Người dẫn tôi về phía mặt trời mọc *

12.01.2024
Tuệ Mỹ

Người dẫn tôi về phía mặt trời mọc *

BÊN HỒ GƯƠM

Hà Nội,

Tôi và hồ Gươm ban mai hò hẹn

Cây phượng già thức giấc tiếng chim

Giọt sương rơi mặt hồ

Sóng khẽ loang trong mắt.

 

Tôi và hồ Gươm ban trưa nắng nhuộm

Phố náo nhiệt

Mường tượng những cụ Rùa quẫy đuôi dâng kiếm

Đất nước Thăng Long, thành phố thái bình.

 

Bên hồ Gươm giữa khuya im lặng

Tôi nghĩ về những con đường vòng quanh sự thật

Tôi nghĩ về những khát vọng ngây thơ

Đâu đó trong không gian nhẹ nhàng lời hẹn:

“… sẽ đến một ngày

mùa thu Hà Nội trả lời cho tôi…”

 

Bên em, hồ Gươm tròn như chiếc đồng hồ

Dẫn tôi về phía mặt trời sắp mọc.

 

Nguyễn Nho Khiêm

(Rút từ tập thơ “Tiếng chim xanh biếc” Nxb Hội Nhà Văn, 2023)

 

LỜI BÌNH CỦA TUỆ MỸ

Hà Nội - Hồ Gươm, hai tên gọi này không tách rời nhau. Nói về Hà Nội không thể không nói đến hồ Gươm. Cái tên hồ Gươm có sức gợi bao cảm hứng cho nghệ sĩ thăng hoa. Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm trong một lần đặt chân lên mảnh đất nghìn năm văn vật, đã cho vào túi thơ của mình bài “Bên hồ Gươm”.

Trong nhiều bài thơ viết về Hà Nội, hồ Gươm chỉ xuất hiện thoáng qua bằng vài chi tiết miêu tả nhưng với “Bên hồ Gươm” của Nguyễn Nho Khiêm, hồ Gươm là hình ảnh trung tâm cũng là đối tượng trữ tình quy tụ cảm xúc và suy tưởng của thi sĩ. Dọc tuyến tính bài thơ, Nguyễn Nho Khiêm đã đặt hồ Gươm vào các thời điểm trong ngày: ban mai, ban trưa và đêm khuya để thăng hoa cảm xúc. Không gian bài thơ là không gian tâm trạng của chủ thể trữ tình về một hồ Gươm thơ mộng và đậm sắc màu thiêng liêng.

Cụm từ “Tôi và hồ Gươm” xuất hiện ở hai khổ thơ đầu như lời mặc định chủ thể trữ tình và đối tượng trữ tình là đôi bạn tâm giao. Trong lần “hò hẹn” với hồ Gươm vào buổi “ban mai”, Tôi thả hồn vào “tiếng chim” gọi sáng. Tiếng chim đánh thức “cây phượng già” và làm cho “Giọt sương rơi mặt hồ/ Sóng khẽ loang trong mắt”.  Chỉ vài hình ảnh thôi mà “trong mắt” thi sĩ, hồ Gươm ban mai hiện lên thật tinh khôi, thơ mộng và sống động vô cùng. Ngòi bút Nguyễn Nho Khiêm có vẻ nghiêng về trạng thái “động” của hồ Gươm lúc này hơn. Ngoài “tiếng chim”, những tiếng động rất tinh tế từ giọt sương “rơi” trên mặt hồ tạo nên làn sóng “khẽ loang” cũng làm cho thi sĩ chú tâm rất mực. Dù rất “khẽ” nhưng tất cả đã làm xao động tâm hồn thi nhân.

Ngòi bút Nguyễn Nho Khiêm lại tiếp tục dẫn bạn đọc đến với hồ Gươm “ban trưa nắng nhuộm”. Trong tâm thế thưởng ngoạn cảnh sắc hồ Gươm qua nét bút thi sĩ, người đọc thật bất ngờ khi “Phố thật náo nhiệt” xuất hiện lúc này. Có phải Nguyễn Nho Khiêm đã rời hồ Gươm để dạo phố? Không. Nhà thơ vẫn bên hồ Gươm để “Mường tượng những cụ Rùa quẫy đuôi dâng kiếm”. Ra thế! Một hồ Gươm linh thiêng lại hiện về trong tâm tưởng người thơ. Huyền tích “Rùa quẫy đuôi dâng kiếm” là căn cơ cho “Đất nước Thăng Long, thành phố thái bình”. Và, cái “thành phố thái bình” xa xưa chính là tiền thân của Hà Nội hôm nay “náo nhiệt”. Vậy ra, “Phố náo nhiệt” xuất hiện ngay khi mới đến với hồ Gươm ban trưa là tín hiệu nghệ thuật, là sợi dây liên tưởng nối liền quá khứ với hiện tại mà chủ thể sáng tạo sắp đặt để gây bất ngờ, rồi từ đó dẫn dắt người đọc bước vào một không gian khác: không gian hoài niệm về một hồ Gươm linh thiêng đầy tự hào.

