Mùa xuân, đọc sắc vàng trong thơ

12.01.2024
Huỳnh Văn Hoa

Mùa xuân, đọc sắc vàng trong thơ

Màu sắc là một món quà độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Màu sắc không chỉ làm đẹp thêm cho cuộc sống mà còn mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong các lĩnh vực khác như tôn giáo, triết học, thẩm mỹ, nghệ thuật,... 

Trong các màu, tín hiệu và sắc thái của màu vàng mang chức năng níu giữ cảm xúc của con người một cách thuần khiết, biểu hiện cái đẹp trong sự bình dị của tự nhiên. Dưới góc độ quang phổ, khoa học đã chứng minh, màu vàng là màu sáng nhất. Do sắc độ, màu vàng dễ thu hút sự chú ý của người nhìn, là màu của ánh nắng mặt trời, của hy vọng và hạnh phúc, sự tươi mới, tích cực và rõ ràng, cả về danh dự, sự trung thành và niềm vui.

Theo quan niệm Phật giáo, màu vàng mang một ý nghĩa cao quý, hào quang của Đức Phật từ bi luôn tỏa sáng “Ánh đạo vàng“, hướng chúng sinh thoát khỏi lầm lạc, tham - sân - si, tu chứng để đạt đến ánh sáng của cái Chân - Thiện - Mỹ. Vì thế, trong đời sống tâm linh của con người, màu vàng còn bao hàm cả ý nghĩa của những điều kỳ diệu. Cờ của nhiều quốc gia, có sự tham gia của màu vàng.

Màu vàng có mặt trong Chinh phụ ngâm (5 lần), Cung oán ngâm (4 lần), dù ít, không đậm đặc như trong Truyện Kiều hay thơ ca hiện đại.

Trong Truyện Kiều, có đến 44 lần Nguyễn Du sử dụng màu vàng[1] với nhiều sắc độ khác nhau. Đó là màu vàng: rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh (câu 58), chất kim loại quý sắc vàng: Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần (câu 134), vàng đá, chỉ tình yêu bền chặt: Thì đem vàng đá mà liều với thân (câu 422, 2814, 3176), vàng phai: đồ đồng (chuông vạc) han gỉ đi mà chữ khắc ở đấy mờ đi, mất đi: Thẹn mình đá nát vàng phai (câu 1950), rồi những giếng vàng, lời vàng, mây vàng, non vàng, nghìn vàng, vàng gieo ngấn nước, đá biết tuổi vàng, liễu xơ xác vàng,…

Tản Đà (1889 -1939), như Đặng Tiến viết, thi sĩ của phôi pha (Văn số 175, năm 1971). Những câu thơ hay của Tản Đà đều gắn với mùa thu và lá vàng, với sự chia ly và cách biệt, một thứ tống biệt nghẹn ngào. Gió thu, bài thơ tuyệt hay về trận gió thu, lá thu rụng, màu thu vàng, tình thu hờ hững, để rồi, đến lá hồng, thơ thẩn, nghĩ đến năm hồ hết, ngày tháng tàn phai. Những phút rùng mình trước ngọn gió, phản ánh sự cô đơn của Tản Đà. Thề non nước cũng tàn phai: Xương mai một nắm hao gầy/ Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương/ Trời tây ngả bóng tà dương/ Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha. Đến Cảm thu, tiễn thu, Tản Đà lấy hình ảnh sắc vàng tàn tạ của sen, của giọt lệ, của quan hà nhuộm ố, của bóng tà tà dương để bày tỏ tình cảm đối với mùa thu: Lá sen tàn tạ trong đầm/ Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa/ Sắc đâu nhuộm ố quan hà/ Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương... Nào những ai/ Kê vàng tỉnh mộng/ Tóc bạc thương thân/ Vèo trông lá rụng đầy sân/ Công danh phù thế có ngần ấy thôi…

Lại thêm cảnh thu trăng tà, chim lặn, bóng nhạn kêu sương và nỗi niềm khuê oán với gối chiếc chăn đơn: Gió thu lạnh lẽo mây trời quang/ Sân thu đêm khuya rơi lá vàng (Thu khuê oán). Chiếc lá vàng rơi giữa đêm khuya, lạnh một dải sông Ngân, làm rối chỉ tơ vương lòng người khuê phụ.

