Nhịp cầu xanh Sơn Trà
Vĩnh Quyền. Ảnh của Phan Văn Phú
Thật bất ngờ khi một khảo sát cho biết, trong gần 1,2 triệu cư dân Đà Nẵng, số người chưa một lần lên Sơn Trà hóa ra chiếm số đông. Thậm chí, không ít người cho biết họ chưa thật sự ngắm nhìn ngọn núi xanh tươi tựa lưng vào phố và dầm chân xuống biển, có thể thấy rõ từ mọi góc độ trong thành phố. Trong khi đó, Sơn Trà là cái tên quen thuộc với các tổ chức kinh doanh du lịch quốc tế. Tháng 3 năm 2019, tôi gặp Jun, nhà báo người Mỹ gốc Nhật lần đầu đến Sơn Trà. Cùng săn ảnh voọc, chúng tôi bắt chuyện. Biết tôi sống tại Đà Nẵng, Jun nói ông thật hạnh phúc. Rồi anh hỏi tôi đã thăm đền Meiji (Minh Trị) ở Tokyo chưa. Tôi gật đầu, bảo hơn mười năm rồi, mùa thu 2008, và còn giữ khá nhiều ảnh về kiến trúc ngôi đền cùng những hoạt động nghệ thuật đậm sắc văn hóa Phù Tang, thích nhất màn biểu diễn nhạc trống ấn tượng của hàng trăm thanh thiếu niên trong lễ phục truyền thống Thần đạo. Ánh mắt Jun sáng lên, nói vậy là ông đã có dịp đi dạo trên những con đường lát đá cuội dưới tán rừng mang tên Meiji.
Sau đó, tôi thích thú với chuyện của Jun, về nơi tôi từng đến nhưng nghe như mới: Meiji băng hà năm 1916, người Nhật dựng đền thờ phụng vị thiên hoàng thực hiện thành công công cuộc canh tân vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản. Nói người Nhật chứ không riêng triều đình và hoàng gia bởi có hơn một trăm nghìn thanh niên tự nguyện đem các giống cây quý từ khắp mọi miền đất nước đến trồng quanh vị trí được chọn xây dựng đền dưới sự chỉ huy của kiến trúc sư trưởng Honda Seiroku, khởi đầu phong trào dâng cúng cây xanh trong dân chúng. Kết quả, hơn trăm năm qua, diện tích 70 hecta quanh ngôi đền đã trở thành khu rừng xanh nổi tiếng ngay giữa thủ đô Tokyo san sát nhà chọc trời. Giọng Jun xúc động khi hồi tưởng kỷ niệm gia đình: Thời niên thiếu trước khi du học, hàng năm vào dịp giỗ cụ cố, Jun đều theo gia đình viếng đền Meiji. Đến cây sồi đại thụ do cụ trồng năm 20 tuổi, cả nhà ngồi quây quần bên nhau dưới tán lá mát lành, nhắm rượu sa-kê, kể lịch sử của rừng, xen lẫn chuyện đời của người tham gia trồng rừng… Với vẻ chiêm nghiệm, Jun nói: “Tôi bắt đầu biết yêu rừng, quý từng cây rừng như vậy đó. Từ một khu rừng thiêng có nguồn gốc nhân tạo. Vì vậy, tôi muốn nói, người Đà Nẵng thật may mắn khi được tự nhiên ban tặng một ngọn núi lớn, một cánh rừng đẹp như Sơn Trà ngay trong lòng thành phố của họ”.
Sơn Trà cũng là danh sơn trong mắt giới nghiên cứu thiên nhiên quốc tế dù khiêm tốn với 693 mét cao so mực nước biển và 4.439 hecta diện tích. Tiến sĩ Benjamin Rawson, Giám đốc bảo tồn của Tổ chức WWF tại Việt Nam đã đúc kết giá trị Sơn Trà bằng một câu không thể ngắn hơn: Son Tra is a unique place in the world (Sơn Trà là một nơi độc đáo trên thế giới). Giá trị ấy tất nhiên là kết quả chuỗi giá trị địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn, tài nguyên động vật, thực vật… Nhưng góp phần chính tạo nét độc đáo cho Sơn Trà phải kể đến sự tồn tại của đàn Voọc chà vá chân nâu (Red-shanked Douc Langur). Loài thú này chỉ xuất hiện ở ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong đó, đàn trên dưới một nghìn cá thể sở hữu bộ cánh năm màu rực rỡ nhất thuộc về sinh cảnh Sơn Trà, có lẽ nhờ hưởng thụ vùng tiểu khí hậu rừng giáp biển. Vẻ đẹp của chúng ấn tượng đến mức các nhà động vật học tấn phong danh hiệu Queen of the Primates (Nữ hoàng linh trưởng). Và chúng trở thành đề tài quyến rũ đối với nhiều thế hệ nghiên cứu linh trưởng trên thế giới.
