Thành phố phía Tây Bắc

10.01.2024
Trần Ngọc Đức

Thành phố phía Tây Bắc

Vịnh Đà Nẵng nhìn từ phía Tây Bắc của thành phố. Ảnh ST

Đà Nẵng vào xuân, tiết trời se se lạnh, sáng sớm đôi khi vẫn còn một vài cơn gió sót lại như lời chào tiễn biệt của mùa đông vừa mãn. Tiết trời đầu xuân đủ để những ai thích tắm biển vẫn có thể vùng vẫy trong làn nước mát trong lành nơi những bãi biển nổi tiếng của thành phố lâu nay. Nhưng cũng đủ để ai đó có thể khoác lên mình chiếc áo len mỏng mà nắm tay nhau dạo trên những cây cầu lộng gió rất đẹp của thành phố hôm nay.

Trong cảm hứng đó, tôi rủ anh bạn là phóng viên của một tờ báo Trung ương đóng trên địa bàn cũng đang tìm kiếm đề tài cho số báo tết thử làm một chuyến du ngoạn dọc theo cung đường ven vịnh Đà Nẵng để xem “có gì mới lọt vào tầm mắt hay không?”.

Chúng tôi nhanh chóng thống nhất cho mình một lộ trình cụ thể. Nơi xuất phát là cảng Tiên Sa, và điểm kết thúc cũng được định sẵn đó là công trình cảng Liên Chiểu đang xây dựng hợp phần 1. Thật ra, lựa chọn này là có chủ ý chứ không chỉ đơn thuần là để tận hưởng cảnh sắc và khí trời đang đẹp đến nao lòng này.

Nói đến Tiên Sa người ta cứ hay nghĩ đến một bãi biển tiêu biểu của thành phố với câu chuyện tình đẹp từ trong truyền thuyết thẳng đến thơ ca hôm nay. Nhưng cái tôi muốn nói ở đây là một công trình cụ thể: Cảng Tiên Sa. Đứng từ đây, một điểm tựa lưng vào núi, hướng mặt ra biển ta có thể dễ dàng thấy được cuốn phim quay ngược một phần lịch sử quan trọng của đất nước. Đây là nơi mà thực dân Pháp đã neo những chiến hạm đầu tiên để tìm cách xâm lược nước ta. Và từ đó nhân dân ta đã trải qua những năm tháng kháng chiến hào hùng để giành được độc lập, tự do hôm nay. Trải qua bao biến cố của lịch sử, qua bao nhiêu năm hoạt động, cảng Tiên Sa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với vai trò là cửa ngõ giao thương trên biển của thành phố, của cả khu khu vực miền Trung nói chung và lớn hơn nó là cửa ngõ của hành lang đông tây Đông Nam Á. Lịch sử đã ghi nhận hàng triệu tấn hàng hoá được xuất đi và đón nhận để dựng xây đất nước trong suốt mấy mươi năm qua. Đồng thời, nhiều sự kiện lịch sử về trao đổi giao lưu hàng hải, quân sự đã diễn ra nơi đây, góp phần tô đẹp thêm bộ mặt của thành phố trong lòng người dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế. Với cảng Tiên Sa, khu vực phía Đông của thành phố đã có nền tảng vững chắc để phát triển nhanh trong hơn hai thập kỷ qua, biến một “Quận 3” với những khu nhà chồ sập sệ, nhếch nhác thành một trong những nơi có tốc độ phát triển thần kỳ với rất nhiều các dự án trọng điểm về du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp… và có đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của thành phố lâu nay. Để giờ đây người ta không nói đến việc “đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hà Thân” mà “ruột đau thắt lòng” nữa, mà bây giờ “bên tê” đang ngó lại “bên ni”, phía đông đang “ngó” lại phía tây, phía bắc với niềm vui và sự tự hào của cuộc sống mới hôm nay.

Chúng tôi chọn con đường Nguyễn Tất Thành để thực hiện chuyến đi lên phía Tây Bắc thành phố của mình. Con đường này duyên dáng vẽ một đường cong cánh cung mềm mại theo bờ vịnh Đà Nẵng quanh năm gió thổi mát rượi là điểm nhấn khó quên cho những ai muốn khám phá vùng biển an lành này. Vịnh Đà Nẵng có hình dạng như chữ Tâm trong tiếng Hán hoặc có thể tưởng tượng dân dã hơn mang yếu tố đặc trưng của một địa phương vùng biển thì nó có hình chiếc lưỡi câu với đỉnh đầu là núi Hải Vân và lưỡi là bán đảo Sơn Trà. Địa thế này, cùng với diện tích rộng hơn 116km2 làm cho vịnh Đà Nẵng trở nên đặc biệt hiếm có về vị trí địa lý cũng như tầm quan trọng về địa chính trị và giao thương trên biển.

 

Rời khỏi cảng Tiên Sa qua cây cầu Thuận Phước, chúng tôi tạm giao ước không đề cập đến khu vực trung tâm của thành phố trải dài khoảng chừng mười cây số. Tôi và anh bạn đi cùng tính toán và tạm lấy sông Phú Lộc để làm điểm ranh giới cho khu vực trung tâm với khu vực Tây Bắc của thành phố dọc theo tuyến đường biển này.

Nếu đến khu vực Phú Lộc chừng mười lăm năm trước, điều bạn dễ nhận thấy nhất đó chính là mùi hôi thối từ con sông Phú Lộc, sự ô nhiễm nặng của dòng sông làm cho cửa sông nơi đây thành một điểm đen về môi trường khi đổ ra vịnh Đà Nẵng. Thế nhưng, qua bao thăng trầm của thời gian và sự kiên định của lòng người, mọi thứ nay đã khác. Với sự quyết liệt của thành phố trong việc quyết tâm xoá bỏ điểm nóng này, giai đoạn 2009-2012, dự án nạo vét khơi thông dòng chảy của sông, cùng với việc xử lý tình trạng rỉ nước ra sông từ bãi rác Khánh Sơn cùng nhiều biện pháp đồng bộ khác đã trả lại cho nơi đây một dòng chảy tương đối hiền hòa. Cùng với đó là việc xây dựng và đưa vào sử dụng cầu vượt ngã ba Huế năm 2015, thành phố cũng đã quy hoạch lại toàn bộ khu tái định cư tại đây một cách rõ ràng theo hình thức ô bàn cờ mà chúng ta cũng có thể dễ dàng nhìn thấy trên google maps. Nói một cách không ngoa rằng quy hoạch nơi đây chính là quy hoạch mở đầu cho loại hình đô thị nói không với kiệt, hẻm mà thành phố đang áp dụng hiện nay.

Đôi khi hạnh phúc là chỉ cần được hít thở một bầu không khí trong lành, và trong chuyến đi về phía Tây Bắc thành phố hôm ấy, chúng tôi thật sự đã có được cảm giác đó khi qua sông Phú Lộc mà cảm thấy hơi thở của mình không thay đổi, dòng sông đã thật sự hồi sinh trước khi đổ ra vịnh Đà Nẵng. Anh bạn và tôi dừng xe lại vì bắt gặp một người đàn ông đang câu cá bằng một dụng cụ hết sức đặc biệt. Chỉ với vỏ chai nước suối cắt ngang, móc sợi dây cước vào hai bên thành, bên trong chai bỏ một miếng chì và một ít bột mì mà lão ngư dân Bùi Văn Phước (trú tại đường Yên Thế 2) có thể câu được từ 3-5 ký cá đối một ngày. Số cá này có thể bán được hai, ba trăm ngàn. Với một ngư dân đã bảy mươi tuổi như ông, không còn có thể ra khơi xa được nữa thì đây có thể là một nghề mưu sinh phù hợp. Dưới cái nắng xuân trong veo, người đàn ông với khuôn mặt đen nhẻm cười hiền tỏ rõ sự mãn nguyện.