Đã từ lâu, mùa thu đã trở thành một đề tài được nhiều nhà thơ cả phương đông và phương tây sử dụng, tạo nên những tác phẩm hay, trong đó có Tiếng thu, một trong những bài thơ hay nhất của Lưu Trọng Lư và hay nhất của thơ ca hiện đại Việt Nam, theo Trần Đăng Khoa.

Bài thơ vẽ nên một trang thu tuyệt vời, đầy vấn vương với bao câu hỏi: Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức/ Em không nghe rạo rực/ Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ/ Em không nghe rừng thu/ Lá thu rơi xào xạc. Sự hòa trộn của thính giác, thị giác, xúc giác, để rồi các hình ảnh cứ khuất dần, khuất dần, chìm lắng, chỉ còn lại:

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô

Lưu Trọng Lư đã để lại màu vàng của con nai ngơ ngác, đạp lên màu vàng của những chiếc lá khô vỡ vụn, ngân lên trong lòng người đọc suốt gần trăm năm nay. Các câu thơ vần bằng bàng bạc, âm vang niềm thổn thức của con người trước nỗi cô đơn của đất trời và sự quyến rũ của tiếng mùa thu.

Trong thơ Bích Khê, sắc vàng là một đặc trưng nghệ thuật, tạo nên nét riêng, mang dấu ấn của thi sĩ. Tác phẩm Tinh Huyết (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, 2015) có 33 bài, có tới 17 bài ngân lên những cung bậc của sắc vàng. Còn tác phẩm Tinh Hoa ít nhất cũng có 8 bài nói về điều đó. Đó là sắc của hồn thu đi lạc: Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng/ Của hồn thu đi lạc ở trong mơ. 

Trong Thi nhân Việt Nam, khi giới thiệu Bích Khê, Hoài Thanh viết: “Tôi đã gặp trong Tinh Huyết những câu thơ hay vào bực nhất trong thơ Việt Nam:

Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! vàng rơi! Thu mênh mông...”[2]

Câu thơ toàn vần bằng trong bài Tỳ bà của Bích Khê để lại ấn tượng sâu sắc trong Thơ mới.

Ở thơ Huy Cận, thời kỳ sáng tác nào cũng vậy, sắc vàng thường để lại dấu ấn khó phai mờ. Ở Lửa thiêng (1940), giữa cái bao la của đất trời, dễ xui khiến lòng người chùng xuống, bâng khuâng, nhớ trời rộng, sông dài, buổi chiều xao xuyến. Những vạt nắng vàng gây nên bao nhung nhớ, cộng với tiếng đàn lẻ, xui nhớ cuộc tiễn biệt, làm bước chân cũng ngại ngùng, xa vắng:

Ôi! nắng vàng sao mà nhớ nhung!

Có ai đàn lẻ để tơ chùng?

Có ai tiễn biệt nơi xa ấy

Xui bước chân đây cũng ngại ngùng...

(Nhớ hờ)

Đi giữa đường thơm là bài thơ thắm đượm tình đời, tình người, đượm hương vị của quê hương với một tâm hồn thơ trẻ, lắng nghe nhịp tuần hoàn của vũ trụ, nhựa sống ẩn tàng nơi cành cây ngọn cỏ, hoa dại với mùi rơm, với bóng tre, bóng nắng, hương với màu hòa hợp của một buổi trưa xưa: Một buổi trưa không biết ở thời nào/ Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao/ Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ... Biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác làm cho các câu thơ mới lạ, mang thứ tâm trạng vừa thực vừa hư.

Sau Lửa thiêng, cũng màu vàng ấy, Huy Cận đi vào vũ trụ và thiên nhiên. Và, cũng có câu thơ trở về với cái vô cùng của đất trời: Trời xanh ran lá biếc/ Biển chóa ngập buồm vàng/ Gió thổi miền bất diệt/ Mây tạnh đất hồng hoang[3]. Dần về sau, nhà thơ có những dòng thơ mang mạch sống cuộc đời như Lượng vui[4]: Trời thắm duyên rằm, vừng nhạc mở/ Chuông sao rung nhớ, tiếng vàng bay/ Lượng vui muôn kiếp cân dầu sóng/ Biển rủ rê lòng nhập cuộc say.

Đi với cuộc đời, màu vàng trong thơ Huy Cận khác xưa, đó là màu vàng trong Chiều thu quê hương. Hình ảnh buổi chiều trong mùa thu của quê hương mặn mà, đằm thắm, ân nghĩa. Các thanh sắc về cảm giác, sự xao xuyến của tâm hồn, sự lắng đọng của đất trời, hòa điệu, gợi nên những câu thơ đẹp:

Chiều thu trong, lá trúc vờn đẹp quá/ Lá mía xanh nhung quạt vào mái rạ/ Tiếng lao xao như ai ngả nón chào/ Hoa mướp cuối mùa vàng rực như sao/ Chiều thu quê hương sao mà đằm thắm/ Tôi bước giữa vườn, bạn với hàng cau/ Hút nắng tơ vàng như những đài cao/ Đứng lồng lộng, thu tiếng chiều vàng rơi.../ Chiều thu vàng vàng rực cả tâm hồn/ Của đất nước đang bồi da thắm thịt/ Gió biển mặn thổi về đất tha thiết... Bài thơ viết vào tháng 9-1958 khi nhà thơ đi thực tế Cẩm Phả, thấy màu vàng của đất trời hòa với sắc vàng của tâm hồn, một chiều thu tha thiết, phơi phới. 

Đặc biệt, với Chế Lan Viên, nhà thơ sử dụng màu vàng với nhiều cung bậc và sắc thái nghĩa khác nhau, tạo nên nét độc đáo trong tư duy nghệ thuật. Qua Chế Lan Viên toàn tập, tập I, II (NXB Văn học, 2002), từ tập thơ đầu tiên Điêu tàn đến Di cảo thơ, theo thống kê chưa đầy đủ, bảng màu trong thơ Chế Lan Viên rất phong phú, đa dạng, có đến 442 lượt sử dụng các màu, trong đó, màu vàng được sử dụng đến 145 lần. Màu vàng chuyển biến theo nhận thức và tình cảm của nhà thơ, đúng như ý P. Valéry đã nói về sự do dự, phân vân giữa âm và ý (hésitation entre le son et le sens). 

Màu vàng trong thơ Chế Lan Viên mang đậm sắc điệu tâm hồn. Tâm hồn nhà thơ thả từng sợi tơ vàng qua, năm tháng, dệt nên những câu thơ tuyệt hay. Này đây, hình ảnh trong Điêu tàn (1937), trên những ngã đường, qua những đền đài, tháp cổ, nhà thơ đã gặp: Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi (Trên đường về), cũng gặp cảnh chiến tượng: Lá vàng kia sợ hãi cũng thôi rơi (Chiến tượng), thấy dòng sông Linh, máu thắm, quằn quại trôi: Gió vàng êm ru lá dưới mây sầu (Sông Linh), thấy mùa thu ngay trong sắc xuân: Ai đâu trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng/ Với của hoa tươi muôn cánh rã/ Về đây đem chắn chắn neo xuân sang (Xuân), thấy cả Sương xây mồ bạc dấu trăng vàng - Xạc xào chỉ có lá vàng rơi (Mơ trăng), ngay cả mộng: Ngàn lau vàng hoa trắng ngập bao la (Mộng), Dãy cây vàng đợi mộng, đứng im hơi (Đợi người Chiêm nữ). Nghĩa là, sao, trăng, ngàn lau, cây lá,… cũng nhuốm sắc vàng của hư vô, lạnh lẽo.

Màu vàng chỉ thật sự góp phần làm nên một Chế Lan Viên mới mẻ và hiện đại kể từ Ánh sáng và Phù sa (NXB Văn học, HN, 1960):

…Xưa ở sông Ngô ta đánh mất vàng

Đánh mất tâm hồn ta.

Nhưng hiện tại

Như sông Tương đã trả vàng ta lại

Khắp đôi bờ tư tưởng chói hào quang

(Vàng của lòng tin)

Cuộc sống đổi thay, xếp lại “dĩ vãng buồn thường mang lá cờ đen”, thấy những phố phường da thịt ửng hồng lên, thấy thóc mới nơi nghĩa trang, thấy mẹ ru con bằng bài ca bộ đội, thấy trời xanh ngoại ô, thấy một trung châu đất mật lúa vàng, thấy cuối đông “Chen lá lục quả bàng vàng đã chín”, thấy thóc vàng bên cạnh nghĩa trang “Lúa quanh đây lúa lại chín vàng” (Cỏ nghĩa trang). Chế Lan Viên gọi đó là Vàng của lòng tin. Nhà thơ có nguyện ước: Thì lấy câu vui mà dệt đời hồng… - Đều muốn trút hạt châu vàng khỏi cổ - Cầm tương lai như một ráng hồng - Ngày mai phù sa hát lên ngô vàng và nếp trắng - Phù sa sẽ vun hồng lên cuộc sống - Như mẹ già nhặt hạt thóc vàng đã đổ - Phù sa hồng đôi má, đôi tay - Như nắng vàng đổ xuống đồng chói lọi… (Nhật ký của người chữa bệnh).

Có một Rặng liễu tâm hồn nơi thơ Chế Lan Viên. Quả vậy. Rặng liễu đó, có những cơn đau quặn thắt trong chuyển hướng về nhận thức, tư duy, cảm xúc. Ngày trước, “rặng liễu đó chưa xanh tơ mà đã úa vàng” (Nghĩ về thơ), thì nay: Cho đến được… lúa vàng đất mật - Phải trên lòng trăm trận gió mưa qua (Nay đã phù sa). Chia tay ngày cũ, khi ngoảnh lại, nhà thơ nồng nàn viết: Sợi vàng dệt lụa lòng tôi (Ngoảnh lại mùa đông). Sợi vàng đã giăng tơ nên một bản tình ca: Rừng non xanh lộc biếc - Nắng sáng màu xanh che - Rải hạt vàng chi chít - Tình ta như lộc biếc - Mọc sao vàng chi chít (Tình ca ban mai), thấy một vùng quê: Một hợp tác lúa chiêm vàng óng ả - Đêm nay sao chín vàng như thóc giống (Sao chiến thắng), chia xa hình bóng: Nai mùa vàng ngơ ngác giữa vườn thơ (Nếu quên thanh gươm ta chẳng hiểu Người).

 Ngay cả tâm hồn nhà thơ, cũng chuyển hướng, ngày trước: Rặng liễu tâm hồn chưa xanh tơ mà đã úa vàng (Nghĩ về thơ), nay thì, nhà thơ nhìn cuộc sống: Một hợp tác lúa chiêm vàng óng ả - Đêm nay sao chín vàng như thóc giống (Sao chiến thắng). Màu vàng đi vào ngõ ngách riêng tư. Sắc vàng, như tác giả nói: Sợi vàng dệt lụa lòng tôi (Ngoảnh lại mùa đông). Chế Lan Viên nhiều lần nói đến hình ảnh sao vàng. Điều này cũng dễ hiểu với nhà thơ:

- Sao vàng bay theo liềm búa công nông (Người đi tìm hình của Nước).

- Tôi nhớ mãi ngôi sao vàng những người Nam tiến đầu tiên - Màu son ấy thổi dậy hồn của nước (Đường sáng tuyệt vời).

- Bắc lòng ta Nam lòng ta đều chói lọi sao vàng - Chính giữa cơn đói chết triệu người mà sao vàng tháng Tám bùng lên - Từ ca-lô sao vàng những ngày Nam tiến đầu tiên (Ngày vĩ đại).

- Mơ thêm một giấc mơ trước hải cảng sao vàng cờ đỏ (Tàu đi).

Có thể nói, ở thơ Chế Lan Viên, có một màu vàng tâm tưởng, màu vàng tâm hồn, màu vàng khi trái tim và tâm hồn của nhà thơ được phù sa đất mật cuộc sống vun bồi. Thấy cành mai phương bắc đột ngột nở vào cuối giêng trong vườn Thống Nhất, nhà thơ nhớ mẹ ở quê Nam:

Cuối giêng đào rụng hết

Đột ngột sắc mai vàng

Một cành mai phương Bắc

Làm nhớ mẹ quê Nam.

