Con tằm bận nhả tơ

10.01.2024
Lê Quang Vinh

Con tằm bận nhả tơ

Ảnh minh họa

Mùa Đông ở miền Trung năm nay lạnh nhiều. Cái lạnh như thấm vào da, len lỏi qua lớp thịt, vào đến xương, tận tuỷ. Cái lạnh này Tuệ chưa từng cảm nhận dù anh sống ở châu Âu, có những lúc nhiệt độ xuống dưới không 0 độ C. Dù cảm thấy lạnh buốt da và khó chịu vì không khí ẩm, nhưng Tuệ lại chưa muốn vào phòng. Anh ngồi thu mình ở góc hành lang, rồi bất ngờ đứng lên bước ra gần hồ bơi trong sân. Con mèo đang thu mình ngái ngủ gần đó phóng vội ra vườn.

Tuệ sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hội An, nên anh quen thuộc đến nằm lòng Chùa Cầu, nhà thờ Hội An (được coi là nhà thờ cổ nhất Việt Nam) và những con đường nhỏ, bình yên giữa lòng phố cổ. Thế nhưng khi trở về phố xưa, anh đã phải đi lạc đường không biết bao nhiêu lần. Đường phố thay đổi nhiều dù nét cổ kính vẫn còn lại không hề thay đổi. Con sông Hoài lững lờ trôi, và ban đêm chậm rãi đưa những chiếc lồng đèn chở ước mơ trên dòng nước dịu dàng như tấm lụa mỏng.

Anh được người quen giới thiệu nghỉ lại mấy ngày ở Làng Lụa sau khi đã hoàn tất công việc của nhà nghiên cứu. Ngay cổng vào có ghi dòng chữ “Làng Lụa Quảng Nam Silk” viết kiểu thư pháp bằng gỗ tinh tế. Anh đoán chủ nhân là người thích nghệ thuật và am hiểu văn hoá. Hỏi ra mới biết anh chị chủ vừa kinh doanh vừa theo đuổi mục đích quảng bá văn hoá quê nhà.

Sau bữa cơm tối, trời dường như lạnh hơn. Chủ nhân của Làng Lụa đến gõ cửa phòng anh và mỉm cười: “Hình như bạn không chịu nổi cái lạnh ở đây? Vậy uống cốc rượu Hồng Đào Quảng Nam cho ấm người nhé”. Tuệ nói cảm ơn rồi đi theo chủ nhân sang căn phòng nhỏ xíu ở gần đó. Trong phòng có một kệ sách lớn toàn sách bìa cứng, một bức tranh thiếu nữ xứ Quảng, một chiếc bàn tròn nhỏ có bày sẵn bàn cờ tướng. Đặc biệt anh chú ý trên kệ sách có để khung ảnh chụp một con tằm đang nhả tơ. Thấy Tuệ chăm chú nhìn khung ảnh, vị chủ nhân đọc nho nhỏ hai câu thơ: “Con tằm được mấy tiền tơ. Chao ôi! Mà ước mà mơ lấy nàng?”. Rồi vị chủ nhân cười: “Con tằm của Nguyễn Bính không cho nhiều tơ, nhưng con tằm Điện Bàn và con tằm Hội An thì khác đó nhé”. Tuệ không hiểu ý câu thơ lắm nhưng cũng gật gù.

Chủ nhân lấy chai rượu Hồng Đào từ ngăn tủ nhỏ cạnh chiếc bàn và cẩn thận rót rượu vào hai cái tách nhỏ bằng gốm đặt sẵn trên bàn. Vừa rót anh vừa nói với Tuệ: “Vào mỗi buổi chiều khi xong việc đồng áng, người con gái Điện Bàn tên là Hồng Đào vẫn nuôi tằm, dệt lụa và phụ giúp cha bán rượu. Rượu của người cha được nấu từ gạo mới còn nguyên cám, được ướp hương từ những quả đào chín mọng và được mang đi ủ trong chum sành được chôn dưới đất nên rất thơm ngon, nước rượu trong veo, màu hồng nhạt và có một mùi thơm vô cùng đặc trưng”. Tuệ nghe chuyện, nghĩ đến người con gái xinh đẹp, hiền thục, đảm đang ngày nào của anh, bất giác đưa tay thu vạt áo. Chủ nhân mỉm cười: “Lạnh vì nhớ cố nhân?”. Tuệ khẽ gật đầu. Khi anh về lại quê cũ thì người con gái ngày ấy đã ở đến bờ sông bên kia rồi.

Sáng sớm, những tia nắng rực rỡ rọi xuống hồ bơi và phản chiếu những tia lung linh lên hàng cổ thụ trong khoảng sân trước dãy nhà phía trong khu nghỉ mát. Tuệ hỏi người chăm sóc cây cảnh: “Sao ở đây lại có những cây cao trông có vẻ lâu năm như thế?”. Ông mỉm cười bí ẩn: “Làng Lụa mà”. Rồi ông ôn tồn giải thích: “Chủ nhân phải đi lùng khắp nơi, tìm mua được những cây tươi tốt đã trồng lâu năm. Người ta phải đưa xe cẩu và xe chuyên dụng chở về đây, việc chăm bón ban đầu còn khó khăn hơn việc bảo vệ rừng nguyên sinh”. Tuệ thầm khen khu nghỉ mát có một không hai này.

Ăn sáng xong, Tuệ thong thả ngồi nhấp từng ngụm cà phê suy nghĩ mông lung. Có tiếng nói trong trẻo dịu dàng: “Chủ nhân hỏi anh Tuệ có muốn đi thăm Làng Lụa sáng nay không, nếu có em sẽ đưa anh đi”. Tuệ quay lại nhìn. Cô tiếp viên trẻ măng, có gương mặt sáng với đôi mắt thơ ngây ánh lên chút tinh nghịch. Tuệ gật đầu: “Cảm ơn cô… ”. Thấy Tuệ nhìn bảng tên trên áo mình, nhưng dường như không thấy rõ, cô gái hiểu ý nên nói: “Dạ em tên Hoàng Chiêu ”. Tuệ hỏi lại: “Triêu hay Chiêu?”. Vì anh chợt nghĩ đến câu thơ cổ: “Triêu như thanh ti…”. Buổi sáng như tơ xanh. Sáng nay anh sắp được đi xem tơ lụa mà, anh nhìn cô gái mỉm cười bâng quơ. Hình như trời đã bớt lạnh.

Đi một vòng qua vườn dâu tằm, vào căn nhà ươm tơ cho đến gian hàng trưng bày sản phẩm tơ lụa, Tuệ sửng sốt vì không thể ngờ được ở đây người ta có thể trình bày truyền thống một thời một cách vừa rõ ràng vừa nên thơ như thế. Hoàng Chiêu nói với anh: “Nếu muốn tìm hiểu về việc dệt lụa, không thể bỏ qua ngôi nhà tơ tằm. Đây là nơi sau khi thu hoạch, kén sẽ được nấu liên tục trong nước sôi để cho ra sợi tơ mềm mại, dẻo dai. Sợi tơ lớn được tạo thành bởi nhiều sợi kén nhỏ.” Rồi cô đưa anh vào ngôi nhà tơ tằm ấy. Anh quan sát thấy các nghệ nhân có vẻ rất thành thạo và thật kiên nhẫn.

Anh nói với Hoàng Chiêu: “Cảm ơn em, nhờ em mà anh biết thêm một nghề mới”. Rồi anh đùa: “Có thể anh sẽ đổi nghề, chuyển sang sản xuất tơ lụa”. Cô gái tưởng thật, tròn mắt nhìn anh: “Làng Lụa ảnh hưởng đến anh nhanh như vậy sao?”. Anh không trả lời, mà nói lửng lơ: “Anh sẽ đề nghị ba mẹ anh nuôi tằm, nhưng ba mẹ anh đang thiếu dâu”. Cô gái nói: “Trồng dâu không dễ đâu anh”. Rồi ngẫm nghĩ câu “ba mẹ thiếu dâu”, Hoàng Chiêu chợt hiểu ý Tuệ, cười bẽn lẽn.

 Chủ nhân Làng Lụa mời Tuệ uống cà phê vào buổi chiều khi cơn lạnh bắt đầu kéo đến. Lần này hai người ngồi trong căn phòng có máy điều hòa ấm áp. Chủ nhân nhìn Tuệ, hỏi ý nhị: “Sáng nay Tuệ đi thăm vườn dâu và nhà tơ tằm có thấy vương sợi tơ nào chưa?”. Tuệ bật cười: “Chắc số tôi chỉ vương tơ nhện thôi ông ạ”. Rồi hai người cười xòa. Tuệ khẽ ngâm: “Sợi buồn con nhện giăng mau”, anh đổi lời câu sau: “Em ơi hãy ngủ, anh sầu mình anh”. Lần này chủ nhân nhìn Tuệ, khẽ lắc đầu ái ngại.

Hôm sau Tuệ không thấy Hoàng Chiêu đi làm nhưng anh không muốn hỏi. Anh tiếc là đã không xin số điện thoại của cô. Ngày hôm sau nữa cũng vắng bóng Hoàng Chiêu. Các cô tiếp viên phục vụ cho Tuệ đều dễ thương, nói năng nhỏ nhẹ dịu dàng, nhưng anh vẫn thấy thiếu thiếu điều gì đó. Anh ngẫm nghĩ mãi không biết tại sao mình nghĩ nhiều đến Hoàng Chiêu. Anh vỗ vào trán mình, làm như nghĩ ra điều gì quan trọng lắm, nhưng anh lại nói: “Chẳng hiểu gì”.

Tuệ gọi xe đi ra biển. Tuệ tò mò muốn biết bờ biển Cửa Đại có gì đặc biệt mà được xếp vào top 25 biển đẹp nhất châu Á. Ra đến nơi, anh sửng sốt vì những cồn cát trắng mịn với hàng dừa xanh, làn nước trong veo và ánh nắng vàng ấm áp. Anh thả bộ dọc theo bờ biển, cảm được độ mịn màng của cát trắng dưới chân anh. Ngày còn bé sống ở Hội An, không hiểu sao Tuệ chẳng bao giờ ra biển, hoặc có tình cờ ra đến đây anh cũng không mấy chú ý đến cái đẹp của vùng biển hoang sơ quê nhà. Trong trí óc non nớt của Tuệ ngày ấy, sông Hoài hay biển Cửa Đại chỉ là những cái tên không có gì đặc biệt lắm. Nhưng khi lớn lên, đi xa và quay trở lại, Tuệ cảm được cái đẹp với độ rung sâu thẳm trong tâm hồn mình.

Đang ngắm nhìn cảnh biển, đồi cát và những khu nhà chung quanh, ánh mắt Tuệ dừng lại ở tấm biển treo ngay cổng một sảnh tiệc lớn: “Họp mặt cựu học sinh Trần Quý Cáp”, và anh thoáng thấy Hoàng Chiêu cùng các cô tiếp tân thướt tha trong những chiếc áo dài trắng đầy nét học trò. Anh lớn lên ở Hội An nhưng học trường khác nên không biết đến buổi họp mặt này. Nhưng anh vẫn tò mò bước đến gần cổng sảnh tiệc. Hoàng Chiêu nhìn thấy anh, bước ra nói nhỏ: “Chắc anh không phải cựu học sinh Trần Quý Cáp?” Anh nói: “Sao Hoàng Chiêu đoán tài quá vậy?”. Cô bật cười: “Nếu anh là cựu học sinh trường này, hẳn là anh đã ngồi bàn danh dự”. Anh nói nhỏ: “Bây giờ chỗ anh đứng đây là danh dự nhất rồi còn gì” và anh nhìn Hoàng Chiêu cười thật tươi. Hoàng Chiêu hỏi: “Tối nay anh thích đi xem phố cổ không? Chủ nhân nói nếu anh thích đi, em sẽ đưa anh đi”. “Nếu vậy thì quá vui rồi. Anh sẽ chờ Hoàng Chiêu nhé!”.

Chiều tối, khi Tuệ đang đứng tần ngần trước bàn viết thì Hoàng Chiêu đến bấm chuông cửa. Anh bước ra nhìn cô với ánh mắt biết lỗi: “Anh xin lỗi vì có việc phải ra Đà Nẵng ngay tối nay nên không thể đi dạo phố cổ với Hoàng Chiêu. Cảm ơn em vì tất cả”. Hoàng Chiêu có vẻ buồn bã: “Anh không thu xếp được vài giờ cho phố cổ sao?”.

 Hai người ngồi lặng lẽ bên chiếc bàn kê trong hành lang khá lâu. Tuệ nhìn Hoàng Chiêu và trầm giọng hỏi: “Em có nghĩ đến một ngày kia sẽ sang châu Âu sống không?”. Cô gái hẳn là đoán được ẩn ý của Tuệ. Cô im lặng một lúc rồi nói: “Tụi em làm việc ở đây không chỉ để kiếm sống. Như con tằm cứ nhả tơ cho lụa quê mình, tụi em âm thầm với công việc nhưng cũng muốn góp phần quảng bá cái tinh tuý của quê hương”. Tuệ sốt ruột: “Ý anh hỏi em có thể rời công việc không?”. Hoàng Chiêu không nói gì, chỉ xoay xoay chiếc ly không trên bàn. Một lúc sau cô nói: “Anh đã nhìn thấy con tằm, cứ nhả tơ mà không nghĩ có ngày sẽ rời vườn dâu, anh ạ”.

Ngoài sân, gió bắt đầu thổi mạnh. Hoàng Chiêu cuống quýt: “Xin lỗi anh, em phải chạy sang xem nhà tằm một chút. Mong anh đi bình an, anh nhé!”.

Tuệ nhìn theo dáng đi vội vã của cô, tưởng tượng đến những con tằm mải mê nhả tơ mà không màng đến những cơn gió lạ thỉnh thoảng ùa về.

  L.Q.V

Bài viết khác cùng số

Con tằm bận nhả tơTiếng chim hót bên triền núi xanhMỹ Khê mùa xuânThành phố phía Tây BắcCampuchia - đi và thấyXuân về trên núiĐừng đợi đến ngày 30 TếtNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcTếtNgọn gió quẫy chân mùaThì thầm với cỏGiọng quêCánh đồng thiếu nữÁo carô*Cánh mỏng chao nghiêngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcCuối năm lại nhớ rừngĐi giữa sương đêmThơ Trần Trúc TâmThời gianBên ướt mẹ nằmMùa lạTản khúc ngày cuối đôngGhé thăm bạn cũThơ ngắnHồn người xưaVĩnh cửuThơ Nguyễn Đông NhậtChiều mưa biển Mỹ KhêMột nửa tôiVê qua trảng vắngMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmNắng tháng GiêngMột nhành xuânTa là cây cúc nhỏCành xuân biếcTiếng xuânĐóa hoa xuânXuânXuân hạnh phúcLúc lòng Nguyên ĐánVề bên tháng GiêngMưaChùm Haiku mùaĐêm nghiêngĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuChiều xuânLy rượu chiều cuối nămNắng xuânNgười dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Múa trong văn hóa du lịchMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Võ Rồng ở nước ViệtSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngXuân Giáp thìn 2024Ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Tranh vuiBóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em