Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức Nhạn

12.01.2024
Phạm Xuân Nguyên

Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức Nhạn

Nhà văn Phan Đức Nhạn và bạn văn tại buổi giới thiệu tác phẩm Ong rừng.

Đây là cuốn tự truyện của một người cho một gia đình, một dòng tộc, một vùng đất. Vùng đất đó là xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Và người viết tự truyện đời mình là Phan Đức Nhạn, một người con của Bình Dương.

Bình Dương, một xã có hơn 7000 dân trải qua chiến tranh khốc liệt đã có 4700 người ngã xuống vì bom đạn, hơn 1000 gia đình mà có gần 1400 liệt sĩ, 400 Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Bình Dương, một xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng, trong đó hai lần là vào thời chiến tranh. Bình Dương, một xã có những gia đình có đến 4, 5 liệt sĩ, và gia đình của Phan Đức Nhạn ở trong số đó.

Khi cậu Út Nhạn 16 tuổi rời quê hương đang chiến đấu ngày đêm để ra Bắc học tập theo chủ trương của trên (1969) thì mẹ và hai người anh chị của cậu đã ngã xuống. Năm 1967, anh Ba (Phan Đức Bảng) hy sinh trong một trận đánh chỉ cách nhà mình năm trăm mét. Tác giả ghi lại một chi tiết cảm động: “Cái rương cũ đã hư chỉ còn cái đế, anh Ba hay ngủ trên cái đế rương. Ngày anh hy sinh, mẹ trải chiếc chiếu trên đế rương để anh nằm trước khi khâm liệm, khi đưa tang anh, nhà chỉ đốt đi chiếc chiếu. Tôi lại thay anh ngủ trên chiếc đế rương. Có hôm tôi thì thầm với mẹ: Đêm qua con mơ thấy anh ba về nằm với con trên cái đế rương, anh bảo em ngủ đi… Mẹ nói: Con thương anh nên mới thấy, không phải sợ con ạ.” (tr. 52) Chi tiết như còn muốn nói: anh ngã xuống em sẽ tiếp bước theo anh.

Năm 1968, người mẹ Vương Thị Cận của Út Nhạn bị trúng đạn đại liên từ chiếc máy bay HU1A bắn, ngã xuống trên đồng khi đang cấy lúa. “Mẹ trúng đạn, nằm sõng soài, gập chân trên mặt ruộng xấp nước, máu chảy loang quanh người. Trên tay mẹ vẫn giữ chặt một nắm mạ như không thể nào buông bỏ, và đó là hình ảnh cuối cùng đời mẹ gắn với nắm mạ non.” (tr. 28) - thêm một chi tiết nghẹn ngào tác giả nhớ lại.

Năm 1969, chị Bốn (Phan Thị Lạng) nữ du kích bị địch đi càn bắt. “Chị tôi cắn răng chịu đòn, không nhận, không khai Việt Cộng. Chúng lồng lộn điên cuồng, nổ súng giết chị. Chị Bốn Lạng đã hy sinh. Hai mươi tuổi, sáu tháng tang mẹ. Mối tình đầu của chị với anh Bốn Lụa dừng lại ở lễ dạm hỏi…” (tr. 55-56)

Ba cái tang liên tiếp trong ba năm đổ ập xuống đầu Út Nhạn như vậy. Đến năm 1970, khi đang ở Bắc thì cậu lại được tin chị Năm (Phan Thị Mỹ Hàng), một chiến sĩ trinh sát của tỉnh đội Quảng Nam, hy sinh trong một trận đánh. “Chị hy sinh một năm rồi, cha tôi (ở miền Bắc) mới nhận được thư chị. Lời lẽ trong thư mộc mạc, thân thiết. “Cha ơi! Nhạn đi miền Bắc rồi. Cha đã gặp em chưa? Con nhớ em kinh mất… Con cứ mong nước nhà thống nhất để được gặp cha và em.” (tr. 60)

Tự truyện của Phan Đức Nhạn đã bắt đầu từ chính gia đình mình mà kể. Một gia đình có một Mẹ Việt Nam anh hùng và bốn liệt sĩ. Hai người chị ruột của người mẹ (tức là hai người dì ruột của Út Nhạn theo cách gọi ở miền Trung) cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng. Bản thân Nhạn cũng đã tham gia chiến đấu cùng các bạn thiếu niên ở quê khi tuổi mới lớn cho đến khi được đưa ra Bắc. Người cha đã ra tập kết từ 1954.

