Nhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm Trâm

04.02.2015

Nhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm Trâm

Vũ Bằng (1913 – 1984) là một “nhà báo kiệt hiệt” (Tô Hoài)1 và là một nhà văn lớn có sở trường về truyện và ký. Năm 1954, Vũ Bằng nhập vào dòng người di cư vào Nam dưới danh nghĩa “một vụ đi chơi bậy bạ để tiêu sầu khiển hứng2 nhưng thực chất, ông là một mắt xích trong mạng lưới tình báo cách mạng. Lúc ra đi, những tưởng sau hai năm đất nước sẽ hiệp thương thống nhất, nào ngờ mãi hoài, Hà Nội – Bắc Việt cũng chỉ là cố hương. Bao nhiêu niềm thương nhớ quê nhà thấu trời thấu đất ông đành phổ vào hai tập tùy bút Miếng ngon Hà NộiThương nhớ mười hai.

Thương nhớ mười hai được khởi bút vào tháng Giêng 1960, viết xong năm 1970 – 1971 tại Sài Gòn. Hơn ba trăm trang sách gần mười hai năm ròng rã. Ngoài phần Tự ngôn, mười hai thiên đoản văn là mười hai tháng với “những cái đẹp não nùng riêng, những nỗi nhớ nhung riêng”, thiên cuối dành riêng cho Tết. Như vậy, có đến năm chương sách viết về “mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội” – “mùa xuân thần thánh”. Mở đầu bằng Tháng giêng, mơ về trăng non rét ngọt; Tháng hai, tương tư hoa đào; Tháng ba, rét nàng Bân; kết lại bằng Tháng chạp, nhớ ơi chợ TếtTết, hỡi cô mặc cái yếm xanh.

Năm thiên sách đã dựng lên rất nhiều mảng màu mùa xuân của quê hương, đất nước bằng niềm hoài cố những cảnh quan thiên nhiên mộc mạc mà thần tiên, những sản vật bình dị nhưng là những thời trân ý nhị, đặc biệt là những con người thanh lịch lưu giữ các mỹ tục, hun đúc tinh hoa văn hóa đất kinh kỳ… 

Cảnh quan mùa xuân Bắc Việt dưới ngòi bút nhà văn họ Vũ đẹp “giản dị”, đẹp “thành thực, hồn nhiên, mộc mạc”: “mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng…”.

Tháng Chạp “ở ruộng khoai lại nở những bông hoa tím, ở ruộng cải lại nở những búp vàng, mưa xanh gió tím ôn hòa”. Ra Giêng “mưa xuân thay thế cho mưa phùn”, trong “cái rét ngọt ngào” “có những bông nắng rung rinh trong bể nước”. Tháng Hai “hoa rét còn đọng ở lộc cây, ngọn cỏ”, “trời lành lạnh nên thơ”, buộc con ngựa thồ trong “cánh rừng bạt ngàn san dã hoa đào”, khách du “nằm trên thảm cỏ, he hé con mắt nhìn những cánh hoa đào rơi lả tả ở quanh mình và nghe tiếng suối nước ở xa xa thì thầm thủ thỉ như lời ca ân ái”. Tháng Ba như cô gái nghiêng nước nghiêng thành làm nũng, “trời chuyển bất ngờ, đương nắng thành râm, và chỉ trong khoảnh khắc, rét của cuối chạp, đầu xuân đã trở về trên cánh gió, giữa một khoảng trời tháng ba nắng ấm”…

Thương nhớ mười hai đưa đến cho độc giả cách thụ cảm thiên nhiên bằng một tình yêu gián cách cả về không gian lẫn thời gian. Từ bầu trời đến mặt đất, từ triền núi đến suối khe, từ gió mây đến cỏ cây hoa lá… tất thảy đều như ngà như ngọc, như lau như ly, tươi tắn sắc màu, ngan ngát hương vị, man mác thanh âm, vừa thanh tân, trong trẻo vừa thi vị, tình tứ.

