honda 67, đồng chí Hoàng Đức Thủ đã chờ sẵn đưa tôi vào thành. Không sao tả được hết tâm trạng của tôi khi xuất phát lên đường; đồng bào, đồng chí, kẻ ở người đi, tay bắt tay, ôm chầm lấy nhau, nỗi mừng, nỗi lo, ai cũng không cầm được nước mắt, hẹn gặp nhau giữa chốn Đà Thành. Đêm giao thừa Mậu Thân sao mà thiêng liêng và hùng dũng đến thế. Từng đoàn, từng đoàn cán bộ, bộ đội, dân công đi trong im lặng mà lòng sôi sục khí thế chiến đấu...”.

Ông Hồ Nghinh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà thời điểm sắp nổ ra chiến dịch Tết Mậu Thân cùng chung tâm trạng: “...Vào mùa xuân năm Mậu Thân, tôi đã ở vào tuổi hơn 50, thế mà tấm lòng, niềm tin đi vào trận như một ngày hội, như một người ở vào tuổi mới thành niên, ở vào thời điểm của cuộc kháng chiến chống Pháp, những năm 1930, 1940... Từ những năm 1959 trên rừng Trường Sơn bốn bề đầy giặc, Đảng còn trong bóng tối cũng như những năm tháng sau này địch quần vây ác liệt, tại cơ quan Tỉnh ủy đóng tại Gò Nổi và Bắc Điện Bàn, chúng tôi hướng về Đà Nẵng như lòng người con mong về với mẹ. “Cái quầng sáng bồn chồn thương nhớ đó, cứ đêm nức nở gọi ta về”. Câu thơ đó nhà thơ Lê Anh Xuân nói về tâm trạng của các đồng chí công tác ở Nam Bộ khi nhìn về Sài Gòn, Gia Định, nhưng đó cũng là tấm lòng và tâm trạng của chúng tôi đối với thành phố biển bên sông Hàn”. Và điều có lẽ ít người ngờ đến là ngay chiều 30 Tết Mậu Thân, Phó Bí thư Hồ Nghinh cũng đã bí mật vào trung tâm thành phố và “nằm vùng” tại đây suốt 20 ngày để trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến đấu trong lòng Đà Nẵng.  

“Tài năng cao nhất của ta là nhờ ta ở trong dân và chiến trường đó là chiến trường của dân”.

Đúng lúc 2 giờ 20 phút ngày 30/01/1968, quân ta pháo kích vào sân bay Nước Mặn - cuộc tiến công và nổi dậy tại thành phố Đà Nẵng chính thức bắt đầu. Sân bay Đà Nẵng, trận địa pháo Thanh Vinh, tổng kho hậu cần Bầu Mạc, kho xăng Liên Chiểu, An Đồn... cũng đều rung chuyển bởi tiếng đạn pháo của quân giải phóng. Lực lượng bộ binh của Mặt trận 4 triển khai đội hình chiến đấu, nhanh chóng làm chủ cửa ngõ phía Bắc và phía Nam thành phố. Ta đánh chiếm một trong ba cao điểm của quân Mỹ ở Phước Tường, phá nát khu ra-đa, khu thông tin, làm rối loạn hệ thống phòng ngự của Mỹ - ngụy ở phía Tây Đà Nẵng.

Mặc dù bị địch ngăn chặn quyết liệt, song các chiến sĩ của Trung đội 1 thuộc Đại đội 1 của Tiểu đoàn 1 bộ binh - R.20 Quảng Đà và một trung đội của khu 3 Hòa Vang vẫn anh dũng vượt qua sông Cẩm Lệ, vào cắm quân tại khu vực chùa Bà Quảng (Hòa Cường). Khi pháo ta nã vào sân bay Nước Mặn, 57 chiến sĩ đã anh dũng vượt qua các lớp rào, đánh thẳng vào Sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy. Địch bị bất ngờ, tháo chạy tán loạn. Ta làm chủ được đường Trịnh Minh Thế, Võ Tánh, vừa đánh địch, vừa chờ lực lượng vũ trang và đội quân khởi nghĩa tiến vào thành phố.

Với quyết tâm “Thiệu, Kỳ không đổ, không giỗ, không Tết”, các cánh quân khởi nghĩa của nhân dân từ các huyện Điện Bàn, Hòa Vang hối hả, náo nức kéo vào Đà Nẵng, đủ mọi lứa tuổi, tay cầm cờ, tay cầm gậy. Nhiều quần chúng mang theo cả quà bánh để chuẩn bị ăn mừng thắng lợi trong thành phố. Chỉ tính riêng ở cánh vùng cát Hòa Vang - Đà Nẵng, ta đã huy động được 7.400 quần chúng phân thành 15 đại đội, trong đó có 8 đại đội xung kích gồm 2.700 đảng viên, cán bộ, du kích cơ sở và quần chúng cách mạng.

Ở khu vực trung tâm thành phố, lúc 6 giờ sáng mùng Một Tết Mậu Thân, tại chùa Tỉnh Giáo Hội Phật giáo Đà Nẵng, cán bộ và cơ sở ta huy động 400 - 500 học sinh và quần chúng tổ chức biểu tình.

Điều đáng tiếc là do “giờ G” thay đổi, hai lực lượng quân sự và chính trị không phối hợp chặt chẽ, lại bị địch phát hiện, mất yếu tố bất ngờ nên Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Đà Nẵng không đạt yêu cầu như đã định. Nhưng, đây là lần đầu tiên quân và dân ta đã chọc thủng tuyến phòng thủ kiên cố nhất của địch, đưa quân chủ lực địa phương đánh thẳng vào cơ quan quân sự đầu não, khiến chúng phải khiếp vía kinh hoàng. Thắng lợi ấy đã góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Chiến thắng Tết Mậu Thân ở Đà Nẵng đã minh chứng hùng hồn lời thơ chúc Tết của Bác Hồ kính yêu:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng lợi tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua thắng giặc Mỹ

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!

Một thắng lợi nữa trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 55 năm trước ở Đà Nẵng tuy không được thể hiện trong sử sách nhưng theo ông Hồ Nghinh - “người trong cuộc”- có ý nghĩa rất sâu sắc không chỉ cho hôm qua mà cả hiện nay, đó là hiểu dân, sống trong dân, chiến trường trong dân. Ông khẳng định: “Những ngày sống ở Đà Nẵng, tôi càng hiểu lòng dân thành phố. Hiểu cốt cách sống và tấm lòng đối với cách mạng không lay chuyển dù cuộc sống có đổi thay. Và cách đánh giá của ta phải đúng mới hiểu thêm sức mạnh của chính ta và không hề bị mất dân. Tài năng cao nhất của ta là nhờ ta ở trong dân và chiến trường đó là chiến trường của dân”.

V.T

Bài viết khác cùng số

Những ngày cuối nămNhững đám mây thổ cẩmCôn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tàiNăm cũMùa xuân trên tầng ký ứcTập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Những vấn đề đang đặt raCó một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trướcMùa xuân khơi dậy khát vọng phát triểnMột thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương laiMỹ nhân ám ảnhMùa chim ri làm tổĐừng nói lời yêu chiều ba mươi TếtVàng Mai rực rỡThanh Mai Tầm XuânTản mạn bốn mùa nước MỹChuyện vui kể vào dịp TếtTôi yêu Đà NẵngEm về tắm biển Tiên SaChạm xuânĐó là cách mùa xuân chạm vào chúng taPhía xuân xaPhía xuân quê nhàMùi TếtĐã chínDự cảm GiêngTết nướcChuyển mùaNgẫu khúc cầu vàngLy cà phê quán nhỏChùm Haiku mùaCà phê chiềuDắt em về miền biểnMưa trên tượng người Việt cổThèm một vòng tayVô thườngKhúc tiễn ngày xuânTết quêTháng GiêngCuối TếtTếtNgày rất dàiPhiên chợ tình toàn đá núiGiả sửĐợi xuânĐi để trở vềGiao mùaThơ Nguyễn Nho Thùy DươngBến gióVó ngựa trót hoang emNghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gianChiều sông HànHồi ức Mã ChâuChào nhé mùa ĐôngNgày nắng vỡTruyền thuyết hoa Dã QuỳNgày giỗ nộiXuân muộnĐoản khúc cho một ngàyThầm thì bên suốiVaTự sựCon mèo trong văn hóa dân gian Việt NamNgày xuân đọc lại thơ Tết của Phan Bội ChâuLàng, Đình làng và Hội làng ngày xuânHình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhiNhớ “Mùa xuân đầu tiên”Ngày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn XuânLưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hànhVũ Hạnh một nhân cách văn học khó quênBiến thể - Khúc bi ca nhân thếVề chùm thơ hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh của Phan KhôiTiếng thơ Nguyễn Nho NhượnĐà Nẵng - Thành phố niềm tinHọa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụaChiều Đà NẵngCon mèoBốn mùa nhớ BácTuổi mười lăm