Cuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan

05.02.2015

Cuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan

Đầu năm 1908, Trần Quý Cáp bị đổi vào Ninh Hoà (Khánh Hoà). Trong buổi chia tay tại bến sông Hàn, ông đã ân cần uỷ thác cho người bạn cùng chí hướng của mình là Huỳnh Thúc Kháng những nhiệm vụ cách mạng quan trọng của tỉnh nhà mà ông đang thực hiện dở dang và đây là lần cuối cùng hai chí sĩ gặp nhau. Cuộc tiễn đưa có ai ngờ đã thành ra vĩnh biệt!. 

 

 

Khi giữ chức Giáo thọ ở phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, Trần Quý Cáp đã làm một cuộc cách mạng giáo dục, hợp pháp hóa chủ trương dạy chữ Quốc ngữ, truyền bá tân học để mở mang dân trí, phong trào Duy Tân tại Quảng Nam phát triển rầm rộ khiến thực dân Pháp lo sợ cho nền thống trị lung lay.

Lúc bấy giờ có một số sĩ phu tân học có tinh thần vọng ngoại, Trần Quý Cáp thấy cái bệnh vọng ngoại có thể đến “dịch chủ vi nô”. “Ông cho rằng muốn chữa bệnh cuồng nhiệt vọng ngoại ngoài phương thuốc tự trị không gì hơn” (Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu truyện Thai Xuyên Trần Quí Cáp), nên ông viết bài  “Sĩ phu tự trị luận” thẳng thắn công kích họ.

Những việc làm của ông Giáo thọ Thăng Bình để phổ biến tân học, vận động Duy Tân được quần chúng hưởng ứng mạnh mẽ, gây tiếng vang lớn làm cho giới cựu học phải gai mắt, nhà cầm quyền xem như kẻ thù, do đó đầu năm 1908 họ mới đổi ông vào làm Giáo thọ Ninh Hoà (Khánh Hoà) với mục đích tách ông ra khỏi phong trào cách mạng đang sôi sục ở Quảng Nam mà ông là người chủ chốt.

Đến nhiệm sở mới, ông càng hăng hái diễn thuyết nói về ích lợi của việc học và khuyên nhân dân mở nhiều trường tân học. Lúc đầu thì Công sứ Pháp và quan Bố chính tỉnh Khánh Hòa cũng khen và khuyến khích ông, nhưng đến khi cuộc dân biến nổ ra ở Quảng Nam và các tỉnh lân cận vào năm 1908, thì thực dân Pháp và quan lại phong kiến lại bắt ông rồi xử chém một cách gấp rút để thực hiện ý đồ thủ tiêu một nhà lãnh đạo cách mạng mà chúng đánh giá vô cùng quan trọng.

Ông thọ hình ngày 17 tháng 5 năm Mậu Thân (1908) bên cầu Phước Thạnh, sông Cạn, tỉnh Khánh Hòa trong tư thế hiên ngang của người anh hùng thung dung tựu nghĩa.

Về cái chết anh dũng của ông, Phan Bội Châu trong Văn tế Thai Xuyên Trần Quý Cáp có viết : “ Nhớ khi ông ra tới trường chém, dao đã kề cổ, còn thung dung xin với quan  giám trảm, cho đặt án đốt hương, áo mão nghiêm trang, bái tạ quốc dân ngũ bái, rồi khẳng khái tựu hình, sắc mặt in như khi nhóm trò giảng sách!”

Sự hy sinh cao cả của Trần Quý Cáp khiến cho toàn thể nhân dân ViệtNamvô cùng kính phục, tiếc thương. Nhiều nhà cách mạng, thân hào nhân sĩ, môn đệ, đã làm thơ, câu đối để khóc ông, Huỳnh Thúc Kháng lúc bấy giờ đang bị giam trong nhà lao Hội An (QuảngNam), được hung tin có làm bài

 

Khóc Thai Xuyên Trần Quý Cáp

 

Thư kiếm tiêu nhiên độc xuất môn

Nhứt quan thác lạc vị thân tồn

Trực tương tân học khai nô lũy

Thùy tín dân quyền chủng hoạ côn

Bồng đảo xuân phong huyền viễn mộng

Nha trang thu thảo khấp anh hồn

Khả lân nhứt biệt thành thiên cổ

Đà Nẵng phân khâm tửu thượng ôn

 

Huỳnh Thúc Kháng tự dịch:

 

Gươm sách xăm xăm tách dặm miền

Làm quan vì mẹ há vì tiền!

Quyết đem học mới thay nô kiếp

Ai biết quyền dân nảy họa nguyên

Bồng đảo gió chưa đưa giấc mộng

Nha Trang cỏ đã khóc hồn thiêng

Chia tay chén rượu còn đương nóng

Đà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền.

                         

Nguyễn Thiếu Dũng dịch:

 

Sách gươm lầm lũi biệt quê nhà

Hoạn lộ chôn chân vị mẹ già

Học mới quyết đem thay kiếp tớ

Quyền dân ai biết họa tai a

Gió tan giấc mộng mơ Bồng Đảo

Cỏ khóc hồn thiêng hận Khánh Hòa

Đà Nẵng đưa nhau chưa nguội rượu

Mà người thiên cổ đã chia xa.

 

Tám câu thơ đã thể hiện đầy đủ ý tình: từ lý do Trần Quý Cáp đi nhận chức Giáo thọ đến viêc thực thi lý tưởng cứu nước cứu dân, và sự hy sinh cao cả của ông. Cuối cùng, đọng lại trong lòng người là tình bạn, tình đồng chí sâu nặng giữa hai nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân trong chén rượu chia tay còn nóng hổi tại Đà Nẵng.

 

Làm quan vì mẹ há vì tiền

 

Năm 1904, Trần Quý Cáp thi Đình đỗ Tiến sĩ, đứng đầu bảng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân vượt lên trên Huỳnh Thúc Kháng. Tuy đạt được thành tích xuất sắc nhưng ông không ra làm quan để vinh thân phì gia mà dấn thân vào con đường cách mạng. Ông là một trong ba nhân vật khởi xướng phong trào Duy Tân: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, một phong trào cách mạng vô cùng sôi nổi những năm đầu thế kỷ XX.

Năm 1906, thực hiện chủ trương “dĩ nông hợp quần” ông đang ở nông trường Yến Nê (Cẩm Nê), thì được chiếu chỉ của triều đình Huế bổ chức Giáo thọ Thăng Bình. Ông không muốn ra làm quan nhưng bạn bè lấy việc nhà nghèo và mẹ già khuyên nhủ mãi ông mới đi. Trong bài thơ chữ Hán, Huỳnh Thúc Kháng viết: “Nhứt quan thác lạc vị thân tồn”

Nhưng câu thơ dịch: “Làm quan vì mẹ há vì tiền” của chính Huỳnh Thúc Kháng còn rõ ràng và hay hơn cả câu nguyên tác. Câu thơ khẳng định dứt khoát mục đích ra làm quan của Trần Quý Cáp là vì hiếu chứ không phải vì tiền.

Về sự kiện này, ông Trần Huỳnh Sách có ghi :

 "Năm Bính Ngọ 1906 đương ở sở nông hội Cẩm Nê, tiên sinh đắc chỉ bổ chức Giáo thọ phủ Thăng Bình thuộc tỉnh nhà, tiên sinh không muốn đi, nhưng thân bằng lấy sự nhà nghèo và mẹ già khuyến khích mãi, tiên sinh mới đi." (Cuộc đời và hoạt động của chí sĩ Trần Quý Cáp)

Ngoài lý do Trần Quý Cáp làm quan vì mẹ, thiển nghĩ còn một lý do khác quan trọng hơn mà trong hoàn cảnh lịch sử đương thời cụ Huỳnh Thúc Kháng không tiện nói ra trong bài thơ. Đó là mục đích hoạt động cách mạng.

Nếu Trần Quý Cáp không nhận chức Giáo thọ thì làm sao ông có thể công khai phổ biến tân học một cách rộng rãi để “khai dân trí” là mục tiêu hàng đầu mà phong trào Duy Tân đã đề ra. Muốn tiến bộ, muốn chống lại kẻ thù phải làm cho dân khôn ra, phải “cắt cái ngu, cái dại” đã đưa dân tộc vào vòng bị trị. Công cụ để tiến hành sứ mệnh đó không gì tiện dụng hơn chữ Quốc ngữ. Khai dân trí là bước đầu của công việc hưng quốc, phục quốc. Khai dân trí để làm cho người dân biết rõ các quyền của mình trong xã hội, trong cuộc sống, trong đất nước và trên thế giới. Dân quyền chính là cơ sở của độc lập tự chủ, là sức mạnh để giành độc lập và giữ vững nền độc lập. Nhận chức quan phụ trách về giáo dục của một phủ, Trần Quý Cáp có cơ hội thực thi nhiệm vụ cách mạng một cách dễ dàng, thuận lợi hơn là phải hoạt động trong vòng bí mật.

 

Quyết đem học mới thay nô kiếp

 

Ở cương vị Giáo thọ, Trần Quý Cáp đã làm một cuộc cách mạng giáo dục, truyền bá tân học. Ông đã biến ngôi trường của chính quyền theo lối học khoa cử cũ thành ngôi trường lớn của Duy Tân theo lối học mới, tiến bộ. Trường dạy chữ Quốc ngữ, chữ Tây, dạy các môn khoa học tự nhiên và xã hội, dạy thủ công, thể dục, võ thuật, chú trọng thực dụng và hướng nghiệp. Đó là lối giáo dục nhằm đào tạo những con người có thực tài với một bộ óc sáng suốt trong một thân thể tráng kiện. Ông còn tổ chức những buổi diễn thuyết cổ động cho tân học gây được xúc động mạnh mẽ trong hàng ngũ thân hào nhân sĩ khiến họ tự nguyện góp công, góp của dựng lên những ngôi trường Duy Tân trong các xóm làng, mời thầy về dạy chữ Quốc ngữ, chữ Tây. Chỉ trong vòng năm, sáu tháng, 40 trường tân học đã được dựng lên để dạy chữ Quốc ngữ, truyền bá cái học mới. Nhiều trường đã gây được ảnh hưởng lớn, uy tín vang khắp nước như Phú Lâm, Diên Phong, Phước Bình, Cẩm Toại ...

                  “ Trực tương tân học khai nô lũy”

Trần Quý Cáp chính là người giữ vai trò trọng yếu trong cách mạng văn hóa của phong trào Duy Tân. Ông tích cực phổ biến tân học, hô hào cúp tóc ngắn, mặc âu phục, tổ chức các cuộc diễn thuyết để “khai dân trí” khiến cho quần chúng ý thức được “dân quyền”, đưa đồng bào tiến bước trên đường duy tân, cứu đất nước thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Và đó chính là nguyên nhân mang đến thảm họa cho ông: 

“ Quyết đem học mới thay nô kiếp,

Ai biết quyền dân nảy họa nguyên”

 Báo cáo của Công sứ Quảng Nam Charles gởi Khâm sứ Trung kỳ Lévecque ngày 8-1-1908 viết: “...Trong hai phủ Thăng Bình và Tam Kỳ họ nắm các trường học và điều hành việc dạy học. Họ trao cho học sinh những tài liệu kích thích tinh thần yêu nước, hận thù quân xâm lược, xem thường cái chết.  Mỗi người phải sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Thật là những bài học tuyệt vời về chí khí, chỉ tiếc là chúng ta một ngày kia phải trả giá cho sự giáo dục ấy mà thôi”. ( Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, nxb Đà Nẵng, Q1, tr 50}

Khâm sứ Lévecque đã nhanh chóng đánh hơi được mối nguy hiểm của ngọn lửa tư tưởng văn hóa mới đang lan nhanh trong quần chúng, có thể cháy bùng lên bất cứ lúc nào, đe dọa nền thống trị, mà Trần Quý Cáp là người thủ lãnh, nên đã chủ ý giết ông để chặn đứng phong trào dân biến không cho lan rộng vào các tỉnh Nam Trung kỳ.

Rút kinh nghiệm sau vụ “làm đúng thủ tục, giao triều đình Huế xử các vị  đại khoa” mà không giết được Phan Châu Trinh, Khâm sứ Lévecque đã đích thân chỉ đạo giết Trần Quý Cáp ngay tại Khánh Hòa chứ không đưa về Huế Vì nếu đưa ông về triều đình xét xử thì ông cũng sẽ được giảm án tử hình.

Và trong báo cáo gởi Bộ Thuộc địa năm 1908, Toàn quyền lâm thời Bonhoure đã khen ngợi hành động kiên quyết và nhạy bén nầy của Khâm sứ Lévecque. ( theo Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới  Q4, tr 272)

 

Thùy tín dân quyền chủng họa côn

 

Câu thơ đã nói rõ nguyên nhân thúc đẩy Pháp giết Trần Quý Cáp chính là vấn đề dân quyền:

                         Ai biết quyền dân nảy họa nguyên

Bởi vì Pháp luôn lo sợ nếu để người dân Việt Nam ý thức được dân quyền thì một ngày không xa họ sẽ đứng lên đánh đổ ách đô hộ của thực dân Pháp.

 

Nha Trang cỏ đã khóc hồn thiêng

 

Hai câu luận là tiếng khóc của một người bạn, người đồng chí khóc cho người đồng chí. Huỳnh Thúc Kháng tiếc thương cho ước vọng cao cả của Trần Quý Cáp (muốn theo chân Phan Bội Châu sang Nhật Bản vận động cách mạng cứu nước) chưa thành mà ông đành phải hy sinh:

                   “Bồng đảo gió chưa đưa giấc mộng

Nha Trang cỏ đã khóc hồn thiêng”

Trần Quý Cáp đã có lần tính đến chuyện xuất dương, nhưng các đồng chí khuyên ông nên ở lại nội địa để phụng dưỡng mẹ già và để chủ trì việc tân học, khai thông dân trí, giúp đỡ ý kiến cho Tiểu La Nguyễn Thành.

Trong buổi tiễn đưa Phan Bội Châu sang Nhật, Trần Quý Cáp đã tự gánh trách nhiệm lo việc trong nước hỗ trợ cho cuộc Đông Du:

                        Đã không vượt biển sang Đông thổ

                        Thì ở nhà lo việc Quảng Nam

( Lam Giang,Trần Quý Cáp và tư trào cách mạng dân quyền đầu thế kỷ XX, Đông A xuất bản, tr 128, 136).

Nỗi xót xa, thương tiếc được diễn tả bằng hình ảnh nhân hoá “Cỏ đã khóc hồn thiêng” cho thấy không phải chỉ riêng Huỳnh Thúc Kháng khóc Trần Quý Cáp mà cả sông núi, đất trời, cỏ cây đều nhỏ lệ trước cái chết của người anh hùng đã hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc cho nhân dân lúc mới tròn 38 tuổi. Con sông Cạn ở Khánh Hoà đến mùa nắng thì nước khô nhưng nơi cầu Phước Thạnh nước không bao giờ ráo, phải chăng nỗi đau lớn đã bao trùm cả thiên nhiên, vạn vật.

 

Đà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền

 

Hai câu kết làm sống lại buổi chia tay tại Đà Nẵng khi Huỳnh Thúc Kháng tiễn đưa Trần Quý Cáp vào Khánh Hòa, biểu hiện tình bạn, tình đồng chí sâu nặng giữa hai nhà lãnh đạo của phong trào Duy Tân:

 

                   “Chia tay chén rượu còn đương nóng

Đà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền.”

Chén rượu chia tay còn nóng, những lời Trần Quý Cáp ân cần phó thác việc thương, việc học trong tỉnh cho Huỳnh Thúc Kháng lúc xuống thuyền vẫn còn như văng vẳng bên tai mà người bạn thâm giao, người đồng chí đã thành người thiên cổ. Thật đau xót biết dường nào! Tác giả không nói nhiều, chỉ dùng hình ảnh “chén rượu chia tay còn nóng” mà nói lên rất đầy đủ ý tình.

Người đọc thấy được từ sự bồi hồi xúc động đến nỗi đau quặn thắt tâm can của Huỳnh Thúc Kháng trước cái chết bất ngờ của Trần Quý Cáp. Cuộc tiễn đưa như mới hôm qua, tình bạn, tình đồng chí còn ấm áp quanh đây mà người tri kỷ đã vĩnh viễn xa rời.

Bài thơ nói về sự hy sinh, mất mát mà không bi lụy, tình cảm sâu nặng mà không thảm thiết, rất phù hợp với phong cách của một nhà cách mạng khóc một nhà cách mạng vì nghĩa cả hy sinh.

 

 

Bến sông Đà Nẵng đã chứng kiến cảnh biệt ly đầy nghĩa tình của hai nhà chí sĩ cách mạng đầu thế kỷ XX. Huỳnh Thúc Kháng tiễn đưa Trần Quý Cáp, người bạn, người chiến hữu, đi vào nhiệm sở mới và cũng là đi vào cõi vĩnh hằng. Tuy sự nghiệp “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của phong trào Duy Tân chưa thành công, nhưng chí sĩ Trần Quý Cáp đã “thành danh” trong trang sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

 

                                                                                                                                                  C.Y.L

Bài viết khác cùng số

Cô Mùi – Trần Quốc CưỡngChùm truyện nhỏ cho các em của Thanh QuếBốn Chỉnh – Vũ Đức Sao BiểnChùm thơ của Hồ Thế HàHạc phù dung – Nguyễn Thị Anh ĐàoVăn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn TiếngNghĩ về tâm, tầm lãnh đạo và lòng dân - Sương Nguyệt MinhVăn hóa người Đà Nẵng - Dân HùngTín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương MaiXuân không mùa - Huỳnh Viết TưNhững cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công MinhNhững mùa xuân im lặng kéo qua đời …- Tùy bút của Văn Công HùngKhoai! – Hồ Duy LệAnh Đũi - Trần Đức TiếnDê Thần - Trần VănAi vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công DụngTiếng mùa xuân – Vương Phạm Tâm CaSông Hàn chiều cuối năm - Trần Huy Minh PhươngChiều tháng Chạp - Nguyễn Bá HòaGiao mùa - Lê Huy HạnhThoáng xuân nghiêng - Nguyễn Thánh Ngãim lặng ngày xuân – Đinh Thị Như ThúyVề thăm quê buổi giao mùa – Trương Đình ĐàngMột mình - Hoàng Hương ViệtMùa Xuân - Nguyễn Xuân TưChiều ba mươi bên sông Hàn - Nguyễn Văn TámChờ Xuân – Trịnh Bửu HoàiSố phận của nhà thơ – Nguyễn Đông NhậtHoa cải vàng bay - Mai Hữu PhướcMùa đông về phố - Trần Ngọc MỹMùa riêng - Nguyễn Hoàng SaGiọt sương còn đọng môi mềm - Thy LanMột mình - Lê Thanh MyChùm thơ Nguyễn Ngọc HạnhVề miền ký ức riêng tư - Nguyễn Nho Thùy DươngNgôi sao số phận tôi – Nguyễn HoaTiếng nổ - Nguyễn Minh HùngNắng từ quê nội – Nguyễn Nhã TiênDặm chiều – Ngân Vịnh Nhà tôi có cây mai chưa trổ - Nguyễn GiúpNụ tình xuân - Nguyễn Miên ThượngMỹ Khê- Quê xưa gồng gánh hoa vàng – Võ BiênChạnh lòng – Nguyễn Thành LongMột quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã TiênVẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành VănNét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân TrìnhNhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm TrâmNỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ NguyênHọa sĩ Vũ Dương: biển với mùa xuân – Trần Trung SángNghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần HồngNSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình QuangBài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng ĐạtMột câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê HuânCuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan