Cô Mùi – Trần Quốc Cưỡng
1.Từ dạo đồi Da Đá được mở đường phục vụ công trình thủy điện Sông Đăng, xóm Cồn như người con gái đẹp ngủ quên trong rừng bị đánh thức. Con đường đất ba zan giống như con rắn từ dưới thị trấn Vạn Sơn trườn lên. Đường đi tới đâu nhà mọc tới đó. Người ta mở quán nhậu ì xèo với những bảng hiệu màu mè: “Hồng Dương”, “Ngọc Dương”, “Song Dương”, “ Sư Phụ”, “Dê Bảy Món”, “Dương Dê Mùi”… với gà móng đỏ móng xanh dập dờn, sập sận, nói cười nhoay nhoáy.
Trưởng ban quản lý dự án thủy điện Sông Đăng là một trung niên thân thể chắc nịch như vận động viên thể thao. Nổi bật là hàm râu con kiến đen nhánh và nụ cười dễ mến. Anh ta tên là Tu (Hoàng Trùng Tu). Khu tái định cư xóm Cồn quyến rũ Tu bởi đặc sản dê bảy món, rượu dê, gái chân dài và có cả những chú dê hiền lành. Dân xóm Cồn nuôi dê thả đồi. Nguồn thức ăn vô tận của dê là các loại lá cây, vỏ cây, chồi non sẵn có trong thiên nhiên. Dê sinh sản nhanh, ít bệnh, thích nghi với khí hậu khắc nghiệt. Mỗi lần Tu đánh xe con lên thủy điện thế nào anh cũng bắt gặp vài đàn dê vô tư băng qua đường. Chúng thấy vật thể lạ liền đứng lại, ngẩng đầu, giương mắt lên nhìn. Tu giảm ga, mở cửa xe, nhấn còi pin! pin! Đàn dê đáp trả: be! be! khiến anh bật cười sảng khoái.
Quán Dương Dê Mùi níu giữ đôi chân của Tu chưa hẳn do mấy em xinh như mộng, ánh mắt đa tình, nụ cười lẳng lơ mà còn do ba chữ “Dương Dê Mùi” gợi chút tò mò gắn liền với cô Mùi, con bà chủ quán. Dương cũng là dê, dê cũng là dê và mùi cũng là dê, cớ sao người ta không đặt quán “Tam Dê” nhỉ? - Tu tự suy diễn vẩn vơ.
Chưa đến 14 giờ, quán Dương Dê Mùi đã ồn ã. Tiếng dô! dô! Tiếng ly tách va vào nhau rôm rốp. Cô bé chân dài, váy ngắn, da trắng như bông, môi hồng như mận cười tình: “Anh Tu lúc nào cũng ăn mặc đẹp trai như tài tử LinZhiying. Bà chủ quán mới nhắc đến anh là có ngay, thiêng thật!”. Tu cười khìn khịt: “Anh giống tài tử điện ảnh Hàn Quốc sao My không thương anh?”. Cô bé tiếp viên cấu vào lưng gã, cười rúc rích: “Anh xạo vừa thôi. Đẹp trai, hào hoa như anh khối người đẹp để mắt tới. Em hổng dám trèo cao. Anh Tu ngồi chỗ kia nhé?”. Cô bé xăm xăm tiến về phía cây bàng. Tu gật đầu, lịch thiệp: “Cảm ơn em! Cứ bố trí chỗ đó nha. Anh còn mấy người bạn đến sau”. My luôn miệng vâng dạ. Gặp khách sộp như Tu, cô sẽ được tiền “boa” hậu hĩnh. Trong lúc cô bé còn đang loay hoay lau bàn, sắp ly, Tu thả bộ ra sau quán. Nơi có một căn phòng bài trí sang trọng chẳng thua gì các phòng VIP ở nhà hàng cao cấp. Phòng VIP đâu có gì đáng quan tâm nếu ở đó không có một giai nhân mà Tu thường gọi là “Nữ Hoàng Sắc Đẹp”. Cô ấy là Mùi, con bà chủ quán. Một cái tên theo Tu thật oan uổng đối với một người đẹp. Mùi lấy chồng năm hai mươi tuổi, chưa kịp hưởng trọn vẹn tuần trăng mật thì chồng cô qua đời vì tai nạn giao thông. Cô bé chưa nhận lời yêu ai, ngoài những tin nhắn ỡm ờ cho cư dân mạng với cái nickname vào loại “độc” không đụng hàng: “NGƯỜI ĐÀN BÀ HƯ HỎNG”. Mùi mê “lướt web” như người ta mê đánh bài tứ sắc cầm con bồ, con sỹ chờ con tướng để tới quan. Khách đến Dương Dê Mùi ngày càng đông vì cô Mùi xinh đẹp góa chồng. Rượu vào lãng mạn bay cao, các chàng lần lượt tìm cớ rời bàn nhậu lẻn đi chiêm ngưỡng đóa hồng nhung đã một lần ngậm lấy sương mai. Mùi dán mắt vào laptop, nhưng giác quan “thứ sáu” vượt trội lại “bắt sóng” ở bên ngoài. Mùi biết đang có những đôi mắt đắm đuối nhìn gương mặt kiều diễm của mình. Nàng tinh quái, mắt nai ngơ ngác đánh gục bao gã si tình. Thế gian này làm sao kể hết đàn ông dại gái?
Tu cũng tơ tưởng Mùi. Khác chăng, gã biết tự kiềm chế cảm xúc, chứ không nguyện làm con thiêu thân. Tu chiếm được cảm tình của Mùi qua bà Lan, mẹ Mùi. Mỗi lần đến ngày mồng Tám tháng Ba, Hai Mươi tháng Mười là có xe Bưu điện thành phố mang hoa và bánh sôcôla của Tu đến tận quán Dương Dê Mùi. Những món quà không có sức nặng về vật chất, nhưng đủ làm rung động con tim của phái yếu. Tu là người được “đặc cách” vào phòng VIP của Mùi mà không cần báo trước. Gã dợm những bước chân dẻo mềm như mèo rình chuột. Ngờ đâu Mùi bật cười khanh khách: “Em bắt được cán bộ trong giờ làm việc lẻn đi chơi rồi nha!”. Tu cười gượng, giả lả: “Còn anh bắt được Nữ Hoàng Sắc Đẹp tỏ tình trên mạng mùi mẫn quá trời”. Trên màn hình máy tính hiện lên ảnh của một gã con trai mặt còn non choẹt mang cái nickname thật buồn cười: “ANH VẪN CÔ ĐƠN”. Mùi đang mở Hanggout liên lạc với bạn tình ảo. Bất chợt cô bé tay rời bàn phím, chu môi tím son Hàn Quốc, cử chỉ thật đáng yêu: “Cư dân làng Google + làm “thơ tình không có tuổi” sến quá anh ơi! Có một số người khơi khơi chôm thơ của người khác làm thơ của mình. Chỉ có ảnh trên Google + là vô cùng độc đáo! Anh Tu có chơi facebook, có siêng lên mạng không?”. Tu đứng sau lưng Mùi cười xòa: “Anh ngại 3s, 4t lắm nữ hoàng ạ! Anh chỉ yêu quý cái kho tri thức vô tận của thằng “Gồ”, nhờ hắn trợ giúp kiến thức phục vụ chuyên môn”. Mùi đang rê chuột, bỗng quay sang Tu, cười cợt: “Anh lắm chuyện. Ba s, bốn t là giống gì nào?”. Tu biết mình lỡ lời, sợ mất điểm với người đẹp, gã đâm bậy một giáo cho qua ải: “Thì anh nghe nhà quản lý mạng họ nói thế”. Anh thừa biết Mùi cũng sành sến, sex, sốc và tiền, tình, tù, tội là các quái chiêu mà nhà mạng dùng để câu View đối với các game thủ, cư dân mạng, đáp ứng thị hiếu tầm thường của những kẻ vô công rỗi nghề.
2.Trong ba mươi tám món đặc sản dê ré (dê chưa thay răng, thịt chắc, ít mỡ), Tu khoái khẩu món nầm dê và đùi dê nướng tảng. Vì nầm dê thịt ở phần vú dê, nơi tiết ra sữa để nuôi con nên rất ngon và bổ. Còn đùi dê nướng tảng là phần thịt non tơ, săn chắc rất hấp dẫn.
