Trầm tư của một người yêu thơ

12.01.2024
Hoàng Hương Việt

Trầm tư của một người yêu thơ

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm

Mỗi người có một, hoặc đôi người để nhớ, mường tượng, để yêu đến si tình. Người ấy là người thơ. Trường hợp của tôi, yêu người làm thơ, say mê đọc thơ đủ kiểu từ rất lâu. Nhưng không dễ tính. Đọc kén chọn. Bởi trong “rừng” người làm thơ ở xứ Quảng mình, sinh nở cả “rừng” tập thơ, bài thơ, câu thơ bất tận, nó cứ trôi tuột, dập dình, lênh đênh, chết yểu! Có khi tôi cố đọc mà không nhớ, không hiểu nỗi đến một chữ của họ viết ra. Thế giới ngôn ngữ ở nhân gian thì giàu có và đẹp đến nao lòng. Nhưng khi vào thơ của họ thì ép uổng, ỏng ẹo, thô lỗ, bí hiểm đến kỳ quặc. Như Chế Lan Viên nói đâu đó: “Thơ bây giờ nhiều, nhưng tác phẩm không có!”. Trừ những nhà thơ tên tuổi.

Thơ ca nó khắc nghiệt đến vậy! Mặc dù “Thơ ca là tình yêu và vầng dương của cuộc sống” (Belinxki), “Thơ ca gợi dậy cho ta rất nhiều khát vọng” (Kalinin). Đó là cái cao quý, sang trọng của thơ.

Chỉ có một chữ cảm, chữ đọng - xúc cảm, rung động, đọng lại ở người làm thơ và người đọc thơ đồng điệu, đắm đuối, quấn quýt với nhau, như con sóng với bãi bờ, như trăng với sao, như hoa với bướm, như trai gái giao tình, thì sự thấu hiểu không tên mà xô đẩy, đồng vọng với nhau không cùng.

Cuối cùng ở cái đất “chưa mưa đà thấm” này, tôi đã say một đôi người. Chỉ riêng tôi thôi nhé. Tôi đi tìm và gặp họ dễ chừng năm mươi năm qua. Họ không biết đâu. Tôi đơn phương, lặng lẽ, âm thầm, không bày tỏ, ton hót, sum suê, và chưa viết về họ dù một câu. Tôi theo dấu họ, tự reo vui, mừng thầm, vì thấy họ cứ lớn dần theo ngày tháng, cùng với quê kiểng còn nhiều nhọc nhằn, trong tâm hồn họ còn nhiều khổ lụy, con người còn nhiều nước mắt... Nhưng những chữ thơ, dòng thơ của họ lại vượt thoát, rung cảm để đến với cái đẹp vĩnh hằng, tinh khôi nhất, đáng yêu nhất, đáng sống nhất, thuận với lẽ đời, lòng người và tấm lòng trinh bạch của họ.

Họ chẳng giống ai. Một đường bay. Một cõi.

Nguyễn Nho Khiêm - Khói tỏa về trời, Bên ngoài cánh đồng, Nắng trên đồi, Bên cửa sổ, Biến thể, Tiếng chim xanh biếc.

Nguyễn Nhã Tiên - Giọt thơ, Cõi về, Khúc hồi âm của lá, Những thanh âm bên bờ sông lấp.

Nguyễn Kim Huy - Thơ từ yên lặng, Nỗi lan tỏa của ngày, Kéo co với mùa xuân.

Nguyễn Ngọc Hạnh - Khi xa mặt đất, Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh, Phơi cơn mưa lên chiều, Nắng dậy thì.

Các nhà phê bình, lý luận văn học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, bạn bè trong và ngoài nước đã viết về họ khá nhiều, dưới nhiều góc cạnh, lời vàng ý ngọc về những tập thơ, bài thơ, câu thơ, có khi rất dài dòng, lộng ngôn, nhiệt huyết.

Tôi không làm vậy. Không trích dẫn một câu thơ, bài thơ nào của họ. Vì thơ đã nằm trong lòng họ. Họ rút ruột viết ra. Tôi cũng rút ruột bày tỏ sự ngưỡng mộ tột cùng của mình, bằng tiếng nói sâu thẳm nhất, thật cô đọng, quánh lại trong trí tưởng riêng tôi. Mà rằng...