“Hồ Gươm giữa khuya im lặng” là khoảng không/ thời gian thích hợp cho chủ thể trữ tình suy nghĩ. “Tôi nghĩ về những con đường vòng quanh sự thật”. “Những con đường vòng quanh sự thật” phải chăng là những con đường lịch sử mà ông cha ta đã đi qua. Con đường xuyên qua không/ thời gian từ buổi đầu dựng nước cho đến hôm nay; từ Thăng Long - Đông Đô phồn thịnh đến Hà Nội vững vàng trong mỗi bước đi lên thời hội nhập. “Những con đường vòng quanh sự thật” đó đã cho “Tôi nghĩ” gì? Hẳn là rất giống ý nghĩ của đại văn hào Nguyễn Trãi “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”, hay “Sống vững chải bốn nghìn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” của nhà thơ Huy Cận, “Đất nước tôi từ thuở còn nằm nôi/ Sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa.../ Đất nước tôi sáng ngời muôn thuở...” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn… Dù nghĩ gì, chắc chắn cũng không ngoài niềm tự hào, kiêu hãnh về một đất nước bốn nghìn năm văn hiến, một Hà Nội linh thiêng, hào hoa; cũng không ngoài tình yêu, lòng tôn kính và biết ơn đối với bậc tiền nhân trên “những con đường” giữ nước và dựng nước.

Rồi “Tôi nghĩ về những khát vọng ngây thơ”. “Khát vọng ngây thơ”? Có phải là khát vọng của một thời tuổi nhỏ? Một thời còn vụng dại nên khát vọng cũng ngây thơ, thiếu chín chắn? Hay “ngây thơ” bởi nó quá sáng trong? Dù hiểu thế nào mà một khi “khát vọng ngây thơ” được khơi nguồn từ hồ Gươm thì đây hẳn là khát vọng đẹp. Khát vọng về đất nước phồn vinh, hưng thịnh mà trong đó có một “Tôi” góp phần.

Nằm trong nội hàm khát khao, hẳn trái tim nhà thơ luôn hướng về một Hà Nội ngày mai: “Đâu đó trong không gian nhẹ nhàng lời hẹn: “… sẽ đến một ngày/ mùa thu Hà Nội trả lời cho tôi…”. Mượn lời bài hát của Trịnh Công Sơn để nói hộ  điều mong ước càng làm tăng thêm chất thơ, chất nhạc cho Hà Nội hào hoa, lãng mạng. Vâng, “sẽ có một ngày”, một tương lai không xa, Hà Nội sẽ “trả lời cho tôi” mặc dù Tôi đã nhìn thấy “Phố náo nhiệt” của Hà Nội hôm nay nhưng điều mà Tôi luôn vọng hướng vẫn là một Hà Nội huy hoàng hơn như “lời hẹn” ở tương lai.

Nghĩ về quá khứ (con đường vòng quanh sự thật), về hiện tại (khát vọng ngây thơ) và tương lai (sẽ đến một ngày). Suy nghĩ của Tôi về nhiều chiều thời gian như vậy nhưng đối tượng để nghĩ suy chỉ có một: là đất nước mình, dân tộc mình.  Nghĩ về đất nước, về dân tộc, về trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước là ý nghĩ cao đẹp. Tôi đã từng nghĩ thế, đến khi “Bên hồ gươm” thì ý nghĩ đó lại càng trỗi dậy rõ nét hơn.

“Bên hồ gươm”, Tôi còn nghĩ gì? Hãy đến với hai câu thơ kết:

Bên em, hồ Gươm tròn như chiếc đồng hồ

Dẫn tôi về phía mặt trời sắp mọc.

Không phải “Bên hồ Gươm” mà là “Bên em”. Hóa ra, hồ Gươm không chỉ là người bạn mà còn là người tình, người em rất đỗi thân thương của Tôi. Bên Em, Tôi cảm nhận “hồ Gươm tròn như chiếc đồng hồ”. Có người ví von “Hồ Gươm như một lẳng hoa”, “Hồ gươm như tấm gương”…, riêng Nguyễn Nho Khiêm  nói khác: hồ Gươm như “chiếc đồng hồ”. Đồng hồ biểu trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu. Hà Nội, trái tim của Tổ quốc Việt Nam không bao giờ ngừng đập thì đương nhiên hồ Gươm cũng sẽ mãi mãi trường tồn. Chân lý đó Nguyễn Nho Khiêm đã để cho hình ảnh so sánh khác lạ, độc đáo “chiếc đồng hồ” cất tiếng. Đồng hồ còn biểu trưng cho sự chuẩn mực. Cái chuẩn mực Nguyễn Nho Khiêm muốn nói ở đây phải chăng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”? Phải, trang sử đấu tranh giữ nước và dựng nước của dân tộc ta không thể không kể đến hồ Gươm. Đó là nguồn cội mà hậu thế phải luôn hướng về với tất cả niềm tự hào, trân trọng và biết ơn. Đạo lý này đã “Dẫn tôi về phía mặt trời sắp mọc”. Để chỉ phương hướng, người ta thường nói “phía mặt trời mọc”. Còn ở câu thơ này, điều mà Nguyễn Nho Khiêm muốn xoáy vào là mặt trời “sắp” mọc, tức là mặt trời sẽ lộ diện ngay, ánh mặt trời sẽ toả sáng ngay. Điều đó khẳng định chắc chắn rằng con đường Tôi đi là con đường tràn ngập ánh sáng, niềm tin.  Trong cảm thức của Tôi, hồ Gươm là biểu tượng cho Tổ quốc. Tự hào về Tổ quốc, yêu Tổ quốc thì mỗi người phải có ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, cống hiến cho đất nước, tô bồi dải giang sơn gấm vóc mà ông cha đã để lại. Muốn thế không có con đường nào đúng đắn hơn là đi về phía “mặt trời sắp mọc” theo sự dẫn lối đưa đường của “chiếc đồng hồ” hình tròn mang tên hồ Gươm.