(Cây mai vườn Thống Nhất)

Hoàng thảo hoa vàng của Chế Lan Viên là một bài thơ tứ tuyệt hay:

Hoàng thảo hoa vàng... Chợt nhớ ra

Ơ xuân! Lơ đãng bấy lòng ta

Câu thơ tháng chạp mình chưa viết

Mà đó hoa vàng, xuân tháng ba.

Bài thơ phản ánh tâm hồn yêu hoa của Chế Lan Viên và cũng cho thấy một khía cạnh về thời gian. Mùa xuân, hoa nở, cả đất trời, vậy mà, nhà thơ mới “Chợt nhớ ra”. “Chợt nhớ ra” chỉ là một cách nói. Chế Lan Viên là nhà thơ có nhiều bài thơ viết về hoa: hoa đào, hoa sứ, hoa hồng, hoa sen, hoa súng, hoa mai, hoa đại,… Ông gọi đó là sujet quotidien (đề tài ngày thường). Thơ về hoa của Chế Lan Viên thường là những bài thơ ngắn, chỉ 4 câu, gửi trao tâm hồn vào thiên nhiên, hoa cỏ, gợi nên chút bâng khuâng khi nhìn về bước đi của năm tháng. Chế Lan Viên là nhà thơ nói rất hay về nhịp điệu thời gian. Ở bài thơ này, có chút thảng thốt khi nhìn hoa vàng của tháng chạp, chợt nhớ, câu thơ chưa kịp viết, vậy mà đã tháng ba. Chút thẫn thờ đáng yêu là hương vị của bài thơ.

Tại miền Nam, trước 1975, có một sắc vàng xao xuyến, lay động, đó là Ðộng Hoa Vàng, một trường ca nổi tiếng của Phạm Thiên Thư, viết theo thể lục bát (NXB Cảo Thơm, Sài Gòn 1971), được giải thưởng Văn học toàn quốc năm 1971. Bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc, lấy tên “Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng”. Lời nhạc có thay đổi đôi lời, song, vẫn giữ nội dung. Tiếng hát Thái Thanh đã đưa bài thơ lan tỏa mọi vùng, trở thành bản nhạc quen thuộc của mọi giới tại miền Nam trước 1975. Động Hoa Vàng dài tới 100 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tổng cộng 400 câu thơ, nói về câu chuyện tình quen thuộc trong dân gian, song, với tài năng, Phạm Thiên Thư viết thành một tác phẩm tuyệt vời, đặc sắc bằng thứ ngôn ngữ lung linh, kỳ diệu.

Ngày gã đi tìm động Hoa Vàng, trên đường dẫn đến bờ sông, cũng có em đi theo, chẳng ngại đường xa: Ừ, thì mình ngại mưa mau/Cũng đưa anh đến bến cầu nước xuôi/ Sông này chảy một dòng thôi/ Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông/ Ngày xưa em chửa theo chồng/ Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi/ Mùa thu áo biếc da trời/ Sang đông em lại đổi dời áo hoa/ Đường về hái nụ mù sa/ Đưa theo dài một nương cà tím thôi/ Thôi thì em chẳng yêu tôi/ Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng…

Bài thơ có đến 23 lần nói đến màu vàng. Màu vàng mang theo tâm trạng, nỗi niềm nhân vật. Hình ảnh cuối nội mây xa, có con bướm vàng bay trong buổi tà huy, dùng dằng, ngập ngừng bước nhỏ: Về em vàng phố mây trời/ Tay đơm nụ hạ hoa dời gót xuân. Các cung bậc của tâm trạng tình yêu, khiến cho Hoa sầu cỏ cũng sầu chia/ Lơ thơ xanh tụ đầm đìa vàng pha/ Con ong nhỏ mới ra giàng/ Cũng nghiêng đôi cánh nhụy vàng rụng rơi…

Như Nguyễn Du viết, cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu khi tình yêu không trọn vẹn, Phạm Thiên Thư cũng vậy: Qua sông có kẻ chợt buồn/ Ngó hoa vàng rụng bên đường chớm thu/ Rằng xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say…

Màu vàng cũng mang trạng huống: Hoa dương vàng nhạt sầu người/ Nến khuya lửa hắt hiu vàng… Tháng ba, hương hoa nở rộ nụ vàng, khiến chàng thi sĩ đang yêu: nửa đêm dậy ngó trăng tà tiêu tương, nhìn ngọn nến khuya hiu hắt và thấy cả Trang kinh lác đác đôi hàng nhạn sa.

Trong Động Hoa Vàng, có những câu thơ về màu vàng thật hay: Đố ai nhớ hết hoa vàng, Đố ai uống cạn sương tàn trăng thâu/ Chiều nay giở lại bàng hoàng, Mười năm áo cũ hoe vàng lệ xanh / Sớm thu ta đánh đò sang, Bên đường cỏ mộ lại vàng cúc hoa/ Ngày xưa bên dậu vàng hoa, Chiều chiều kê chõng nằm ra ngó trời…

Từ độ, năm sau em bỏ đi rồi, Ta về ngồi lắng mưa rơi giậu buồn, màu vàng cũng nhuốm nỗi cô đơn: Nghiêng bình trà nhớ hương xưa, Từ vàng hoa nọ bây giờ vàng hoa. Gã thi sĩ làm quan muốn quay về với thiên nhiên, cây cỏ: Về lưng núi phượng một mình cuồng ca, cắt cỏ lợp nhà, giũ bỏ cuộc đời: Vào hang núi nhập niết bàn/ Tinh anh nở đóa hoa vàng cửa khe/ Mai sau thí chủ nào nghe/ Tìm lên xin hỏi một bè mây xanh/ Hoa vàng ta để chờ anh /Hiện thân ta hát trên cành tâm mai/ Trần gian chào cõi mộng này/ Sông Ngân tìm một bến ngoài hóa duyên.

Triết lý vô thường khiến thi sĩ tỉnh mộng: Thì thôi! Tóc ấy phù vân/ Thì thôi! Lệ ấy còn ngần giáng sương/ Thì thôi! Mù phố xe đường/ Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi... Quay về với cuộc đời, chọn sự an lành, gác vinh nhục chốn quan trường: Ta về rũ áo mây trôi/ Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan/ Rằng xưa có gã từ quan/ Lên non tìm Ðộng Hoa Vàng ngủ say…

Về phương diện hội họa, màu vàng là biểu hiện về sự tươi sáng, rạng rỡ của cuộc sống. Trong thơ ca, màu vàng cũng mang ý nghĩa đó. Những bài thơ mang sắc vàng đã đưa lại thông điệp độc đáo về tình yêu, về sự ấm áp, như nắng xuân phả lên cây lá, đem lại hạnh phúc cho con người.

H.V.H

 

[1]  Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974, trang 428, 429.

[2]  Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Thiều Quang, Sài Gòn, 1967, trang 237.

[3]  Huy Cận, “Trời, biển, hoa hương”, 1942, Huy Cận toàn tập (tập 1), NXB Văn học, 2011.

[4]  Huy Cận, Hạt lại gieo, NXB Văn học, 1984.

Bài viết khác cùng số

Con tằm bận nhả tơTiếng chim hót bên triền núi xanhMỹ Khê mùa xuânThành phố phía Tây BắcCampuchia - đi và thấyXuân về trên núiĐừng đợi đến ngày 30 TếtNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcTếtNgọn gió quẫy chân mùaThì thầm với cỏGiọng quêCánh đồng thiếu nữÁo carô*Cánh mỏng chao nghiêngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcCuối năm lại nhớ rừngĐi giữa sương đêmThơ Trần Trúc TâmThời gianBên ướt mẹ nằmMùa lạTản khúc ngày cuối đôngGhé thăm bạn cũThơ ngắnHồn người xưaVĩnh cửuThơ Nguyễn Đông NhậtChiều mưa biển Mỹ KhêMột nửa tôiVê qua trảng vắngMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmNắng tháng GiêngMột nhành xuânTa là cây cúc nhỏCành xuân biếcTiếng xuânĐóa hoa xuânXuânXuân hạnh phúcLúc lòng Nguyên ĐánVề bên tháng GiêngMưaChùm Haiku mùaĐêm nghiêngĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuChiều xuânLy rượu chiều cuối nămNắng xuânNgười dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Múa trong văn hóa du lịchMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Võ Rồng ở nước ViệtSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngXuân Giáp thìn 2024Ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Tranh vuiBóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em