Số nhiều và số ít trong lao động nghệ thuật
Ca sĩ Mỹ Tâm biểu diễn tại liveshow Tri Âm.
Lao động nghệ thuật rất cần số nhiều, rất mong số đông. Trước hết đó là số đông khán giả/thính giả của loại hình nghệ thuật tạo hình hay nghệ thuật biểu diễn. Hiện nay các nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam đang cháy bỏng ước ao có được nhiều đêm diễn với hàng vạn người xem hâm mộ cuồng nhiệt như hai đêm concert Born Pink của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) với hơn ba vạn khán giả mỗi đêm hồi cuối tháng 7 năm 2023, hay ít ra như đêm diễn The Wild Dreams Tour của nhóm nhạc Ireland Westlife ở sân vận động Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) với gần một vạn rưỡi người xem hồi cuối tháng 11 năm 2023... Thực ra để vươn đến những đêm diễn vạn người, các nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam không bắt đầu từ số không tay trắng, bởi cũng từng có một vài đêm diễn của nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam rất đông khán giả, chẳng hạn ca sĩ Mỹ Tâm quê Đà Nẵng đã hai lần tạo nên sức hút khán giả ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Lần đầu vào tháng 4 năm 2004 với liveshow Yesterday and Now có khoảng hai vạn người xem và lần thứ hai là hồi đầu tháng 11 năm 2022 với liveshow Tri Âm có hơn ba vạn khán giả...
Đó cũng là số đông độc giả của nghệ thuật ngôn từ thể hiện qua tirage mà chính xác hơn là qua số lượng bán ra hàng vạn, thậm chí hàng trăm triệu bản/ hàng chục triệu bản như những best seller văn chương sau đây: Don Quijote của Miguel de Cervantes xuất bản lần đầu năm 1605 từng bán ra đến 500 triệu bản; Hoàng tử Bé của Antoine de Saint-Exupéry xuất bản lần đầu năm 1943 từng bán ra đến 200 triệu bản; Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần xuất bản lần đầu năm 1754 từng bán ra đến 100 triệu bản; Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov xuất bản lần đầu năm 1967 từng bán ra đến 100 triệu bản; Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Márquez xuất bản lần đầu năm 1967 từng bán ra đến 50 triệu bản; Chiến tranh và Hòa bình của Lev Tolstoy xuất bản lần đầu năm 1869 từng bán ra chỉ riêng ở Liên Xô đã đến 30 triệu bản; Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell xuất bản lần đầu năm 1936 từng bán ra đến 30 triệu bản; Đất vỡ hoang của Mikhail Sholokhov xuất bản lần đầu năm 1935 từng bán ra đến 24 triệu bản; Bố già của Mario Puzo xuất bản lần đầu năm 1969 từng bán ra đến 21 triệu bản; Phía Tây không có gì lạ của Erich Maria Remarque xuất bản lần đầu năm 1929 từng bán ra đến 20 triệu bản; Chùm nho uất hận của John Steinbeck xuất bản lần đầu năm 1939 từng bán ra đến 15 triệu bản; Ông già và biển cả của Ernest Hemingway xuất bản lần đầu năm 1952 từng bán ra đến 13 triệu bản; Rừng Na Uy của Haruki Murakami xuất bản lần đầu năm 1987 từng bán ra đến 12 triệu bản; Dịch hạch của Albert Camus xuất bản lần đầu năm 1947 từng bán ra đến 12 triệu bản… Đây là những con số thống kê chưa thật đầy đủ và cũng chỉ mới dừng ở sách đơn chứ chưa tính sang sách bộ. Đó cũng là số nhiều của thời gian năm tháng, của “tam bách dư niên hậu”/”ba trăm năm lẻ về sau” theo cách nói của Nguyễn Du trong Độc Tiểu Thanh ký, và lâu hơn thế nữa… Và càng đi cùng năm tháng cũng có nghĩa là càng có đông thêm, nhiều thêm người xem, người nghe, người đọc.
Tuy nhiên lao động nghệ thuật lại cần hơn nhiều là số ít, thậm chí “là Một là Riêng là Thứ Nhất” theo cách nói của Xuân Diệu trong bài thơ Hy Mã Lạp Sơn, nói khác đi là rất cần cô đơn trong khi đang sáng tác. Cô đơn ở đây là nỗi cô đơn của chủ thể trữ tình, của chủ thể sáng tạo. Người ta thường chúc các văn nghệ sĩ có đủ cô đơn để sáng tạo, bởi nói như nữ nhà văn người Pháp Marguerite Duras (1914-1996) - tác giả tiểu thuyết L’Amant/Người tình được trao giải Goncourt năm 1984: “Nỗi cô đơn của văn chương là nỗi cô đơn mà nếu không có nó sẽ không có tác phẩm, hoặc tác phẩm sẽ phải nhỏ từng giọt máu để tìm xem phải viết thêm gì”. Cô đơn ở đây còn là nỗi cô đơn của người thiếu phụ ôm con chờ chồng đến hóa đá trên đỉnh núi từng là cảm hứng nghệ thuật để nhạc sĩ người Hà Nội Lê Thương (1914-1996) viết trường ca ba bài Hòn Vọng phu trong thập niên 1940; cũng là nỗi cô đơn của ngôi làng huyền thoại Macondo từng là cảm hứng nghệ thuật để nhà văn người Colombia Gabriel García Márquez viết tiểu thuyết hiện thực kỳ ảo Trăm năm cô đơn; và cũng là nỗi cô đơn của một bức tường và một ô cửa sổ từng là cảm hứng nghệ thuật để danh hoạ người Mỹ Edward Hopper (1882-1967) vẽ bức tranh Sun in an Empty Room/Mặt trời trong căn phòng trống vào năm 1963.
Lao động nghệ thuật rất cần có đông người xem, người nghe, người đọc nhưng cũng rất cần thậm chí cần hơn nhiều là một tri âm… Có điều không phải ngẫu nhiên mà Lưu Hiệp từng viết trong Văn tâm điêu long hơn 1.500 năm trước - “Tri âm thực là khó thay, cái âm thực là khó biết, người biết thực là khó gặp, gặp được người tri âm nghìn năm mới có một lần”. Nhà thơ Nguyễn Du lạc quan hơn khi chỉ mới băn khoăn tự hỏi “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Ba trăm năm lẻ về sau/ Tố Như ai khóc niềm đau con người) chứ chưa tới mức trăn trở như nhà thơ Đỗ Phủ: Bách niên ca tự khổ/ Vị kiến hữu tri âm (Cả đời nói lên nỗi khổ của mình/ Chưa từng thấy tri âm). Điều ám ảnh Chế Lan Viên là không ai đọc thơ mình: Ôi! chỉ cần một độc giả dù vô tâm đến mấy/ Là cũng đủ cho nhà thơ thoát khỏi vạc dầu/ Và bay lên chín tầng cao (Sợ nhất), và cho rằng Nghìn lẻ một câu thơ viết ra, người ta quên cả một nghìn/ May lẻ một có người còn nhớ đời nhớ mãi/ Nếu lẻ hai, lẻ ba, lẻ tư nữa thì hay quá (Nghìn lẻ).
Câu hỏi đặt ra vậy thế nào là một độc-giả-tri-âm? Trong bài Tản mạn về Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam đăng trên Trang tin điện tử tổng hợp Văn Nghệ Đà Nẵng ngày 09 tháng 5 năm 2023, tôi từng lý giải: “Đối với những người viết sách viết văn không có tài năng, thông điệp nghệ thuật trong ý đồ sáng tạo của người viết sách viết văn như thế nào thì được thể hiện giống hệt như thế trong tác phẩm văn chương và độc giả bình thường cũng dễ dàng tìm thấy thông điệp nghệ thuật ấy khi đọc sách. Thế nhưng đối với những người viết sách viết văn có tài năng, thông điệp nghệ thuật trong ý đồ sáng tạo của họ không hiển hiện tường minh mà thường được che giấu dưới các thủ pháp nghệ thuật khác nhau, dẫn đến trong tác phẩm có một thông điệp nghệ thuật rất dễ nhận ra nhưng không phải là thông điệp nghệ thuật đích thực trong ý đồ sáng tạo của người viết sách viết văn, và một thông điệp nghệ thuật thực sự xuất phát từ ý đồ sáng tạo của họ nhưng do tính khó hiểu của văn chương đích thực, chỉ một số không nhiều độc giả mới có thể nhận ra và đồng cảm - trong trường hợp này, những độc giả hiếm hoi ấy được xem là độc-giả-tri-âm”. Và lao động nghệ thuật thời nào cũng đều cần những độc-giả-tri-âm không dễ gặp ấy.
Một sự nghiệp sáng tác dày dặn với hàng chục tác phẩm được in ra, được trình diễn là rất quý nhưng những “hiện tượng một bài” cũng rất đáng trân trọng, thậm chí chỉ cần một bài đi cùng năm tháng, thực sự có dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng nghệ thuật cũng quá đủ để tự hào. Đương nhiên trong lịch sử nghệ thuật thế giới cũng ghi nhận trường hợp họa sĩ người Hà Lan Vincent Willem van Gogh (1853-1890) - tác giả của những kiệt tác mỹ thuật như The Starry Night/ Đêm đầy sao, Vase with Fifteen Sunflowers/ Hoa hướng dương, Iries/ Hoa diên vĩ, Café Terrace at Night/ Quán café về đêm... Cả đời lao động nghệ thuật, Van Gogh chỉ trở nên nổi tiếng và được đánh giá cao sau khi từ trần, bởi phần lớn trong số hai nghìn bức tranh của Van Gogh đều đi trước thời đại, đều được họa sĩ thử nghiệm nhiều cách tiếp cận và theo các trường phái hội họa khác nhau, dẫn đến trong suốt sự nghiệp mười năm cầm cọ của mình, Van Gogh chỉ bán được mỗi một bức tranh duy nhất và chính “hiện tượng một tranh” này góp phần khiến cho Van Gogh bị trầm cảm nặng và cuối cùng chết vì một phát súng tự bắn vào ngực khi chưa sang tuổi tứ tuần...
B.V.T