Ấn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"
Đại biểu cắt băng khai mạc
Đầu tháng 12 năm 2023 được sự chỉ đạo của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Hội Mỹ thuật thành phố đã tổ chức triển lãm chủ đề “Mỹ thuật Đà Nẵng 2023”. Triển lãm được khai mạc đúng dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống Mỹ thuật Việt Nam (10/12/1951 - 10/12/2023), đồng thời ghi nhận một năm phát triển mỹ thuật Đà Nẵng. Đây có lẽ là một chặng đường mới đang mở ra nhiều cơ hội và những thử thách. Nhìn chung triển lãm “Mỹ thuật Đà Nẵng 2023” mang đến không khí nghệ thuật đậm tính chuyên môn và sinh động hấp dẫn, tạo cho người xem có một cách nhìn mới về thẩm mỹ đương đại.
Sự tiếp nối giữa các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc đi trước như: Phan Ngọc Minh, Lê Huy Hạnh, Trần Thị Cúc, Võ Thanh Tịnh, Hồ Đình Nam Kha, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Quang, Trần Hữu Dương, Thân Trọng Dũng,… và một thế hệ họa sĩ trẻ đã và đang trưởng thành như: Lê Ngân Thủy, Nguyễn Tiến Việt, Nguyễn Hữu Đức, Bùi Duy Phước, Phạm Anh, Vũ Hữu Chung, Nguyễn Thị Phượng, Ngô Thanh Hùng, Nguyễn Thị Đào, Trương Nguyễn Nguyên Kha, Mai Thị Kim Liên, Tường Vy, Bùi Tuấn,… như một lẽ dĩ nhiên của sự chuyển tiếp liền mạch của mỹ thuật Đà Nẵng từ trước đến nay.
Về mảng điêu khắc và hội họa trong triển lãm “Mỹ thuật Đà Nẵng 2023”, các họa sĩ đã phản ánh tương đối chân thật về xã hội hiện nay, có nhiều suy tư và trăn trở về quan niệm nghệ thuật. Điển hình như tác phẩm “Buông” của Nguyễn Phạm Đình Tuấn đã phần nào cho ta thấy được tư duy chuyển tải những thông điệp mang tính xã hội, hình thức biểu đạt, kỹ thuật thể hiện chất liệu công phu. Hay như họa sĩ Nguyễn Thanh Hùng cũng khẳng định kỹ thuật để bày tỏ cảm xúc cá nhân về cuộc sống qua tác phẩm “Vệt nắng cuối mùa”. Hay họa sĩ Trần Văn Tâm với tác phẩm “Đá dế” được tác giả thể hiện công phu trên nền lụa nhìn thấy hai mặt với kỹ thuật vẽ trong trẻo, tạo vẻ đẹp hồn nhiên trên từng nhân vật. Tác phẩm phù điêu “Được mùa” của nhà điêu khắc Nguyễn Quang mang đậm phong cách ấn tượng hiện thực. Tác phẩm “Dòng nước đen” của Vũ Hữu Chung với những đường nét uốn lượn sóng, hoa văn xoáy tròn dựa trên phong cách điêu khắc gỗ truyền thống Bắc Bộ, những khối căng tròn được lấy cảm hứng từ điêu khắc Chăm Pa, sự kết hợp khéo léo của tác giả tạo cho người xem thấy được không gian và độ sâu của tác phẩm, nêu bật được nội dung biến đổi khí hậu mà tác giả muốn truyền tải.
Qua triển lãm “Mỹ thuật Đà Nẵng 2023” lần này, chúng ta càng khẳng định chất liệu là yếu tố quan trọng làm nền tảng cho tư duy sáng tạo. Nghệ thuật đồ họa là một ví dụ điển hình cho sự kiện lần này. Hàng loạt tác phẩm đồ họa được Hội đồng Nghệ thuật đánh giá cao, qua đó cho chúng ta thấy rõ chất liệu đồ họa của Mỹ thuật Đà Nẵng là một thế mạnh để góp phần tạo cho cuộc triển lãm lần này như một dàn đồng ca thể hiện bằng ngôn ngữ, âm thanh của đường nét, của mực in với kỹ thuật đa dạng bằng sự cảm thức của mỗi tác giả.
Sự tinh tế của nghệ thuật đồ họa theo các góc độ sáng tạo cá nhân trong mỗi tác phẩm như một sự liên kết đại diện cho tiếng nói cá nhân dễ dàng làm cho người xem nhận biết được những nét riêng của kỹ thuật, phương pháp thể hiện. Tác phẩm “Vọng Sơn Trà” của họa sĩ Phan Thanh Hải là một minh chứng lạ hóa trong việc tổ chức đường nét, nhìn thấy được sự chuyển động, sự đối thoại giữa tác giả và thế giới quan trên bán đảo Sơn Trà qua hình tượng nghệ thuật, đâu đó cho thấy được tầng sâu, lớp lang cảm xúc thể hiện. “Sau cơn bão” của họa sĩ Đỗ Thanh như thấy rằng ánh mắt và sự lo lắng của “nàng vọng phu” dõi ra khơi xa, tìm bóng của con tàu mang theo những người thân của mình về từ vùng biển thiên tai, bão tố với nét khắc nhuần nhuyễn kết hợp truyền thống và hiện đại tạo chiều sâu cho không gian sâu thẳm bao la, tác giả thể hiện với tông màu lạnh như đặt hy vọng vào sự trở lại bình an của những người ra khơi. Tác phẩm “Trở về” của họa sĩ Nguyễn Tiến Việt mang hơi thở chuyển động theo dòng chảy thời gian, một Huế rất thơ, trữ tình gợi cho ta về một quá khứ huy hoàng của lịch sử, sự hiện diện của kiến trúc cung đình, lăng tẩm nguy nga đã tạo nên dấu ấn thời gian bất diệt. Trương Nguyễn Nguyên Kha với tác phẩm “Đời” thể hiện rõ cuộc sống và không gian của những nghệ sĩ tuồng cổ trước giờ biểu diễn. Hay như tác phẩm “Chờ mẹ” của họa sĩ trẻ Bùi Tuấn cho công chúng thấy được văn hóa vùng miền rõ nét của địa phương.
Triển lãm “Mỹ thuật Đà Nẵng 2023” đã chứng minh cho sự nỗ lực tích cực để có được các tác phẩm ghi dấu ấn lao động nghệ thuật đáng trân trọng. Nhiều tác phẩm bám sát đời sống hiện thực xã hội để phục vụ công chúng yêu nghệ thuật dễ hiểu. Sự giao thoa của các thế hệ họa sĩ đã tạo dựng được mối quan hệ kế tiếp và đổi mới cho Mỹ thuật Đà Nẵng ngày càng phát triển hơn trong tương lai.
T.T.D