Ngày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn Xuân

05.01.2023
Phùng Tấn Đông

Ngày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn Xuân

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân và tác phẩm Hương máu

Nhắc đến nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2007), các nhà nghiên cứu văn học, sử học, văn hóa học đều cho rằng ông là một nhà văn tài năng, một nhà nghiên cứu có nhiều phát hiện những giá trị văn hóa, lịch sử “độc sáng”, một học giả uyên bác, một sử gia kỳ cựu về lịch sử “xứ Đàng Trong”… Ở một phương diện khác, xét về mặt lịch sử địa phương, nhà sử học Dương Trung Quốc gọi ông là nhà “Quảng học” ở cả hai nghĩa: vừa là nhà “Quảng Nam học”, vừa nói sự hiểu biết của ông sâu rộng, mở rộng chứ không gò bó, bảo thủ, lúc nào cũng cho mình đúng…

Tôi có “duyên” đọc tác phẩm của ông từ trước năm 1975 (lúc tôi còn học phổ thông, khoảng 13 đến 16 tuổi), những tập truyện ngắn như Dịch cát (1966), Hương máu (1969), đặc biệt là tập biên khảo Khi những lưu dân trở lại (1969), ông viết về công cuộc Nam tiến của những lưu dân vùng Thanh - Nghệ hay vùng đồng bằng sông Hồng vào Nam mở đất, lập làng, dựng phố…

Những truyện ngắn của ông, từ góc nhìn hôm nay mà nói, chẳng “bận lòng” với những “chiến thuật tự sự” về ngôi kể hay “điểm nhìn trần thuật” nhằm tăng “độ tin cậy” bằng sự đa giọng kể/ đa thanh… Truyện ngắn của ông cứ ngôi kể xưng tôi hay từ “điểm nhìn toàn tri” (biết hết) mà trần thuật. Không phải vì thế mà đơn điệu mà lại đầy cuốn hút ở “giọng điệu kể”, cứ hừng hực nhiệt huyết, trữ tình, lôi cuốn, nhìn sự việc vừa có gì đó “trần trụi, tàn nhẫn” vừa lại huyền bí, mơ hồ. Nguyễn Văn Xuân để lại những ám ảnh dai dẳng trong ký ức người đọc bằng những chi tiết đầy bi tráng, khốc liệt như cái chết của hai người ở hai bên “chiến tuyến” vì thù hằn cá nhân trong buổi “giao thời”- cái chết níu một người “thắng cuộc” khi xô một “kẻ thua cuộc” nằm ở trong bao cùng chết trên dòng nước lụt (truyện Cây đa đồn cũ), hay cái chết của chí sĩ Thái Phiên và vợ ông (truyện Rồi máu lên hương) - người đã lấy suối tóc đen của mình “cuộn” với máu thắm người anh hùng, mà ông kể là “quấn máu hồng trong tóc”...

Nguyễn Văn Xuân vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước đã sớm có cái nhìn “giải nghiêm/ giải sử thi” khi miêu tả hành trạng của nhiều nhân vật lịch sử khiến lịch sử gần hơn với “đời thường”, như hành trạng của chí sĩ Phan Bá Phiến hay cụ Hoàng Diệu trong truyện Viên đội hầu, cái chết của những người nghĩa khí nhưng bị án oan thời “Nghĩa Hội” (cuối thế kỷ XIX). Giọng của ông vừa hài hước hướng ngoại (những chuyện bi hài về cuộc sống thời Pháp thuộc…), vừa tự giễu hướng nội bằng giọng kể “lan man ngoại đề” của người kể. Ở ông luôn có sự khiêm cung nhưng hàm nghĩa “tự hào” kiểu người Quảng khi kể về những cái chết bi tráng như thế - những cái chết vì dân vì nước mà ông chỉ nhìn nhận là “mấy cái chết khiêm tốn”, tức ở xứ Quảng, việc như vậy là chuyện “bình thường”.

