Nhớ “Mùa xuân đầu tiên”

05.01.2023
Phạm Đình Thành

Nhớ “Mùa xuân đầu tiên”

Nhạc sĩ Văn Cao

Sau sự cố khi tham gia vào nhóm Nhân Văn - Giai  Phẩm ông đã tự hứa sẽ không bao giờ sáng tác nữa. Thế nhưng, trước sự đổi thay của đất nước, niềm vui đoàn tụ của mọi nhà ông đã bỏ lời nguyền và một ca khúc lại để dấu ấn cho đời, cho nền âm nhạc Việt Nam. Với trái tim chan chứa tình yêu đất nước của người Cộng sản ông chẳng thể ngồi yên trước cây đàn dương cầm đã hơn hai mươi năm câm lặng. Ông là ai? Là nhạc sĩ Văn Cao và ca khúc Mùa xuân đầu tiên.  

Ca khúc được đăng lần đầu tiên trên số báo Xuân Sài Gòn Giải Phóng 1976. Nhưng không được đón nhận còn bị phê bình là “nghe mơ hồ”, “ủy mị, yếu đuối”. Mà thật vậy, giữa những năm tháng ấy điệu valse quý phái cùng với ca từ đậm chất lãng mạn ấy chẳng thể nào hòa nhịp với những bài ca chiến thắng hào hùng. Thế nhưng cũng tại thời điểm ấy, bài hát lại được phổ biến ở Liên Xô cũ. Ông Văn Thao, người con trai của Văn Cao, kể rằng: không hiểu bằng con đường nào Mùa xuân đầu tiên được in ở nước Nga và được  trả nhuận bút 100 rúp. Văn Cao phải viết giấy ủy quyền qua đại sứ quán để con gái ông đang học bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con gái: “Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu.”  

Phải chờ đến năm 1993, lần đầu tiên ca khúc mới được trình diễn trên sân khấu trong chương trình “văn nghệ quần chúng” của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội tại Cung Văn hóa Thanh niên Hà Nội. Thấy không ai lên tiếng, trường lại tiếp tục trình bày trong Hội diễn ca nhạc toàn quốc tại Đà Nẵng (1995). Sau này, bài hát được nữ ca sĩ Thanh Thuý thể hiện trong bộ phim ca nhạc “Văn Cao - Buổi sáng có trong sự thật” của đạo diễn Đinh Anh Dũng thì ca khúc mới thực sự chạm vào trái tim mọi người. Bài hát được đạo diễn đặt ở cuối phim có phần minh họa ông cùng vợ đi chợ hoa ngày Tết. Niềm vui đến với Văn Cao quá muộn màng, ông đã không xem được bộ phim ấy, trong khi ở mỗi bài hát đều có ông xuất hiện trò chuyện. Khi phim đang ở phần hậu kỳ thì tác giả đã vĩnh viễn ra đi (10/7/1995). Mùa xuân đầu tiên đã trở thành mùa xuân cuối cùng của tác giả, cuối phim lại cảnh đám tang của nhạc sĩ. Có thể xem đây là tác phẩm cuối cùng trong cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa.

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa xuân và chim én mang nét cổ điển, ước lệ quen thuộc quá phải không? Hình ảnh nhạc sĩ dùng mở đầu ca khúc lại rất phù hợp với hai chữ “bình thường” theo vòng quay của tự nhiên, bốn mùa trong vũ trụ. Nhưng tác giả đột ngột dựng nên những nốt nhấn với âm sắc cao trên cung đàn đã buộc người nghe phải dừng lại suy ngẫm:

mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

“Mùa xuân” là của đất trời, “mơ ước” là của con người còn đại từ “ấy” là của quê hương. Hai chữ “đầu tiên” tưởng chừng khô khan nhưng đặt trong ngữ cảnh này đã trở nên kỳ diệu và thiêng liêng. Vì đó là xuân của đợi chờ, không phải một năm hay hai mươi năm như ta thường nghĩ mà có thể là hơn cả trăm năm, kể từ ngày thực dân Pháp xâm lược (1958). Có lẽ vì thế mà tác giả nhắc lại đến ba lần và chọn làm nhan đề cho tác phẩm. Nhạc sĩ Văn Cao tâm sự: “Âm nhạc với tôi, tôi coi là lẽ sống, nhưng hai mươi năm không viết được gì. Bài Mùa xuân đầu tiên tôi viết vào lúc lòng quá xúc động trước một mùa xuân kỳ diệu nhất đối với dân tộc. Đó là khúc hoan ca mừng ngày Bắc Nam sum họp, cho người thân về với người thân... Với tâm trạng đó tôi viết bài hát này bằng một điệu thức âm hưởng valse nhẹ nhàng, thiết tha, tình cảm. Chính vì thế mà bản nhạc chưa được đón nhận vào thời điểm ấy. Mọi người đang reo ca, đang tưng bừng chào đón ngày mới về trên Tổ quốc, còn điệu valse xướng lên lúc ấy có vẻ... nhẹ nhàng quá!”

Giữa cái ồn ào, náo nhiệt của mùa xuân thị thành, Văn Cao đã đặt vào đó một âm điệu thướt tha làm lòng người lắng lại, rồi tan ra cùng không gian trữ tình của một làng quê thanh bình như bản chất vốn có của điệu nhạc này. Tác giả đã đưa ta về  đến với những hình ảnh đậm chất lãng mạn khiến người nghe ngỡ gặp lại thi sĩ Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ trong những ngày xưa ấy trong phong trào Thơ Mới:

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

một trưa nắng cho bao tâm hồn.

