Thanh Mai Tầm Xuân
Minh họa Hồ Đình Nam Kha
Cuối tháng Chạp, những nụ mai đã bắt đầu bung vỏ lụa, e ấp se sít nhau trên cành đã trụi lá. Mưa phùn nhỏ hạt nhưng đã nhiều cơn hơn từ rằm. Sợ nhất là sương, nếu sương xuống nhiều thì phải chống bạt che cây và chong đèn đêm, may ra hoa mới nở đúng Tết. Hai năm vừa qua, cái Tết lặng lẽ hơn đôi chút. Nhưng dẫu có no có đói, có dịch bệnh hay không thì lòng người cũng rộn rã hơn mỗi độ Tết đến xuân về.
Lang thang trong khu vườn của mình, ông Mai luôn tay chỉnh kính lão để nhìn rõ nhất những chuyển động của mùa xuân. Với một người đã ngấp nghé tám mươi tuổi như ông, cái cảnh ngược xuôi mua sắm ngoài kia chỉ đứng nhìn là đã say xẩm mặt mày rồi. Ông cảm nhận mùa xuân theo cách riêng của mình, đó là một cơn gió lạnh se se thổi, làm bay lớp áo lụa trắng mỏng của nụ mai trên cành, vậy là xuân đã đến rồi. Miên man theo dòng suy nghĩ, chợt ông Mai nghe có tiếng con Vện sủa phía cổng. Lạ thật, mới sáng sớm ai lại đến vào giờ này? Nhìn ra cửa ông thấy một chiếc ô tô đỗ ngay phía trước, xuống xe là một đôi vợ chồng khoảng tầm bốn mươi tuổi. Họ lễ phép chào ông.
- Dạ, tụi con theo lời giới thiệu của anh Hoàng con bác đến để xem và ngã giá cội Thanh Mai Tầm Xuân ạ!
Ơ hay! Tại sao lại theo lời giới thiệu của thằng Hoàng, mà sao lại xem rồi còn đòi ngã giá cội mai già mà ông yêu thích nhất. Ông Mai từ tốn, dù trong lòng khá hoang mang.
- Tôi trồng mai chỉ để thưởng lãm thôi. Không bán buôn gì. Anh chị nhầm rồi!
Người đàn ông trẻ có vẻ hơi bối rối, nhưng cũng nhanh tay nhận một túi quà từ người lái xe rồi tiến lại phía ông Mai lễ phép.
- Dạ, chút quà nhỏ, đây là sâm đấy ạ! Thuốc trường thọ đây bác ơi! Bọn cháu đến đây mong bác giúp, có được cây quý này thì đường…
Tôi nói rồi, tôi không mua bán gì cả. Anh chị về lo Tết kẻo ông bà ở nhà trông. - Ông Mai ngắt lời, rồi quay đi. Con Vện nhìn hai vị khách lạ sủa inh ỏi như hiểu ý ông. Nó tiễn khách theo cách riêng của nó.
Thanh Mai Tầm Xuân được giới chơi cây cảnh đánh giá là cội mai hiếm độc nhất vô nhị ở vùng đất đồi Phú Túc này. Nó là cây mai trăm tuổi, hoa năm cánh vàng tươi, mỗi lần trổ bông phủ kín cả một góc vườn, hương hoa dịu nhẹ hòa với gió xuân cứ như một bình dưỡng khí mà trời đất đã ưu ái ban tặng cho mùa xuân ở vùng quê phía Tây thành phố này. Hơn thế nữa, không chỉ là cây mẹ của vùng trồng mai nơi đây mà nó còn là nhân chứng lịch sử của vùng này. Nhiều người đồn đại, có được cội Thanh Mai Tầm Xuân là có phước báu trong nhà, đàn ông thì công thành danh toại, đàn bà thì xinh đẹp đảm đang, người già khỏe mạnh trường thọ, trẻ con chăm ngoan, học giỏi… Cũng vì đó mà gần mười năm nay, nhất là vào dịp Tết, rất nhiều người đã đến ngỏ lời xin được ngã giá với ông Mai về nó. Quan chức có, thương nhân có, Việt kiều có, người nước ngoài yêu hoa mai Việt Nam cũng có. Tất cả họ đều có một điểm chung là giàu, và rất giàu. Nhưng ông Mai và vợ coi nó là sinh mệnh của mình, nhiều lần ốm thập tử nhất sinh không có tiền chạy chữa nhưng ông bà quyết không bao giờ ra giá với nó. Bởi một lẽ…
