Hình tượng con rồng trong văn hóa Việt
Tranh chuột rước rồng - tranh dân gian Đông Hồ
Rồng còn được gọi với cái tên khác là long. Hình ảnh loài rồng luôn biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường. Trong 12 con giáp của Việt Nam, chỉ có rồng là con vật tưởng tượng. Tuy là con vật không có thật nhưng lại hiện diện trong đời sống tinh thần của người dân rất phong phú và mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Trong chu kỳ lịch pháp của người Việt, con rồng được giao quản năm Thìn, tháng 3 và từ 7-9 giờ của buổi bình minh. Cây cối xanh tươi, khí trời mát mẻ, dương khí cực thịnh, vạn vật sáng tươi.
Người Việt quan niệm rằng rồng là linh vật mang biểu tượng của Thiên tử, mỗi khi xuất hiện là có điềm lành hoặc minh chúa ra đời để mang thái bình thịnh trị cho thiên hạ. Hẳn người Việt Nam nào cũng biết về truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên giải thích nguồn gốc người Việt. Truyền thuyết kể: Lộc Tục, con vua Đế Minh, lên ngôi vua và lấy hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua xưng hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, đẻ ra một cái bọc chứa một trăm quả trứng, nở ra một trăm người con. Ngày kia, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: Ta là dòng dõi Long Quân, tức là Vua Rồng. Còn nàng là dòng dõi thần tiên. Cả hai ăn ở lâu với nhau e rằng không ổn. Nay được một trăm đứa con, nàng hãy đưa năm mươi con lên núi, còn ta sẽ dẫn năm mươi con xuống biển. Từ truyền thuyết này mà người Việt Nam tự hào có “long phụ tiên mẫu”.
Người Mường và người Thái là hai tộc người có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt, trong đó người Mường có nguồn gốc chung với người Việt, tách ra muộn trong lịch sử, người Thái có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt trong vùng nam Đông Á, tới thời nhà Đường về sau bắt đầu di cư về các vùng phía Nam. Các tộc người này hiện vẫn giữ những truyền thuyết có sự tương đồng với truyền thuyết họ Hồng Bàng của người Việt, cũng với ý thức về Tiên - Rồng hay hai nhân vật đối lập làm nên nguồn gốc của dân tộc họ.
Truyền thuyết của người Mường kể rằng, người Mường vốn là hậu duệ của nàng công chúa Hươu sao: Ngu Cơ, với chàng hoàng tử Cá chép: Lương Vương con vua Yịt (Việt). Cuộc hôn phối huyền thoại của mẹ Hươu và bố Cá, giống ở cạn/núi và giống ở thấp/nước, có kết quả là 100 người con. Huyền thoại Mường ghi nhận, bất hòa đã nổ ra, nàng Hươu sao và chàng Cá thường xuyên cãi vã, cuối cùng, đường ai nấy đi. Nàng Hươu sao dẫn 50 con lên miền núi đồi khai sinh dòng vua áo đen, còn chàng Cá đem 50 con về miền cửa sông khai sinh dòng vua áo vàng.
Về truyền thuyết của người Thái, thì họ cho rằng dân tộc mình là sự kết hợp của chim én - loài chim biểu tượng của linh hồn đẳm pú (đàn ông, phía cha) và thuồng luồng, loài rắn lớn sống dưới nước và có thể lên cạn, biểu tượng của đẳm nái (đàn bà, phía mẹ).
Như vậy, không chỉ người Việt, mà một số tộc người khác trong cộng đồng các dân tộc Việt vẫn giữ được truyền thuyết về cội nguồn Tiên - Rồng, nó cũng chứng minh ý thức Tiên - Rồng có từ thuở sơ khai trên đất Việt.
Hình ảnh rồng trải qua các triều đại với những biến tướng khác nhau được lưu lại trên các di chỉ khảo cổ, các di tích văn hóa. Cơ sở nhận diện hình tượng thường trên các chi tiết thể hiện: Đầu rồng (mắt, mũi, mồm, râu, bờm, sừng); hình dáng thân rồng (các khúc uốn lượn); các chi tiết (vây, móng đuôi) và đối chiếu với niên đại di tích để xác định rồng các thời. Từ thời Lý, thời Trần, phong cách Rồng nhất quán hoặc tập trung rõ đặc trưng (ở đầu và khúc uốn). Từ thời Nhà Lê sơ, Mạc đến thời Nguyễn, hình tượng rồng phát triển rực rỡ với nhiều tư thế đa dạng là biểu tượng dân tộc. Nhìn chung, với các triều đại, hình ảnh của rồng được gắn liền với bậc đế vương, thể hiện quyền uy, mang năng lực tâm linh siêu nhiên.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình tượng rồng được ghép với uy quyền của nhà vua, như áo bào của vua gọi là long bào, sân điện là long đình, xe của vua là long giá, gương mặt vua là long nhan, giường vua nằm là long sàng, thân thể vua là long thể, thuyền của vua thì là thuyền rồng, ngai vua ngồi là long tọa... Trong thuật phong thủy, việc tìm đất để khai phá, làm nhà, gieo vãi, nuôi trồng, hầu an cư lạc nghiệp cần xác định phương hướng, những mạch đất tốt gọi là long mạch.
