Chiếc bánh cay vị gừng

10.01.2024
Nguyễn Thị Thu Thủy

Chiếc bánh cay vị gừng

Chủ nhật tuần trước về quê mua được hai gói bánh nổ, cúng rằm xong lu bu bao việc nên tôi quên bẵng. Hôm sau tất bật dọn dẹp lau chùi, đói bụng và thèm ngọt, chợt nhớ đến gói bánh để quên trong góc tủ. Vội vàng cắt và thưởng thức. Hương vị gừng hòa trong miếng bánh nổ mềm mềm gợi nhớ lại chút hương xưa trong ký ức tuổi ngày thơ. Những ngày ấy như vừa mới hôm qua mà bấm đốt tính lại đã 40 năm tròn.

Trong tiết trời lành lạnh, ngồi bên bếp lửa cùng mẹ thắng nồi nước đường, mùi gừng giã nhỏ hòa với nước đường vừa tới rồi mùi nổ quyện vào nhau quyến dụ cơn thèm thuồng. Trong những ngày tết xứ Quảng, bên cạnh bánh ít gai gói hình tháp bằng lá chuối, bánh in bột nếp được in bằng khuôn đồng hình chữ phước, chữ vạn; bánh da được lăn thành đòn dậy lên mùi đậu phụng rang; còn có món bánh nổ trắng mềm, ngon ngọt. Để có những khuôn bánh nổ xếp đều tăm tắp như những hộp xốp chữ nhật màu trắng ngà, từ mấy ngày trước mẹ tôi đã lụm cụm chọn nếp đem đến lò rang. Nếp phải khô đều to hạt và chắc, nếu ẩm sẽ không cho nổ trắng, bung to. Chờ một buổi, từ một thúng nếp còn vỏ, mẹ gánh về bốn bao nổ trắng và nhẹ như bông. Hì hục sàng sảy, lượm kỹ vỏ trấu còn bám trên hạt nổ cả hai ngày trời bỏ cả giấc trưa và trò chơi u mọi, đau cả lưng mỏi cả cổ, chúng tôi mới xong phần một. Đây là công đoạn nhẹ nhàng nhưng kỳ công nhất, nên mẹ giao cho bọn trẻ chúng tôi. Lượm xong mẻ nào, chúng tôi phải nhanh chóng bỏ vào bao ni lông to cột kín để tránh hở gió, nổ xìu, bánh sẽ mất ngon. Sau khâu lượm, chúng tôi bỏ vào cối đá, mỗi đứa một tay chày giã sơ qua cho hạt nổ nát làm ba và dễ thấm đường. Chờ mẹ ngơi việc đồng áng, tôi háo hức giục mua đường bát, gừng tươi rồi đi mượn khuôn, tìm giấy lót...

Để có miếng bánh thơm ngon, cả nhà phải phụ với mẹ. Đêm đã khuya nhưng tiếng chày giã nổ vẫn vang lên rộn rã. Không khí của những ngày giáp tết được tạo nên từ âm thanh của tiếng chày, từ hương mùi ở những gian bếp và cả nét mặt hớn hở của trẻ thơ được mẹ cho mỗi đứa một cục bánh còn nóng hôi hổi khi số nổ trộn đường không còn đủ một khuôn. Bánh nổ Quảng Nam khác hẳn với Quảng Ngãi bởi mềm hơn và đậm đà hương vị cay cay của gừng tươi đã được giã nhuyễn. Một thức bánh cực kỳ tốn công và đòi hỏi người thắng đường phải canh đúng lúc đường vừa tới, bắc xuống rồi bỏ nổ vào trộn đều, sau đó múc vào khuôn và nện chặt. Mẹ tôi thường lấy một chén nước sạch, chấm đầu đũa vào nồi đường đang sôi, nếu giọt đường bỏ vào nước không bị hòa tan và vón lại nghĩa là đường tới. Để bánh khỏi dính tay, mẹ thường lăn hộc bánh vào mâm nổ trắng đã giã và xếp đều đặn trên chiếc nia đã trải giấy sẵn...

