Hạc phù dung – Nguyễn Thị Anh Đào
1. Đó là một buổi chiều trời hạnh nguyên trong vắt nắng. Tôi nhắm mắt lại giữa ngổn ngang tâm trạng và nhận ra những con hạc giấy đa sắc đang chao liệng trước mặt. Tất cả gần trong tầm tay. Tôi đuổi bắt, chân vấp ngã trên những bậc tam cấp cũ úa vàng. Mọi thứ ảo diệu và mơ màng đến nỗi tôi tưởng mình đang bị mê hoặc trong một giấc mơ. Tôi nhẩm đếm. Tất cả có một nghìn lẻ năm con hạc giấy màu đỏ. Nàng đã xếp bao đêm để có được số hạc giấy nhiều như vậy để minh chứng cho tâm hồn, tình yêu của nàng dành cho tôi? Nàng đã mất bao nhiêu nước mắt để dấu vào từng con hạc những tâm tư chôn chặt đáy lòng mà chưa bao giờ tôi biết được trọn vẹn? Những con hạc giấy bay lên trong màu hoa phù dung hồng rợp cả hàng rào bao quanh ngôi nhà yên tĩnh. Cảm giác mất mát xoáy vào tim tôi. Nhức buốt. Nàng hiện lên, nụ cười hiền đến mê hoặc, mái tóc vấn thành lọn bỏ lửng sau lưng. Nàng cũng ảo diệu như cánh hạc kia, như màu hoa phù dung kia. Tôi ôm trọn mẹ con nàng trong tay, như một giấc mơ có thật. Tôi bấu mạnh vào tay mình. Không phải giấc mơ, vì cô bé đang ở trong tay tôi và cất tiếng gọi tôi “Bố ơi”.
… “Cho tôi đến nhà số 18, đường Ngõ Hạnh…”, tôi nói khi bước lên taxi. Người tài xế nhanh tay mang hành lý của tôi bỏ gọn sau cốp xe. Anh ta không quên mở bản nhạc của Phú Quang dịu nhẹ. Tôi nhẩm theo lời nhạc cho đến khi chiếc taxi dừng lại trước con phố quen. Nhà nàng ở đây, trong ngõ phố có bạt ngàn hoa phù dung rất đẹp. Loài hoa đã ám ảnh tôi từ dạo tôi để sẩy trái tim mình trong đôi mắt đen láy của nàng. Tôi đứng đó, ngẩn người nhìn vào khoảng sân rộng phía bên trong cánh cổng. Tôi đang tìm tôi hay tìm lại hình bóng của nàng trong trí nhớ mơ hồ. Chợt khựng lại trên những đóa phù dung màu hồng phấn đang nhẹ lay trong gió. Loài hoa đẹp kiêu sa ấy như đang ẩn chứa điều bí ẩn tôi cần. Bỗng từ đâu đó trong ký ức sâu thẳm của tôi, lời tiên tri của bà lão bán nước trước cổng chùa từng nói năm nào vẳng lại, rằng số tôi không yên phận trong tình yêu được. Bởi tình yêu của tôi là một đóa hoa phù dung đỏ. Tôi phải lấy vợ muộn sau bốn mươi tuổi hoặc sẽ đứt gánh nửa chừng nếu tôi cưới sớm…Cánh cổng nhẹ nhàng mở rộng trước mắt tôi, người giúp việc dáng nhỏ gầy, đưa đôi mắt nhìn tôi loáng nghi ngại. “Cậu tìm ai?” “Thưa, cháu hỏi thăm Dung”, “Cô ấy đã rời khỏi ViệtNammấy hôm rồi, mời cậu vào nhà”.
- Cậu mời nước.
- Dạ
- Trước hôm đi, cô chủ có nói với tôi việc cô ấy đợi một người bạn. Tôi đoán chắc đó là cậu. Nhưng vì nhiều lý do nên cô chủ không thể nán lại thêm ngày nào nữa. Cô bay sang Mỹ để kịp làm đám cưới vào hôm nay.
- Dạ, cháu biết điều này rất khó, nhưng Dung không để lại cho cháu lời nhắn nào, thưa bác?
- Có, cậu đợi tôi một lát.