NGUYỄN NHO KHIÊM

Siêu lý của một bản ngã thơ

Tưởng chừng như Nguyễn Nho Khiêm bị mắc kẹt giữa thời gian và không gian của thế giới tự nhiên và tha nhân nhiều oan khuất, đa đoan, u ẩn, để có thơ buồn, thơ vui bất chợt, để rong chơi, lang thang nhà trời, cánh đồng, ở trên đồi, bên cửa sổ, có tiếng chim mộng du, lãng tử như một du mục, một hiện hữu khác...

Đừng tin Nguyễn Nho Khiêm. Hãy đọc thơ anh ta. Thơ lặng sâu và đằm với ngôn ngữ vừa quen vừa lạ. Thơ ray rức, dằn xé, rồi bình thản giữa hai bờ, đôi cánh hư và thực. Thơ reo vui như một lời chúc tụng, gửi gắm mà nặng trĩu ưu tư, có khi vỡ òa như sóng.

Tiếp cận với thơ Nguyễn Nho Khiêm thật thú vị - vì gần như thế gian này với bao hình hài, sắc màu, âm thanh, ánh sáng, tới đời thường, ký ức quá vãng đều trong lăng kính thấu cảm, được bày tỏ, gửi gắm vào thơ đến dịu nhẹ, lắng lòng. Chuyện làm thơ của Nguyễn Nho Khiêm không là cái nghiệp, mà còn là nghề. Đã là nghề, thì biết bao trăn trở, nhào nặn “luyện đan” mới có sản phẩm, tác phẩm đẹp, hoàn mỹ. Nguyễn Nho Khiêm chinh phục tôi bằng sự chuyên nghiệp không phải trời cho, mà chính độ tâm hồn, trí tuệ tự chín trong anh.

Bỗng dưng tôi có ý nghĩ, như chạy tới nắm bắt, vồ vập một hồn thơ và tiếng thơ đầy bản ngã.

Hốt nhiên, tôi gọi đó là siêu lý của thơ. Hay lý lẽ của Nguyễn Nho Khiêm bao giờ cũng mang tính siêu lý - tức, cái tận cùng, cái đỉnh của một hồn thơ điềm tĩnh, mà dày dạn, có sức vươn tới, đi dài...

NGUYỄN NHÃ TIÊN

Trên đà lao của ý thức sáng tạo

Nguyễn Nhã Tiên vẫn nhịp đập ấy. Vẫn thâm trầm. Cái thâm trầm đa cảm mang chất cổ phong. Không dễ gì giữa con sóng siêu thực, cách tân, hiện đại, hậu hiện đại, với sự nhào lộn, trườn lên của một thế hệ thơ mới vẫn còn vướng vất chất ông đồ. Nhưng Nguyễn Nhã Tiên rất lạ. Không xao động, với theo một trường phái. Anh ta có tất cả, nhưng lại rất riêng một cách ma mị, ánh lên chất trí tuệ hào hoa, thoáng hiện một thiên nhiên trữ tình, đắm đuối, một ngọn nguồn suối sông chất chứa.

Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên

Những gì đã vào thơ Nguyễn Nhã Tiên đều chín nẩu, đằm sâu cả trong cung bậc, âm điệu, lẫn ngôn từ. Thơ không gào thét hay yếu mềm, đuổi bắt hư ảnh nhạt nhòa, mà thả bay sự đồng cảm, chia sẻ những hoài niệm như ru hồn, xao xác trái tim mình, tới sự vô cùng của thế giới nội tâm, bằng đức tin xác tín.

Vì thế, các hình thức, thể loại thơ của Nguyễn Nhã Tiên đầy ắp bản thể soi chiếu, sự thấu cảm những thanh âm, hồi âm trong từng giọt thơ, từ một cõi về nào đó làm ray rức, bồi hồi đến xé lòng người đọc. Tôi yêu thơ năm chữ (ngũ ngôn) hơn. Nhất là yêu từng câu kết của những bài thơ thật lạ lùng. Cái kết của thơ, nó khó còn hơn mò kim đáy biển, nhưng Nguyễn Nhã Tiên đã đạt tới sự toàn bích, khó tìm thấy ở một số nhà thơ. Đó là linh cảm của tài hoa.

