Chuyện vui: Một ngày xuân
Nhóm “ngũ gàn” hàng tuần cứ chuyện phiếm mà “dzui”. Nay đang tết nên nhiều cảm xúc sinh tình. Năm lão Đậu lục thập cũng dịp cuối năm Nguyễn huynh tặng cho câu đối để treo tết:
Tết đến muôn nơi hoa giải thoát thơm tho ngày tháng Bụt
Xuân về mọi nẻo suối từ bi chan chứa nước non Tiên
Anh Nguyễn tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn từ năm 1973, dạy môn Văn trung học đệ nhị cấp (THPT), chữ nghĩa đầy mình, là bảng A của đô thị cổ ở thời này, rất được kính trọng. Anh sống gia giáo, hạn chế giao du, được anh tặng câu đối là những người mà anh cảm mến, lão Đậu cảm động lắm.
Lão Trần - lão cũng một tay chữ nghĩa năm qua đã từng xuất vế thách đối vừa vui vừa hiểm nhân thị Tượng - vợ Đại, một đệ của lão, sinh con trai khiến cả bọn tấm tắc mãi:
Phúc mãn hưng long, rồng lộng, tượng mẫu xuất tượng nhi, sướng hỉ? Anh Đại;
Xin nói nhỏ lão cũng nỡm lắm đó nghe. Và văn hữu nặn óc đối nhưng chẳng câu nào đạt chuẩn, lão phải tự đối khiến cả bọn lác mắt:
Tài đa vượng hổ, cọp rèn, dê con hôn dê cụ, buồn chi! Chị Voi.
Giờ thì lão rề rà: - Vế đối ông cha ta cự phách lắm, ngày xuân mong quý huynh cà kê cho “dzui”. Tớ xin lĩnh ấn tiên phong nhé. Này! Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã lỡm:
“Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới”.
Ông nào nhớ thì tiếp đi!
Tiêu cũng là tay hay chữ đốp liền: - Dễ ẹt. Câu đối cũng của bà, nghe nhé:
“Sáng mùng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào”. Đúng chưa? Hà… hà… Tiếp đây: Ngày xuân hai ông đồ ngồi nhâm nhi, đối chữ, một ông gắp miếng chả nhót nhép:
“Chả ngon!”.
Chả vừa là miếng chả vừa là không, ông kia điếc giọng, mấy ông giỏi thì đối đi?
Cả bọn ngọng, lát sau hỏi ngập ngừng: - Thế ông đồ kia đối thế nào?
Tiêu: - Ông kia thời may thấy con cóc từ gầm giường nhảy ra liền nảy ý: “Cóc sướng”. Hà…
Đến Nguyễn, lão ngập ngợ: - Tui nhớ lơ mơ, đâu khoảng 1940 thời thuộc Pháp ở miền Nam, cha vợ hầm con ba ba đãi chàng rể tây học, xuất đố:
“Hầm ba ba đã chín”.
Ba nhân ba là chín nữa đó. Mấy ông đối đi?
Cả bọn bóp trán, chịu. Trần: - Thua, ông kể tiếp đi.
Nguyễn vênh mặt: - Chú rể toát mồ hôi, may sao có chiếc xe bò chở cát đi qua sinh ý liền đối: “Chở cát cát đầy xe”.
Mấy lão ngớ ra không hiểu, Nguyễn giải thích: - Cát là quatre, số 4, xe là seize, số 16. Hiểu ra chưa mấy lão cổ lỗ sĩ?
Mấy lão ngó Đậu, may mà lão đã kịp nghĩ ra nên khinh khỉnh: - Nghe đây, cụ Nguyễn Khuyến khi còn đi học cứ bị anh trưởng tràng bắt ép, nay đã là hưu quan đạo cao đức trọng, anh ta lại đến xin cụ câu đối dán chuồng lợn. Gặp cơ hội cụ xuất: “Trưởng trưởng tràng tràng tràng trưởng trưởng”.
Đó, mấy ông ngon thì đối đi?
Cả bọn tái mặt, lặng im rồi xuống giọng: - Lớn lớn, dài dài,… Thôi mà cưng, cụ đối lại thế nào?
- “Tràng tràng trưởng trưởng trưởng tràng tràng”.
Ha… ha… Chỉ hai chữ hợp cảnh mà trả được nỗi hận xưa, kinh chưa? Lão trưởng tràng ngày ấy đau điếng nhưng không bắt lý vào đâu được.
Đến phiên Lê, lão tưng tửng: - Trạng Quỳnh nổi tiếng thế mà cứ bị bà Điểm cho đo ván suốt, có một lần cụ Trạng hớn hở khoe khắp làng xã là cụ thắng và đã lỡm được bà. Vế ra thế này nhé:
“Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long”.
Rồng, rắn, long. Đó ông mô nhớ cụ Trạng đối lại thế nào thì xuất khẩu đi?
Trần cười hê hê: - Trúng tủ! Nghe đây:
“Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử”. Đúng chưa?
Cả bọn thấm ý tủm tỉm, chợt Tiêu la váng lên: - Ủa? Bà thì rồng, rắn, long cùng một loài, còn cụ: chuột rồi gang, thử; vậy gang là con gì ta?
Trần lấy tay đo chai rượu rồi cười cợt: - Đủ một gang rồi. Ngày xuân hôm nay cũng “dzui rồi”. Giải tán. Lần sau tiếp. À, câu xướng này của ông Doãn mới gửi đến mời họa đây: “Bánh ít nhiều đường bánh ít ngọt”. Hà… về nghiên cứu đi nghe, Tết Nguyên tiêu ta “dzui” tiếp.
Đ.N.T