- Mấy chú có muốn câu không, câu kiếm tiền thì khó chứ câu chơi kiếm cá… ăn tết thì dễ thôi à. Mà chừ mới dễ nghe, chớ như chừng mươi, mười lăm năm trước thì ra đây chỉ có ngửi mùi hôi thối thôi.

Câu hỏi nghe chừng thân thương đặc sệt giọng Quảng của một ngư dân với làn da rám nắng chính hiệu cùng với nụ cười lộ hàm răng trắng xóa cho chúng tôi thấy được sự phấn khởi của ông lúc này về sự thay đổi của quê hương mình.

Chào người đàn ông, chúng tôi tiếp tục di chuyển lên theo cung đường 2 km nữa, và dừng xe lại ngay ngã ba dẫn ra bờ biển, nơi con đường Nguyễn Sinh Sắc nối đường với đường Nguyễn Tất Thành ra bờ biển. Một cảm giác thật sự làm chúng tôi choáng ngợp, bởi chỉ vài năm trước thôi, hai bên đường này vẫn còn khá trống trải. Nay thì dáng dấp của một khu đô thị mới hiện ra với những dãy penhouse hiện đại đã hoàn thành, mường tượng tương lai con đường này sẽ rất giống với con đường Phạm Văn Đồng nối từ cầu Sông Hàn ra công viên Biển Đông với bãi biển Mỹ Khê vô cùng nổi tiếng. Khu vực này cũng là nơi tọa lạc của trung tâm hành chính quận Liên Chiểu - một trung tâm hành chính với không gian kiến trúc hiện đại, thoáng đãng tương xứng với khu vực có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất của thành phố trong thời gian gần đây. Đâu đó dáng dấp của một đô thị vệ tinh của trung tâm thành phố đã hình thành khi cơ sở vật chất và thiết chế văn hóa nơi đây được đầu tư khá đa dạng, đồng bộ để phục vụ cho nhu cầu phát triển với tốc độ cao hiện nay.

Cũng bắt đầu từ ngã ba này tiếp tục di chuyển về phía Tây Bắc theo con đường Nguyễn Tất Thành, chúng tôi vô cùng thích thú với những hàng dương ven biển. Mặc dù tầm mắt có bị hạn chế khi nhìn ra vịnh Đà Nẵng nhưng đổi lại mảng xanh này chính là “người bảo vệ” vô cùng hiệu quả cho bờ biển trước sự xâm thực ngày càng khắc nghiệt của thiên nhiên.

Vừa đi qua hàng dương quanh năm reo vui cùng gió ấy chúng tôi chạm mắt thấy cây cầu đi bộ Mikazuki bắc ngang qua đường Nguyễn Tất Thành. Công trình này cao 13m, dài hơn 140m với không gian sàn khoảng 655m2. Đây là địa điểm du lịch mới mà du khách thường chọn để check in khi đến Đà Nẵng. Bên kia của cây cầu về phía đất liền là khu tổ hợp cao cấp Mikazuki đạt tiêu chuẩn 5 sao mang phong cách Nhật Bản với một hệ thống những điểm vui chơi nghỉ dưỡng có thể làm thỏa lòng du khách. Điểm nhấn cho khu phức hợp này chính là công viên nước trong nhà với diện tích hơn 10.000m2. Chỉ tính riêng khu tổ hợp này thôi thì ước tính hàng năm có thể đón gần một trăm nghìn du khách đến vui chơi nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển nào cũng có một câu chuyện để chia sẻ. Khu vực tổ hợp cao cấp Mikazuki tọa lạc hiện nay cũng chính là bãi biển Xuân Thiều. Bãi biển này nổi tiếng về mặt lịch sử bởi đây chính là điểm đổ bộ đầu tiên của quân viễn chinh Mỹ khi chính thức phát động xâm lược nước ta vào năm 1964. Còn gần hai mươi năm trước khu vực này lại nổi tiếng bởi sự vắng vẻ, những con nghiện thường đến để tụ tập, cùng với đó là sự khắc nghiệt của thiên nhiên thường gây xói mòn bờ biển khiến cho việc phát triển kinh tế ở đây khá khó khăn. Nhưng mọi thứ đã khác, với những công trình phục vụ du lịch đã chính thức đưa vào hoạt động, khu vực biển Xuân Thiều giờ đây đã kết nối được với đất liền để tạo nên một sức sống mới, diện mạo mới thu hút được nhiều nhà đầu tư cũng như du khách gần xa.

