NSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình Quang
Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Lê sinh năm 1924 ở Hoài Hương, Hoài Nhơn, Bình Định. Ông xuất thân từ gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc, nên ngay từ nhỏ ông yêu thích các bài hát dân ca, bài chòi và sau đó đến với tân nhạc. Từ thời còn trẻ, Hoàng Lê đã viết những bài hát phục vụ kháng chiến phổ biến trên vùng đất Liên khu V như: Trời mưa rồi, Bác Cậy đóng thuế nông nghiệp v.v...
Khi chuyển ra miền Bắc từ năm 1955, say mê thể loại kịch hát, ông trở thành nhạc sĩ bài chòi của Đoàn ca kịch bài chòi Liên khu V. Hoàng Lê chơi đàn sếnh và đàn kìm, đệm vững vàng hô bài chòi và ca cải lương. Cùng với nhóm sáng tác ca nhạc ở những vở diễn mẫu mực, sự đóng góp của Hoàng Lê không chệch với hướng đi nghệ thuật của ngành.
Về âm nhạc và hô hát, Hoàng Lê luôn nắm vững lối kế thừa hợp lý vốn nghệ thuật cổ truyền, với phương châm phát triển (dùng nguyên cổ, có đổi mới, sáng tác), đều có sự thử nghiệm vào từng vở mới, từng loại đề tài (dân gian, lịch sử, hiện nay).
Ở vở diễn Thoại Khanh – Châu Tuấn (tác giả: Nguyễn Tường Nhẫn), là sự nối tiếp nhuần nhuyễn làn điệu bài chòi với dân ca, chuyển hóa (vè Quảng Nam, lý thương nhau, lý chơi xuân v.v..., tiếp thụ ca nhạc cổ (nhạc lễ, chất liệu nhạc múa hát bộ). Hợp xướng trong vở diễn Kiều - Từ Hải (tác giả: Nguyễn Tường Nhẫn), dùng diễn đạt tâm tư, khắc họa hình tượng nhân vật, nhạc diễn cảm mang chủ đề nhân vật, có đối đáp, đấu tranh... Và, ở vở diễn Ngàn thu vọng mãi (tác giả: Lưu Trọng Lư) là sự hòa quyện tính trữ tình, sáng tác làn điệu và bài hát. Ở vở diễn Tiếng sấm Tây nguyên (tác giả: Thanh Nha – Thế Lữ), là sự kết hợp ca nhạc miền núi Tây nguyên với ca nhạc miền xuôi, vào chính kịch anh hùng ca, thể hiện con người, trong cuộc chiến đấu quyết liệt, cách viết nhạc diễn cảnh, gợi cảm, (thêm nhạc khí màu sắc: tr'ưng, chiêng v.v...). Đồng thời ông tiếp nhận chất liệu bài hát hài hước từ hát bội (lý Đồng nai, lý bán quán, lý đi chợ v.v...), chuyển hóa kết gắn với nghệ thuật bài chòi.
Hoàng Lê đã phát triển, sáng tạo giọng điệu bài chòi Xuân nữ với những biến dạng nhiều kiểu (lồng điệu, xen kẽ, pha trộn...), nhiều màu sắc (xuân ai oán), sức diễn cảm rộng mở, thoáng đãng…Điệu Xuân nữ của ông nhanh chóng tiếp nhận những chất liệu từ cuộc sống mới, không nệ cổ, đạt đến cái đẹp mới.
Do khai thác chất liệu hô hát ca nhạc bài chòi, các thể loại hò, lý và diễn xướng dân gian miền Nam Trung bộ, nắm vững cấu trúc ca nhạc cổ và cách ứng dụng chúng vào diễn xuất, là nghệ nhân trong dàn nhạc, Hoàng Lê để lại cho kịch hát bài chòi nhiều bài hát diễn đạt tình cảm, tính cách nhân vật, như là làn điệu mô hình giúp cho diễn viên và nhạc công, với tài năng của mình, có thể bẻ làn nắn điệu, chuyển hóa nhạc đệm.
Về vấn đề này, Mịch Quang nhà nghiên cứu hát bội viết: "Cải lương hóa một ít ca khúc mới, vô tình gần gũi cấu trúc nhạc cổ như trường hợp các bài ca của Mộng Vân, bài Vọng Kim Lang của Hoàng Lê. Bài Vọng Kim Lang của nhạc sĩ Hoàng Lê sáng tác cho kịch hát bài chòi lại được sân khấu cải lương dùng mạnh hơn và tốt hơn, chính cũng vì nó được cấu trúc theo kiểu nhạc cổ"[1]
Có thể kể đến những bài hát của Hoàng Lê được các nhà viết kịch ứng dụng trong các vở diễn của các đoàn kịch hát bài chòi trên toàn miền Nam Trung bộ, ở chương trình sân khấu và dân ca của Đài tiếng nói Việt Nam, như: Lía Thấu, Lía mo Xảo (từ chất liệu "nói Lía"), Ghẹo vàng anh, Tấm vóc đại hồng, Tài chi trưởng, Chèo bẻo v.v...
Vở kịch nói "Đội kịch Chim chèo bẻo"[2] của Nguyễn Văn Niêm được Hoàng Lê chuyển biên, thành vở kịch hát bài chòi nổi tiếng trên cả nước đến những năm 80.
Năm 1965, với bút danh Hồng Hải, cùng các nghệ sĩ trong ngành, Hoàng Lê về lại vùng giải phóng miền Nam, trên xứ Quảng, xây dựng kịch hát bài chòi. Năm 1970, ông trở ra miền Bắc, thành lập Đoàn kịch hát bài chòi B, rồi đưa đoàn về tỉnh Quảng Đà. Từ năm 1975, ông giảng dạy kịch hát bài chòi ở Trường Văn hóa – nghệ thuật tỉnh Bình Định, viết kịch bài chòi sáng tác ca nhạc, chuyên nghiên cứu thể loại này.[3]
Hoàng Lê là hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam (ngành biểu diễn), hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (ngành âm nhạc), được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú vào mùa xuân năm 1997.
T.Đ.Q
[1] ÂM NHẠC và KỊCH HÁT DÂN TỘC, trang 272 – 288 – Nhà xb Sân khấu Hà Nội 7/1995.
[2] Đầu năm 2012, Hội sân khấu thành phố dựng diễn lại vở này, đạo diễn: Cao Đình Liên.
[3] LỊCH SỬ CA KỊCH và ÂM NHẠC BÀI CHÒI – Sở VHTT Bình Định xb, Qui Nhơn, 2001.
Ảnh trên ở vở kịch hát bài chòi Bà đô đốc Bùi Thị Xuân (tác giả: Trúc Đường, đạo diễn: NSƯT Vĩnh Huế, nhạc sĩ: Trần Hồng, họa sĩ: Bùi Huy Hiếu)