Tập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Những vấn đề đang đặt ra
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết và Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến trao bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW.
LTS: Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 28 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị khóa XI về Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các Hội quần chúng ra đời và tích cực tác động trở lại đối với cuộc sống đến nay đã tròn 10 năm. Ngày 03 tháng 11 năm 2022, Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị quan trọng này và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã tặng Bằng khen cho 15 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, trong đó có Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố. Tạp chí Non Nước số Xuân Quý Mão 2023 xin giới thiệu tham luận Tập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - những vấn đề đang đặt ra của Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng trình bày tại Hội nghị tổng kết nêu trên.
I. Tập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - những kết quả đạt được trong thời gian qua
Từ sau khi trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã tổ chức thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 06 tháng 10 năm 1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng và 14 năm sau, lại tổ chức thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 28 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị khóa XI về Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng. Đảng đoàn và Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc bốn nội dung liên quan nêu trong Chỉ thị số 17-CT/TW, với kết quả được đánh giá cơ bản đáp ứng yêu cầu của Chỉ thị, cụ thể là:
1.Về nội dung “củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức đảng đã có trong các hội”, thời điểm Chỉ thị số 17-CT/TW được ban hành, Thành ủy đã thành lập Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố và chỉ định Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bùi Công Minh giữ chức Bí thư Đảng đoàn (từ tháng 9 năm 2014, Thành ủy tiếp tục chỉ định Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng giữ chức Bí thư Đảng đoàn). Thời điểm ấy, cơ quan Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố cũng có một Chi bộ Đảng trực thuộc Đảng ủy Khối các Cơ quan thành phố, đến nay vẫn đang sinh hoạt.
2. Về nội dung “Đảng viên là hội viên phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, làm nòng cốt trong việc vận động, tập hợp hội viên thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều lệ hội (…) gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của hội”, ngoài số văn nghệ sĩ là đảng viên sinh hoạt Đảng tại Chi bộ Cơ quan Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, còn có nhiều đảng viên là hội viên các hội chuyên ngành sinh hoạt tại cơ quan/đơn vị đang công tác hoặc tại khu dân cư đang sinh sống/nghỉ hưu (Hội Nhà văn: 53 đảng viên; Hội Âm nhạc: 44 đảng viên; Hội Nghệ sĩ sân khấu: 29 đảng viên; Hội Nghệ sĩ Múa: 28 đảng viên; Hội Mỹ thuật: 19 đảng viên; Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật: 13 đảng viên; Hội Điện ảnh: 34 đảng viên; Hội Văn nghệ dân gian: 14 đảng viên; Hội Kiến trúc sư: 54 đảng viên). Những đảng viên trong các hội chuyên ngành chủ yếu tham gia cùng với đảng viên của Chi bộ Cơ quan Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố quán triệt các văn kiện của Đảng về văn học nghệ thuật cũng như tham gia góp ý dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ thành phố. Nhìn chung, đại bộ phận đảng viên trong Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố đều “nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, làm nòng cốt trong việc vận động, tập hợp hội viên thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ hội”.
3. Về nội dung “Đảng đoàn các Liên hiệp Hội và các hội tăng cường chỉ đạo các thành viên và hội viên thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình (…) Thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước (…) Hoạt động của hội phải thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên; đoàn kết, tập hợp hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức hội, hội viên và cộng đồng”, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố đã rất quan tâm công tác phát triển hội viên mới, tính đến nay đã có 1.187 hội viên sinh hoạt trong 9 hội chuyên ngành: Hội Nhà văn: 98 hội viên (trong đó có 13 hội viên Trung ương); Hội Âm nhạc: 120 hội viên (trong đó có 41 hội viên Trung ương); Hội Nghệ sĩ sân khấu: 68 hội viên (trong đó có 48 hội viên Trung ương); Hội Nghệ sĩ Múa: 87 hội viên (trong đó có 40 hội viên Trung ương); Hội Mỹ thuật: 74 hội viên (trong đó có 28 hội viên Trung ương); Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật: 67 hội viên (trong đó có 20 hội viên Trung ương); Hội Điện ảnh: 48 hội viên (trong đó có 33 hội viên Trung ương); Hội Văn nghệ dân gian có 50 hội viên (trong đó có 14 hội viên Trung ương); Hội Kiến trúc sư: 575 hội viên (trong đó có 187 hội viên Trung ương), xem tỷ lệ hội viên Trung ương trong từng hội chuyên ngành là căn cứ chủ yếu để đánh giá chất lượng hội viên. Tuy nhiên số lượng hội viên, nhất là số hội viên Trung ương, không ngừng phát triển cũng chưa phải là biểu hiện cao nhất của yêu cầu “thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ”của từng hội chuyên ngành. Muốn“thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ” của từng hội chuyên ngành, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố cần tạo động lực để hội viên cống hiến bằng lao động nghệ thuật của mình và được ghi nhận qua các giải thưởng và các danh hiệu vinh dự nghề nghiệp. Về giải thưởng, từ năm 2012 đến nay, Đà Nẵng có 8 văn nghệ sĩ có tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (chưa tính số văn nghệ sĩ Đà Nẵng đang được đề nghị trao tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật lần thứ 5 năm 2022); có nhiều văn nghệ sĩ có tác phẩm được trao tặng giải thưởng quốc gia, quốc tế và khu vực về văn học nghệ thuật, cũng như Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III vào năm 2015 và Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ IV vào năm 2022. Về danh hiệu vinh dự nghề nghiệp, từ năm 2012 đến nay, Đà Nẵng có 5 nghệ sĩ được vinh danh Nghệ sĩ nhân dân, 32 nghệ sĩ được vinh danh Nghệ sĩ ưu tú, 1 nghệ sĩ được vinh danh Nghệ nhân nhân dân, 5 nghệ sĩ được vinh danh Nghệ nhân ưu tú (chưa kể số nghệ sĩ Đà Nẵng vừa được Hội đồng chuyên ngành trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” và danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” lần thứ X năm 2022).
4. Về nội dung“Các hội cần làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ đất nước và con người Việt Nam; xây dựng và tăng cường tình hữu nghị, hợp tác của nhân dân các nước với nhân dân ta”, từ năm 2012 đến nay, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố đã tiến hành giao lưu với giới văn học nghệ thuật Ấn Độ trong Chương trình Giao lưu nghệ thuật Việt Nam - Ấn Độ ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhân Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 6 năm 2013 được tổ chức tại Đà Nẵng. Vào cuối tháng 9 năm 2022 vừa qua, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Việt Nam cũng đã ký kết Bản ghi nhớ về giao lưu nghệ thuật với Liên hiệp các Hội Văn hóa - Nghệ thuật thành phố Deagu, Hàn Quốc.
II. Tập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - những vấn đề đang đặt ra cho thời gian tới
1.Vấn đề quan trọng nhất cần đặt ra vào lúc này là làm sao thống nhất được nhận thức về địa vị chính trị của hệ thống tổ chức các Hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Làm thế nào để tổ chức các Hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực sự được xem là một tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015: “Ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội”, chứ không phải theo Khoản 8 Điều 8 của Luật này: “Kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm; ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ Nhà nước giao theo quy định của Chính phủ”.
Thực ra Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam mặc dầu được xác định là tổ chức chính trị - xã hội (Điều 1 Điều lệ 2015) chứ không phải là tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp như Liên hiệp Hội đã ký kết Bản ghi nhớ về giao lưu nghệ thuật Việt Nam, nhưng hiện nay vẫn chưa thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Văn học nghệ thuật là bộ phận tinh túy nhất của văn hóa, vì thế muốn “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ từng khẳng định từ cuối năm 1946, muốn “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” như nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI, không thể không đặt đúng địa vị chính trị của hệ thống tổ chức các Hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Xin nói thêm, ý tưởng “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI thực chất là nhắc lại một câu nói của Bác Hồ trong buổi khai mạc phòng triển lãm văn hóa ngày 7 tháng 10 năm 1945: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng”. Bác Hồ quan niệm “coi trọng ngang nhau” nhưng không phải bằng vai phải lứa, vì thế Bác đã phải nói thêm câu: “Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng”, và chính câu nói bổ sung để nhấn mạnh này mới chính là ý tưởng cốt lõi của Bác Hồ - tiếc rằng vẫn chưa được hậu thế thật sự quan tâm.
Cũng xin nói thêm, văn học nghệ thuật rất cần được đầu tư đúng mức từ ngân sách nhà nước, rất cần được Đảng và Nhà nước tích cực và thường xuyên giao nhiệm vụ, “đặt hàng”, cũng rất cần được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa, nhưng cần thấy nội lực của từng văn nghệ sĩ mới là yếu tố quyết định thúc đẩy hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật; đồng thời cần hết sức cảnh giác với tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước/chờ đơn “đặt hàng” của nhà nước - không ai đặt hàng cho nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long để chụp bức ảnh Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn đi cùng năm tháng; cũng cần “giữ mình” trước áp lực của một số nguồn xã hội hóa, tránh “thương mại hóa”, “tầm thường hóa” văn học nghệ thuật. Và nối theo dòng suy nghĩ ấy, tôi cho rằng văn nghệ sĩ cần thấy nội lực của chính mình mới là yếu tố quyết định thúc đẩy hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, cần thấy văn nghệ sĩ viết được, vẽ được… không phải vì có thể viết, có thể vẽ mà là vì không thể không viết, không thể không vẽ… thế nhưng không thể không thấy một điều cũng hết sức hiển nhiên là “cơm áo không đùa với khách thơ”, là “có thực mới vực được đạo”, do vậy Liên hiệp Hội đã ký kết Bản ghi nhớ về giao lưu nghệ thuật Việt Nam cùng các hội chuyên ngành Trung ương và Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương cần đổi mới phương thức hoạt động như thế nào để làm cây cầu nối hữu hiệu hơn nữa nhằm tạo thêm động lực khách quan từ phía Đảng và Nhà nước, qua đó giúp văn nghệ sĩ phát huy cao độ nguồn nội lực sẵn có của mình trong sáng tạo. Động lực khách quan ấy có thể là đơn “đặt hàng” của Nhà nước, có thể là hỗ trợ tài chính thông qua xét tặng thưởng, thông qua trả nhuận bút…
Liên quan tới địa vị chính trị của hệ thống tổ chức các Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, còn có câu chuyện Kết luận số 35-KL/TW vừa ban hành ngày mồng 5 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Đề nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu điều chỉnh bổ sung danh mục này theo hướng chú ý thêm sự phân biệt cần thiết giữa các tổ chức hội địa phương có đảng đoàn và các tổ chức hội địa phương không có đảng đoàn. Ở cấp tỉnh, ngoài các quận ủy/huyện ủy/đảng ủy trực thuộc thành ủy/tỉnh ủy, chỉ có ba ban cán sự đảng là Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân và Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân; chỉ có tám đảng đoàn là Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng đoàn Liên đoàn Lao động, Đảng đoàn Hội Nông dân, Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đảng đoàn Hội Cựu Chiến binh, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật và Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật. Đây không chỉ và chủ yếu cũng không phải là nhằm tới sự hơn kém về chính sách đãi ngộ mà còn và chủ yếu là nhằm vào sự xác định địa vị chính trị của từng tổ chức và người đứng đầu các tổ chức ấy. Đề nghị này đã được Ban Tổ chức Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chấp nhận.
2. Động thái cắt giảm/ muốn cắt giảm điều kiện về nguồn lực con người và nguồn lực tài chính liên quan đến hoạt động hội, hoặc muốn giải tán/ hợp nhất tổ chức hội đối với một số hội văn học, nghệ thuật địa phương… suy đến cùng có thể xuất phát từ nhận thức không đúng về vai trò của hội văn học, nghệ thuật trong việc đoàn kết/ tập hợp văn nghệ sĩ, từ đó thiếu phân biệt giữa hai khái niệm tưởng chừng giống nhau nhưng kỳ thực rất khác nhau là “bao cấp” và “đầu tư”; nhưng cũng có thể xuất phát từ thực trạng một số hội văn học, nghệ thuật tồn tại cho có, chỉ hoạt động theo kiểu “xưa bày nay bắt chước” trì trệ lỗi thời và trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước - thực chất là tiền thuế của nhân dân; cũng có thể xuất phát từ thực trạng số đông văn nghệ sĩ vẫn đứng ngoài hội, vẫn không cần có hội, dẫn đến trụ sở hội chỉ là nơi lui tới của một số quan chức văn nghệ… Vì thế muốn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội một cách thực chất, muốn nâng cao năng lực tập hợp văn nghệ sĩ tham gia tổ chức hội một cách hiệu quả, đòi hỏi quyết tâm chính trị và nỗ lực hành động từ cả hai phía- phía các cơ quan quản lý nhà nước và phía các hội văn học, nghệ thuật, và từ cả hai cấp - cấp Trung ương và cấp địa phương. Xin nói thêm, việc hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm giảm đầu mối một cách cơ học cũng đã làm hạn chế năng lực hoạt động của văn nghệ sĩ, dẫn tới khả năng văn học nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ trở thành văn học nghệ thuật quần chúng. Sở dĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn phát huy được tính chuyên nghiệp trong việc thực thi sứ mệnh bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng -đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08 tháng 6 năm 2015 - là nhờ vẫn còn là một đơn vị sự nghiệp công lập độc lập.
Về phía bản thân Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, muốn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội một cách thực chất, muốn nâng cao năng lực tập hợp văn nghệ sĩ tham gia tổ chức hội một cách hiệu quả, những người được phân công thực thi công vụ ở từng tổ chức hội trước hết phải nhận thức rằng đây chính là hoạt động vận động trí thức trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật - mà đã là trí thức thì đều coi trọng niềm vui được sáng tạo, được thỏa mãn nhu cầu tự bộc lộ giãi bày bằng ngôn ngữ của nghệ thuật những điều ấp ủ nung nấu trong lòng. Điều quan trọng nhất là những người được phân công thực thi công vụ ở từng tổ chức hội phải thể hiện thật tốt vai trò là chiếc cầu nối giữa văn nghệ sĩ với Đảng bộ và chính quyền cùng cấp - mà đã là cầu nối thì phải làm sao thông suốt cả hai chiều: chiều từ Đảng bộ và chính quyền đến với văn nghệ sĩ và chiều từ văn nghệ sĩ đến với Đảng bộ và chính quyền. Chiều thứ nhất có thông suốt thì chủ trương/ đường lối về phát triển văn học, nghệ thuật mới đến được với văn nghệ sĩ nhằm tạo điều kiện để từng văn nghệ sĩ thể hiện “vai trò kép” của mình - vừa là công dân gương mẫu vừa là người sáng tạo cái Đẹp. Chiều thứ hai có thông suốt thì những nhạy cảm nghệ sĩ và những ưu tư trí thức ngoài-tác-phẩm của văn nghệ sĩ mới có điều kiện tác động tích cực và trực tiếp đến các chính khách đang nắm quyền lãnh đạo/ quản lý xã hội, góp phần làm cho đời sống xã hội ngày càng đứng vững trên ba trụ cột làm nên lâu đài tinh thần của con người là Chân - Thiện - Mỹ.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước ở thành phố, cần thấy rằng vai trò của hội văn học, nghệ thuật với tư cách một tổ chức chính trị - xã hội chỉ có thể được nhận thức đúng khi vai trò của văn hóa trong phát triển được nhận thức đúng theo quan điểm của Bác Hồ được nhắc lại trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, hoặc hơn thế nữa: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” - đúng theo quan điểm của Bác Hồ từng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc hồi tháng 11 năm 1946 (cả hai quan điểm này đều được tái khẳng định nhiều lần tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc hồi tháng 11 năm 2021). Một khi đã nhận thức đúng về vai trò của văn hóa nói chung và vai trò của văn học nghệ thuật nói riêng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì mới có thể phân biệt được hai khái niệm “bao cấp” và “đầu tư”, mới có thể nhận thức đúng rằng đầu tư cho văn hóa nói chung, cho văn học, nghệ thuật nói riêng cũng chính là đầu tư cho phát triển, và từ đó mới có thể đầu tư đúng mức nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính và quan trọng hơn là nguồn lực con người cho việc thực thi công vụ của các hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương.
B.V.T