Đynh Trầm Ca và nỗi hoài hương

10.01.2024
Nguyễn Minh Hùng

Đynh Trầm Ca và nỗi hoài hương

Nhà Thơ Đynh Trầm Ca

Đynh Trầm Ca (Mạc Phụ), sinh năm 1941 tại Vĩnh Điện, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông bắt đầu làm thơ từ đầu thập niên 1960 và đặt dấu chân trên con đường âm nhạc. Từ cuối những năm sáu mươi của thế kỷ trước cho đến nhiều năm sau 1975, dẫu thăng trầm luân lạc, sáng tác của ông đều để lại dấu ấn khó phai trong lòng độc giả, khán giả. Đynh Trầm Ca thường được nhắc nhiều với ca khúc Ru con tình cũ (1967) và tập thơ Mắt đêm (1970) - hai tác phẩm khẳng định chỗ đứng của ông trong nền văn nghệ miền Nam nửa sau thế kỷ XX. Thơ và nhạc của Đynh Trầm Ca thường biểu lộ chủ đề thân phận và tình yêu mà một số nhà nghiên cứu đã từng nói đến. Bài viết này tập trung vào một cảm hứng khác: Nỗi hoài hương trong thơ Đynh Trầm Ca

Quê hương là nơi sinh ra, là bản quán. Khi xa cách (cả không gian, thời gian) sẽ trở thành cố hương. Nhớ quê là tình cảm tự nhiên và thiêng liêng của kẻ ly hương, tha hương, của người nơi đất khách. Thi ca có nhiều cách gọi tên quê cũ với hàm nghĩa sâu xa: cố viên, cố lý, hương quan (Nhật mộ hương quan hà xứ thị - Thôi Hiệu), đất trích (Trích cư ngoạ bệnh Tầm Dương thành - Bạch Cư Dị)… Nỗi tư hương, hoài hương được thơ ca xưa nay viết nhiều, với nhiều cách thể hiện và ý nghĩa khác nhau. Đynh Trầm Ca có gì lạ?

Đynh Trầm Ca là một nghệ sĩ lưu lạc của thời ông đang sống đồng thời là “căn phần” thi sĩ như Nguyễn Bính tự nhận: Mình tôi giời bắt làm thi sĩ/… Tôi đi dan díu với kinh thành… Nhiều năm lang thang trên chính quê nhà, rồi phiêu bạt Sài Gòn, miền Tây Nam Bộ, có mấy bận ông trở về vườn cũ trúc xưa những mong dừng bước giang hồ…

Nhớ quê là bài thơ thiệt thà và tài hoa ít người viết được. Tôi đã nghe ông đọc không vấp một chữ bằng cái giọng Quảng mộc (như đã từng nghe giọng Thanh Hóa của Hữu Loan đọc Màu tim hoa sim ở Nga Sơn) khiến lòng mình lay động mạnh và ngỡ đang được tham dự bữa say nhớ thương mê sảng của ngôn từ chiều hôm ấy:

Quán cóc bốn thằng ngồi cụng ly
Quê nghèo một thuở rủ nhau đi!
Chiều nay quê cũ thổi mây nhớ
Xuống đậu ngang đầu bốn miệng ly

Quán cóc bốn thằng ngồi như mê
Có ai vừa nhắc chuyện ngoài quê
Ai ca giọng Quảng nghe thương thế
Bốn cốc hoài hương chảy ngược về!

Bốn thằng ngồi như bốn hòn bi
Hiền khô cục đất buổi chân quê
Dòng Thu Bồn chảy trong câu hát
Rợp mát bốn lòng bóng lá tre…

Bốn thằng bỗng chốc hóa thành si

Thênh thang trời cũ vỡ tràn ly
Vạc mây đèo ải trôi chất ngất
Em, gái giang hồ có nhớ quê?

Ôi, gái giang hồ còn nhớ quê
Huống chi bốn đứa nghèo ra đi
Phồn hoa ừ, có thay màu áo
Không dễ thay màu khóm lá tre!...

Chiều đong kỷ niệm đầy bốn cốc.
Bốn cốc tràn lan dòng dân ca.
Uống đi! những mảnh đời trôi dạt.
Dốc cạn nguồn hương mật quê nhà!...

Phồn hoa ừ, có thay màu áo/ Không dễ thay màu khóm lá tre!... Câu thơ Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu của Lý Bạch hơn nghìn năm trước không còn ám ảnh mấy trên thi liệu và chữ của Đynh Trầm Ca. Cuộc rượu này đong kỷ niệm, tràn lan dòng dân ca, cạn nguồn hương mật quê nhà… của bốn tửu đồ thinh lặng tuyệt đối và long lanh tuyệt đối như bốn hòn bi trong veo ngày thơ ấu. 

Từ “hòn bi” câm nín đến đời lạc trôi trong Phương nam khúc ca phiêu dạt của khóm lục bình, hình tượng đã có sự chuyển hóa:

Như là trôi

Ta lần về phương nam

Phía bầy én giang hồ gọi xuân về rối rít
Phía những dòng sông đỏ phù sa chảy xiết
Ta gặp thêm những cụm lục bình
Trôi

Trôi
Trôi
Và trôi…
Ta dần xa bến cũ
Mấy mươi năm gió nhớ thổi mù trời
Vẫn muốn chở về sông mẹ những nguồn vui
Dù ta chỉ nở được hoa tím nhạt

Đi
Như là trôi
Tựa đóa mây nở trên trời luân lạc
Có mong gì người ngắm phút giây
Trong lang thang mây cứ nở đời mây
Rồi tan loãng giữa vô cùng
Bát ngát

Trôi trôi trôi…
Bềnh bồng theo tiếng hát
Khúc tráng ca cuồn cuộn chín sông rồng
Ta, lục bình vừa trôi vừa trổ bông
Cỡi đầu sóng chở mùa xuân phiêu dạt

Phương nam phương nam
Trôi đó đây
Rải rác
Những mảnh đời ngơ ngác tha hương
Hẹn cùng nhau
Trôi nhé
Mà trổ bông
Dẫu sóng bủa đầu vàm
Sóng xô cuối rạch

Phương nam phương nam
Xin cám ơn những dòng-sông-không-bao-giờ-ngăn-cách
Những Lục Vân Tiên trong khí phách con người
Xin cám ơn câu vọng cổ rất mùi
Thấm trong hạt phù sa
Đượm những tấm-lòng-cây-trái
Gió chướng
Mùa lên
Ta còn trôi mãi
Buổi qua đây
Hoa nở
Tặng đất này!

Văn chương có thêm một khúc ca lênh đênh cảm khái, ân nghĩa với tha hương, sống chết giữa tha phương: Dù ta chỉ nở được hoa tím nhạt, dù phải làm kiếp lục bình vừa trôi vừa trổ bông, để Gió chướng/ Mùa lên/ Ta còn trôi mãi/ Buổi qua đây/ Hoa nở/ Tặng đất này!... Hào sảng, phiêu hốt mà giọng điệu vẫn chân tình. Đynh Trầm Ca khi viết những tứ thơ này, tôi tin ông không dụng kỹ thuật, ông không quan tâm những cách nói trở thành kinh điển của lối “hành” mà gần như người viết về đề tài này khó thoát mực thước cũ xưa (Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây!; Ta đi nhưng biết về đâu chứ/ Đã dấy phong yên lộng bốn trời; Em thà coi như hơi rượu say…). Vì thơ từ niềm nỗi cảnh ngộ và năng lực chiếm lĩnh ngôn từ tự nhiên thốt ra, không phải “tức cảnh sinh tình”, không cố mà viết để làm thứ trang sức phù phiếm. Thơ ấy đã có một sinh mệnh và sinh quyển riêng khó lặp lại. Vì lẽ đó, đề tài, hình ảnh không còn là căn cứ quan trọng của khúc hát thương nhớ đồng quê, mà sâu xa hơn, là duyên cớ trổi dậy tự cảnh ngộ và lòng người; là không bao giờ thổ lộ hết trong tâm cảm nghệ sĩ buổi ly hương. Ca khúc Sông quê nổi tiếng của ông nghe đậm chất dân ca Nam Bộ, thấy như thiệt hình ảnh bên lở bên bồi của sông nước miền Tây nhưng lắng lòng thì vẫn chứa chan kỷ niệm của câu ca từ thuở thơ dại ru sang nơi dòng sông Vĩnh Điện ngày nào hãy còn chảy tràn trong trí nhớ - nơi bắt đầu đời bể dâu mà Đynh Trầm Ca từ đó cất bước ra đi.