 

Tiếp tục cuộc hành trình của mình, chúng tôi hòa mình vào một nhóm du khách di chuyển thêm ba cây số nữa đến với một địa danh cũng khá nổi tiếng trên cung đường này. Đó chính là làng Nam Ô!

Nam Ô - gợi cho chúng ta quá nhiều những liên tưởng khác nhau. Đối với những người yêu lịch sử thì nơi đây chính là nơi diễn ra trận chiến giải cứu công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành của nhà Trần, rồi theo quá trình mở cõi của vua Lê Thánh Tông và Chúa Tiên Nguyễn Hoàng dòng người từ Bắc vào Nam khai khẩn cũng đã chọn nơi đây là một trong những trạm dừng chân đầu tiên để định cư. Với những người mê ẩm thực thì nước mắm Nam Ô, gỏi cá Nam Ô… là những đặc sản mà ai cũng ao ước được thưởng thức khi ghé Đà Nẵng. Nếu là người hoài niệm về những cái tết xưa, thì Nam Ô gợi lên tiếng “đì đùng” một thời của nghề làm pháo nổi tiếng cả nước... cái nghề từng là kế mưu sinh cho nhiều gia đình ở đây suốt một thời gian dài. Còn với cánh nhà báo chúng tôi, nhắc đến Nam Ô là nhắc đến bộ phim tài liệu khá nổi tiếng gần đây của đạo diễn Đoàn Hồng Lê, bộ phim có tên gợi ra nhiều suy nghĩ “Những thanh niên làng Nam Ô”. Bộ phim lấy bối cảnh của làng Nam Ô hôm nay, ở đó, ngôi làng với bề dày hơn 700 năm tuổi nép mình bên chân núi này vẫn đang đấu tranh cho sự trường tồn của nó trước tốc độ đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ... Rất may, sau bao nỗ lực tranh đấu của người dân nơi đây, nhất là những người trẻ, sự đồng hành của báo chí, sự chỉ đạo kịp thời từ Đảng bộ, Chính quyền thành phố với đích thân Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và nhiều lãnh đạo thành phố khác đã chỉ đạo quyết liệt thì ngôi làng cổ này mới có cơ hội được tiếp tục viết thêm những trang sử của mình.

Rời khỏi Nam Ô, chúng tôi đi thêm tầm hơn cây số nữa là đến điểm cuối của chặng hành trình hôm nay chính là công trình Cảng Liên Chiểu với quy mô hơn 450 ha nằm dưới chân đèo Hải Vân. Hình như xuân cũng đã chạm đến nơi đây…

Nhớ lại cách đây hơn một năm trước, vào một ngày mà thời tiết khá ẩm ương khó chịu, những cơn mưa cứ liên tục trút xuống thành phố này khiến con người ta cũng cảm thấy có phần thờ ơ trước mọi thứ. Đó là ngày 14/12/2022, cũng tôi và anh bạn phóng viên hôm nay, một phần vì nhiệm vụ, một phần tò mò cùng đèo nhau đến tận chân đèo Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu để tận mắt chứng kiến lễ khởi công xây dựng dự án Cảng Liên Chiểu. Một lễ khởi công hoành tráng cho một dự án quy mô không chỉ của thành phố mà mang tầm đất nước. Buổi lễ có sự tham dự của cả Chủ tịch nước lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch nước hiện nay là đồng chí Võ Văn Thưởng. Việc Bộ Chính trị quan tâm đến dự án này đã chứng tỏ được sự đặc biệt quan trọng của nó cho tương lai của thành phố và cũng là dự án trọng điểm có tính chất nền tảng trong hiện thực hóa Nghị quyết 43 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dù thời tiết không chiều lòng người, nhưng tất cả những ai có mặt tại buổi lễ đều cảm thấy bừng lên niềm hy vọng mới. Một hy vọng có kế hoạch đầu tư bài bản, lâu dài chứ không chỉ là trên lý thuyết để rồi thấp thỏm như nhiều dự án treo trước đó tại khu vực.

