Tín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương Mai

04.02.2015

Tín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương Mai

Mùa xuân năm nay, dạo qua những đường phố Đà Nẵng, chúng ta sẽ nhận ra thành phố thật sự khởi sắc. Đó không chỉ là những cây cầu uốn lượn đa dạng, tạo nên cảnh quan độc đáo trên sông Hàn. Đó không chỉ là công viên giải trí mới mẻ hiện đại, thu hút sự thích thú của khách muôn phương đến tham quan. Mà đó còn là sự đồng thuận, đồng tâm hiệp lực trên nhiều lĩnh vực của người dân Đà Nẵng tạo nên một sức bật mới cho thành phố, đón chào năm "Văn hóa-Văn minh đô thị 2015".

 

Đáng chú ý, dọc con đường Lê Duẩn, xuân này đã hình thành nên những khu phố chuyên doanh thật quang đãng, gọn gàng. Các loại dây điện, mạng viễn thông, truyền hình cáp hầu như đã được quy hoạch đưa vào bể ngầm dưới vỉa hè, phô hiện các biển hiệu thương mại rực rỡ màu sắc. Bên các lối đi, ghế ngồi nghỉ, biển chỉ dẫn, thùng rác công cộng, hệ thống đèn trang trí… đều được bố trí phù hợp, phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm, tham quan của du khách và người dân.

Không xa lắm nơi đây, trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng (đoạn ngang qua địa bàn 2 phường Nam Dương và Bình Hiên), giờ đây trở thành khu phố kinh doanh điểm tâm. Số lượng món ăn khá phong phú như: mỳ Quảng, bánh xèo, bánh tráng cuốn thịt heo, phở, bún bò, bún xương bò, bánh bèo, bánh canh, cao lầu, bò né, cháo lòng, cháo trắng – cá cơm kho, cà phê, giải khát… Nhiều người dân sinh sống ở đây tin tưởng, trong tương lai, tuyến đường này sẽ phát triển thành tuyến phố chuyên về ẩm thực của Đà Nẵng, dẫu vẫn không tránh khỏi lo nghĩ: “cái khó là phải làm sao để phục vụ nhu cầu rất đa dạng của nhiều đối tượng khách”.

Ông Lê Anh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Hải Châu cho biết, dựa trên ngành nghề kinh doanh của dân và cơ sở kế hoạch của thành phố, quận đã đưa ra các giải pháp để người dân phát triển đường Lê Duẩn thành khu phố chuyên doanh thời trang và phố ẩm thực điểm tâm Huỳnh Thúc Kháng nhằm bước đầu tạo thương hiệu thu hút nhiều khách nội thành cũng như thêm địa điểm tham quan, mua sắm của khách du lịch trong và ngoài nước. Sau thời gian thí điểm, sắp đến Uỷ ban nhân dân quận sẽ quyết định việc kẻ vạch giới hạn dưới lòng đường để có nơi đỗ xe cho phương tiện giao thông 2 bánh; hạn chế ôtô, nhất là ôtô đưa khách đoàn đến dùng điểm tâm; cấm bán dạo một số mặt hàng để tạo không gian thoải mái, lịch sự cho khách dùng bữa, không bị quấy rầy. Đối với các hộ chuyên doanh, quận vẫn đang tư vấn, giới thiệu và hướng dẫn bà con làm thủ tục để tiếp cận các kênh vốn cho vay ưu đãi từ ngân sách (vay xóa đói giảm nghèo; Quỹ vay giúp chị em phụ nữ nghèo làm kinh tế hộ), từ hệ thống ngân hàng chính sách xã hội thành phố.