Khi được gặp nhà văn Nguyễn Văn Xuân, cùng những anh em Điện Bàn, Đà Nẵng, Hội An… những năm 90 của thế kỷ trước mới thấy ông đúng như “văn” ông, nồng nhiệt, sâu sắc, hài hước, châm chọc, khí khái, khoan hòa, dân chủ… đặc biệt là “Quảng rặt” nghĩa là “thực lòng, thực dạ” có chi nói nấy. Gặp nhan sắc nào ông cũng bày trò “tán tụng” bằng cách đọc thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư… với những Vội vàng, Một mùa đông… rằng “mau với chứ vội vàng lên với chứ/ em, em ơi, anh Xuân sắp già rồi…”, ông tán với giọng Quảng “chứ em bậu ăn thứ chi mà da thịt em nó mát…”, rồi “ông già ổng ở dưới mương/ ổng nghe hơi con gái ông trườn ổng lên”…

Ông, những năm cuối đời, tuổi ngoại tám mươi còn cật lực viết tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống ai đọc cũng mê. Hành trạng ly kì đầy kịch tính, đầy mê hoặc của góa phụ họ Tống thì thực là “đàn bà dễ có mấy tay…”. Ngón nghề “kết vòng hoa xạ hương” của Tống thị làm mê mụ bao đầu óc sáng suốt các đấng, bậc ở cung vua, phủ chúa. Và tội “loạn luân” của nàng được ông “huyền ảo hóa” đầy linh diệu. Nguyễn Văn Xuân “hiện đại” những năm sau năm 2000 khi mà thế hệ Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… đã xuất hiện. Ông đã có sự lưu tâm về ngôi kể, điểm nhìn trần thuật, để tiểu thuyết ông thêm độ hấp dẫn tin cậy. Trong Nguyễn Văn Xuân toàn tập (tập 1), nhà phê bình Lại Nguyên Ân có đề cập đến nhân vật kể xưng là “người khách lạ” đến thăm chùa Thiền Lâm trong phần “vào truyện” và giọng kể của nhân vật chính Hải Bằng - người con nuôi của cha Tống thị - Chưởng cơ Tống Phước Thông cũng là người yêu đơn phương luôn “đồng thuận, đồng mưu” với kế hoạch “mưu thâm, kế hiểm” của nàng. Giọng kể xuyên suốt tiểu thuyết chứng tỏ Nguyễn Văn Xuân vẫn “đương xuân” khi đã biết nhường vai trò tự sự của tác giả cho các nhân vật và đặc biệt đồng hành với các giọng kể nhân vật là giọng điệu đối thoại của nhiều nhân vật khác trong từng sự việc/ sự kiện khiến tiểu thuyết ít nhiều đã vươn đến sự đa giọng điệu, tăng tính “tiểu thuyết” cho Kỳ nữ họ Tống.

Về mặt văn hóa, lịch sử, Nguyễn Văn Xuân có nhiều phát hiện mới về vùng đất, con người, tập tục… Ông chỉ ra “địa giới” của huyện Điện Bàn thời thuộc Hóa Châu là “Điện Bàn miền núi” vì vùng hạ lưu Thu Bồn, vùng đồng bằng ven biển còn hoang hóa, chưa khai phá. Ông chỉ ra tính cách “no và đậm” của ẩm thực người Quảng. Ông định hình “tuồng đồ” đúng tính chất “trình diễn” của nó là “tuồng giễu” để phân biệt với “tuồng thầy” là “tuồng bi hùng”. Ông nhìn cuộc hôn nhân giữa vị trấn thủ Dinh Quảng Nam với cô gái hái dâu họ Đoàn - con một phú nông, một thương nhân tơ lụa mang tính cách “chính trị” (khuyến thương, mở cửa) trong tương quan với họ Trịnh Đàng Ngoài. Ông đóng góp lớn cho lịch sử cận đại với cuốn Phong trào Duy Tân (1971). Ông cũng cung cấp nhiều tư liệu và kiến giải về sự hưng vượng của Hội An thời thương cảng quốc tế…