Bầu trời, ngày thì “trong như ngọc”, “chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve sầu mới lột”; “đêm xanh biêng biếc, tuy có mưa rây, nhưng nhìn lên thấy rõ từng cánh sếu bay”. Trăng xuân “non như người con gái mơn mởn đào tơ”, đẹp “cái đẹp của nàng trinh nữ thẹn thùng”. “Ánh trăng lúc ấy không vàng mà trắng như sữa, trong như nước ôn tuyền. Đi vào giữa ánh sáng mơ hồ ấy như thấy mình bay trong không gian vô bờ bến”.

Ở một bè trầm, nhà văn vực dậy một mạch xuân dồi dào, động cựa làm con người có thể “nghe thấy rạo rực nhựa sống trong cành mai, gốc đào, chồi mận ngoài vườn”, thậm chí “nghe thấy đồi núi chuyển mình, sông hồ rung động”, “làm cho người ta muốn phát điên lên. Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối”…

Dưới vòm trời “mùa xanh lên hy vọng”, “Hồ Gươm đáy nước lung linh”, vùng biên thùy “nước suối trong văn vắt, bóng các cô sơn nữ chiếu xuống nước làm cho một người hóa hai”. “Sông xanh, núi tím”, “nắng ấm trông cứ như là ngọc lưu ly”, mây “hồng hồng”… bừng bừng sắc hoa, sắc lá.

Sau Nguyên Tiêu, “Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu giêng, nhưng trái lại lại nức một mùi hương man mác”. Tháng Hai “rừng mơ, rừng mận nở trắng xóa”, “hoa đào rơi lả tả trên cỏ xanh như cơn mưa màu sắc”; tháng Ba “mùa hoa bướm đổ xuống bờ cỏ ngọn cây”, “những ao rau cần xanh ngăn ngắt, tươi hơn hớn”; Tết đến những nhánh lan chân cua “hoa nở sum sê, đỏ chói – nhưng đỏ một màu đỏ đặc biệt, nửa như màu chu sa mà nửa lại như màu cánh sen”…

Các thứ quả cũng góp cho bức tranh xuân Thương nhớ mười hai những mảng màu sáng trưng. Quả đào mình “ưng ửng hồng, có những sợi lông tơ óng ánh như lông tơ trên mặt cô gái dậy thì”. Cả cái quả bàng quế “hột đỏ như son, thơm có khi còn hơn cả đào”. Quả tuyết lê là “một trái cây bằng thủy tinh. Anh cầm trái lê, khẽ gõ vào chân thang, băng tuyết ở bên ngoài rụng xuống. Lấy dao bổ ra, thưởng thức từng miếng nhỏ […] dịu hiền và thơm ngát thơm ngào”.

Những món ngon mùa nào thức nấy cộng hưởng làm nên hồn vía vùng đất ngàn năm văn vật nổi tiếng là bờ xôi ruộng mật. Thương nhớ mười hai không hiếm những thời trân nói lên cái khẩu vị tinh tế xứ Bắc. Những đêm Tết ngồi đánh tam cúc, rút bất say sưa, tay xin miếng trầu ngày xuân ăn với cau “tiên đầm” “ngọt cứ lừ đi” rồi “quay ra ăn bánh chưng rán với cá kho, giò thủ và tráng miệng với chè đậu đãi, uống trà mạn ướp sen”. Sau Rằm tháng Giêng, “lúc thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm gia đình giản dị có cà om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng”. Tháng Hai cá anh vũ Việt Trì nướng chả “tuyệt trần đời”. Tháng Ba “hái mấy ngọn rau cần đầu mùa, nấu một bát canh với tôm he mà ăn với chén cơm gạo vàng”…

Trong các lễ tết, Vũ Bằng tâng tiu nhất là Tết Nguyên Đán vì nó “tượng trưng cho tinh thần dân tộc” với truyền thống trở về cội nguồn, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, bày tỏ sức sống mạnh mẽ với niềm tin tưởng lạc quan, nguyện vọng xiết chặt tình yêu thương, cởi mở, vui vẻ, đoàn kết…

Trong mối tình tư quy của Vũ Bằng, Tết gắn liền với sửa Tết, sắm Tết, gửi Tết, biếu Tết, ăn Tết, chơi Tết… Từ đầu tháng Chạp đã lo quần áo Tết; lo gọt thủy tiên, lo trồng hai chậu lan chân cua; đánh bóng đồ đồng, tủ chè, sập gụ… Rồi thú xem chợ Tết, hết chợ Mới Mơ, chợ Bằng, chợ Ô Cầu Dền, chợ Đồng Xuân đến chợ Đần, chợ Ngăm, chợ Đệp… Sắm Tết thì hầu sì, bong bóng, bào ngư, măng tây, vây cá… bên hộp thuốc đánh đồ đồng cùng mấy cái tranh gà lợn, hai ông “Tiến tài, Tiến lộc” để dán lên hai cánh cửa chính…

Tết được Vũ quân hồi kể với bao mỹ tục như tục về quê ăn Tết, thăm mộ gia tiên; tục tiễn ông Táo, ông vải; cắm cây nêu, dán câu đối; lễ tất niên, lễ giao thừa, lễ đầu năm hái lộc... Cả những tập tục vui vui như tục “bán dại”, tục xông đất, lì xì “mở hàng” cho nhau, tục kiêng quét nhà vì sợ đuổi thần tài, kiêng đánh vỡ chén bát tránh đổ vỡ suốt năm, không khâu vá vì kim chỉ tượng trưng công việc làm ăn vất vả…

Ngày Tết, đâu cũng có hát quan họ, hát ví, hát chèo, hát tuồng, hát ả đào, kéo co, thổi cơm thi, đánh cờ người, đá cầu, dún đu; nhiều nơi hát đúm, tung còn, bắt chạch, “rước cái nõn nường”… Tháng Hai – mùa lễ hội: hội chùa Vua, hội Lim, lễ chùa Trầm, trẩy hội Phủ Giầy, tế thần ở Láng… đặc biệt là lễ hội chùa Hương! Tháng Ba làng nào cũng có đình đám hội hè, đèn chăng lá kết rợp trời, hương án, quạt cờ la liệt. Đó là mùa tế thần, tế thánh, mùa rước kiệu, cờ bỏi, mùa rước sắc, mùa chọi gà, chọi cá, “quyến rũ nhất và đặc biệt nhất là những cuộc đấu vật ở Hà Lạng, Trà Lũ, Hoành Nha, Mai Động…” vì “tiêu biểu được hết tinh thần thượng võ của dân tộc”.

Vũ Bằng ưu ái Tết vì Tết gắn với không gian gia đình, nhất là gắn với tình yêu dành cho người vợ tấm mẳn không biết đến bao giờ mới được gặp lại. Người phụ nữ Kinh Bắc tên Quỳ trong Thương nhớ mười hai không chỉ hiện lên với tư cách là “người bạn chiếu chăn” mà còn là người tiêu biểu cho vẻ đẹp nhã lịch của người kinh kỳ, của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Quỳ đẹp với “bóng lưng thon nhỏ”, “đôi má đỏ hây hây mùi cốm giót”, “thơm ngát mùi hoa cau”… Quỳ là người vợ khéo tay, đảm đang, “mùa nào thức nấy không bao giờ đợi cho chồng phải nói lên sự ước mơ”; dẫu “công lên việc xuống” vẫn “chẳng sao mà còn lại tươi lên là khác”, dẫu “đầu tắt mặt tối” nhưng cứ đúng phút giây giao tiễn năm cũ năm mới, “cúng kiếng trời đất tổ tiên xong rồi” là “thoa tí phấn, điểm một giọt má hồng lên má rồi bận cái áo nhung màu hoa sim cùng chồng và con mở cửa đi ra đền Ngọc Sơn, rẽ sang đình Hàng Trống, đi lên Hồ Tây vào đền Quan Thánh lễ giao thừa, rồi thì người cầm cành lộc, người cầm hương lộc, đi thong thả về nhà…”.  Cái thế giới tâm hồn của “người vợ tao khang” ấy như ngụm nước mưa tinh khiết, hội đủ các giá trị nhân văn – Đẹp, Tài và Thiên lương – gợi lên bao cảm xúc ngưỡng mộ, say mê cho bạn đọc.

Vũ Bằng sống Namnhớ Bắc, tâm sự của Vũ Bằng qua Thương nhớ mười hai là “ngày Nam đêm Bắc” như con chim đỗ vũ cất tiếng kêu khắc khoải nhớ thương nước cũ. Thế nhưng càng buồn tê tái, nhà văn càng cố vươn tới ánh sáng của thế giới hoài niệm và đắm đuối trong thứ ánh sáng lung linh của tâm tưởng ấy. Có ai đó đã nói: “Nhà văn miêu tả cảnh vật đẹp nhất không phải là lúc anh đứng trước nó mà vào lúc anh nhớ về nó”. Lý do ra đời của Thương nhớ mười hai là thông điệp thương nhớ về một Bắc Việt ngời ngời trong tâm tưởng kẻ du tử qua một lối văn giàu chất thơ, chất họa, chất nhạc.

Các thiên đoản văn về mùa xuân ăm ắp những từ láy gợi hình, gợi thanh, gợi cảm: mưa “riêu riêu”, gió “lành lạnh”, rét “ngọt ngào”, đêm xanh “biêng biếc”, tiếng trăng “thủ thỉ thì thầm”, nhựa cây “rạo rực”, mùi hương “man mác”, mặt nước “lung linh”, ruộng rau xanh “ngăn ngắt”, tươi “hơn hớn”, thú giang hồ “êm ái”… Không hiếm những câu văn ba, bốn từ láy dắt díu, xô đẩy nhau khiến cho lời văn rất thơ: “Từ mùa đông qua Tết cho đến hôm nay, áo quần giấu mất hết cả thân hình đều đặn, núng nính, nõn nường của người vợ bé nhỏ có đôi má đỏ hây hây mùi cốm giót.

Tập tùy bút sử dụng nhiều các phương thức chuyển nghĩa như các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, chuyển đổi cảm giác… Vũ Bằng tỏ rõ sở trường sử dụng so sánh để diễn tả những cảm xúc và trạng thái vốn rất khó diễn đạt bằng lời: “nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai”, “anh thấy lòng anh cũng căng lên một thứ nhựa như cây cỏ và hình như có những bàn tay bé nhỏ mơn man trái tim anh lúc ấy đập mạnh hơn vì máu chảy dồn dập và nóng hổi”… Hình ảnh ẩn dụ cũng độc đáo vì lạ: tháng Hai “hoa rét còn đọng ở lộc cây, ngọn cỏ”, ngày lập xuân “thời tiết sao mà đĩ thế”, Tết – “cô mặc cái yếm xanh” v.v…

Lời văn Thương nhớ mười hai thi vị với câu văn dài, nhịp điệu đăng đối, thanh điệu hài hòa, bằng – trắc đan xen, vừa đưa lại phong vị cổ điển man mác vừa tạo cung bậc ngân nga hợp với tạng người lữ thứ tư hương: “Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân”. Tác giả không ngại viết câu rất dài, chỉ cốt gợi lên nỗi nhớ miên man vẻ đẹp bất tận của mùa xuân nẻo Bắc: “Tôi yêu hết và tôi nói là tôi yêu hết; yêu ngọn cỏ gió đùa, mây trôi lãng đãng, ngọn núi đồi sim, nhựa cây mạch đất, yêu con sâu cái kiến nằm co ro trong tổ bấy giờ trỗi lên tìm lá mới hoa non, yêu cô gái mặc quần lĩnh hoa chanh lại cài một cánh hoa hồng trên mái tóc, yêu con bướm đa tình bay lượn trên giàn hoa thiên lý, cái áo nhung xanh nổi bật lên trong vườn quýt đỏ, cam vàng, trông mới lại càng yêu những giọt mưa bé tỉ ti đọng lại trên nhung mướt làm cho người đẹp óng a óng ánh như thiên thần trong mộng”….

Xưa nay, người lữ thứ hướng về hương quan thường mượn cảnh thu muộn, chiều tà để ký thác nỗi sầu xứ. Nhân vật trữ tình Thương nhớ mười hai lại chọn thời khắc bắt đầu (buổi sáng, phút giao mùa như “hoa mới nở, bướm ra ràng”, như “cánh con ve sầu mới lột”…) hoặc trạng thái sức sống viên mãn nhất (tươi thì “tươi hơn hớn”; xanh thì “xanh biêng biếc”, “xanh ngăn ngắt”). “Mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến” trinh nguyên như “cô mặc cái yếm xanh” và đa tình như “người đàn bà mặc áo xanh” trở đi trở lại trong cơn chiêm bao thiêm thiếp. 

Đi vào thế giới mùa xuân Thương nhớ mười hai, bạn đọc rất ngỡ ngàng bởi cái nhức nhối của niềm ly hương như một vết thương không liền kín miệng lại được hóa giải bằng tình điệu thiết tha, nồng nàn về vẻ đẹp ngời ngời của một thời đã qua và một miền không gian đã mất. Bao thế hệ độc giả đã, đang và sẽ đọc những trang ký của Vũ Bằng thụ cảm “khúc nhạc hồn non nước thấm nhuần”, để “thấy lòng yêu nước, yêu đất đai xứ sở của con người giăng mắc, vấn vương từ muôn ngàn sự việc ngỡ như bình thường, nhỏ nhoi, vô cớ, không đâu mà lại thắt buộc bền chắc cả đời người” (Bích Thu)3

                                                                                                C.D.T

 

1 Tô Hoài (1991), Vũ Bằng “Thương nhớ mười hai”, Tạp chí Văn học (số 1).

2 Vũ Bằng (2008), Bốn mươi năm nói láo (Tái bản lần thứ hai), Nxb Lao động, Hà Nội.

3 Phan Cự Đệ (chủ biên) (2004), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 

Bài viết khác cùng số

Cô Mùi – Trần Quốc CưỡngChùm truyện nhỏ cho các em của Thanh QuếBốn Chỉnh – Vũ Đức Sao BiểnChùm thơ của Hồ Thế HàHạc phù dung – Nguyễn Thị Anh ĐàoVăn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn TiếngNghĩ về tâm, tầm lãnh đạo và lòng dân - Sương Nguyệt MinhVăn hóa người Đà Nẵng - Dân HùngTín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương MaiXuân không mùa - Huỳnh Viết TưNhững cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công MinhNhững mùa xuân im lặng kéo qua đời …- Tùy bút của Văn Công HùngKhoai! – Hồ Duy LệAnh Đũi - Trần Đức TiếnDê Thần - Trần VănAi vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công DụngTiếng mùa xuân – Vương Phạm Tâm CaSông Hàn chiều cuối năm - Trần Huy Minh PhươngChiều tháng Chạp - Nguyễn Bá HòaGiao mùa - Lê Huy HạnhThoáng xuân nghiêng - Nguyễn Thánh Ngãim lặng ngày xuân – Đinh Thị Như ThúyVề thăm quê buổi giao mùa – Trương Đình ĐàngMột mình - Hoàng Hương ViệtMùa Xuân - Nguyễn Xuân TưChiều ba mươi bên sông Hàn - Nguyễn Văn TámChờ Xuân – Trịnh Bửu HoàiSố phận của nhà thơ – Nguyễn Đông NhậtHoa cải vàng bay - Mai Hữu PhướcMùa đông về phố - Trần Ngọc MỹMùa riêng - Nguyễn Hoàng SaGiọt sương còn đọng môi mềm - Thy LanMột mình - Lê Thanh MyChùm thơ Nguyễn Ngọc HạnhVề miền ký ức riêng tư - Nguyễn Nho Thùy DươngNgôi sao số phận tôi – Nguyễn HoaTiếng nổ - Nguyễn Minh HùngNắng từ quê nội – Nguyễn Nhã TiênDặm chiều – Ngân Vịnh Nhà tôi có cây mai chưa trổ - Nguyễn GiúpNụ tình xuân - Nguyễn Miên ThượngMỹ Khê- Quê xưa gồng gánh hoa vàng – Võ BiênChạnh lòng – Nguyễn Thành LongMột quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã TiênVẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành VănNét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân TrìnhNhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm TrâmNỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ NguyênHọa sĩ Vũ Dương: biển với mùa xuân – Trần Trung SángNghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần HồngNSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình QuangBài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng ĐạtMột câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê HuânCuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan