Những ngày cuối năm

04.01.2023
Nguyễn Thị Thu Thủy

Những ngày cuối năm

Khi tấm lịch treo trên tường chỉ còn lại vài tờ mỏng dính cũng là lúc mỗi người giật mình ngoảnh nhìn lại những việc mình đã trải qua trong suốt một năm trôi… Với tôi, đây là thời điểm bận rộn nhất bởi hàng tá công việc đón chờ, song cũng là những giờ phút để “về thu xếp lại/hành trang quá ngại”; thu xếp lại đời mình, dọn dẹp những mối quan hệ, đánh giá lại những được-mất trong 365 ngày đã qua. Những ngày cuối năm thường cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khi lau bụi, sắp xếp lại giá sách bất ngờ gặp lại một tấm hình cũ, màu ảnh đen trắng đã ngả chút ố vàng bởi dấu chân thời gian nhưng kỷ niệm vẫn còn tươi nguyên như mới đây thôi. Lòng chợt thảng thốt khi đọc những dòng cảm thức của Văn Cao: “Thời gian qua kẽ tay/ Làm khô những chiếc lá/ Kỷ niệm trong tôi/ Rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn…” (Thời gian).

Dù bận rộn với việc thu dọn, sắp xếp nhà cửa tôi vẫn không quên đi chợ quê để tìm lại chút hương vị Tết xưa, để nhìn lại những gian hàng xén với bao màu xanh đỏ; để nghe cái lao xao trong giọng chào mời của chị hai ngồi bán. Những ngày cuối năm, tôi thích nhìn những gian hàng hoa đủ mọi sắc màu, trong đó màu vàng trở thành gam chủ đạo và đặc biệt thích những chậu mai năm cánh với chùm nụ xanh nõn, chậu thược dược bông nào bông nấy nở to căng mọng, chậu vạn thọ tỏa mùi hương mộc mạc. Rực rỡ hơn cả là những chậu cúc đại đóa vàng mịn dưới nắng xuân. Trên đường, tấp nập người đi mua hoa, kẻ tìm người chuyên chở; góc phố đằng kia có gian cho chữ với ông đồ già khăn đóng áo thụng đen; đằng nọ đôi chàng sinh viên đang trổ tài điêu khắc trên quả dưa hấu xanh xanh… Tôi yêu vô cùng ánh mắt đợi chờ của những người cha, người mẹ khi đón đứa con đi làm ăn xa về sum họp đón Tết cùng gia đình. Cái ôm vội vã, những giọt nước mắt rưng rưng khi nhìn bóng dáng thân yêu của anh con trai xách ba lô nhảy xuống từ chiếc xe chạy đường dài hay cô con gái đẩy va-li từ phòng chờ sân bay đi ra.

Những ngày cuối năm, tôi rưng rưng nhớ lại những ký ức xưa cùng cả nhà canh nồi bánh tét đêm 29 tháng Chạp; cùng háo hức chờ mẹ vớt bánh, được thưởng thức chùm bánh ú gói vét bằng chút nếp còn lại trong thúng, nghe mùi thơm từ lá chuối và vị bùi thơm của miếng nhân đậu xanh có lẫn vài hạt tiêu cay cay. Mùi khói đun từ gốc trối tre mà ba vừa chẻ sau mấy ngày hong khô khiến mắt tôi cay xè đến tận bây giờ. Tôi vẫn nghe đâu đây, giọng kể chuyện của ba bên bếp lửa ngày giáp Tết, nghe cây cối trong vườn đang cựa mình để tách lộc đầu xuân…

Những ngày cuối năm, tôi cũng náo nức với tiếng trẻ con cười đùa, tung tăng khoe chiếc áo mới vừa chờ lấy từ gian hàng may giữa chợ, tay áo chưa kịp giặt vẫn còn lằn lên những đường kẻ phấn vàng. Tôi yêu sắc nắng vàng ngọt như mật; yêu những nong củ kiệu trắng, cà rốt đỏ cam, đu đủ vàng nhạt đang hong khô trên sân phơi trước nhà ai. Và cũng thích nhìn những dãy dây phơi đủ màu tấm chăn, màn vừa giặt; thích ngửi mùi nắng trên những áo quần khô giòn mẹ mới rút đem vào nhà… Những mùi vị thật thân quen gần gũi của một thời con trẻ cứ hiện về như mới vừa hôm qua vậy.

Những giờ phút cuối năm, tôi nghe tiếng lao xao bên hiên nhà gọi đi chia thịt, nghe vẳng đâu đây câu thơ của Nguyễn Khuyến ngày nào: “Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng/ Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt”. Bước vào nhà trong, mũi tôi ngửi được hương vị Tết từ những gian bếp, mùi của hương gừng đường bát thắng, nước mắm mẹ mới nấu xong chờ nguội thả mấy ký thịt heo cho vào hũ; mùi của mè rang, mùi nổ, mùi bột nếp đậu xanh ai vừa rang cháy… đặc biệt mùi hương trầm thoang thoảng, phảng phất trong không gian như dựng lại không khí linh thiêng của ông cha ngày xưa… Ôi những hương mùi của tháng năm xa, khiến lòng người thổn thức. Trong tôi vang lên lời hát của ca sĩ Mỹ Tâm: “Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi… cho tôi tìm lại một thời đã qua, những câu chuyện cổ mẹ kể năm nào” (ca khúc: Quê hương tuổi thơ tôi - nhạc sĩ Từ Huy).

Tất cả, những âm thanh, phong vị ấy đã quyện hòa vào nhau để tạo nên  không khí đặc biệt trong ngày cuối năm của xứ sở quê mình khiến bao người đi xa quyến luyến nhớ về. Tôi sẽ luôn ghi vào ký ức những dư vị không quên của những ngày giáp Tết và đây cũng là thời khắc tống tiễn những buồn khổ, chào đón và hy vọng về một mùa xuân mới, mùa xuân của thiên nhiên và của lòng người, cùng hy vọng những ước mơ được ấp ủ từ lâu sớm thành hiện thực như chồi non đang cuộn kín chuẩn bị bung nở trên cây bàng cổ thụ đứng lặng lẽ ở đầu làng…

N.T.T.T

Bài viết khác cùng số

Côn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tàiVàng Mai rực rỡĐừng nói lời yêu chiều ba mươi TếtMùa chim ri làm tổMỹ nhân ám ảnhMột thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương laiMùa xuân khơi dậy khát vọng phát triểnMùa xuân trên tầng ký ứcTập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Những vấn đề đang đặt raCó một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trướcThanh Mai Tầm XuânTản mạn bốn mùa nước MỹChuyện vui kể vào dịp TếtNăm cũNhững ngày cuối nămNhững đám mây thổ cẩmTháng GiêngTôi yêu Đà NẵngEm về tắm biển Tiên SaChạm xuânĐó là cách mùa xuân chạm vào chúng taPhía xuân xaPhía xuân quê nhàKhúc tiễn ngày xuânTết quêLy cà phê quán nhỏChùm Haiku mùaCà phê chiềuDắt em về miền biểnMưa trên tượng người Việt cổNgẫu khúc cầu vàngHồi ức Mã ChâuCuối TếtTếtNgày rất dàiPhiên chợ tình toàn đá núiGiả sửĐợi xuânĐi để trở vềGiao mùaThơ Nguyễn Nho Thùy DươngBến gióVô thườngVó ngựa trót hoang emNghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gianChiều sông HànChào nhé mùa ĐôngNgày nắng vỡTruyền thuyết hoa Dã QuỳNgày giỗ nộiXuân muộnĐoản khúc cho một ngàyThầm thì bên suốiVaTự sựThèm một vòng tayMùi TếtĐã chínDự cảm GiêngTết nướcChuyển mùaHọa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụaĐà Nẵng - Thành phố niềm tinTiếng thơ Nguyễn Nho NhượnVề chùm thơ hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh của Phan KhôiBiến thể - Khúc bi ca nhân thếVũ Hạnh một nhân cách văn học khó quênLưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hànhNgày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn XuânNhớ “Mùa xuân đầu tiên”Hình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhiCon mèo trong văn hóa dân gian Việt NamLàng, Đình làng và Hội làng ngày xuânNgày xuân đọc lại thơ Tết của Phan Bội ChâuCon mèoChiều Đà NẵngTuổi mười lămBốn mùa nhớ Bác