Một câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê Huân
Năm 1971, ở chiến trường Quân khu V, nơi vô cùng gian nan, ác liệt tôi cùng với những cán bộ trong Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Trung - Trung Bộ vừa trải qua một cuộc chỉnh huấn tư tưởng để nâng cao tinh thần, phẩm chất đạo đức cách mạng do Cục Chính trị Quân khu xuống trực tiếp chỉ đạo, giám sát. Bởi sau ba năm 68, 69,70 cách mạng miềnNamtrải qua cuộc tổng tấn công Mậu Thân, Mỹ Ngụy phản kích dữ dội để giành đất, giành lấy quyền chủ động chiến trường. Một cán bộ biên đạo, đội trưởng múa như tôi hồi ấy mà phải kiểm thảo tự phê bình và lắng nghe lời phê bình của đồng chí, đồng đội tới 5 ngày liền với tinh thần phát động của Cục Chính trị Quân khu "Nâng cao quan điểm và tư tưởng cách mạng, người phê bình đóng góp không có lỗi; còn người nghe, lắng nghe, cố gắng tiếp thu để sửa mình". Tôi nhớ hồi đó nhà văn Nguyên Ngọc - Trưởng ban Văn nghệ Quân khu cũng có mặt với cương vị Phái viên Cục Chính trị xuống ở cùng chúng tôi cả tháng trời.
Các bạn thử hình dung xem thời kỳ ở nơi hậu cứ chiến trường Quân khu V vừa đói, vừa căng thẳng tinh thần, giỏi sức chịu đựng, có tinh thần thép như tôi mà sau năm ngày được đồng đội phê bình, đóng góp; bao nhiêu những công tích, cống hiến nghệ thuật xây dựng đoàn của tôi đều bị lật ngược trở thành những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tiểu tư sản khiến cho tôi mụ mị cả người.
Giữa lúc ấy, trong đầu tôi vụt sáng, tôi thoát ra mọi suy tư của cuộc chỉnh huấn tư tưởng bằng sự miên man nghĩ về cuộc sống của những chiến sĩ đang cầm súng chiến đấu, những người lính trẻ mà tôi đã gặp trên đường hành quân hoặc ở đơn vị nơi chúng tôi đến phục vụ biểu diễn. Họ, những người lính trẻ sống cuộc sống chiến đấu giữa cái gian khổ, hy sinh ác liệt nhưng hết sức sinh động lạc quan. Nghĩ về họ tôi bỗng quên hết bức xúc hiện tại. Cảm xúc sáng tạo bùng lên, tôi nghĩ ra được một tứ múa, nửa đêm thức giấc đốt ngọn đèn chai, tôi hăm hở viết kịch bản điệu múa Anh nuôi say súng. Điệu múa có hai nhân vật, một anh lính trẻ xạ thủ B.40 và một anh nuôi quân nhiều tuổi hơn nhưng rất say súng, mê được làm xạ thủ để có dịp lập công tiêu diệt quân thù.
Sáng hôm sau, tôi trình bày với anh Nguyên Ngọc, nhà văn hết sức ngạc nhiên, thích thú với sáng tác này và động viên tôi phải bắt tay xây dựng điệu múa này ngay.
Nhân vật múa, anh lính trẻ xạ thủ B.40 hồi đó là Nghệ sĩ Ưu tú Minh Vân. Bằng sự cần mẫn hăng say và tài năng diễn xuất, Minh Vân đã làm điệu múa rất sống động khi biểu diễn cho khán giả chiến sĩ khắp chiến trường. Mỗi lần biểu diễn điệu múa này, diễn viên hầu như phải diễn lại lần thứ hai, có khi phải diễn tới lần thứ ba khán giả vẫn cứ hoan nghênh nhiệt liệt. Thậm chí Khu V đã có lời đồn "...văn công quân khu có khẩu B.40 bằng gỗ (đạo cụ mà đội múa chúng tôi tự làm cho điệu múa Anh nuôi say súng) thế mà tiêu diệt bao nhiêu heo, gà!". Đó là phần thưởng vật chất mà chiến sĩ các đơn vị yêu quý tiết mục, yêu quý văn công nên có heo, gà nuôi cất được đều mang ra thiết đãi chúng tôi.
Điệu múa Anh nuôi say súng của tôi sau này được xếp trong chùm tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước.
Điệu múa đi vào lòng khán giả khi tôi mới 27 tuổi, 4 năm tuổi quân, 3 năm thử lửa chiến trường. Điệu múa không có kỹ thuật, kỹ xảo và sử dụng ngôn ngữ múa gì ghê gớm, không có những bục bệ, cảnh trí, thứ mà các biên đạo trẻ hôm nay thường khai thác vận dụng khi sáng tác về các đề tài chiến sĩ và chiến tranh cách mạng.
Tôi kể một chi tiết rất thật của cuộc đời, sự nghiệp của tôi để minh chứng cho một chân lý sáng tạo: Mọi thành công nghệ thuật đều bắt nguồn từ cảm xúc chân thực. Khi trái tim người sáng tác cùng nhịp đập với cuộc sống chiến đấu của người chiến sĩ.
L.H