Bí thư Quận Ủy Đặng Việt Dũng cũng bày tỏ niềm hy vọng:“Nếu đã tạo được thương hiệu rồi thì nhất định nhân dân thành phố, các tỉnh bạn, rồi du khách cũng sẽ tìm đến. Gắn với việc dạo chơi mua sắm ở khu vực nội thành, rồi đây các tuyến phố chuyên doanh sẽ thu hút du khách trải nghiệm về ẩm thực với giá cả bình dân; đi mua sắm ở những nơi đáng tin cậy”

 

***

 

Năm mới 2015. Từ những ngày đầu Tết Dương lịch, người dân Đà Nẵng lại càng xôn xao thêm trước tin vui mới: đồ án thiết kế kiến trúc Bến du thuyền Đà Nẵng với ý tưởng mới, ấn tượng và tạo sự bứt phá về thiết kế kiến trúc đô thị Đà Nẵng mà nhà đầu tư cam kết sẽ triển khai thi công và hoàn thành, đưa vào sử dụng ngày 29-3-2015. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đề xuất được phát triển thêm dự án về quy hoạch và thiết kế kiến trúc. Cụ thể, bổ sung thêm quy hoạch tổng thể mặt bằng dự án có cầu tàu đa năng 2 tầng, với tầng 1 khai thác dịch vụ, tầng 2 làm sân đỗ trực thăng hoặc ngọn tháp hải đăng cao 25 tầng. Chủ dự án có hai phương án triển khai thi công như xây dựng tháp Ai Cập hoặc thi công ngọn hải đăng. Lãnh đạo thành phố đã nhất trí về ý tưởng nhưng đề nghị có thêm thời gian khảo sát thực địa, đánh giá các tác động và nhu cầu thực tế để chấp thuận đầu tư dự án. Nếu điều đó trở thành hiện thực, bức tranh Đà Nẵng lại càng thêm sinh động biết bao!

Tuy nhiên, với chủ đề năm "Văn hóa-Văn minh đô thị 2015", Đà Nẵng đã và sẽ có hàng loạt công trình văn hóa được chính thức triển khai thi công cải tạo, nâng cấp làm mới như: Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà Văn hóa Thiếu nhi….                                     

 Đặc biệt, trong năm vừa qua, việc giữ lại vị trí đẹp nhất thành phố cũng như đầu tư xây mới không gian văn hóa đọc cho Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng là quyết định đúng đắn của lãnh đạo thành phố, được đông đảo người dân, nhất là người yêu văn hóa đọc hết sức ủng hộ. Ông Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc phụ trách Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng khẳng định, hiện nay thư viện đang nằm ở không gian văn hóa xứng đáng nhất. Đây không đơn thuần là nơi lưu trữ tài liệu, tri thức cho các thế hệ mai sau mà còn là địa điểm lý tưởng để đọc sách và là nơi gặp gỡ giữa những người yêu văn hóa đọc và biết trân trọng sách. Với ý tưởng kiến trúc “Những trang sách mở”, thư viện trong tương lai sẽ không khép kín, bí bách, tôn nghiêm như những thư viện thông thường, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng rồi đây sẽ là điểm đến hấp dẫn mọi đối tượng, lứa tuổi, là nguồn cảm hứng cho người đọc bởi không gian mở với cây xanh, cảnh quan hài hòa, sự đa dạng trong hệ thống sách, cũng như những hoạt động giới thiệu văn chương được tổ chức thường xuyên.

Hồi tháng 11/2014, sự kiện Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chính thức mở cửa, càng góp phần đem đến những tín hiệu khởi sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Đà Nẵng hôm nay. Theo đề án thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phê duyệt hoàn chỉnh, Bảo tàng sẽ được cải tạo, nâng cấp khối nhà 3 tầng hiện có (tại 78 Lê Duẩn) để làm cơ sở trưng bày, xây mới dãy nhà ngang cấp 4 hiện trạng lên 2 tầng để phục vụ công tác trưng bày chuyên đề ở tầng 1 và khu làm việc ở tầng 2, cải tạo sân vườn để làm khu trưng bày ngoài trời. Cụ thể, Bảo tàng sẽ trưng bày theo các chủ đề: mỹ thuật hiện đại, mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật dân gian truyền thống của Đà Nẵng và khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Điều đáng lưu ý, ngay trong bước đầu triển khai Đề án thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huỳnh Đức Thơ không tránh khỏi băn khoăn, đã đặt câu hỏi cho các nhà chuyên môn và cơ quan quản lý chuyên trách: “Xây Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng xong rồi, làm sao để thu hút người dân và du khách tham quan?”. Cùng chia sẻ với niềm trăn trở này, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng bày tỏ: “Dù hiện nay, quỹ tác phẩm của chúng ta hầu như chưa có gì, nhưng không phải vì thế mà chạy theo số lượng, ai hiến tặng gì cũng đem trưng bày tại bảo tàng. Nhất thiết chỉ chọn và trưng bày những tác phẩm có giá trị, chất lượng. Người ta chỉ đến tham quan bảo tàng nếu ở đó có các tác phẩm có giá trị, mang tính nghệ thuật cao …”. Nhiều họa sĩ cũng nêu đề nghị: “Trước mắt,  mỗi họa sĩ nên chọn 3 bức tranh mà mình tâm huyết nhất, tham gia trưng bày triển lãm. Sau đó, hội đồng thẩm định chọn những tác phẩm có giá trị và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ mua lại với mức giá tượng trưng để trưng bày. Trong các đợt mở trại sáng tác, nên mời các họa sĩ có tên tuổi cả nước cùng tham gia để có những tác phẩm chất lượng”.

Ông Hà Thanh Vân, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, theo kế hoạch, thông qua các đợt triển lãm, các cuộc thi, trại sáng tác để hình thành nguồn tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng; đồng thời vận động hiến tặng, thỏa thuận mua lại với giá hữu nghị; trao đổi với các bảo tàng lớn như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh… Trong giai đoạn từ năm 2014-2017, dự kiến sưu tầm 200 tác phẩm với mức kinh phí đầu tư 4 tỷ đồng. Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chỉ đang lưu giữ 148 tác phẩm ký họa, tranh cổ động của cố họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh, 1 tác phẩm vẽ về danh thắng Ngũ Hành Sơn của họa sĩ Thế Vinh, tác phẩm phù điêu bằng gốm sứ của tác giả Hoan Trang cùng một vài tác phẩm của một số họa sĩ ở các tỉnh trong khu vực hiến tặng.

Tham gia trong cuộc triển lãm giới thiệu kết quả Trại sáng tác mỹ thuật 2014 mang chủ đề “Cuộc sống và con người Đà Nẵng” đánh dấu một trong những hoạt động đầu tiên của sự ra đời Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, trao đổi với chúng tôi, họa sĩ Ca Lê Thắng (thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, ông rất vui được tham gia Trại sáng tác đợt này, đặc biệt là khi tác phẩm của mình được xét chọn  nằm trong những tác phẩm đầu tiên góp mặt vào bộ sưu tập của Bảo tàng. Nhà điêu khắc Phạm Hồng, nguyên là người lãnh đạo hoạt động mỹ thuật Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), ngoài những sáng tác của mình, ông còn là người sưu tập nhiều tác phẩm giá trị của các họa sĩ nổi tiếng như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Hoàng Kim, Hà Xuân Phong…nhắc lại, việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã được đề nghị từ những năm 1980, nhưng mãi đến hôm nay mới thành hiện thực. Suốt thời gian ấy đã có biết bao tác phẩm giá trị tại địa phương lọt vào tay những người sưu tầm tranh là người nước ngoài. Ông nói: “ Thời đó, tôi đã đề nghị mua những bức tranh của các họa sĩ tài hoa cùng thời Bùi Xuân Phái cho thành phố nhưng không thành. Tôi tiếc nuối nhưng số tiền chỉ đủ mua được vài bức cho riêng mình. Gần đây, nhiều người tìm đến hỏi mua lại với giá khá cao nhưng tôi đều từ chối. Tôi giữ lại là để dành cho người dân thành phố, tôi sẽ xem xét hiến tặng một vài tác phẩm giá trị nói trên”.

 

***

 

Đà Nẵng trước ngưỡng cửa những ngày đầu năm mới, trong biết bao niềm vui cũng pha lẫn chút nỗi buồn ngẫu nhiên. Đó là, đúng vào thời gian này trùng với thời điểm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến hoàn thành nhiệm vụ về nghỉ hưu. Trong những lời chia tay và chúc mừng năm mới 2015 cùng toàn thể  cán bộ, bà con cử tri Đà Nẵng, ông Chiến bày tỏ: “Vẫn còn đó những việc tôi làm dang dở, những dự án, đề án chưa thực hiện được, những ấp ủ cho một tương lai không thể khác đi là Đà Nẵng phải phát triển thành đô thị hiện đại… Còn rất nhiều việc phải làm, và tôi rất tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố, nhất là người kế nhiệm làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục những gì còn dang dở mà tôi chưa kịp làm …”.

Giã từ năm cũ, chào đón năm mới 2015. Chúng ta hy vọng, những lời gửi gắm của ông Văn Hữu Chiến sẽ trở thành hiện thực, để Đà Nẵng tiếp tục phát triển vươn lên cao hơn, nhanh hơn, sớm trở thành một thành phố động lực, một trung tâm kinh tế – xã hội của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Bài viết khác cùng số

Cô Mùi – Trần Quốc CưỡngChùm truyện nhỏ cho các em của Thanh QuếBốn Chỉnh – Vũ Đức Sao BiểnChùm thơ của Hồ Thế HàHạc phù dung – Nguyễn Thị Anh ĐàoVăn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn TiếngNghĩ về tâm, tầm lãnh đạo và lòng dân - Sương Nguyệt MinhVăn hóa người Đà Nẵng - Dân HùngTín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương MaiXuân không mùa - Huỳnh Viết TưNhững cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công MinhNhững mùa xuân im lặng kéo qua đời …- Tùy bút của Văn Công HùngKhoai! – Hồ Duy LệAnh Đũi - Trần Đức TiếnDê Thần - Trần VănAi vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công DụngTiếng mùa xuân – Vương Phạm Tâm CaSông Hàn chiều cuối năm - Trần Huy Minh PhươngChiều tháng Chạp - Nguyễn Bá HòaGiao mùa - Lê Huy HạnhThoáng xuân nghiêng - Nguyễn Thánh Ngãim lặng ngày xuân – Đinh Thị Như ThúyVề thăm quê buổi giao mùa – Trương Đình ĐàngMột mình - Hoàng Hương ViệtMùa Xuân - Nguyễn Xuân TưChiều ba mươi bên sông Hàn - Nguyễn Văn TámChờ Xuân – Trịnh Bửu HoàiSố phận của nhà thơ – Nguyễn Đông NhậtHoa cải vàng bay - Mai Hữu PhướcMùa đông về phố - Trần Ngọc MỹMùa riêng - Nguyễn Hoàng SaGiọt sương còn đọng môi mềm - Thy LanMột mình - Lê Thanh MyChùm thơ Nguyễn Ngọc HạnhVề miền ký ức riêng tư - Nguyễn Nho Thùy DươngNgôi sao số phận tôi – Nguyễn HoaTiếng nổ - Nguyễn Minh HùngNắng từ quê nội – Nguyễn Nhã TiênDặm chiều – Ngân Vịnh Nhà tôi có cây mai chưa trổ - Nguyễn GiúpNụ tình xuân - Nguyễn Miên ThượngMỹ Khê- Quê xưa gồng gánh hoa vàng – Võ BiênChạnh lòng – Nguyễn Thành LongMột quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã TiênVẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành VănNét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân TrìnhNhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm TrâmNỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ NguyênHọa sĩ Vũ Dương: biển với mùa xuân – Trần Trung SángNghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần HồngNSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình QuangBài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng ĐạtMột câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê HuânCuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan