Văn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn Tiếng
Văn nghệ sĩ Đà Nẵng hưởng ứng và thực hiện Năm Văn hóa văn minh đô thị 2015 trước hết với tư cách những công dân thành phố. Khi xây dựng Chương trình “Thành phố Ba Có”, vấn đề văn hóa, văn minh đô thị từng được đề cập và ngay từ đầu được xác định là mục tiêu khó đạt hơn cả, là cái Khó Có nhất. Khó đến mức lãnh đạo thành phố đã quyết định chọn chủ đề của năm 2015 là Năm Văn hóa văn minh đô thị nhằm tạo chuyển biến rõ nét đối với cái Khó Có nhất ấy. Mà muốn vậy Đà Nẵng cần phải tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân thành phố - trong đó có giới văn nghệ sĩ, làm cho mọi người thực sự tự giác chấp hành những quy định về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, thực sự nỗ lực nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa/văn học-nghệ thuật, từ đó mà góp phần nâng cao đẳng cấp về văn hóa, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ/thị hiếu nghệ thuật của người Đà Nẵng. Văn nghệ sĩ là những người có uy tín trong cộng đồng, do thế sự nhiệt tình hưởng ứng và gương mẫu thực hiện của bản thân văn nghệ sĩ còn có tác dụng lan tỏa, cổ động nhiều người khác cùng hưởng ứng và thực hiện.
Tuy nhiên lãnh đạo thành phố và cộng đồng cư dân thành phố không chỉ mong đợi văn nghệ sĩ Đà Nẵng hưởng ứng và thực hiện Năm Văn hóa văn minh đô thị 2015 với tư cách công dân - mặc dầu được như vậy đã là đáng quý, mà còn kỳ vọng văn nghệ sĩ hưởng ứng và thực hiện chủ yếu với tư cách những người nghệ sĩ, bằng hiệu ứng xã hội của ngôn ngữ nghệ thuật. Trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam hồi đầu năm 2015 về vai trò của văn nghệ sĩ đóng góp như thế nào trên con đường đưa dân tộc ta đi đến văn minh, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Các nhà văn, giới văn nghệ sĩ ngày càng đông hơn nhưng có một điều chưa ai nói mà tôi phát hiện ra là họ đang làm nghề chứ không phải đang thực thi một sứ mệnh. Họ đang thỏa mãn trong sạch cá nhân mình chứ không phải dâng hiến cho người bên cạnh hay cho cộng đồng bởi những tác phẩm, tính lan tỏa, sự rung động và lòng thương yêu đã giảm đi rất nhiều”. Sứ mệnh mà Nguyễn Quang Thiều nói ở đây chính là việc sáng tạo nên loại văn chương vị nhân sinh, hay nói theo cách của Nguyễn Văn Siêu là loại văn chương đáng thờ [1].
Có điều Nguyễn Văn Siêu quan niệm văn chương đáng thờ là loại văn chương chuyên chú ở con người chứ không chỉ chuyên chú ở văn chương - tức theo ông văn chương cũng không thể đáng thờ, cũng không thể có giá trị đích thực khi chỉ chuyên chú ở con người mà không chuyên chú ở văn chương. Chính vì ý thức nghệ thuật phải vị nhân sinh bằng sức mạnh của bản thân nghệ thuật nên vào hạ tuần tháng 12 năm 2014, Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật thành phố đã phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố và Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng tổ chức triển lãm ảnh và nghệ thuật sắp đặt Biển báo tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Phát biểu với giới truyền thông, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng - tác giả của 17 tác phẩm được sắp đặt khá tự do giữa nhiếp ảnh, âm nhạc và mỹ thuật cho rằng: “Tuyên truyền về ý thức giao thông bằng các khẩu hiệu, mệnh lệnh dường như không có tác dụng. Vì vậy, tại sao chúng ta không dùng nghệ thuật để biểu đạt thông điệp này. Triển lãm như một lời thì thầm với người xem, chứ không hề đao to búa lớn, để họ dễ dàng cảm nhận và hành động ngay”.
Đó cũng là một hướng đột phá để văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần vào Năm Văn hóa văn minh đô thị 2015 với tư cách những người nghệ sĩ, góp phần gầy dựng đẳng cấp văn hóa cho cộng đồng bằng ngôn ngữ của bản thân nghệ thuật. Tuy nhiên không phải lúc nào người nghệ sĩ cũng góp phần gầy dựng đẳng cấp văn hóa cho cộng đồng một cách trực tiếp như thế, nghĩa là dùng tiếng nói nghệ thuật thể hiện thẳng vào những vấn đề mà cả cộng đồng cần quan tâm như văn hóa giao thông, văn hóa môi trường… Thực ra sức mạnh cơ bản của nghệ thuật nằm ở khả năng thanh lọc tâm hồn con người - nghe một bài hát, ngắm một bức tranh, đọc một bài thơ, xem một vở kịch… con người hoặc cảm thấy trân quý hơn cuộc sống luôn xao động này, hoặc cảm thấy động lòng trắc ẩn trước bao nhiêu số phận đáng thương, hoặc cảm thấy đắm đuối đến mê hồn khi nhìn một ánh trăng non, một vầng trăng khuyết… Vì thế có thể nói văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần vào Năm Văn hóa văn minh đô thị 2015 trước hết và chủ yếu bằng tài năng, nỗi khát khao sáng tạo và thành tựu nghệ thuật của mình.
Ngoài việc tự mình sáng tạo ra những cuốn sách văn chương-nghệ thuật đáp ứng yêu cầu chân-thiện-mỹ, văn nghệ sĩ thành phố bên sông Hàn với thị hiếu thẩm mỹ/thị hiếu nghệ thuật tinh tế mẫn cảm của người trong nghề còn có thể tư vấn cho cả cộng đồng về văn hóa đọc, trước hết là về khả năng chọn sách hay để đọc và về khả năng tiếp nhận/cảm thụ/đồng sáng tạo... Điều đáng nói hơn cả trên lĩnh vực văn hóa đọc trong Năm Văn hóa văn minh đô thị 2015 là việc thúc đẩy văn nghệ sĩ chịu đọc tác phẩm của nhau - vốn là điểm yếu xưa nay giữa những người cầm bút. Và đương nhiên bối cảnh thế giới phẳng/toàn cầu hóa đòi hỏi người cầm bút Đà Nẵng không chỉ cần đọc tác phẩm của nhau mà còn cần đọc tác phẩm văn chương-nghệ thuật của văn nghệ sĩ trong cả nước và trên toàn thế giới. Có thể nói trong giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, giữa các dân tộc, lòng khoan dung về văn hóa - biết chấp nhận cái khác mình - thể hiện một đẳng cấp văn hóa đáng được ngưỡng mộ. Cho nên trong Năm Văn hóa văn minh đô thị 2015, văn nghệ sĩ Đà Nẵng còn có thể góp phần tích cực vào các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế, chẳng hạn như giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản đang có rất nhiều triển vọng và lợi thế một khi Trung tâm Giao lưu quốc tế Việt - Nhật tại Khu Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn chính thức khai trương và đi vào hoạt động.