Ba người bạn của Tu, mỗi người chọn một món hợp khẩu vị. Ngọc thích óc dê hấp lá cải, Quốc thích chân dê hầm thuốc Bắc. Thuần khoái dê nhúng mẻ. My có tình ý với Tu. Cái hay, sự tinh tế của My là thích một người vẫn không làm mếch lòng nhiều người. Ly thứ nhất My mời riêng Tu dốc đáy. Ly thứ hai My mời cả bốn người. Ngọc cười tưng tửng: “Em cho anh đổi ly”. Nàng trúng kế Ngọc, trao ngay ly bia cho khách: “Dạ, vâng ạ!”. Ngọc giở trò: “Môi của em ở chỗ nào?”. Cô bé thoáng nhìn Tu, đỏ mặt: “Dạ, chỗ đó anh”. Ngọc dễ dàng xác định vị trí mà người đẹp đặt môi, vì cái ly có quai. Anh ta cười khòng khọc: “Chỗ đây đúng không em?”. Vừa nói, Ngọc vừa nâng ly uống một hơi dài trông rất đã, môi nhóp nhép ra vẻ còn thèm khát. Mọi người phá lên cười.
Cuộc nhậu đang tới hồi cao hứng, bỗng dưng im bặt như ca sỹ đang hát bị cúp điện khi Mùi xuất hiện. Nàng mặc áo sơ my trắng dài tay, đóng thùng chiếc quần vải thun màu cánh kiến, mặt đẹp như Đức mẹ Maria. Cách ăn mặc kín đáo của Mùi vẫn có sức quyến rũ người khác giới bởi những đường nét lồ lộ trên thân thể son trẻ với bước đi rồng rắn. Sắc đẹp liêu trai hớp hồn rất hợp với giọng nói rót mật của Mùi: “Em chào mấy anh! Chúc mấy anh ngon miệng. Lần sau nhớ đến ủng hộ cho quán của em nha!”. Nói xong, cô bé tiến lại chỗ Tu đang ngồi, trao mảnh giấy, kèm với nụ cười khả ái: “Địa chỉ email của em đó. Tối nay anh Tu email bài thơ “Tình Cuối” cho em nha!”. Dứt lời, Mùi cúi đầu chào khách rồi đi ngay. Cuộc nhậu được “đóng điện” trở lại. Thuần oang oang: “Thằng Tu có số đào hoa thật! Tớ đến đây nhiều lần, nhưng chưa có lần nào em Mùi ra chào một tiếng. Vậy mà…”. Quốc cười hô hố, điền ngay vào cái khoảng lấp lửng của Thuần: “Dạ, em xin bái phục sư phụ Tu được người đẹp trao lời ước hẹn”. Mỗi người tán một câu khiến Tu vui cười hớn hở. Chỉ có riêng My là nỗi buồn hiện trên khóe mắt. Có lẽ cô bé nghĩ cùng là con gái mà Mùi được nhiều người ngưỡng mộ, riêng cô giống một kẻ thừa.
Rồi các món ăn cũng được đầu bếp mang ra. Mùi thơm nhức mũi. My gắp thức ăn vào chén cho từng người và không quên nhiệm vụ làm khách vui lòng, khi nỗi buồn của cô thoáng qua như làn khói: “Em mời mấy anh cạn ly!”. Tu đang lẩm nhẩm hai câu thơ trong bài “Tình Cuối” mà Mùi yêu thích: “Tình thứ mấy đâu còn quan trọng nữa/ Khi chúng mình là tình cuối của nhau”. Anh chàng cầm ly bia giơ lên cụng với My mà hồn vía gởi đâu đâu. My tinh ý, ghé tai nhắc khéo: “Khi ta bên này lại nhớ bên kia”.
Tu bỗng thấy thương My lạ. Có lẽ kiếp trước của cô sinh ra ở gần lò nấu rượu, gần những con bợm nhậu nên kiếp này Cô phải hầu hạ, cợt nhả với khách để sinh tồn. Người ta uống nhiều bia mất nhiều tiền. My uống nhiều bia để được nhiều tiền. Cái tỷ lệ nghịch ấy cứ diễn đi, diễn lại ngày này qua ngày khác. Khi mỗi cuộc tiệc tàn, My phải nôn ọe, ngả nghiêng thảm hại.
My gắp thức ăn cho các bạn Tu, cô bé chợt nhíu mày, lẩm bẩm: “Để người ta ăn một miếng rồi quảng cáo không được sao?”. Tu định hỏi My phàn nàn điều chi, chợt thấy cô bé mặc bộ váy đỏ cũn cỡn với chai rượu trên tay đến sát bên tự lúc nào. Một giọng Huế như gió đêm sông Hương rì rào: “Dạ, em cảm ơn quý khách đã ủng hộ quán Dương Dê Mùi. Quán của chúng em hiện có đặc sản độc nhất vô nhị Ngọc Dương Tửu Thượng Hạng Gia Truyền Phong Ký giúp quý khách bổ thận, tráng dương. Mỗi ngày quý khách uống một chung nhỏ vào buổi tối trước lúc ăn cơm vợ sẽ khen ngay. Quý khách muốn lấy lòng sếp, ngọc dương tửu sẽ giúp quý khách! Quý khách muốn lấy lòng bố vợ tương lai, ngọc dương tửu sẽ giúp quý khách!”
3.Thủy điện Sông Đăng điện năng theo thiết kế là 1.000 megawatt, gồm bốn tổ máy có công suất 125.000 lilowatt. Hôm khánh thành nhà máy, Tu đạo mạo như cụ non, mặc veston, thắt càravát, đầu tóc xịt keo bóng lộn, nụ cười thường trực trên môi, hoan hỉ đón khách. Còn giờ đây khi cái chức Trưởng ban quản lý dự án tự mất đi, lòng gã buồn vô hạn. Tu buồn vì bao tâm huyết, công sức của mình chưa mang lại lợi ích thiết thực cho người dân quanh vùng thủy điện. Nơi Tu đã từng đứng trước đám đông hô hào: “Bà con mình hãy vì lợi ích của đất nước mà di dời nhà cửa đến khu tái định cư. Nhà nước sẽ chăm lo chu đáo nơi ăn chốn ở, giải quyết việc làm cho bà con. Khi nào xây dựng xong thủy điện Sông Đăng sẽ hòa vào điện lưới quốc gia, góp phần phát triển kinh tế dân giàu, nước mạnh. Những dòng điện Sông Đăng như những dòng máu từ trái tim của bà con ở đây chảy vào mạch nguồn Tổ quốc”. Tu còn nhớ cụ Bốn Thành, một lão làng nhà ở gần thủy điện hồ hởi: “Cán bộ Tu nói đúng đấy bà con. Có thủy điện Sông Đăng, bà con mình sẽ đổi đời. Có điện là có tất cả!”. Ngày khánh thành thủy điện, Hoàng Trùng Tu do có công vận động giải phóng mặt bằng nhanh vượt kế hoạch để xây dựng thủy điện nên được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Lần này trở lại xóm Cồn, Tu đến quán Dương Dê Mùi vào lúc vắng khách. Tu sợ mọi người lên án Tu đã lừa gạt họ. Bà Lan, mẹ của Mùi vừa thấy Tu đã reo lên vui sướng: “Ôi! Thằng Tu! Cháu đến rồi ư! Bấy lâu nay cháu đi đâu biệt tích? Con Mùi nó nhắc cháu luôn!”. Tu cười buồn: “Cô ấy đã yên bề gia thất rồi còn nhớ đến cháu làm chi nữa?”. Bà Lan ngồi xuống ghế salon, tay chống cằm, vẻ mặt thoáng buồn: “Yên cái nỗi gì hả cháu? Thằng chồng của nó nối lại tình xưa với cô vợ cũ. Con Mùi bây giờ như người ở đợ không bằng. Trước đây, bác nhiều lần khuyên can nó đừng có chát chiếc, nó không nghe. Thằng chồng nó bây giờ gặp nhau qua mạng tơ nét, tơ nít. Khổ thân con bé hồng nhan bạc phận”.
Tu nghe như có cơn bão lòng đang dâng lên. Mùi từng chê những bài thơ sến trên Google +, nhưng cũng chính Mùi lại mắc phải cái cách tỏ tình ảo của thơ sến. Mùi kiếm tìm một tình cuối để có bờ vai nương tựa suốt đời nào có được. Thật tội nghiệp cho em!
T.Q.C