Luân Hoán, một thi sĩ Quảng Nam Cùng một lứa bên trời lận đận với Đynh Trầm Ca, cũng có những bài thơ hoài hương xốn xang. Trong thơ tặng chị Lê Thị Kim Anh, Luân Hoán viết về mưa rất quen mà rất lạ, dường như đến ông mới có kiểu cảm thức của “mưa nhớ”, biến mình thành hạt “mưa lưu vong” như vậy:

Mưa suốt ngày đêm, suốt mùa đông

mưa xuyên đầu núi, lún mặt sông

mưa từ Đà Nẵng qua Bắc Mỹ

mưa phất phơ bay, mưa lưu vong

Hoài hương của Đynh Trầm Ca không đơn thuần là tấc lòng cố hương cách trở, mà sâu xa hơn, còn vang vọng cả một kiếp người không chốn nương thân. Tha hương ngay trên chính quê hương là ẩn ức của kẻ từng là nhân chứng của biến động lịch sử và bi kịch con người không lối thoát. Năm 1969, ông một lần Về đây, uống rượu với tâm trạng khá dữ dội và cảm xúc òa vỡ: 

Lòng mỏi chân rời, ta trở lại

Phố quen, người lạ, hồn cho vơ

Buổi chiều thắt cổ trên đồi núi

Máu rụng lên hai hàng cây khô

Quán vắng nghiêng mình bên dòng sông

Ta ngồi im một bóng cô hồn

Lòng trôi lênh láng trên dòng thuốc

Rượu đắng chưa làm quên cô đơn

Nhắc đến Đynh Trầm Ca trước năm 1975, người ta thường trích dẫn khổ thơ trong bài Những trận chết: Hôm qua ta bỗng chết hai lần/ Té ngửa trên bờ dĩ vãng xanh/ Hôm nay ta chết thêm lần nữa/ Té sấp bên đường tương lai đen… và xem đó là tâm trạng “buồn nôn” của thế hệ, một sang chấn tâm lý bế tắc của tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức với những quy kết nguyên nhân từ chủ nghĩa hiện sinh. Điều đó cần phân tích đánh giá khách quan hơn dưới hệ quy chiếu thời đại - triết học - mỹ học - thi ca, không riêng cho trường hợp Mắt đêm. Trở lại với Về đây, uống rượu và hai khổ thơ trích trên, tôi cho rằng, đó mới là những dòng đau nhất, thật nhất và thơ nhất của Đynh Trầm Ca. Khó viết được những thi ảnh như Buổi chiều thắt cổ trên đồi núi/ Máu rụng lên hai hàng cây khô… Nói thay cho khát vọng, cho ước mong của chủ thể bằng cách nói phản ngược, kiểu ngôn từ phủ định và hình tượng thiên nhiên như “tự sát”… Dòng thơ xuất hiện kiểu cấu trúc hậu hiện đại vốn đã nhen nhóm từ ngày đó. Không theo lối mòn, nỗ lực làm mới câu thơ một cách không ý thức là thành công của nhà thơ này.

Trong tập nguồn[1], Năm thứ hai, số 2 và 3 Xuân Tân Hợi, Tháng 1 năm 1971 - một tạp chí văn học nghệ thuật do chính Đynh Trầm Ca chủ trương, biên tập, đặt Tòa soạn và trị sự tại 14 Quốc lộ 1, Vĩnh Điện, Quảng Nam, ngoài truyện dài Trên lưng tình dài (in kì I, 6 trang rưỡi) của ông, còn có bài thơ Những ngày ở vĩnh điện viết trong chính ngôi nhà của mình - ngôi nhà phút chốc thành ngôi mộ sâu hoang lạnh của người đàn ông đang độ tuổi ba mươi:

ở đây, nhà trống phên thưa

mùa phơ phất gió đong đưa hồn sầu

người nằm dưới lớp bụi nâu

nghe tương lai rụng trong màu thời gian

chim thơ vỗ cánh về ngàn

đời trôi hiu quạnh dưới hàng mi xuôi

ngày chao cảnh mộng bùi ngùi

buồn trăm lá trổ trên mười ngọn khô

đêm bay từ cõi hư vô

một bầy dơi lạ động bờ tim đau

tháng năm gói giấc rêu sầu

nghe xa trời mở huyệt sâu gọi mời

người nằm ôm nỗi tình côi

rưng rưng cát bụi một đời buồn thiu.

Mô tả Chân dung tôi, ông viết: Sầu đeo lủng lẳng trên lưng/ Ơi con thú lạ xưa từng là tôi!… Thân phận ấy, sống trong thời đất nước đau thương, quê hương quằn quại thì nỗi hoài hương phải mang nội hàm và trường nghĩa thi ca rộng lớn hơn nhiều dù ngay cả những bài thơ có vẻ chỉ muốn nói về một cánh lục tím nhạt. 

          Trong Thu xưa, viết năm 1990, tâm trạng ông khi một lần nữa về nơi chôn nhau cắt rốn, cứ như Từ Thức vừa rơi xuống cửa Thần Phù:

Tôi về vườn cũ ngày mưa

Ngu ngơ không biết đời trưa hay chiều

Từ ngày lạc dấu thương yêu

Tôi đi về phía quạnh hiu đất trời

Mùa Thu sao lá không rơi

Ngồi nghe vàng rụng từ thời xa xăm

Về đây, lòng trống, tay trơn

Người quên, cảnh lạ (thôi còn gì đâu!)

Như vậy quê hương trong hình tượng thơ Đynh Trầm Ca còn là một biểu tượng của lý tưởng, một Tổ quốc tự do, một hạnh phúc được đòi hỏi mong cầu, một bến đỗ hân hoan của nghệ thuật, được hiển hiện bằng ngôn ngữ đặc trưng của thơ và của cá tính sáng tạo. Đó chính là nỗi - hoài - hương - lớn - nhất trong thơ Đynh Trầm Ca hơn nửa thế kỷ nay. 

N.M.H

 

[1] Giấy phép xuất bản của Da Vàng, chỉ in được 2 số; bìa Hồ Đắc Ngọc, phụ bản Lê Chánh. Số này có tác phẩm của Tường Linh, Phan Du, Trần Hoài Thư, Hoàng Lộc, Hạ Đình Thao, Trần Dzạ Lữ, Lê Nghiêm Vũ, Mường Mán, Nguyễn Hoàng Thọ,… 

Bài viết khác cùng số

TếtCampuchia - đi và thấyThành phố phía Tây BắcMỹ Khê mùa xuânTiếng chim hót bên triền núi xanhCon tằm bận nhả tơĐừng đợi đến ngày 30 TếtXuân về trên núiNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcNắng tháng GiêngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmMột nhành xuânNắng xuânMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngTiếng xuânChiều xuânLy rượu chiều cuối nămĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuĐêm nghiêngMột nửa tôiCành xuân biếcVề bên tháng GiêngLúc lòng Nguyên ĐánXuân hạnh phúcXuânĐóa hoa xuânTa là cây cúc nhỏThơ Trần Trúc TâmĐi giữa sương đêmTản khúc ngày cuối đôngMùa lạCánh mỏng chao nghiêngThời gianÁo carô*Cánh đồng thiếu nữMưaChùm Haiku mùaVê qua trảng vắngBên ướt mẹ nằmGiọng quêThì thầm với cỏNgọn gió quẫy chân mùaCuối năm lại nhớ rừngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcChiều mưa biển Mỹ KhêThơ Nguyễn Đông NhậtVĩnh cửuHồn người xưaThơ ngắnGhé thăm bạn cũMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngMúa trong văn hóa du lịchẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơVõ Rồng ở nước ViệtĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Người dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Tranh vuiẢnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Xuân Giáp thìn 2024Bóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em