Đó là một gia đình điển hình. Đúng thế. Nhưng đó cũng là một gia đình bình thường như nhiều gia đình khác ở Bình Dương, ở Quảng Nam, và rộng ra là ở miền Nam nước Việt trong suốt cuộc chiến tranh. Mỗi con người, mỗi gia đình ở đó là một phần lịch sử của quê hương đất nước đều có thể được viết ra vì đều có điều nói được cho lịch sử. Lịch sử của một gia đình, một dòng tộc, một vùng đất. “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu.” (E. Evtushenko, Bằng Việt dịch). Huống chi đây là lịch sử của máu xương. Chính có lẽ vì thế mà Phan Đức Nhạn khi bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” đã quyết định viết tự truyện. Dõi theo từng trang sách, người đọc sẽ biết được hành trình của cậu Út Nhạn kể từ khi ra Bắc học tập và sau đó vào đời làm nghề xây dựng, từng là lãnh đạo cấp Sở ở Quảng Nam và TP Hồ Chí Minh, từng là đại biểu Quốc Hội khóa XI.

Tự truyện là truyện về cuộc đời của một người do người đó tự viết ra hoặc kể lại cho người khác chấp bút. Phan Đức Nhạn tự mình viết, có lẽ vì anh có chút năng khiếu thơ văn như đã được nhà văn liệt sĩ - anh hùng Chu Cẩm Phong (1941 - 1971), người đã sống và chiến đấu ở vùng quê anh, ghi lại trong nhật ký chiến tranh của mình khi ghé nhà cậu bé Nhạn. “Ngày 7/1/69. (…) Trong nhà chỉ có Nhạn là con trai, nên tuy còn nhỏ tuổi cũng đã tỏ ra là người đàn ông trong gia đình. Cậu ta tỏ ra rất lanh lợi, thuộc rất nhiều thơ hay của Tố Hữu, Thu Bồn, có giọng ngâm rất tốt, rất ham học, cứ ước mơ được học tới đại học.” (tr. 339)

Người ta có thể viết tự truyện ngay khi còn trẻ hoặc khi đã về già. Phan Đức Nhạn, như đã nói, viết tự truyện khi đã nghỉ hưu, rời khỏi mọi chức vụ công việc. Nhưng viết tự truyện không dễ. Cuộc đời mình có gì đáng kể, đáng đem ra nói với mọi người. Đó là câu hỏi thứ nhất cho người viết tự truyện. Câu hỏi thứ hai là đem cuộc đời mình ra nói ra kể để làm gì. Đây là nói về cách viết tự truyện. Viết không khéo sẽ dễ là đề cao, đánh bóng mình, tôn cái tôi của mình lên. Cố nhiên đã là tự truyện thì không thể không nói đến cái tôi. Cái tôi tự kể về mình, tự nhìn ngắm mình, tự bình giá mình, nhưng là trong tương quan với những cái tôi khác có quan hệ với mình. Tự truyện của Phan Đức Nhạn không bị sa vào cái tôi tô vẽ, phóng đại. Anh biết dung hòa được chuyện mình chuyện nhà chuyện dòng tộc chuyện quê hương. Anh cũng không giấu giếm những điều không phải người viết tự truyện nào cũng dễ nói. Thí dụ chuyện anh không trúng cử tỉnh ủy tại đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam khóa XVIII. Nhưng sau cái buồn anh đưa ngay chi tiết rất hay là tin nhắn của người vợ cho chồng khi được tin báo: “Anh yên tâm, khi hy sinh mẹ mình đâu nghĩ để con của mẹ trúng cử chức này chức kia.” (tr. 458-459)

Giọng kể tự truyện của Phan Đức Nhạn ấm áp, tình cảm. Có thể thấy điều này trong cả cuốn sách và nhất là trong phần anh dành cho những người anh quý trọng quý mến. Ở đó có những người bạn nhà văn nhà thơ. Và có cả những nhà chính trị từng giữ các chức vụ cao như cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cựu Phó Chủ tịch Quốc Hội Mai Thúc Lân, cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhưng với anh những người bậc trên về tuổi tác đó lại là những người gần gũi như trong gia đình. Nên viết về họ anh đặt các đề mục theo cách xưng hô thân tộc: “Cô Hai Bình”, “Chú Mai Thúc Lân”, “Anh Tư Sang”. Trong đó anh kể những kỷ niệm cá nhân về họ với lòng biết ơn trân trọng. Đáng chú ý có những chi tiết giúp ta hiểu hơn về nhân vật. Thí dụ như câu chuyện của ông Trương Tấn Sang được anh ghi lại: “Anh kể chuyện cậu bé Long An, bị địch bắt, đánh đau không chịu nổi đã chỉ hầm bí mật anh Tư đang ẩn. Hầm bị khui bất ngờ, anh Tư bị địch bắt. Sau ngày giải phóng, nghe tin cậu bé ấy bị giam ở huyện, anh Tư tới thăm và bảo lãnh cho cậu bé được về. Anh nói: “Cha nó là đồng đội mình, đã hy sinh, chỉ có nó mới nhớ ngày cha chết mà đốt hương cúng giỗ. Mình bận rộn công tác đâu có nhớ, mà cũng đâu có điều kiện thường xuyên thắp hương cho đồng đội. Mình bảo lãnh để nó về làm tròn trách nhiệm của người con đối với cha nó.” (tr. 367-368)