Quê ông Mai ở hạ lưu sông Thu Bồn, một vùng quê nổi tiếng ở xứ Quảng với nghề trồng mai vàng lâu đời, cũng vì quá cảm kích trước vẻ đẹp của loài hoa này mà cha ông đã đặt tên cho ông là Thanh Mai. Năm 1960, ông Mai thoát ly đi kháng chiến, theo các chú vượt dốc Ô Rây đến căn cứ Phú Túc ở phía Tây thành phố hoạt động. Thời gian sau, ông bén duyên với cô du kích tên Tầm Xuân là con gái duy nhất của một ông đồ già theo cách mạng, nhà ở ngay căn cứ địa, ông đồ rất yêu hoa mai vàng, là người Nhất sinh đê thủ bái mai hoa. Cội Thanh Mai Tầm Xuân chính là quà hỏi cưới mà gia đình ông Mai cất công chuyển lên tận vùng đất này để xây dựng gia đình cho con, và tên của nó được ghép từ tên của hai chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi ngày đó Thanh Mai, Tầm Xuân. Sau giải phóng, ông đồ mất, ông Mai ở lại vùng đất này lập nghiệp và tiếp tục chăm sóc cội Thanh Mai Tầm Xuân. Đây là cội mai quý lâu năm được nuôi dưỡng bởi phù sa Thu Bồn, giờ đây lại được giao hoà với linh khí của vùng đất giàu truyền thống cách mạng như Phú Túc nên trở thành cây mai hết sức đặc biệt, gốc to nổi những u sần theo thời gian, vừa có hoa đẹp mà hương cũng rất say lòng người. Nó không chỉ đơn thuần là cội mai quý mà còn là nhân chứng lịch sử cách mạng của vùng này và đặc biệt là kỷ vật thiêng liêng cho tình yêu của ông Mai và bà Tầm Xuân. Chỉ khi Tết đến xuân về thì ông mới mở cửa vườn cho mọi người thưởng lãm hoa của nó. Hoặc chỉ có những dịp kỷ niệm đặc biệt của thành phố ông mới cho mang cội Thanh Mai Tầm Xuân đi triển lãm. Thế nhưng không biết từ đâu, thông tin về cội mai quý này được lan truyền khắp mọi nơi để bây giờ chính ông và vợ cứ phải tiếp những vị khách không mời mỗi dịp cận kề Tết.
* * *
Buổi tối, ông Mai và vợ vừa xong bữa cơm thì Hoàng - con trai lớn của ông bà - cũng vừa rồ máy xe vào cổng nhà. Hơn bốn mươi rồi mà cứ như trẻ con, tính tình nóng nảy, bộp chộp. Ông Mai định mở lời hỏi chuyện khi sáng thì anh ta đã oang oang.
- Ba tiếc gì nữa chứ! Người ta ngã giá với con 2 tỷ rồi đấy! Không bán đợi đến bao giờ? Hay ba định để vợ chồng con và cháu đích tôn của ba ở chung cư đến mạt đời?
Ông Mai hiểu tính con nên từ tốn.
- Có trăm tỷ thì cũng không con ạ! Nó vô giá! Mà tụi con có chung cư ở là đã may mắn hơn bao người. Còn nếu không thì có thể về đây ở với ba mẹ. Đây với thành phố cũng bao xa.
Sau câu nói của ông, Hoàng hậm hực ra xe rồ máy chạy đi quên cả chào người mẹ đang lo lắng gọi với theo. Cũng là lúc có tiếng đon đả của cô con dâu thứ hai vừa đến nhà với mớ đồ lỉnh kỉnh.
- Con chào ba mẹ! Bận thật đấy ba mẹ ạ! Người ta bày vẻ Tết ra làm gì chứ? Nào bánh mứt dưa trà, thịt heo muối mỡ, thăm nhau chúc tụng cứ loạn cả lên. Anh Huỳnh nhà con bận đánh hàng chừng cận Tết mới về, con đem lên cho ba mẹ mấy thứ đồ tết. Gớm, có mấy ngày Tết mà nhiều thế này chứ… Thế mình đã chốt giá 2 tỷ với họ rồi hả ba? Nhà con bảo nghe anh hai nói vậy nên cũng nhắn về hỏi bố mẹ xem sao. 2 tỷ cũng được rồi đấy! Nhưng mặc cả thì có khi hơn đấy ạ, họ thích rồi mà! Ba mẹ có cần con mặc cả giúp không, dù gì việc này con cũng…
Thôi, thôi…! - Ông Mai cắt lời con dâu, ông cảm thấy choáng nên bỏ vào phòng nằm. Bà Xuân thở mạnh nhìn con dâu đang ngây người với mớ đồ lỉnh kỉnh trên tay rồi đi theo chồng vào trong.
* * *
Sáng 29 Tết, trời ngớt mưa phùn, hai ông bà dắt tay nhau dạo quanh vườn rồi dừng lại chỗ cội mai già búp đang tróc những vỏ lụa cuối cùng. Ngoài đường mọi người vẫn đang tất bật ngược xuôi mua sắm chuẩn bị cho cái Tết tươm tất nhất. Mùi bánh mứt hòa quyện với hương xuân làm ông nhớ quê nhà của mình, khóe mắt đỏ hoe. Bà thương ông lắm, bao năm vì vợ vì con, vì duyên nợ với mảnh đất này mà ông đã chọn ở lại nơi đây gần như cả cuộc đời. Bà nhìn ông rồi nhìn cội mai già nói trong nỗi nhớ.
- Lúc tụi nó còn nhỏ, tầm này cả nhà đang xúm xít dưới cội mai gói bánh ông nhỉ? Giờ vẫn chưa có đứa nào dắt con cháu về. Mà có khi Tết này có mỗi tôi với ông! - Bà ngập ngừng rồi nói tiếp.
- Hay… mình cho cội mai này về với chủ mới đi ông. Có thêm đồng hỗ trợ các con cho chúng nó đỡ vất vả. Mà tôi với ông cũng lớn tuổi rồi, đâu chăm được mãi.
Ông Mai tay mân mê những u sần gốc rễ của cội mai già, mắt không rời những búp non e ấp đợi đón nắng xuân. Ông đang nghĩ Tết này chắc cội Thanh Mai Tầm Xuân sẽ sai bông lắm đây, mọi người sẽ kéo đến vườn ông để được thưởng thức những gì tinh túy nhất của đất trời. Và sau Tết ông sẽ cố gắng ươm thật nhiều hạt nhất để có thể cho những ai cần cây con. Một vùng mai quý hình thành cũng có thể mở ra một hướng làm ăn mới cho người nông dân nơi đây. Nơi mà ông đã nguyện sẽ gắn bó đến hết cuộc đời của mình.
Thấy chồng không nói gì, bà Xuân lo lắng nhắc nhỏ.
- Ông ơi…! Vụ ba cô con gái đốt nhà cha mẹ vì tranh giành chia đất trên ti vi cứ làm tôi thấy sợ ông ạ! Hay mình bán đi, nay mới 29 vẫn còn kịp. Bán rồi chia đều cho chúng nó làm ăn.
Ông Mai nhìn vợ thật lâu. Bao nhiêu bom đạn của quân thù không làm cô du kích nhỏ bé như bà ngày ấy phải chùng bước. Vậy mà giờ đây… Ông cảm thấy mình thật có lỗi với bà, vì những năm tháng mải mê công tác mà dạy dỗ con chưa đến nơi đến chốn. Ông cầm tay bà lay nhẹ động viên rồi cả hai cùng dạo khắp vườn ôn lại những ngày tháng khó khăn trước đây. Nắng bắt đầu lên hòa với bước chân xuân của họ qua đôi bóng lom khom trong vườn.
* * *
Tối 30 Tết, ông Mai cho gọi các con về hết vì có chuyện quan trọng cần nói. Sau bữa cơm ấm cúng với dưa cà và thịt heo muối, cả nhà quây quần bên nồi bánh phía trước sân. Rồi khi các cháu thiu thiu ngủ, ông gọi hai con trai ra chiếc bàn con chỗ cội mai già ngồi nói chuyện.
- Các con biết tại sao ba đặt tên cho các con là Huỳnh và Hoàng không? Đó là Hoàng Mai và Huỳnh Mai đấy. Đều là tên gọi của giống mai vàng quý của quê hương mình. Dù là ở quê nhà nhận phù sa sông Thu hay tại vùng đồi nhận mạch nước nguồn trong veo này thì cội Thanh Mai Tầm Xuân này vẫn xanh tươi làm đẹp cho đời.
Thấy các con chưa hiểu, ông Mai chậm rãi sau hớp trà.
- Ba mẹ đã quyết định tặng cội mai này vào khu di tích huyện ủy, nó sẽ được chuyển vào đó sau Tết. Ba nghĩ đó là việc làm tốt nhất. Bởi nó không chỉ là kỷ vật cho tình yêu của ba mẹ mà còn là nhân chứng lịch sử cho vùng đất giàu truyền thống này mà gia đình chúng ta đã gắn bó lâu nay. Ở đó ba mẹ có thể đến chăm sóc nó hằng ngày mà không sợ người xấu dòm ngó. Cội mai này xứng đáng được tiếp tục thực hiện sứ mệnh làm đẹp cho nhiều mùa xuân hơn nữa. Còn các con, chúng ta có đôi tay, có truyền thống gia đình, có một mái nhà để trở về sau giông bão của cuộc đời. Hãy tự tin bước tiếp để sau này con các con luôn tự hào về những người đã sinh ra mình.
* * *
Câu chuyện của ba người đàn ông trong đêm xuân cứ tiếp diễn dưới cội mai già, có những khúc mắc, có những luyến tiếc nhưng dần dà trong sương đêm không khí cũng trở nên ấm hơn, một vòng tay nối ba bờ vai ấm áp. Họ không biết, bà Tầm Xuân, hai con dâu và các cháu đã vây quanh ba người tự lúc nào. Không gian lắng đọng trong từng phút giây, ai cũng cảm nhận rõ được hơi ấm của gia đình truyền cho nhau. Họ nhìn nhau, không ai mở lời trước. Chỉ có mùi hương thơm quyện với ánh đèn vàng nhấp nháy phát ra từ cội mai già trong vườn như thắp lên từng tia hy vọng trong lòng họ. Bỗng có tiếng pháo hoa giòn tan điểm thời khắc giao thừa đã đến, bầu trời phía trung tâm thành phố sáng rực kéo dài tận về phía quê hương ông Mai. Cả gia đình hạnh phúc ôm nhau rồi cùng đi vớt bánh chưng bánh tét từ chiếc nồi lớn trước sân để dâng hương tổ tiên trong niềm vui xuân mới.
T.N.Đ