Cũng trong mây trắng thế này, cuối thu 2019 tôi gặp một thiếu nữ nước ngoài, tầm 25 tuổi ngược xuôi xe gắn máy trên những cung đường vắng tìm lũ Voọc chà vá chân nâu. Chúng tôi khẽ chào như thói quen người đi rừng khi lướt qua nhau mà không nhất thiết quen biết trước đó. Dáng nhỏ nhắn, gương mặt phương Tây pha nét e dè phương Đông nơi cô gái cho tôi cảm giác vừa thân thiện vừa kín đáo. Sự xuất hiện đơn độc và đều đặn mỗi ngày của cô giữa khu rừng khiến tôi quan tâm. Mấy lần định bắt chuyện tìm hiểu theo thói quen nghề báo nhưng lại thôi. Cũng là người thích được một mình trong rừng, hơn nữa tôi cảm nhận cô cần sự yên tĩnh cho công việc đang theo đuổi.
Rồi một buổi sáng cô không một mình như thường lệ mà với hai nhà nhiếp ảnh động vật hoang dã người nước ngoài. Điều không bình thường xảy ra khi hai vị khách chụp ảnh đàn voọc với sự hỗ trợ của đèn flash chuyên dụng. Tôi và vài người khác lần lượt nhắc nhở điều đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe chúng, nhất là voọc sơ sinh. Một người đáp rằng anh ta vẫn dùng flash chụp ảnh chim thú mà không thấy xảy ra vấn đề gì đáng tiếc với chúng. Câu trả lời quen quen. Bởi tôi đã gặp trên Internet hàng trăm quảng cáo các khóa dạy cũng như nhiều bài viết hướng dẫn sử dụng hiệu quả flash trong chụp ảnh động vật hoang dã. Xem lướt qua tôi nhận ra mẫu số chung: Thứ nhất, các “thầy” đều khẳng định chưa có ghi nhận flash gây hại sức khỏe của đối tượng được chụp ảnh. Thứ hai, phần kết luận đều thận trọng lưu ý hãy dừng ngay việc dùng flash nếu thấy xảy ra tác động xấu. Thực ra cái gọi là tác động xấu của flash không xảy ra ngay, trừ hiện tượng mù tạm thời. Theo Dennis Olivero tiến sĩ nhãn khoa thú y (veterinary ophthalmology) và cũng là nhà nhiếp ảnh động vật hoang dã nổi tiếng tại Mỹ, thì đối tượng bị flash bắn vào mắt lúc ban đêm có thể mù từ 5 đến 20 phút. Và trong thực tế, sau khi chụp ảnh, các tay máy rời khỏi hiện trường, không có quá trình theo dõi, nên không thể biết gì về hậu quả đã gây ra.
Như muốn tách khỏi bầu khí tranh cãi cố kìm nén căng thẳng của cánh đàn ông, cô gái đứng riêng một mình khá xa. Đôi mắt buồn và bất an của cô là hình ảnh tôi ghi nhận trước khi bỏ đi, tiếp tục hành trình của mình. Những ngày sau đấy, trên Facebook của những người yêu động vật hoang dã bùng nổ thông tin “vụ flash”. Có người không chứng kiến, chỉ đọc tin xem ảnh, cũng tham gia bình luận gay gắt “nhóm ba người nước ngoài”, và kèm bản dịch tiếng Anh. Họ đã gom cô gái vào chuyện. Thật bất ngờ khi thư hồi đáp bằng tiếng Anh của cô xuất hiện ở mục bình luận, với tiêu đề “Chào mọi người”. Thư cho biết cô đến Sơn Trà để nghiên cứu khoa học, ở đó cô tình cờ và lần đầu gặp hai nhà nhiếp ảnh nói trên. Những ngày qua cô vào rừng cùng họ vì một trong hai người đến từ Ý, đồng hương với cô. Và cô muốn giúp họ vì cô đã làm quen với Sơn Trà hơn hai tháng nay. Cô không ủng hộ việc họ dùng flash chụp ảnh voọc, nhưng cũng không chịu được cách phản ứng vô cớ nhằm cả vào cô. Vì vậy, “rồi đây mọi người sẽ không còn thấy tôi ở Sơn Trà nữa”. Ký tên Veronica Pini.