Nguyễn Văn Xuân quả là “ghê gớm” - quả là tay “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, khí chất ngất trời. Thế nhưng, trong tranh luận, ông cũng là người chịu khó “phản tư” vì biết “mà trong lẽ phải có người có ta”. Một lần khi ông viết về sự thịnh vượng của Thuận Hóa, Quảng Nam thời các chúa Nguyễn, ông viện ca dao miền Trung: “Hết gạo đã có Đồng Nai/ Hết củi đã có Tân Sài chở ra”, ông cho địa danh “Tân Sài” là “Sài Gòn”. Những bạn trẻ gặp lại ông đã “dám cãi” rằng - điều ấy thật phi lý bởi có ai đi chở củi từ trong Nam ra Quảng Nam, ra Huế, vì trước hết với vùng đất có rừng có núi như ở ta - củi nước hiếm chi lại đi/ hay bắt tận Sài Gòn chở ra cái thứ “rẻ như củi”. Ông nhã nhặn cãi như rứa là đúng, ông sẽ “coi lại” và thú nhận “có lẽ tui sai”. Về sau, khi có người đưa ra luận cứ rằng “Tân Sài” là địa danh có ở Quảng Trị - nơi thường cung cấp củi cho kinh thành Huế, rằng câu ấy phải đọc là “hết củi đã có Tân Sài chở vô” thì mới đúng… Ông Xuân vỗ trán kêu “đúng, đúng”.

Bàn về ông sao cho hết khi ông viết ngàn vạn trang sách trong nhiều lĩnh vực mà bên cạnh nhiều cái đúng cũng nhiều tiểu tiết còn chưa chắc đúng. Ngày xuân nhớ về ông bao giờ cũng thấy ấm cúng khi nhớ đến rằng giữa nhân gian có một người “tài hoa rất mực”...

P.T.Đ

Bài viết khác cùng số

Những đám mây thổ cẩmChuyện vui kể vào dịp TếtNăm cũNhững ngày cuối nămCôn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tàiMùa xuân trên tầng ký ứcTập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Những vấn đề đang đặt raCó một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trướcMùa xuân khơi dậy khát vọng phát triểnMỹ nhân ám ảnhMột thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương laiMùa chim ri làm tổĐừng nói lời yêu chiều ba mươi TếtVàng Mai rực rỡThanh Mai Tầm XuânTản mạn bốn mùa nước MỹTôi yêu Đà NẵngEm về tắm biển Tiên SaChạm xuânĐó là cách mùa xuân chạm vào chúng taPhía xuân xaPhía xuân quê nhàKhúc tiễn ngày xuânTết quêTháng GiêngCuối TếtTếtMưa trên tượng người Việt cổDắt em về miền biểnCà phê chiềuTruyền thuyết hoa Dã QuỳNgày rất dàiPhiên chợ tình toàn đá núiGiả sửĐợi xuânĐi để trở vềGiao mùaThơ Nguyễn Nho Thùy DươngBến gióVô thườngVó ngựa trót hoang emNghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gianChiều sông HànHồi ức Mã ChâuChào nhé mùa ĐôngNgày nắng vỡNgày giỗ nộiXuân muộnĐoản khúc cho một ngàyThầm thì bên suốiVaTự sựThèm một vòng tayMùi TếtĐã chínDự cảm GiêngTết nướcChuyển mùaNgẫu khúc cầu vàngLy cà phê quán nhỏChùm Haiku mùaTiếng thơ Nguyễn Nho NhượnHọa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụaĐà Nẵng - Thành phố niềm tinVề chùm thơ hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh của Phan KhôiBiến thể - Khúc bi ca nhân thếLưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hànhVũ Hạnh một nhân cách văn học khó quênCon mèo trong văn hóa dân gian Việt NamNgày xuân đọc lại thơ Tết của Phan Bội ChâuLàng, Đình làng và Hội làng ngày xuânHình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhiNhớ “Mùa xuân đầu tiên”Ngày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn XuânChiều Đà NẵngCon mèoTuổi mười lămBốn mùa nhớ Bác