Hôm nay nếm lại miếng bánh nổ vừa mua dù không ngon bằng bánh mẹ làm năm xưa nhưng khi cánh mũi ngửi lại hương vị của ngày xanh, nước mắt tự dưng lại chảy. Bởi gừng cay, khói bếp ngày cũ hay đang nhớ người xưa? Cái dáng cao gầy và đôi bàn tay xương xẩu, đầy gân xanh, chủ nhân của những thức bánh đậm đà nét hương quê là mẹ tôi đó. Nhờ đôi bàn tay cần mẫn của mẹ, chúng tôi mới có những cái tết quê đầy đủ và đậm đà hương vị. Không có gì là cao lương mỹ vị, những thức bánh, mứt mẹ làm đều là những sản vật sẵn có vườn nhà là mứt gừng vàng ửng thấm đều màu đường trắng, là mứt dừa từng cọng dài bùi thơm, là bánh nổ dẻo mềm từ nếp, bánh in đậu xanh thơm lựng thưởng thức với ly trà nóng… Năm tháng trôi nhanh, cuộc sống đổi thay từng ngày, cái mới đã lấn sân điều cũ kỹ và dù có ai đó bảo tôi lẩn thẩn thì cũng mặc. Hoài niệm chút hương xưa cũng là chút tình đối với nguồn cội và quá khứ; mà có trước mới có sau, cũng không vì có mới nới cũ...

Trên bàn thờ ngày tết hiện đại, bên cạnh những hộp bánh đẹp mắt từ các nhà sản xuất danh tiếng: Kinh Đô, Hải Hà, Orion vina, Bibica, Tràng An…, gia đình tôi vẫn cúng ông bà bằng những ổ bánh tổ, gói bánh in hay dĩa bánh nổ dân dã. Riêng tôi, tôi vẫn thường thích nhấm nháp các loại bánh quê mà mình đã cùng mẹ và các chị em từng làm thuở nào. Bận bịu mấy, tôi cũng dành thời gian về quê đi chợ ngày tết để tìm mua, dù rằng bánh ở chợ bán không thể ngon bằng bánh tự làm. Ôi những hương mùi bánh trái quê xưa như còn đọng đâu đây trên từng cánh mũi,  đầu lưỡi. Một chút ngọt dịu nhưng trong trẻo đến lạ kỳ gợi nhớ đến ý thơ: “Chiếc bánh nổ mẹ cho/ tuổi thơ ăn mãi/ ăn mãi… chưa hết tết/…Tôi cánh chiền chiện chân trời/ giấc mơ thơm khoáy đảo/ con chữ bung trắng cồn cào/ những khói mây/ Ngày từng ngày xới lên những chiếc bánh/ chiếc bánh cay vị gừng/ chiếc bánh cay nước mắt…”(Bánh nổ - Đỗ Thượng Thế).

N.T.T.T

Bài viết khác cùng số

Con tằm bận nhả tơTiếng chim hót bên triền núi xanhMỹ Khê mùa xuânThành phố phía Tây BắcCampuchia - đi và thấyXuân về trên núiĐừng đợi đến ngày 30 TếtNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcTếtNgọn gió quẫy chân mùaThì thầm với cỏGiọng quêCánh đồng thiếu nữÁo carô*Cánh mỏng chao nghiêngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcCuối năm lại nhớ rừngĐi giữa sương đêmThơ Trần Trúc TâmThời gianBên ướt mẹ nằmMùa lạTản khúc ngày cuối đôngGhé thăm bạn cũThơ ngắnHồn người xưaVĩnh cửuThơ Nguyễn Đông NhậtChiều mưa biển Mỹ KhêMột nửa tôiVê qua trảng vắngMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmNắng tháng GiêngMột nhành xuânTa là cây cúc nhỏCành xuân biếcTiếng xuânĐóa hoa xuânXuânXuân hạnh phúcLúc lòng Nguyên ĐánVề bên tháng GiêngMưaChùm Haiku mùaĐêm nghiêngĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuChiều xuânLy rượu chiều cuối nămNắng xuânNgười dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Múa trong văn hóa du lịchMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Võ Rồng ở nước ViệtSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngXuân Giáp thìn 2024Ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Tranh vuiBóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em