Khi người đàn bà giúp việc quay lại, trên tay là một cái hộp màu hồng kèm lá thư. Tôi đón nhận, tim đập loạn nhịp. Nàng để lại cho tôi một nghìn lẻ năm con hạc giấy màu đỏ xinh xắn và mấy lời nhắn ngắn gọn, rằng nàng đã không đợi được tôi về. “Quân à, em phải đi. Em muốn anh dọn đến ngôi nhà này, ở trong phòng của em. Em muốn anh lập gia đình và sống đầm ấm trong chính ngôi nhà này”, đó là lời cuối thư nàng viết. Tôi thấy những nét chữ nhòe ướt vì nước mắt. Tôi chắc nàng đã khóc khá nhiều khi viết cho tôi những lời tận đáy lòng này. Chắc những đêm một mình cô đơn, nàng đã thức trắng để gấp những con hạc giấy này chăng. Đột nhiên tôi linh cảm trên những con hạc giấy hồng đó có thấm nước mắt, cả máu của nàng. Hàng trăm con mắt hạc cứ chằm chằm nhìn vào tôi. Mỗi ánh mắt nhắn một lời như hàng trăm mũi dao đang cắm sâu vào tim tôi. Đó là lời oán trách, lời giận hờn, nhưng nhiều nhất vẫn là những yêu thương. Tim tôi nhói đau. Tôi mở cửa, bước nhanh ra ngoài hiên. Trong vườn, đã quá trưa, hoa phù dung héo úa. Thời tiết đang mùa xuân mà sao bức bối. Tôi rơi vào trạng thái lơ lửng, đôi chân khó đạp lên mặt đất với một nỗi cô độc đến tội nghiệp. Ngoài kia, cuộc sống tất bật trôi, đoàn người vẫn chen chân nhau đi trên mê lộ sóng, khói bụi và những lời quát tháo vang lên đâu đó. Bà đồng nát đi ngang qua, chiếc xe đạp cũ như không thể cũ hơn, với hai cái bao tải nặng những giấy báo, nói vọi vào nhà: “Cậu có chai bao gì bán không, tôi dọn dùm”. Tôi lắc đầu. Hai tay buông thõng. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, tôi mất định hướng. Tôi bước ra khỏi cánh cổng nhà nàng. Tôi không phải là cậu chủ ở đây và tôi không thuộc về nơi này.
2. Năm năm yêu nhau, tình yêu giản đơn là sự sẻ chia, chờ đợi. Dung của tôi hiền. Tôi chưa bao giờ so sánh nàng với ai ngoài mẹ mình. Với tôi, họ là hai người đàn bà đầy thân phận. Nàng nhân hậu. Nàng đẹp vừa đủ nhìn và duyên dáng vừa đủ ngắm. Nàng thuộc típ người phụ nữ cũ, ít chưng diện và thích những điều giản đơn. Tôi nhớ nàng. Nỗi nhớ quẩn quanh với một mùi hương đặc biệt quyến rũ toát lên từ gương mặt nàng, cơ thể nàng. Nỗi nhớ ám ảnh tôi trong những khát khao mãnh liệt của đàn ông. Tôi thèm cảm giác bình yên bên nàng. Được ôm trọn nàng trong vòng tay và thủ thỉ những lời nhẹ như mây trời, gió núi. Cái trạng thái đó khiến tôi thêm day dứt. Ly rượu rum đắng lịm trên môi, quán nhạc mở những bản tình khúc nhớ. Cảm giác cô độc choán lấy hết tâm trí tôi. Cảm giác đó dẫn tôi về với nụ hôn đầu tiên tôi đã đặt lên môi nàng, vào một đêm mùa đông. Lúc có những cơn mưa đầu mùa rấm rắc trên đường về. Lúc nàng mặc chiếc áo sơ mi trắng tinh khiết chạy xe cạnh tôi. Nhưng bây giờ thì đã muộn. Tôi đã không về kịp để hôn tạm biệt nàng. Để được nhìn vào mắt nàng. Tôi ước chi lúc đó mình có thể tan loãng và bốc hơi như không khí ngoài kia. Nàng đã đi. Nhẹ từng bước chân xuống bậc tam cấp, chiếc váy hồng vẩy nhẹ. Nàng đi thật. Không phải chỉ là những lời nói bóng gió ngày nào, mà bằng chính lời nàng nói, mắt nàng nhìn và bàn tay nàng lạnh.
Tôi tạm thu xếp công việc về thành phố lúc trời nhá nhem tối. Những chuyến công tác dài ngày ở các huyện miền núi nhiều khi làm tôi mệt nhoài. Đôi khi tôi cũng tập làm quen với thứ men rượu để thử say, thử quên những ngày dài. Nhưng không có liều thuốc nào có thể giải tỏa dùm tôi những lo lắng, đôi khi nó hiện hữu ngay cạnh tôi, trong giấc ngủ, cả những giấc mơ chập chờn. Ở núi mãi, quen với bóng đêm của núi, quen với nhịp điệu đêm chập chội trong căn phòng nhỏ, quen với những trận mưa rừng, quen với núi rừng, tiếng chim…nên khi vừa bước xuống xe đò, nơi ngoại ô thành phố, điều đầu tiên tôi bị choáng ngợp là ánh sáng. Hàng ngàn bóng điện đủ loại kéo thành vệt dài ôm trọn cung đường vào thành phố. Ngoài kia biển cũng có những mắt đêm đang dõi theo nhịp phố biển xanh xao màu hoa muống biển. Tôi bị choáng. Vì cũng đã khá lâu tôi không trở về, dù rằng đã biết bao lần nàng nhắn gọi cho tôi trong ngóng đợi. Với biết bao nỗi nhớ thương vô bờ mà như cách nàng tả, thì đó là những lúc nàng cô đơn tận cùng, là lúc nàng thấy mình bức bối vì vò võ đợi chờ tôi. Nàng đã đến đây nhiều lần với đầy ắp khát khao. Tôi cũng đã không bao giờ đánh đổi những giây phút bình yên, đánh đổi tâm hồn và thể xác đã vĩnh viễn bên nàng để có thể chọn lựa một ai khác. Tôi đã ngàn lần cảm ơn những mùa đông có nàng, cho cuộc đời tôi không bấp bênh và tôi đủ chín chắn để vượt qua từng ngưỡng đời rất chật. Cho ngọn gió chướng trong tôi có chốn lặng yên để không tung quẫy ngoài kia. Tôi dừng chân ở bến nàng - nơi có bạt ngàn phù dung đơn sắc.
Căn phòng trọ của tôi ẩm thấp vì thiếu hơi người. Chiếc ổ khóa đã lâu không ai mở, gặp mưa, lại ghỉ sét. Tôi loay hoay mở cửa. Tôi như chính khách lạ trong căn nhà trọ đời mình. Sự bừa bộn của ngôi nhà khiến tôi buột miệng cười. Thời sinh viên đã trôi qua hơn mười năm rồi mà tôi vẫn muốn nán lại, vẫn muốn say với nhóm bạn trong những đêm cùng thức khuya làm đồ án. Muốn tung tẩy với bạn bè trong những ngày vui bất tận vì mấy trăm nghìn tiền học bổng. Và thèm trở lại ký túc xá sinh viên để cùng nghêu ngao đàn ghita với những ngày giảng đường đầy vơi kỷ niệm. Tôi ghét cái mùi ẩm mốc ấy nhưng chính nó lại gợi cho tôi một khoảng trời bình yên còn mãi. Chỉ còn những ký ức ở lại, đôi khi thon thót hiện về, rủ tôi đi lang thang. Thả mình trên chiếc giường vẫn còn mùi ẩm mốc, tôi nhớ nàng. Biết rồi có còn bao nhiêu buổi sáng trong lành như thế. Nàng ngồi đợi tôi ở góc quán ấy. Đã thành thói quen, đường quen, chủ quán quen. Mọi thứ bắt đầu tươi mới như một ngày nàng thức dậy. Năm giờ sáng đã chạy bộ trên đường biển. Lúc đó là lúc nàng đã nhớ tôi. Thời gian. Đôi khi tôi biết nàng hao gầy vì nhớ. Tình yêu là thứ mật mà càng chưng cất, càng cô đặc, càng buồn. Nỗi nhớ trong nàng không phải là thứ hào nhoáng ngược chiều, không phải là thứ gì đó phù du của tuổi trẻ. Mà nỗi nhớ đã mắc cạn ngay trong trái tim. Ngưng ở đó. Nàng đã không ít lần quyết chiến với bản thân về việc phải rời xa nỗi nhớ đó. Quên bẵng đi. Xóa hết đi. Thả trôi sông. Thả trôi biển. Nhưng mà đôi mắt tôi, nụ cười tôi, những lời tâm sự nhẹ bẫng lại hun đúc trong tận thẳm sâu trí nhớ, tận cùng mạch máu của nàng. Cháy hết. Nàng khóc. Tôi biết có hai con người trong nàng hằng đêm. Một người sống với bổn phận. Một người sống với tình yêu. Nàng đã chọn cả hai và nuôi cả hai trong một tâm hồn. Đôi khi sự nhạy cảm lại là thước đo cho nhiều thứ khác mà nàng không dễ nhận ra, hoặc nàng cố tình không nghĩ đến. Trên thế gian này, người ta vẫn yêu nhau trong những hoàn cảnh tưởng không thể có. Người ta vẫn sống vì nhau trong những điều kiện khắt khe tưởng chừng không thể bước qua. Có một ngày trở gió. Nàng nghe lòng mình lặng yên trong thổn thức. Nàng trôi như một ngọn gió ngược mùa. Nàng cũng muốn để tâm hồn mình mãi thế. Nuôi trong mình hai con người với một trái tim yêu thương nồng ấm. Nàng cũng nghĩ rằng tôi đến với nàng bằng tất cả những rung cảm của một đời người. Nhưng nàng hay tin lời tôi nói, rằng em đã đúng khi chọn sự lặng im thay cho sự ồn ào. Em cứ bình yên như thế, em cứ hãy lặn vào tim tôi. Tôi day dứt còn nàng đã đôi lần làm tôi buồn trong nỗi đau tột cùng khi chạm vào miền sâu thẳm. Những lần đó, Nàng đã lớn thêm trong tình yêu tôi. Nàng từng viết cho tôi những dòng nhật ký đầy tâm trạng: “Em từng sầu khổ vì yêu. Mãi đến tận bây giờ vẫn còn đau đớn. Anh ấy nói với em trong điện thoại một vài câu vô cảm cuối cùng. Rồi từ đó anh sắt đá đến độ em sợ hãi trước sự lạnh lùng im lặng ấy. Không níu kéo được gì nữa. Mãi đến sau này em vẫn còn thấy lạc lõng và chênh vênh ghê gớm. Không dám nhận tình yêu của ai cả. Sợ hãi! Từ khi em gặp anh, đôi khi em có những cơn khát bất ngờ. Mọi thứ trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết. Đó chính là lúc em làm anh buồn. Em cảm nhận được hết những điều đó. Đôi khi em thấy mình thật già nua, cũ kỹ như một cái gì đó mà người khác có thể vứt bỏ vào sọt rác hay nằm trộn lẫn với bao nhiêu thứ rác rưởi khác của cuộc sống. Nên em giận mình. Đôi khi em như một người chẳng hiểu anh. Không cần anh. Đến độ tưởng chừng như chỉ một lúc thôi, vài giây đồng hồ, em lại òa khóc như chưa bao giờ được khóc. Lại nức nở với mớ bòng bong mình đã tự chuốc vào thân. Mọi thứ bệ rạc và hao hút. Trơ khốc đắng. Mỗi sáng khi thức dậy, mỗi tối khi chìm vào giấc mơ, em vẫn luôn nghĩ về anh. Đôi khi thôi, em ước mình nhắm mắt lại và không bao giờ mở ra nữa. Khi đó em sẽ thanh thản bay đi…”.
Tôi vùng dậy. Giấc mơ chia đôi nỗi buồn cùng niềm hy vọng sẽ còn gặp lại nàng, biết đâu đó sẽ có một sớm mai hiền nàng trở về?
3. Lộc nhắn tôi về sớm có việc gấp, rất cần và không thể chậm trễ. Tôi chiều lòng đứa em, cũng là người đồng nghiệp tôi tin tưởng bấy lâu. “Anh Quân, mối tình đầu của anh là người đàn bà hóa đá hay sao? Hay đó là một nữ thần tình ái? Hay là một nàng lọ lem? Bây giờ anh hãy mở lòng để sống, ngoài kia có bao cô gái đang chờ”. Lộc ngồi nói như một người trưởng thành trước mặt tôi. “Chú cứ ngồi tưởng tượng làm gì. Chú lo phần chú đi”. Tôi mắng lại nó mà lòng đắng lịm. Lúc dọn nhà, Lộc tìm thấy những con hạc giấy tôi đã cất kỹ bấy lâu. Rồi nó bỏ cả ngày trời tỉ mẫn xâu lại thành chuỗi, treo đầy vách ngăn giữa phòng. Đã mười năm nay tôi không về lại phố Ngõ Hạnh, tôi cũng đã quên màu hoa phù dung trên con phố đó như quên một kỷ niệm buồn. Trái tim tôi cũng không mỉm cười đối với một người đàn bà nào khác. Ai cũng bảo tôi khó tính. Tôi lao vào công việc. Thấy tôi thở dài, thằng Lộc cười bí ẩn “Liệu anh có còn đợi chị ấy không?”. “Cái thằng, mày nghĩ vớ vẩn gì thế, thôi thay đồ, ra quán kiếm gì ăn, anh đói lắm rồi”. “Không, chiều nay có người đang đợi mình. Anh theo em”.
Nói rồi Lộc phốc lên con ngựa sắt 67, nó hếch cái mũi bảo tôi lên xe. Nó vừa huýt gió vừa đạp nổ máy xe. Tôi không nghi ngờ gì cái tính của cậu em mình. Lâu lâu nó lại trở chứng cố làm cho tôi vui sau những ngày tôi vất vả ở công trường. Nó chạy xe về con phố quen, khi tôi đang cố sức đoán xem điều gì bí mật, Lộc đã dừng xe trước cổng ngôi nhà số 18, đường Ngõ Hạnh. Không để tôi kịp phản ứng, Lộc nháy mắt, “Em có người quen ở đây, hôm nay họ mời em đến thiết kế lại ngôi nhà. Em muốn tham khảo thêm ý kiến của anh cho đồ án của mình. Ok?”. Dứt lời, Lộc nhấn chuông. Tôi chưa hết ngạc nhiên thì nàng xuất hiện. Vẫn cái dáng hiền ngoan như ngày nào, vẫn mái tóc ngang lưng uốn vài lọn thả lấp lửng. Tôi nhận ra mùi hương quen. Nàng gọi tên tôi nhẹ trong gió thoảng “Anh Quân…!”. Rồi chợt như nhớ ra điều gì đó, nàng nhanh miệng “Mời hai anh em vào nhà”.
…
Dù bây giờ trên con phố Ngõ Hạnh người ta đã trồng loài cây khác. Chúng tôi đã không ở lại con phố này. Tôi đã lấy bản vẽ thiết kế nhà của Lộc năm nào để xây lại một ngôi nhà mới. Nàng và tôi đã quên một chùm ký ức ngọt lành ở đó. Chiều chiều tôi lại chở con gái mình đi dạo ngang phố cũ rồi chạy vòng ra biển. Con bé vẫn hay hỏi tôi trên đời này có loài chim hạc hay không, chim hạc ở đâu và bao giờ thì tôi dắt con bé đến đó. Tôi đã né tránh câu hỏi của con bé, chỉ đơn giản tôi biết mình vừa bước vào thế giới của trẻ thơ. Và mình còn dại khờ hơn con trẻ!
Những con chim hạc hồng nuôi hy vọng về hạnh phúc ngày nào tôi và nàng đều cất kín trong tim. Nàng thường đùa, phải chi hồi ấy nàng về sớm hơn để tôi không phải sống mồ côi vợ nhiều năm như thế. Lửa thử vàng, còn nàng thì thử tình yêu tôi bằng thời gian và khoảng cách với một hình hài đang lớn dần trong cơ thể. Tôi đã vô tâm với nàng nhiều năm như thế nếu không có Lộc gọi tôi về năm đó. Có những mùa đông nguyên lành hoa phù dung trong tôi. Như điểm tựa để tôi biết cuộc sống còn bao điều quý giá và vĩnh cửu, bắt đầu bằng hạc phù dung.
N.T.A.Đ