        

Công trình Cảng Liên Chiểu đã hoàn thành hợp phần 1 với đê chắn sóng dài 1550. Ảnh ST

Và cho đến hôm nay khi chúng tôi dừng chân tại đây, dự án này đã có hình hài tương đối rõ ở hợp phần 1 với đê chắn sóng dài 1550m đã hoàn thành. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng vừa ghé thăm, kiểm tra và động viên cán bộ, người lao động của đơn vị thi công trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024. Khi cảng Liên Chiểu hoàn thành và đi vào hoạt động thì đây sẽ là một trong những nền tảng vững chắc để khu vực Tây Bắc thành phố phát triển nhanh hơn. Cùng với đó các tuyến cao tốc đi qua khu vực được hình thành trong thời gian qua và một hệ thống khu công nghiệp tương đối hoàn chỉnh, Liên Chiểu nói riêng và khu vực Tây Bắc thành phố nói chung thật sự đang trỗi dậy mạnh mẽ theo từng ngày, từng giờ một cách bài bản, toàn diện, nhưng vẫn giữ được đặc trưng thiên nhiên cũng như bề dày trầm tích lịch sử bao đời nay.

Cuộc hành trình của chúng tôi kết thúc tại cảng Liên Chiểu, một cảng nước sâu quy mô và hiện đại, và nó xứng đáng thay thế được vai trò của cảng Tiên Sa sau khi hoàn thành và còn hơn thế nữa nó là nền tảng vững chắc để nhiều ngành nghề khác phát triển như: logistic, du lịch biển…  Chắc chắn rằng chúng tôi sẽ trở lại nơi đây vào ngày cảng Liên Chiểu được khánh thành, ngày ấy phía Tây Bắc thành phố với bao con tàu ra vào bến cảng dưới bóng núi Hải Vân thật nên thơ và tràn đầy hy vọng cho một tương lai Đà Nẵng vươn xa.

T.N.Đ

Bài viết khác cùng số

Con tằm bận nhả tơTiếng chim hót bên triền núi xanhMỹ Khê mùa xuânThành phố phía Tây BắcCampuchia - đi và thấyXuân về trên núiĐừng đợi đến ngày 30 TếtNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcTếtNgọn gió quẫy chân mùaThì thầm với cỏGiọng quêCánh đồng thiếu nữÁo carô*Cánh mỏng chao nghiêngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcCuối năm lại nhớ rừngĐi giữa sương đêmThơ Trần Trúc TâmThời gianBên ướt mẹ nằmMùa lạTản khúc ngày cuối đôngGhé thăm bạn cũThơ ngắnHồn người xưaVĩnh cửuThơ Nguyễn Đông NhậtChiều mưa biển Mỹ KhêMột nửa tôiVê qua trảng vắngMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmNắng tháng GiêngMột nhành xuânTa là cây cúc nhỏCành xuân biếcTiếng xuânĐóa hoa xuânXuânXuân hạnh phúcLúc lòng Nguyên ĐánVề bên tháng GiêngMưaChùm Haiku mùaĐêm nghiêngĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuChiều xuânLy rượu chiều cuối nămNắng xuânNgười dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Múa trong văn hóa du lịchMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Võ Rồng ở nước ViệtSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngXuân Giáp thìn 2024Ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Tranh vuiBóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em