Điệu valse với nhịp 3/4 nhẹ nhàng, chậm rãi như hơi thở của mùa xuân và nhịp chân của người lính từ cuộc chiến trở về trong niềm hân hoan của ngày hội ngộ:

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên.

Từ láy “dặt dìu” chứ không phải “dập dìu” đã khắc họa sinh động hình ảnh của thực tại, tác giả không trực tiếp đề cập đến chiến tranh nhưng niềm sung sướng của những người mẹ nhìn thấy những đứa con đã khiến người nghe dâng trào cảm xúc.

Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh

Niềm vui phút giây như đang long lanh

Niềm vui hòa bình là thế đó! Giọt nước mắt kia là của người mẹ hay của Văn Cao? Những giọt long lanh kia là nước mắt hay âm thanh được cất lên từ trái tim chứa chan tình yêu nước của người chiến sĩ Cộng sản mang tâm hồn lãng mạn?

ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên

ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người.

Việc sử dụng điệp ngữ hay điệp cấu trúc cấu chẳng có gì lạ khi nó là ca từ trong bài hát nhưng sự khẳng định của Văn Cao trong đoạn nhạc này khiến ta phải suy ngẫm. Đất nước thống nhất những chuyến xe ra Bắc vào Nam đã bắt đầu chuyển bánh để người con kia lần đầu biết được quê hương của chính mình để rồi thương nhau và yêu nhau chứ không phải chĩa súng vào nhau.

Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.

Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu

với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.

Một hình ảnh của làng quê thanh bình lại tái hiện trong điệp khúc đầy lãng mạn. Vẫn “khói bay trên sông” nhưng chẳng một gợi chút buồn mà là một niềm vui “mênh mông” đang lan tỏa trên quê hương Việt Nam, trong tâm hồn Văn Cao. Vẻ đẹp ấy đã bừng dậy, lung linh giữa trưa nắng ấm chứ không “khuất bóng” “cho buồn lòng ai.” như Thôi Hiệu ngày nào.

Không sử dụng quá chất liệu hiện thực nhưng bức tranh mùa xuân của Văn Cao thực sự làm tâm hồn ta xao động. Hình ảnh gần gũi, bình dị như ruộng lúa, nương dâu của người dân quê, nhịp điệu trong ca khúc không còn là của âm nhạc mà là của cảm xúc được lắng lại theo thời gian khắc khoải đợi chờ “Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu”. Khi còn ở chiến khu Việt Bắc (1949) nghĩ đến một ngày “Tiến về Hà Nội”, Văn Cao chọn điệu fox với tiết tấu nhanh, rộn rã thì khi nhìn thấy lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập giữa Sài Gòn âm sắc nhẹ nhàng hơn. Chính sự từng trải, chiêm nghiệm mà ca khúc đã trở nên sâu lắng, hiền hòa mang đậm tính nhân văn. Một nhạc điệu sôi nổi, hào sảng của thời trai trẻ đã nhường chỗ cho điệu valse khoan thai với mái tóc bạc vì đã trải qua biết bao sóng gió của cuộc đời.

P.Đ.T

Bài viết khác cùng số

Những ngày cuối nămNhững đám mây thổ cẩmCôn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tàiNăm cũMùa xuân trên tầng ký ứcTập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Những vấn đề đang đặt raCó một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trướcMùa xuân khơi dậy khát vọng phát triểnMột thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương laiMỹ nhân ám ảnhMùa chim ri làm tổĐừng nói lời yêu chiều ba mươi TếtVàng Mai rực rỡThanh Mai Tầm XuânTản mạn bốn mùa nước MỹChuyện vui kể vào dịp TếtTôi yêu Đà NẵngEm về tắm biển Tiên SaChạm xuânĐó là cách mùa xuân chạm vào chúng taPhía xuân xaPhía xuân quê nhàMùi TếtĐã chínDự cảm GiêngTết nướcChuyển mùaNgẫu khúc cầu vàngLy cà phê quán nhỏChùm Haiku mùaCà phê chiềuDắt em về miền biểnMưa trên tượng người Việt cổThèm một vòng tayVô thườngKhúc tiễn ngày xuânTết quêTháng GiêngCuối TếtTếtNgày rất dàiPhiên chợ tình toàn đá núiGiả sửĐợi xuânĐi để trở vềGiao mùaThơ Nguyễn Nho Thùy DươngBến gióVó ngựa trót hoang emNghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gianChiều sông HànHồi ức Mã ChâuChào nhé mùa ĐôngNgày nắng vỡTruyền thuyết hoa Dã QuỳNgày giỗ nộiXuân muộnĐoản khúc cho một ngàyThầm thì bên suốiVaTự sựCon mèo trong văn hóa dân gian Việt NamNgày xuân đọc lại thơ Tết của Phan Bội ChâuLàng, Đình làng và Hội làng ngày xuânHình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhiNhớ “Mùa xuân đầu tiên”Ngày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn XuânLưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hànhVũ Hạnh một nhân cách văn học khó quênBiến thể - Khúc bi ca nhân thếVề chùm thơ hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh của Phan KhôiTiếng thơ Nguyễn Nho NhượnĐà Nẵng - Thành phố niềm tinHọa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụaChiều Đà NẵngCon mèoBốn mùa nhớ BácTuổi mười lăm