Một tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà Nẵng

12.01.2024
Đinh Thị Trang

Một tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà Nẵng

Tập ký sự Long lanh một dải sông Hàn là tác phẩm thứ 29 của nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 11 năm 2023. Với vốn tri thức phong phú, tấm lòng yêu quê hương xứ sở, tác giả đã mang đến cho độc giả những trải nghiệm thú vị về vùng đất, văn hóa và con người Đà Nẵng.

Tập ký sự Long lanh một dải sông Hàn tập hợp 16 bài ký có nội dung hấp dẫn được tác giả viết trong thời gian khá dài. Có bài vừa mới viết, cũng có bài viết đã lâu, trong những lần ông về thăm quê hương Đà Nẵng hoặc cũng có khi là đi khảo sát, nghiên cứu về văn hóa dân gian đất Quảng.

Mỗi ký sự như là một chuyên luận nghiên cứu giải thích cho độc giả về chữ nghĩa, lai lịch, các cứ liệu lịch sử của các địa danh, di tích như Đà Nẵng, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn... Ví dụ như địa danh Đà Nẵng được giải thích trong bài viết “Đà Nẵng, Thành phố tôi yêu” như sau: bắt nguồn từ ngôn ngữ Champa có nghĩa là sông lớn (Đà là “sông”, nước; còn Nẵng có nghĩa là “ngày xưa” tức ngày xưa nơi đây là nhánh sông lớn, hoặc nơi đây là đất bồi lấp của con sông lớn). Còn theo thư tịch cổ thì ngay trong sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An (1503) tên Đà Nẵng đã được ghi nhận (Trang 14). Qua những trang viết đó, người đọc sẽ thu được cả kho kiến thức về lịch sử, văn hóa vùng đất “chưa mưa đà thấm”, hiểu thêm về con người xứ Quảng bộc trực, thẳng thắn mà chân chất nghĩa tình.

Vốn là một nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian kỳ cựu nên các cứ liệu của các ký sự được đúc rút từ các công trình nghiên cứu về văn hóa mà ông bỏ công sưu tầm, nghiên cứu trong thời gian dài nên tính thuyết phục cao. Đọc ký sự, độc giả như được du hành về các địa danh trên vùng đất Đà Nẵng, được hiểu thêm các vỉa tầng văn hóa, được hòa mình vào các lễ hội tiêu biểu ở thành phố bên sông Hàn như lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội Mục đồng, lễ hội đình làng….

Những ký sự trong tập sách cũng chính là lời tâm sự của tác giả hướng về vùng đất, con người Đà Nẵng thân thương. Với phong cách năng động, nhạy bén của nhà báo, nhà nghiên cứu, tác phẩm của nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ mang đậm nét hiện thực tỉnh táo với nhiều cung bậc của cảm xúc và lý trí hoà quyện. Trong quảng thời gian dài thâm nhập thực tế tại địa phương, tiếp xúc nhiều hoàn cảnh, nhiều nhân vật để sưu tầm tư liệu văn hóa dân gian đã cho ông những góc nhìn mới, cách cảm mới, làm chất xúc tác cho sự chiêm nghiệm trong ông ngày thêm dày dặn, thêm sâu sắc, cả về tri thức lẫn cảm xúc, để từ đó kết tinh thành những tác phẩm ký chứa đựng sự thăng hoa trong bút pháp của người nghệ sỹ ngôn từ.

Tình yêu thiên nhiên, văn hóa, con người luôn luôn là bà đỡ để ông cảm thụ và đem lòng yêu từng chi tiết của vùng đất Đà Nẵng. Trong mỗi bài ký, con người và thiên nhiên cứ quấn quýt và nâng đỡ nhau như hình với bóng. Bằng sự am hiểu về lịch sử, con người, ông đã cho người đọc biết trên nền tảng thiên nhiên ấy, trong quá trình sinh tụ dựng xây cuộc sống, bằng trí tuệ và sức vóc những người dân Đà Nẵng đã dựng xây nên một vùng văn hóa, chứa đựng nhiều tầng, nhiều lớp đặc trưng của lịch sử hình thành và phát triển, vừa thống nhất với đặc điểm văn hóa dân tộc vừa mang những sắc thái riêng, độc đáo và thi vị.

Thực tại trong mỗi bài ký của Tần Hoài Dạ Vũ không dừng lại ở sự mô tả mà loang ra, trộn vào ký ức gần, quá khứ xa, lồng vào những câu chuyện, truyền thuyết dân gian về nguồn gốc của sông núi, các phong tục của người Đà Nẵng để rồi đọng lại trong người đọc những nghĩ suy về tấm lòng muốn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của một vùng đất. Chính nốt trầm này gõ vào lòng trắc ẩn của người đọc, xua đuổi sự thờ ơ, trỗi dậy niềm ý thức nhân văn của mỗi người. Cùng với tư duy phát hiện, tác giả khám phá những điều mới mẻ và đi sâu được nhiều vấn đề muốn trình bày. Tác phẩm được in với khổ nhỏ, là kiểu sách bỏ túi, nếu các cơ quan, đơn vị có thể mua để sử dụng tặng cho du khách khi đến với Đà Nẵng thì có thể góp phần quảng bá được rộng rãi về văn hóa, con người Đà Nẵng.

Tập ký sự là những trang ký ức thấm đẫm chất thơ qua hành trình trở lại thăm thú và cả những ký ức về quê hương, về tuổi thơ của tác giả. Sự trân trọng, nâng niu những giá trị tinh thần của tác giả còn được thể hiện qua những bài viết trong những chuyến điền dã. Một Đà Nẵng hùng vĩ với cảnh sắc non sông. Một Đà Nẵng rất riêng qua giọng nói và tính cách ngay thẳng đến quá mức cho nên mới có “Quảng Nam hay cãi”, một Đà Nẵng đậm đà bản sắc văn hóa. Tất cả đã được Tần Hoài Dạ Vũ thể hiện trọn vẹn trong ký sự Long lanh một dải sông Hàn.

Đ.T.T

Bài viết khác cùng số

TếtCampuchia - đi và thấyThành phố phía Tây BắcMỹ Khê mùa xuânTiếng chim hót bên triền núi xanhCon tằm bận nhả tơĐừng đợi đến ngày 30 TếtXuân về trên núiNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcNắng tháng GiêngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmMột nhành xuânNắng xuânMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngTiếng xuânChiều xuânLy rượu chiều cuối nămĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuĐêm nghiêngMột nửa tôiCành xuân biếcVề bên tháng GiêngLúc lòng Nguyên ĐánXuân hạnh phúcXuânĐóa hoa xuânTa là cây cúc nhỏThơ Trần Trúc TâmĐi giữa sương đêmTản khúc ngày cuối đôngMùa lạCánh mỏng chao nghiêngThời gianÁo carô*Cánh đồng thiếu nữMưaChùm Haiku mùaVê qua trảng vắngBên ướt mẹ nằmGiọng quêThì thầm với cỏNgọn gió quẫy chân mùaCuối năm lại nhớ rừngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcChiều mưa biển Mỹ KhêThơ Nguyễn Đông NhậtVĩnh cửuHồn người xưaThơ ngắnGhé thăm bạn cũMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngMúa trong văn hóa du lịchẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơVõ Rồng ở nước ViệtĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Người dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Tranh vuiẢnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Xuân Giáp thìn 2024Bóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em