Hình tượng hồ Gươm chuyển dịch trong không gian bài thơ với những vị thế khác nhau. Ở ba khổ thơ đầu, hồ Gươm là đối tượng để cho Tôi ngắm nhìn, mường tượng và nghĩ suy. Nhưng đến khổ cuối, hồ Gươm chuyển sang vị thế chủ động, là chủ thể “Dẫn tôi về phía mặt trời sắp mọc”. Rất hợp lý. Bởi, con người sống không thể không có Tổ quốc. Tổ quốc cho ta niềm tự hào, kiêu hãnh bước đi dưới ánh sáng mặt trời thì đương nhiên mọi hành động, suy nghĩ của ta đều phải được soi chiếu từ hình Tổ quốc. Điều đó nói lên rằng dù ta ở đâu, sống như thế nào thì Tổ quốc vẫn luôn ở vị trí thượng tôn trong lòng ta, với vai trò dẫn lối.

“Bên hồ Gươm”, Tôi đâu chỉ là một du khách thưởng ngoạn cảnh sắc hồ Gươm mà là một công dân trước quốc gia, dân tộc. “Bên hồ Gươm”, Tôi như đứng bên dáng hình Tổ quốc bốn nghìn năm sừng sững. “Bên hồ Gươm”, lòng tự hào và tình yêu Tổ quốc cùng ý thức trách nhiệm đối với quê hương, đất nước mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Lấy cảm hứng từ hồ Gươm để thăng hoa cảm xúc về tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc, Nguyễn Nho Khiêm không làm người đọc thấy lạ về tư tưởng bài thơ nhưng lại gây ấn tượng về cách thi triển tứ thơ. Mạch cảm xúc tự hào chảy xuyên suốt bài thơ phả lên ngôn ngữ thơ dung dị, mới mẻ, giàu cảm xúc, giàu sức gợi; ẩn vào hình ảnh thơ đẹp, mang ý nghĩa biểu trưng. Bài thơ được viết theo thể thơ tự do hiện đại không vần nhưng giàu nhịp điệu. Nhịp điệu bài thơ đã quyện vào nhịp điệu tâm hồn thi sĩ. Lúc bay bổng, hào hứng, say mê, khi thâm trầm, lắng đọng về một tình yêu lớn. Tất cả đã làm cho “Bên hồ Gươm” rất có sức quyến dụ bạn đọc bước vào không gian bài thơ để khám phá, để đồng điệu với tâm hồn thi sĩ.

T.M

*(Đọc bài thơ “Bên hồ Gươm” của Nguyễn Nho Khiêm).

Bài viết khác cùng số

Con tằm bận nhả tơTiếng chim hót bên triền núi xanhMỹ Khê mùa xuânThành phố phía Tây BắcCampuchia - đi và thấyXuân về trên núiĐừng đợi đến ngày 30 TếtNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcTếtNgọn gió quẫy chân mùaThì thầm với cỏGiọng quêCánh đồng thiếu nữÁo carô*Cánh mỏng chao nghiêngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcCuối năm lại nhớ rừngĐi giữa sương đêmThơ Trần Trúc TâmThời gianBên ướt mẹ nằmMùa lạTản khúc ngày cuối đôngGhé thăm bạn cũThơ ngắnHồn người xưaVĩnh cửuThơ Nguyễn Đông NhậtChiều mưa biển Mỹ KhêMột nửa tôiVê qua trảng vắngMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmNắng tháng GiêngMột nhành xuânTa là cây cúc nhỏCành xuân biếcTiếng xuânĐóa hoa xuânXuânXuân hạnh phúcLúc lòng Nguyên ĐánVề bên tháng GiêngMưaChùm Haiku mùaĐêm nghiêngĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuChiều xuânLy rượu chiều cuối nămNắng xuânNgười dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Múa trong văn hóa du lịchMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Võ Rồng ở nước ViệtSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngXuân Giáp thìn 2024Ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Tranh vuiBóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em