Rồng không chỉ xuất hiện ở cung vua, phủ chúa, rồng còn xuất hiện trong dân gian và mang tính đậm đà của hiện thực, xuất hiện với nhiều hình dáng khác nhau ở nhiều công trình kiến trúc dân gian như đình, chùa, miếu bằng nhiều hình thức như chạm lộng, đắp sành sứ … với các mô típ được thể hiện thường xuyên như: lưỡng long chầu nhật, tam linh (rồng, phượng, lân), rồng ổ, cá hóa long, long ngư hí thủy, rồng chầu hoa cúc… Rồng không những được thờ cúng trong đền chùa như những linh vật khác, mà hình ảnh rồng luôn trong tư thế nằm chầu, rồng cuốn quanh cột, rồng nằm uốn lượn trên mái đình… Hình ảnh này chính là biểu tượng cho sự che chở, phục vụ, luôn sẵn sàng bảo vệ cho con người.
Trong nghệ thuật tạo hình của người Cơ Tu, hình ảnh con rồng bắt nguồn từ nguồn cảm hứng sáng tạo của người Kinh, đã được người Cơ Tu tiếp nhận và thể hiện trong nghệ thuật chạm khắc và trang trí hoa văn trên những đồ dùng, tranh, tượng, phù điêu, trên những công trình kiến trúc với hoa văn trang trí độc đáo.
Đặc biệt, người ta thấy hình ảnh thân rồng uốn kiểu yên ngựa có sừng, có tai kiểu Trung Hoa đứng bên cạnh thần điểu Gandura được trang trí trên nhang án ở chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Tây). Ở đây có thể có sự giao lưu tiếp biến văn hóa Hindu và văn hóa Việt?.
Hình ảnh rồng còn đến gần hơn trong đời sống người dân Việt qua ca dao, tục ngữ, lời ăn tiếng nói hằng ngày. Có khi dân gian sử dụng hình ảnh con rồng để nói đến tình cảm trai gái bằng các cặp phạm trù như rồng - mây, rồng - phượng để gửi thông điệp yêu thương: Nhớ anh ấy như vợ nhớ chồng/ Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây/ Tình cờ gặp được anh đây, như cá gặp nước, như mây gặp rồng; Trai ơn vua cỡi thuyền rồng/ Gái chịu ơn chồng nằm võng ru con. Cuộc tình đẹp cũng được gọi là phượng cỡi rồng ; Rồng giao đầu, phượng giao đuôi/ Nay tui hỏi thiệt, mình thương tui không nào?… Trai gái trêu ghẹo nhau thì nói anh đây trổ mã thành … chồng của em. Khi những người yêu xa nhau thì cũng có những trách cứ: Rắn đi còn dằm, rồng nằm thấy dạng/ Em nỡ bụng nào đành đoạn bỏ anh?
Người xưa quan niệm, con rồng gắn với sự cao sang, quyền quý Chồng sang đi võng đầu rồng/ Chồng hèn gánh nặng đè còng cả vai. Người đỗ đạt thì được ghi tên bảng vàng, ước gì gặp hội rồng mây, đăng khoa chiếm bảng ngày rày vinh hoa. Những người con gái nhà khuê các giàu sang chỉ có đầu rồng mới gối được tay tiên, còn anh dân dã tầm thường thì chỉ có niềm ước ao ước gì đầu ấy gối lên tay này. Hay khi rồng sa cơ, thất thế thì rồng cũng như giun, giống như chó cỏ rồng đất, đầu rồng đuôi tôm mà thôi. Lúc đó thấy rồng vàng cuộn khúc cứ nghĩ đuôi thằn lằn. Và bao giờ đến hội rồng vàng thì không thấy rồng vàng đâu cả chỉ thấy con rắn trắng nằm ngang suốt trời. Cho nên, trong cuộc sống, dân gian ta đã có nhận định: Đắc thời đắc thế thì khôn/ Sa cơ rồng cũng như giun khác nào…
Việt Nam vốn là nước có nền văn minh nông nghiệp lúa nước nên đối với họ, nguồn nước hết sức quan trọng. Họ quan niệm rằng con rồng là con vật đem mưa đến, cho nên có khi trông trời chẳng thấy trời mưa thì họ cho rằng rồng đi lấy nước rồng chưa kịp về. Họ cho rằng, lấy được nước cũng nhiều nỗi khó khăn long đong như rồng lấy nước, không phải lúc nào cũng nhớ ngày mồng Tám tháng Tư/ Chín rồng lấy nước, gió mưa âm thầm. Hay tháng Sáu trời hạn hán, ít khi có mưa, lượng nước ít nên rất quý, rất có ích cho nhà nông, họ cho đó là máu rồng hiến cho người dương thế những thuận lợi để sản lượng nông nghiệp, chăn nuôi cao, giúp cho người nông dân no ấm, mưa tháng Sáu, máu rồng là thế ! Nhưng không phải lúc nào cũng mưa thuận gió hòa. Tùy theo loại rồng lấy nước mà người dương thế hưởng lợi hay mất mùa, thất bát: Rồng đen lấy nước được mùa/ Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày.
Truyền thuyết cho rằng con rồng là do con cá gáy vượt vũ môn mà hóa thành rồng: Mồng Bốn cá đi ăn thề/ Mồng Tám cá về cá vượt vũ môn. Rồi cũng từ đó mà thể hiện mong ước của bao người: Bao giờ cá lý hóa long/ Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.
Hình ảnh con rồng cũng được người dân thể hiện trong những lời phê phán pha trộn sự bông đùa ví von những thói xấu qua thành ngữ: Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa; kiểu vẽ rồng vẽ rắn thì được người đời gán cho kẻ bất tài, làm gì cũng sai, cũng kém. Đôi khi lại còn vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm mắt thì cũng sẽ bị cho là làm những việc thừa hay là thường thêu dệt những chuyện không có thực để gây hại cho người.
Ông bà ta thường nói câu rồng đến nhà tôm là để nói lên niềm vinh dự cho kẻ dân dã nghèo nàn được tiếp khách quý khách sang trọng quyền thế. Rồng và tôm có hình dáng hơi giống nhau, nhưng rồng là hàng tứ linh, còn tôm là hạng hèn hạ, giá trị khác nhau một trời một vực. Nhưng cũng có khi nhân gian lấy chuyện rồng đến thăm nhà tôm để mỉa mai, phân biệt thân phận: Mấy đời rồng đến nhà tôm/ Mấy đời gái quý luồn trôn ăn mày.
Trong hội họa dân gian cũng xuất hiện hình ảnh con rồng. Tranh chuột rước rồng của dòng tranh dân gian Đông Hồ với hình ảnh 11 chú chuột lớn bé mang kèn trống cờ quạt và đèn cá chép, đèn lồng rộn ràng đi. Thoạt nhìn tổng thể, bức tranh như miêu tả trò chơi của trẻ em nông thôn xưa, khiến bầy chuột hồn nhiên thêm ngộ nghĩnh. Mô hình rồng uy nghi trùm lên, thu hút ánh nhìn vào trung tâm, nhưng vẫn không át được số đông của đàn chuột. Vì vậy, gọi là “chuột rước đèn”, có nơi gọi “chuột rước rồng”, nhưng không phải để tôn vinh rồng phượng, mà như một ngày hội vui, ngày biểu dương lực lượng của những chú chuột có thân phận thấp kém hơn rồng. Chuột vốn sợ ánh sáng, nhưng vẫn rước đèn, như ngầm gửi thông điệp về việc đàn chuột sung túc tự tin hội hè khi Tết đến xuân về.
Hai con chuột cầm sào nâng hình con rồng cao lên thụp xuống, một con cầm sào đính vào đầu rồng, một con cầm sào đính vào đuôi rồng. Nhìn chung bức tranh chuột rước rồng nổi tiếng không những về bố cục, đường nét, cấu trúc, mầu sắc mà còn bởi nội dung triết lý về nhân văn, nhân bản, tính hài hước, châm biếm về sự bất công giữa dân chúng cần lao với bọn tham quan ô lại thời phong kiến.
Trong phong thủy, rồng là linh vật hội tụ các yếu tố tự nhiên, do đó được coi như một linh vật của sự thịnh vượng, may mắn, trí tuệ, được gửi gắm những ước vọng trong đời. Người Việt quan niệm trong 12 con giáp thì con rồng được xem là con vật bay cao nhất và mang nhiều khát vọng lý tưởng nhất. Vì thế người tuổi rồng thường chỉ thích nghĩ đến những gì cao siêu vời vợi, coi thường những gì lặt vặt của cuộc đời, sống trượng nghĩa hào hiệp, thích giúp đỡ mọi người. Người mang tuổi rồng là tuổi đại cát, nhiều may mắn hanh thông và thường có số lãnh đạo.
Hình tượng con rồng tuy là con vật tưởng tượng nhưng nó xuất hiện đậm đặc trong đời sống người dân. Dọc dài lịch sử, con rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt Nam. Dù thể hiện dưới hình thức nào, con rồng luôn ngự trị với một vị thế tâm linh khả kính và hằn sâu trong tâm thức văn hóa từng vùng.
H.T.H
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Văn Hiệu, “Từ hình tượng thực của con rồng Việt Nam đến tên Lạc Long Quân trong tiếng Việt”, Tạp chí Khảo cổ học, Số 2, 1983.
- Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Hà Nội: Giáo dục, 1960.
- Jean Chevalier, Alain Gheerbant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Đà Nẵng: Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du, 2002.
- Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo, Nguyễn Thị Huế, Kho tàng thần thoại Việt Nam, Hà Nội: Văn hóa thông tin, 1995.
- Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Truyện cổ nước Nam, Hà Nội: Khoa học xã hội, 1990.
- Minh Hạnh, Phan Hồng Sơn, Truyện ngụ ngôn Việt Nam, Hà Nội: Văn học, 1986.
- 7. Hoàng Văn Khoán, Nguồn gốc con rồng, Thông báo Khoa học, Số 2,
- Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, Nhà sách Khai Trí, 1960.