Phan Đức Nhạn đặt tên cho cuốn tự truyện của mình là “Ong rừng”. Anh lại đặt đề từ là câu nói của Karl von Frish (nhà tập tính học người Áo, giải Nobel Sinh lý và Y học 1973): “The bee’s life is like a magic well/  The more you draw from it, the more it fills with water” dịch ra thành câu lục bát: “Đời ong là cái giếng thần/ Múc bao nhiêu lại đầy tràn bấy nhiêu”. Có thể hiểu tác giả tự thấy mình làm nghề xây dựng giống như con ong xây tổ. Điều này anh đã nói rõ trong bài viết “Con ong và cuộc đời” mở đầu cuốn sách. Ví mình với con ong, Phan Đức Nhạn muốn nói đời mình đã và đang góp mật cho đời, xây tổ ấm cho con người. Có thể đọc thấy ở đó một điều anh lấy làm tự hào cho bản thân “Sống là cho mà chết cũng là cho”. Điều này hô ứng với cách anh kết thúc cuốn tự truyện.

Tên sách là “Ong rừng” nhưng anh kết bằng một điển cố văn chương liên quan đến cái tên Nhạn cha sinh mẹ đẻ của mình. Đó là bài thơ “Nhạn ảnh” của Hương Hải Thiền sư thế kỷ XVII được nhà bác học Lê Quý Đôn ghi lại trong sách “Kiến văn tiểu lục”.

Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thuỷ

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm

 Vận cho mình bốn câu thơ này kể Phan Đức Nhạn đã thâm thúy. “Nhạn vút tầng không/ Bóng chìm đáy nước/ Nhạn không hề có ý để lại dấu tích (dưới nước)/ Nước không hề có ý lưu lại bóng (nhạn trên trời)” Con người ta sinh ra đời trong một khoảng thời gian ngắn ngủi rồi vụt biến mất vô tăm tích. Nhưng đã có một bóng nhạn vút qua trời trong tích tắc ấy. Và cũng trong tích tắc ấy đã có một cái bóng lướt qua mặt nước. Chúng ta ai cũng là nhạn ấy và bóng ấy. Thế là đủ.

Với Phan Đức Nhạn cuốn tự truyện “Ong rừng” là một bước tiếp theo cho dự án “Vườn Mẹ” anh đang khởi dựng ở chính vùng quê Bình Dương. Trong sách anh có nói tới ý tưởng dự án này. Cuối cùng đi đâu làm gì con người cũng đều phải quay về với mẹ. “Thôi ta về với mẹ ta/ Không làm chi nữa vẫn là làm con” (Nguyễn Sĩ Đại).

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

P.X.N

Bài viết khác cùng số

TếtCampuchia - đi và thấyThành phố phía Tây BắcMỹ Khê mùa xuânTiếng chim hót bên triền núi xanhCon tằm bận nhả tơĐừng đợi đến ngày 30 TếtXuân về trên núiNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcNắng tháng GiêngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmMột nhành xuânNắng xuânMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngTiếng xuânChiều xuânLy rượu chiều cuối nămĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuĐêm nghiêngMột nửa tôiCành xuân biếcVề bên tháng GiêngLúc lòng Nguyên ĐánXuân hạnh phúcXuânĐóa hoa xuânTa là cây cúc nhỏThơ Trần Trúc TâmĐi giữa sương đêmTản khúc ngày cuối đôngMùa lạCánh mỏng chao nghiêngThời gianÁo carô*Cánh đồng thiếu nữMưaChùm Haiku mùaVê qua trảng vắngBên ướt mẹ nằmGiọng quêThì thầm với cỏNgọn gió quẫy chân mùaCuối năm lại nhớ rừngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcChiều mưa biển Mỹ KhêThơ Nguyễn Đông NhậtVĩnh cửuHồn người xưaThơ ngắnGhé thăm bạn cũMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngMúa trong văn hóa du lịchẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơVõ Rồng ở nước ViệtĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Người dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Tranh vuiẢnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Xuân Giáp thìn 2024Bóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em