Không ăn nằm với ký ức, không nhận diện cuộc sống đa chiều, không cảm thức bến bờ chữ nghĩa là vô tận, và không trang trải nỗi niềm suy tư, rung động, tinh nhạy bằng thơ từ Nguyễn Nhã Tiên, thì không có Nguyễn Nhã Tiên.

Tôi tin, Nguyễn Nhã tiên trên đà lao của ý thức sáng tạo thi ca là có thật.

NGUYỄN KIM HUY

Sự buông lơi, co kéo mệt nhoài

Dù có yên lặng. Rồi lan tỏa của ngày trong ánh triều dương vũ trụ, Nguyễn Kim Huy đang ra sức co kéo với mùa xuân. Không đâu. Anh ta đã và đang co kéo, không những bốn mùa, mà cả quãng đời thanh xuân với bao oan nghiệt, hờn ghen luôn ám ảnh, đã hiện diện trong từng trang thơ như giải bày của Nguyễn Kim Huy, muốn gửi đến vô tận, vô biên, cùng ngày tháng và con người không giới hạn.

Nhà thơ Nguyễn Kim Huy

Thơ Nguyễn Kim Huy không buồn mà u ẩn đến kỳ lạ. Kỳ lạ, từ dáng đi chậm rãi, nhiều khi như không nhìn ai, mà nhìn mình. Tiếng cười cũng trẻ thơ mà trể nải. Đến cái bắt tay, nhiều khi cũng lơ đểnh. Nhưng thơ, thì nở cháy, vồ vập, hối hả như muốn lan tỏa mỗi ngày. Ngày nào cũng lung linh, sáng rỡ và đẹp chăng? Không hẳn. Hay là sự yên lặng đến vô cùng, không lằn ranh, làm cho tâm hồn người thơ phải quẫy đạp, bứt ra cái thế giới mà Nguyễn Kim Huy đã và đang đi tìm - thế giới của người hiền, của nhân ái và tình yêu vơi đầy. Nhiều khi nó “siêu hình” ngoài mong ước và khát vọng của chính nhà thơ.

Viết về thơ Nguyễn Kim Huy thật là khó. Tôi lẫn quẫn với thư “triết lý tồi”, tự đặt cho mình, để bất quá, tìm đến ngóc ngách của thơ cho ra lẽ. Càng về sau, thơ Nguyễn Kim Huy, không niêm luật, nó phóng khoáng, chất chứa những câu chữ nặng trĩu chữ tâm, càng làm cho tôi vừa yêu mến anh, vừa như không yêu anh. Lạ đời vậy!

Tôi đã nói hết rồi đó. Cái già dặn, cái trẻ thơ, lẫn cái ngơ ngác của thơ Nguyễn Kim Huy, đã có chỗ đứng, ít ra là trong lòng tôi. Tôi cảm anh qua mấy tên bìa tập thơ, mà hình dung Nguyễn Kim Huy, vẫn mải miết co kéo mệt nhoài cho một đời thơ hành trình không mỏi.

NGUYỄN NGỌC HẠNH

Điệu ru hôn phối của tiềm thức

Không như một bài thánh ca dịu dặt nơi giáo đường, mà một bài tình ca bồi hồi của con đường tình không hết. Chỉ đọc thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh ở đâu đó, cũng đủ thả lòng yêu, tình yêu trai gái, yêu cuộc sống, yêu con người, yêu quê kiểng. Dù chỉ là cơn mưa bất chợt nhẹ tênh. Một chút nắng muộn màng chiều. Một cánh đồng yên ngủ trong xanh. Một dòng sông mênh mang, thao thiết trăm năm. Đến một góc phố thị hào hoa đong đầy ký ức, hoài niệm của một thời, và một đời làm thơ đã ngấm vào hồn thơ Nguyễn Ngọc Hạnh tràn đầy thi tứ hào sảng, nhẹ nhàng, quyến rũ, ngọt như ca dao.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Tôi đọc thơ Nguyễn Ngọc Hạnh có khi thảng thốt, mơ hồ. Nguyễn Ngọc Hạnh sống với quê nhà ngày tháng cũ, hay với phố xá tưng bừng hiện hữu, hay xuôi ngược khắp các nẻo đường?

Nhưng từ phía tôi, phát hiện một Nguyễn Ngọc Hạnh, vì một đời lụy với câu thơ, dù không gian, thời gian có rộng dài, biến động của xã hội, cuộc đời còn nỗi đau trần thế, tình yêu còn có lúc vơi đầy, cỏ cây, hoa trái còn đắng đót theo mùa, thì ở đâu, đi đâu, trong tiềm thức Nguyễn Ngọc Hạnh gần như mặc định một sự hôn phối kỳ diệu giữa chiều kích thời gian với trầm tích bám rễ, nằm lòng trong trái tim đa cảm của Nguyễn Ngọc Hạnh, tái tạo nên một điệu tâm hồn, một hình hài câu thơ, bài thơ làm xiêu lòng người đọc.

Phát hiện tính cách nào đó của thơ không phải một sớm, một chiều mà có. Nhưng linh cảm trong tôi có sự tĩnh thức, mà rằng - phong cách thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là nét trữ tình đắm đuối, xuyên thấu. Một phong cách Nguyễn Ngọc Hạnh khó gọi tên.

Trong cái thế giới không gian và thời gian rộng lớn vốn không dành cho một ai. Thơ cũng không phải riêng cho ai trong thế giới muôn màu, muôn vẻ ấy. Họ sinh ra từ quê, họ cũng nông dân, cũng học trò ngây thơ, tinh nghịch, họ sống với phố, họ cũng yêu vài ba mối tình mơ mộng, khổ đau. Họ cũng lang thang, xê dịch mọi miền. Họ có làm thầy giáo, làm văn hóa, văn nghệ, làm báo, làm lãnh đạo và làm thơ. Có thể bất chợt thôi. Thơ họ không phải “tuyệt thế giai nhân”, như “Nàng Bạch Tuyết với bảy chú lùn” trong cổ tích. Bởi thơ họ cũng có cái hay, cái dở, cái được, cái không được. Họ có vô số bạn bè đồng môn làm thơ. Các bạn ấy cũng vậy.

Nhưng mà tôi yêu thơ. Tôi tìm thấy ở họ chất luyến tính đồng đạo kỳ lạ, tràn ngập trong tôi nỗi trầm tư của một người đọc và yêu thơ, không cất thành tiếng mà thành lời trong yên lặng dành cho họ.

Vì họ đã là nhà thơ. Phải là nhà thơ thiên chức.

H.H.V

Bài viết khác cùng số

TếtCampuchia - đi và thấyThành phố phía Tây BắcMỹ Khê mùa xuânTiếng chim hót bên triền núi xanhCon tằm bận nhả tơĐừng đợi đến ngày 30 TếtXuân về trên núiNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcNắng tháng GiêngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmMột nhành xuânNắng xuânMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngTiếng xuânChiều xuânLy rượu chiều cuối nămĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuĐêm nghiêngMột nửa tôiCành xuân biếcVề bên tháng GiêngLúc lòng Nguyên ĐánXuân hạnh phúcXuânĐóa hoa xuânTa là cây cúc nhỏThơ Trần Trúc TâmĐi giữa sương đêmTản khúc ngày cuối đôngMùa lạCánh mỏng chao nghiêngThời gianÁo carô*Cánh đồng thiếu nữMưaChùm Haiku mùaVê qua trảng vắngBên ướt mẹ nằmGiọng quêThì thầm với cỏNgọn gió quẫy chân mùaCuối năm lại nhớ rừngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcChiều mưa biển Mỹ KhêThơ Nguyễn Đông NhậtVĩnh cửuHồn người xưaThơ ngắnGhé thăm bạn cũMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngMúa trong văn hóa du lịchẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơVõ Rồng ở nước ViệtĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Người dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Tranh vuiẢnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Xuân Giáp thìn 2024Bóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em