Lời tuyên bố pha giọng hờn dỗi trẻ con của cô khiến mọi người xúc động, thương mến. Tới tấp những lời giải thích, động viên cô tiếp tục dự án nghiên cứu. Như hai bà mẹ, nhà báo Đặng Thu Thủy và nhà thơ Nguyễn Vô Biên vào rừng đón cô, an ủi cô bằng món xôi và cà phê. Gặp nhau sau sự cố, chúng tôi không chỉ khẽ chào mà dành thời gian trò chuyện. Veronica cho biết cô sinh năm1993 ở Parma, thành phố phía bắc nước Ý, đang theo học ngành Evolution of Animal and Human Behaviour (Sự tiến hóa hành vi của động vật và người) tại Đại học Turin. Cô nói, “Khóa học thạc sĩ đòi hỏi sinh viên nghiên cứu thực địa bốn tháng, cháu muốn đến một nơi thật xa, hoàn toàn khác lạ với quê nhà, mà chưa biết chọn đâu. Rồi tình cờ được xem tấm ảnh Voọc chà vá chân nâu chụp ở Khu bảo tồn Sơn Trà, sinh vật này lập tức khiến cháu không ngừng ao ước được ngắm tận mắt và nghiên cứu chúng. Phải sau một năm làm việc tại quán rượu cocktail cháu mới dành dụm đủ tiền cho chuyến đi này”. Veronica ghi âm và quay phim tất cả các hành động của voọc. Cô khảo sát hành vi xã hội và các tương tác nội bộ của voọc, trong đó có phát âm, là phương tiện giao tiếp quan trọng. “Nếu hiểu cách các loài linh trưởng giao tiếp qua giọng nói, chúng ta có thể biết thêm điều gì đó về nguồn gốc ngôn ngữ loài người. Đồng thời, một khi có hiểu biết nhiều hơn về ngôn ngữ, hành vi của voọc chúng ta sẽ làm tốt hơn việc bảo tồn chúng, một trong những loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng”, Veronica nói.
Ngay trước mắt tôi, chỉ phút chốc sau khi chia tay, mây mù đã xóa trắng bóng hình Veronica với chiếc xe gắn máy thuê dài hạn mà tôi bắt đầu quen tai tiếng nổ lụp bụp của nó. “Ngay lúc này cháu đã nghĩ tới ngày trở lại Sơn Trà”, lời tạm biệt ngậm ngùi của cô gái Ý khiến tôi nhớ một phụ nữ Mỹ chưa gặp, chỉ giao tiếp qua Facebook, cũng là người viết lời tựa cho tập bút ký song ngữ của tôi: Sơn Trà, rừng trong phố biển - Son Tra / Forest in the Coastal City, xuất bản 2019.
Năm 1974 Lois K. Lippold đến thực địa Sơn Trà làm luận án tiến sĩ linh trưởng học. Sau 1975, với nỗi nhớ đàn voọc, bà nhiều lần xin phép trở lại Sơn Trà tiếp tục nghiên cứu khoa học, nhưng lần nào cũng gặp sự im lặng. Mãi hơn 15 năm sau, 1991, Lois bất ngờ nhận được thư của Chính phủ Việt Nam, mời bà tham gia dự án khảo sát loài Voọc chà vá chân nâu. Ngay ở Đà Nẵng cũng chẳng mấy ai biết từ năm 2007 đến nay, đều đặn mỗi ngày hai nhân viên hợp đồng (người Việt) của tiến sĩ Lois xuyên rừng Sơn Trà quan sát, ghi chép về tình hình biến động của đàn voọc để có phương án bảo vệ kịp thời và lâu dài. 2007 cũng là năm bà lập Douc Langur Foundation (Quỹ Bảo tồn Voọc) tại Mỹ, và nhà linh trưởng học Vũ Ngọc Thành (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận làm Giám đốc Quỹ này tại Việt Nam. “Góp phần giữ gìn sinh cảnh tự nhiên của đàn voọc Sơn Trà, nơi chúng đã tồn tại hàng nghìn năm, để đảm bảo các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục sống còn tại đây là mục đích hoạt động của Douc Langur Foundation”, Lois K. Lippold đã viết trong bài Conserving Son Tra’s Treasures (Bảo tồn báu vật của Sơn Trà).
Nhớ thời gian đầu vào rừng ngắm và chụp ảnh Voọc chà vá chân nâu, tôi cũng như số đông người cùng sở thích, trong đó có người thâm niên trên mười năm, chỉ hiểu biết về loài thú này qua quan sát của cá nhân. Thậm chí chúng tôi gọi và viết không đúng tên của chúng: “Voọc chà vá chân nâu”. Hóa ra thừa một chữ. Theo các nhà linh trưởng học Việt Nam, trong ngôn ngữ địa phương chà chính là voọc. Vì vậy, tôi không muốn tiếp tục vào rừng như một kẻ vô minh. Các luận án và bài báo khoa học của giới nghiên cứu linh trưởng quốc tế công bố trên Internet trở thành “gia sư” của tôi. Đầu tiên, tôi được khai ngộ rằng tôi - con người không đứng ngoài, đứng trên bộ linh trưởng mà thuộc bộ linh trưởng cùng với khỉ, vượn, voọc và nhiều loài phát triển vượt trội khác vì sở hữu bộ não lớn, bảng màu sắc của thị giác rộng, tầm nhìn tốt, đôi vai hoàn chỉnh và bàn tay khéo léo… Cũng như trước đây, một cách tự nhiên, tôi thấm nhuần học thuyết nhân loại trung tâm Anthropocentrism, xem con người là thực thể quan trọng nhất trong vũ trụ. Do đó, tôi đã mắc lỗi khi viết những bài báo về môi trường, chẳng hạn: mối bất hòa giữa con người và thế giới tự nhiên ngày càng sâu sắc. Đến khi tiếp xúc học thuyết sinh thái trung tâm, tôi được nhắc nhở rằng con người là một phần của thế giới tự nhiên và tôi thích cách diễn đạt của tiến sĩ Sylvia Earle, nhân vật được Tạp chí Time vinh danh Anh hùng hành tinh: The rest of the living world can get along without us, but we can’t get along without (Phần còn lại của thế giới tự nhiên có thể tồn tại mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại mà thiếu phần còn lại của thế giới tự nhiên).
Sơn Trà – Rừng trong phố biển. Ảnh của Vĩnh Quyền
Vừa đọc các công trình khoa học vừa kiểm chứng thực tế tại sinh cảnh, tôi như nhìn thấy sự tổ chức xã hội của đàn voọc đang sinh hoạt trên tán cây trước mắt. Voọc chà vá chân nâu sống theo đàn, từ một tiểu gia đình một chồng một vợ vài đứa con đến một đại gia đình một chồng nhiều vợ có thể trên 20 thành viên. Cũng có đàn kết hợp vài gia đình liên hệ huyết thống. Mỗi đàn có lãnh địa riêng, không xâm phạm lẫn nhau, và có đầu đàn là con đực hùng mạnh nhất, luôn xuất hiện ở vị trí cao dễ quan sát chung quanh để bảo vệ đàn. Chỉ cần gặp và quan sát voọc một lần, mọi người sẽ nhận ra đặc điểm voọc ăn liên tục, và có thể xem chúng là loài ăn tạp. Nhưng các nhà linh trưởng học không nghĩ vậy. Họ cho biết chỉ 150 trong số hơn 1000 loài cây ở Sơn Trà được chúng chọn làm thức ăn, yêu thích nhất là chò đen, bằng lăng, bìm bìm, bứa, sung, trung quân… Với tỉ lệ: lá (87.8%), trái cây- hạt (10.2%), hoa (1.6%) và vỏ cây (0.4%). Thực đơn như vậy không cung cấp đủ dinh dưỡng nên Voọc chà vá chân nâu phải ăn nhiều lần trong ngày.
Như đã nói, chính cú nhảy ngoạn mục của voọc từ cây này sang cây khác, mà tôi gọi “vũ điệu trên không”, đánh thức sở thích chụp ảnh động vật hoang dã của tôi. Để rồi các “gia sư” cho tôi biết thêm những điều thú vị: Nhảy chuyền cây không chỉ là động tác di chuyển hàng ngày mà còn là cách thể hiện sức mạnh và tài nghệ của voọc, nhất là gã đầu đàn với những cú nhảy xa tới 20 feet, tương đương 6 mét. Và còn là nghi thức để một voọc con kết thúc thời thơ ấu bu bám mẹ. Trước sự chứng kiến của gia đình, đôi khi cả láng giềng, voọc con thể hiện cú nhảy thử thách đầu đời, xa chừng ba mét. Thương nhất ông bố bồn chồn, căng thẳng trong tư thế sẵn sàng “bay” đón con giữa không trung trong trường hợp nó gặp hiểm nghèo. Thương cả cảnh đàn voọc reo mừng hả hê khi cú nhảy hoàn hảo, chứng minh voọc con từ đây có thể một mình chinh phục không gian rừng, sẵn sàng cho cuộc sống tự lập.
Từ dạo ấy, ảnh hoang dã của tôi nhằm ghi lại những khoảnh khắc về thế giới tự nhiên, đặt chúng bên nhau theo một cách nào đó, tôi có những câu chuyện không nghĩ ra trước đấy. Với nhà văn, tất nhiên ảnh đi cùng chữ, nhưng không phải là ảnh minh họa. Bất ngờ nhìn lại “gia tài rừng” sau mấy năm chắt chiu: Chuyện buồn lo nhiều hơn vui thú. Cứ nghĩ tuổi cao không phải giang hồ làm báo nữa, máy ảnh trên tay chỉ để đó đây sông núi ngao du. Rồi dần nhận ra “chạy trời không khỏi nắng”, tính thời sự vẫn ám đâu đó trên đường vào rừng chụp ảnh, và cả trong ảnh. Tôi khinh thấy chung quanh có cả đội quân nhìn chim trời như nhìn miếng thịt tươi ngon biết bay. Tôi giận thấy cái ác thô sơ từ bẫy kẹp, bẫy dây cài đặt dưới đất; bẫy lồng, bẫy lưới giăng mắc trên cây đến cái ác được mang tên “dự án phát triển”. Tôi buồn dân mình cạn nghĩ suy, không thấy cái chết của vạn chim trời trong mỗi kỳ thực hành lễ “phóng sinh” nhân danh lòng từ bi. Tôi gặp những nhà khoa học cảnh báo số loài và số động vật hoang dã tại Việt Nam mỗi năm mỗi giảm, danh mục Sách đỏ mỗi năm mỗi dài thêm. Câu chuyện mất “sinh cảnh” không riêng dành cho chim muông mà cả con người nữa. Như lần theo dấu chim tôi lạc vào xóm hoang ven sông Cổ Cò, vùng quy hoạch chuẩn bị xây dựng khu đô thị mới, gặp người nông dân âm thầm trở lại thăm vườn cũ, nơi sen vẫn nở trong ao đã cạn, lúa vẫn mọc chen cỏ lau, chim vẫn quen đường bay về tổ. Nhác thấy bóng tôi, người đàn ông vội quay lưng giấu khóe mắt vẫn rưng rưng. Chụp tấm ảnh chim trời mà lòng tôi nơi mặt đất ngày dâu bể. Và tôi thấy mình đêm đêm ngồi vào bàn viết báo, viết tiểu thuyết sinh thái.
Facebook cũng trở thành phương tiện tuyệt vời kết nối Sơn Trà với thế giới. Liên tục nhiều năm, Lydie Vander Beeken người Bỉ, nhà sáng lập tổ chức Heart for Primates (Yêu thương linh trưởng), theo dõi thông tin đàn Voọc chà vá chân nâu Sơn Trà qua tin ảnh của gần 20 tay máy động vật hoang dã chuyên nghiệp và amateur tại Đà Nẵng. Cô cũng viết bài giới thiệu sách của tôi: A Book That Brings Son Tra Wildlife to Your Living Room (Cuốn sách mang hoang dã Sơn Trà vào phòng khách của bạn). Vì vậy, thật dễ hiểu khi Sơn Trà là một trong những điểm đến của chuyến xuất ngoại đầu tiên của Lydie sau hai năm đại dịch Covid-19. Rất tiếc chúng tôi đã không thể gặp nhau trên đỉnh Sơn Trà, như đã hẹn.
Mỗi lần cưỡi mô tô “nước kiệu” thong dong dưới tán rừng Sơn Trà tôi đều ngước nhìn khi lướt qua những chiếc cầu bắc ngang con đường. Chúng luôn làm tôi rung động và ấm lòng. Tôi sẽ dừng lại từ xa, tắt máy xe, nếu phát hiện có voọc hay các loài thú rừng khác đang hoặc sắp qua cầu, tránh gây nỗi hoảng sợ cho chúng. Trong nhiều năm, tôi thấy rất tự nhiên khi nghe mọi người gọi “cầu dây”, và tôi mặc nhiên dùng cách gọi ấy trong bài viết của mình. Để sau đó thấy có lỗi với bạn đọc, với người khai sinh hệ thống cầu tán cây xanh - canopy bridges đan nặng nghĩa tình con người dành cho loài voọc, thậm chí hàm ẩn lời xin lỗi của con người đối với phần còn lại của thế giới tự nhiên. Nhất là khi biết sản phẩm tâm hồn ấy được khơi dẫn từ một người tưởng như vô can mọi lẽ, một phụ nữ Đức ở cách Sơn Trà gần mười nghìn cây số đường hàng không - tiến sĩ Ulrike Streicher.
Du lịch phát triển, đường nhựa và bê tông nối dài, mở rộng, đan cài trong rừng Sơn Trà, ngăn cắt sinh cảnh của đàn voọc, khiến chúng phải mạo hiểm băng qua đường. Thỉnh thoảng lại có tin xảy ra tai nạn giao thông, thường là do xe máy tốc độ cao, người và thú đều gặp hiểm nghèo. Rồi một ngày tháng Hai năm 2008 người ta thấy một phụ nữ châu Âu dung dị xuất hiện trước cổng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng với chiếc cặp da trên tay. Tiến sĩ Ulrike Streicher muốn tặng bộ hồ sơ thiết kế hệ thống cầu tán cây xanh cho Sơn Trà, góp phần làm giảm thiểu tai nạn không đáng có đối với đàn Voọc chà vá chân nâu, loài thú nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN). Hồ sơ được tiếp nhận và sau đó là sự im lặng. Với tình yêu thế giới hoang dã và tính kiên trì của một nhà khoa học, Ulrike Streicher đã vài lần trở lại Đà Nẵng, tiếp tục thuyết phục thành phố xúc tiến đề án. Gần ba năm sau, ngày 15.12.2010 thành phố Đà Nẵng ra quyết định thực hiện ý tưởng và đề xuất của tiến sĩ Ulrike Streicher về kiến tạo kết nối thân thiện giữa những khu sinh cảnh của Voọc chà vá chân nâu và các loài linh trưởng khác ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã bị chia cắt. Rồi lại tiếp tục chờ. Hơn hai năm sau nữa, đầu năm 2013, Ulrike Streicher mới nhận được tin vui khởi công. 13 cầu tán cây xanh được dựng lên bằng cách trồng hai cây tán rộng đã phát triển đối diện hai vệ đường ở những điểm voọc thường qua lại. Tán cây “bắc cầu” tự nhiên trên không, cao tối thiểu năm mét để không ảnh hưởng giao thông. Những vị trí có mặt đường rộng, cây không thể khép tán, sẽ được hỗ trợ bằng dây. Có lẽ cái tên “cầu dây” dân dã xuất hiện từ yếu tố phụ này. Theo thời gian, tôi dần nghiệm ra bản thân cánh rừng Sơn Trà và đàn voọc năm màu của nó cũng là nhịp cầu xanh dài rộng đến bất ngờ, được tạo nên bởi giá trị và vẻ đẹp riêng có.
Chính nhịp cầu Sơn Trà đã xe duyên hai nhà khoa học đáng yêu. Sau Lois K. Lippold 34 năm, anh Larry Ulibarri, cũng người Mỹ, đến thực địa Sơn Trà nhiều đợt để viết luận án tiến sĩ The Socioecology of Red- shanked Doucs in Son Tra Nature Reserve, Vietnam (Xã hội học Voọc chà vá chân nâu ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Việt Nam). Tại đây anh gặp Ulrike Streicher, và họ tổ chức đám cưới vào năm 2009. Tôi cũng nhận ra tư tưởng, việc làm của Lois Lippold, Ulrike Streicher là ví dụ sinh động cho tầm nhìn toàn cầu: Mỗi con thú hoang dã trên trái đất là tài sản chung của nhân loại, không phụ thuộc vào phân chia địa lý hành chính, và cả nhân loại có trách nhiệm chăm sóc thứ tài sản mong manh không có tiếng nói tự bảo vệ ấy trước những cơn lốc phát triển kinh tế bất chấp nguy cơ phá vỡ tính cân bằng hệ sinh thái đã được cấu thành qua nghìn triệu năm.
Và tôi thấy mình biết ơn những nhịp cầu xanh nhân văn như thế ở Sơn Trà.
V.Q